Tranh luận trực tiếp - Nét đặc trưng của bầu cử Tổng thống Mỹ
Hà Nội (TTXVN 1/7/2024) Sự kiện đáng chú ý trong bức tranh toàn cảnh thế giới tuần qua là cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa hai ứng cử viên tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2024 là đương kim tổng thống Joe Biden của đảng Dân chủ và ông Donald Trump của đảng Cộng hòa, diễn ra vào sáng ngày 28/6/2024 (giờ Việt Nam).
Tranh luận trực tiếp trên truyền hình là một nét văn hóa đặc trưng trong bầu cử Tổng thống ở Mỹ. Các cuộc tranh luận được truyền hình trực tiếp tuy không quyết định đến kết quả bầu cử nhưng có tác động rất quan trọng để các ứng cử viên chứng tỏ tài năng và tầm nhìn của một vị tổng tư lệnh đất nước, thuyết các cử tri còn đang lưỡng lự chưa biết bầu chọn cho ứng cử viên nào. Do đó, màn thể hiện của mỗi ứng cử viên trong các cuộc tranh luận trực tiếp được cho là có tác động không nhỏ tới chặng đường hướng tới ngày bầu cử vào tháng 11 tới.
* Sự kiện quan trọng
Các cuộc tranh luận - đối kháng trực tiếp trên truyền hình vốn là một nét đặc thù của bầu cử Tổng thống Mỹ, đóng vai trò quan trọng trong việc thu phục những lá phiếu của các cử tri còn do dự. Không phải là những màn đăng đàn đầy ngẫu hứng, các cuộc tranh luận giữa ứng viên tổng thống hay phó tổng thống từ lâu đã được luật hóa và có những quy định đòi hỏi các nhân vật chính phải uyên bác trên nhiều lĩnh vực và bản lĩnh trình bày luận điểm trước công chúng. Mục đích của những cuộc tranh luận là để cử tri biết rõ về quan điểm của ứng viên đối với các vấn đề khác nhau của đất nước.
Trong lịch sử, cuộc tranh luận của các ứng cử viên Tổng thống Mỹ đầu tiên diễn ra vào năm 1960. Nhờ tranh luận mà ứng cử viên của đảng Dân chủ John F. Kennedy đã đánh bại được ứng cử viên Cộng hòa Richard M. Nixon tại Chicago. Cuộc tranh luận đầu tiên này đã thu hút 66 triệu người xem trong số 179 triệu dân, trở thành một trong những chương trình được xem nhiều nhất trong lịch sử truyền hình Mỹ. Từ đó đến nay, đã có không ít thời khắc mà các cuộc tranh luận làm thay đổi cục diện tranh cử. Cố Tổng thống Kennedy từng tuyên bố sau khi đắc cử rằng, ông sẽ không có chiến thắng nếu không có 4 cuộc tranh luận vào năm 1960.
Theo báo Guardian của Anh ước tính, trung bình mỗi cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên ở Mỹ thu hút 50-60 triệu khán giả theo dõi các trên toàn nước Mỹ. Các đài truyền hình Mỹ khi đó sẽ dành thời lượng phát sóng liên tục cho các cuộc tranh luận, không bị gián đoạn bởi các chương trình quảng cáo. Đây được xem là một trong những dịch vụ lợi ích cộng đồng hiếm có mà các đài truyền hình cung cấp. Năm 1980, các cuộc tranh luận giữa ứng cử viên Tổng thống Mỹ đã thu hút kỷ lục, đến hơn 80 triệu người xem trong số 226 triệu người dân. Sau đó, vào những năm 2000 trở đi, số lượng người theo dõi đã phần nào giảm đi, với 46 triệu người xem trong cuộc tranh luận đầu tiên vào năm 2000; hơn 67 triệu người cho cuộc tranh luận đầu tiên năm 2012…
Thông thường, các cuộc tranh luận trực tiếp được tổ chức vào giai đoạn cuối của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, sau khi các đảng chính trị đã đề cử ứng viên của mình. Các ứng viên (chủ yếu là của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa) gặp nhau tại một hội trường lớn, thường là ở một trường đại học, trước đông đảo khán giả. Định dạng (format) của các cuộc tranh luận không giống nhau, với nhiều câu hỏi đôi khi do một hoặc nhiều hơn một nhà báo với vai trò là người dẫn chương trình đóng vai trò điều tiết cuộc tranh luận.
Trong một số trường hợp, câu hỏi có thể do khán giả trong khán phòng đặt ra. Người điều khiển chương trình thường là một nhà báo truyền hình nổi tiếng. Từ năm 1988 đến năm 2000, format cuộc tranh luận được điều chỉnh bởi một biên bản ghi nhớ (MoU) bí mật giữa hai ứng viên chính. Tuy nhiên vào năm 2004, trước khi ra tranh luận, hai ứng viên cũng đã tiến hành thương thảo MoU, nhưng không như các thỏa thuận trước đó, nó được hai ứng viên đồng công bố.
Việc lựa chọn một địa điểm cho một cuộc tranh luận cũng là một vấn đề. Quê hương hoặc nơi cư trú của ứng viên bị loại khỏi danh sách lựa chọn tổ chức cuộc tranh luận. Và các cuộc tranh luận thường được tổ chức ở các trường đại học, cao đẳng nên trường mà các ứng viên từng theo học cũng bị loại khỏi danh sách địa điểm tổ chức.
Thời gian dành cho các ứng viên trong một cuộc tranh luận được phân chia đều nhau. Họ được dành cho một lượng thời gian như nhau để phát biểu mở đầu, kết thúc về các vấn đề và những gì khán giả nghe trong suốt cuộc tranh luận. Tính tự nhiên là yếu tố quan trọng nhất trong một cuộc tranh luận. Thiếu sự tự nhiên đáp lại những câu hỏi bám đuổi, các cuộc tranh luận cũng chẳng khác gì việc các ứng viên học thuộc thông cáo báo chí rồi “trả bài” trên sóng truyền hình.
Quan điểm thể hiện trong các cuộc tranh luận cũng nên là phi đảng phái, bởi vì các ứng viên phải thể hiện họ xứng đáng là tổng thống nước Mỹ trong tương lai chứ không phải là một lãnh đạo đảng phái nào. Theo các chuyên gia, một cuộc tranh luận lý tưởng là một cuộc tranh luận mở cho tất cả ứng viên tổng thống, những người đáp ứng đủ điều kiện, và format cuộc tranh luận nên công bằng với tất cả ứng viên tham gia. Điều này phụ thuộc rất nhiều ở người điều tiết cuộc tranh luận trung lập trong việc phân bổ thời gian, điều phối câu hỏi...
Nhìn chung, các cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình của các ứng cử viên tổng thống Mỹ có ý nghĩa vô cùng quan trọng và có tác động lớn tới quyết định bỏ phiếu cuối cùng của cử tri. Trong chiến dịch vận động tranh cử hiện đại, các cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình đã trở thành nơi - và có lẽ là duy nhất - cử tri được đối xử với sự tôn trọng, khi các ứng cử viên trực tiếp trả lời câu hỏi của cử tri; cũng là nơi mà các ứng cử viên tổng thống của các chính đảng cùng nhau đứng trên một mặt trận, trong tình thế ngoài tầm kiểm soát của họ, không có sự sắp đặt trước của đội ngũ vận động tranh cử chuyên nghiệp. Điều quan trọng là sau các cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình, gạt bỏ những đoạn quảng cáo vận động tranh cử, những gì đọng lại trong cử tri sẽ dẫn dắt họ tới quyết định cuối cùng khi chọn bỏ phiếu cho ứng cử viên nào.
* Cán cân sau màn tranh luận đầu tiên
Tối ngày 27/6/2024 (sáng ngày 28/6/2024 theo giờ Việt Nam) đã đánh dấu màn đối đầu trực tiếp đầu tiên trong chiến dịch tranh cử năm 2024 giữa Tổng thống Joe Biden (81 tuổi) và người tiền nhiệm là cựu Tổng thống Donald Trump (78 tuổi). Chương trình do hai người dẫn chương trình nổi tiếng Jake Tapper và Dana Bash của CNN chủ trì tại thành phố Atlanta, bang Georgia. Sự kiện này được coi là sớm nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại, là một trong hai cuộc đối đầu đã được các bên thống nhất trước đó. Tại đây, hai ứng cử viên đã trình bày các quan điểm chính sách khác biệt và tranh luận sôi nổi một loạt vấn đề chính sách. Ngoài nội dung tranh luận, dư luận còn đặc biệt quan tâm đến phong thái và khả năng phản ứng, tranh luận nhạy bén khi cả hai ứng cử viên năm nay đều đã rất cao tuổi.
Thông thường, các cuộc tranh luận thường bắt đầu vào tháng 9 hoặc đầu tháng 10. Tuy nhiên, trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế tổng thống năm nay, hồi tháng 5/2024, Tổng thống Joe Biden đã đăng “thách thức” người tiền nhiệm ông là Donald Trump trên mạng xã hội X. Trong video nói trên, ông Biden cho biết: “Tôi đã chấp nhận lời mời tham gia cuộc tranh luận vào ngày 27/6 của CNN. Đến lượt ông, Donald Trump. Như ông đã tuyên bố sẵn sàng tranh luận mọi lúc mọi nơi”. Và ngay lập tức, ông Trump cũng nói trên mạng X: “Câu trả lời là Có, tôi chấp nhận tham gia cuộc tranh luận này”.
Theo CNN, các cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên Tổng thống Mỹ thường thu hút hàng chục triệu khán giả xem truyền hình trực tiếp, tiềm ẩn cả cơ hội và rủi ro cho cả các ứng cử viên. Năm nay, màn đối đầu được xem khá kịch tính, khi hai ứng cử viên đang có tỷ lệ ủng hộ rất sít sao.
Tại cuộc tranh luận ngày 28/6 vừa qua, hai ứng cử viên đã không có bài phát biểu mở đầu mà bước vào tranh luận luôn. Với mỗi câu hỏi, từng ứng cử viên có 2 phút để trả lời, sau đó là 1 phút dành cho việc phản bác. Người điều phối có thể quyết định cho thêm các ứng cử viên 1 phút để phản bác hay không. Micro của các ứng cử viên có chế độ tắt tự động và chỉ được bật khi đến đúng lượt phát biểu của từng người. Ngoài ra, hai ứng cử viên không được mang theo những ghi chú viết sẵn hoặc đạo cụ lên sân khấu tranh luận, thay vào đó được cung cấp giấy bút và nước uống.
Và không như những lần trước, cuộc tranh luận năm nay không có khán giả trực tiếp. Năm nay, các quy định nghiêm ngặt của kênh truyền hình CNN, nhất là quy định tự động ngắt micro đối với người không phát biểu, đã khiến cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên tổng thống thiếu những thời khắc bùng nổ, đẩy cảm xúc của người xem truyền hình lên cao trào. Tuy nhiên, không vì thế mà màn tranh luận giữa Tổng thống đương nhiệm Biden và cựu Tổng thống Trump kém phần hấp dẫn.
Theo các nhà quan sát, trong cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên của chiến dịch bầu cử tổng thống năm nay vừa diễn ra tại thành phố Atlanta (bang Georgia) ngày 27/6, hai ứng cử viên Joe Biden của đảng Dân chủ và Donald Trump bên phía đảng Cộng hòa đã có những màn đấu khẩu nảy lửa, thể hiện quan điểm khác biệt về một loạt vấn đề chính sách, từ cách ứng phó với đại dịch COVID-19, hiệu quả điều hành nền kinh tế, công ăn việc làm, quyền nạo phá thai, cuộc chiến chống lạm phát, an ninh biên giới, nhập cư, cho tới các vấn đề đối ngoại như cuộc chiến thuế quan với Trung Quốc, xung đột ở Ukraine, quan hệ với các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), chính sách với Iran, hay cách thức xử lý cuộc xung đột hiện nay giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine… Trong đó, chủ đề được tranh luận nhiều liên quan tới hiệu quả điều hành kinh tế, chống lạm phát và tạo công ăn việc làm. Cựu Tổng thống Trump đã công kích đương kim Tổng thống Biden khiến nền kinh tế số 1 thế giới phải hứng chịu tỷ lệ lạm phát cao kỷ lục, thị trường việc làm ảm đạm. Song Tổng thống Biden cho rằng chính quyền của ông đã đưa nền kinh tế Mỹ thoát khỏi "bóng ma" suy thoái vì những chính sách sai lầm của người tiền nhiệm, kéo tỷ lệ thất nghiệp từ mức rất cao là 15% xuống chỉ còn khoảng 4% như hiện nay...
Theo thăm dò dư luận do CNN tiến hành ngay sau khi kết thúc cuộc tranh luận, phần lớn khán giả theo dõi đánh giá tỷ phú Trump đã có màn thể hiện tốt hơn so với Tổng thống Biden, với tỷ lệ lần lượt là 67% và 33%. Bên cạnh đó, 57% số người được hỏi nói rằng họ không tin vào khả năng lãnh đạo đất nước của Tổng thống Biden, 44% nói họ không thực sự tin tưởng vào khả năng ông Trump sẽ trở thành tổng thống.
Phát biểu vận động tranh cử tại bang North Carolina một ngày sau cuộc tranh luận, ngày 28/6, Tổng thống Biden thừa nhận bản thân đã có màn thể hiện chưa tốt, song khẳng định ông vẫn đặt trọn niềm tin vào khả năng giành chiến thắng và sẽ không rút khỏi cương vị ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ.
Dự kiến cuộc tranh luận trực tiếp thứ hai sẽ diễn ra vào ngày 10/9 tới. Những sự kiện này hứa hẹn có thể trở thành khúc cua quyết định, mang tính bước ngoặt trong chiến dịch bầu cử tổng thống năm nay./.
Trọng Đức (tổng hợp)