Tư liệu về chủ quyền biển đảo Việt Nam từ nhiều nhà hàng hải, giáo sỹ phương Tây
Hà Nội (TTXVN 21/4/2020)
Sách trắng của Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố năm 1982 dẫn các nguồn tư liệu lịch sử có ghi rõ một số sự kiện như sau:
Một giáo sỹ phương Tây đi trên tàu Amphitrite từ Pháp sang Trung Quốc năm 1701, viết trong một lá thư rằng: “Paracel là một quần đảo thuộc vương quốc An Nam.”
J.B. Chaigneau, cố vấn của vua Gia Long, năm 1820 đã viết trong phần chú thích bổ sung vào cuốn Hồi ký về nước Cochinchine: “Nước Cochinchine mà nhà vua bấy giờ đã lên ngôi hoàng đế gồm xứ Cochinchine và xứ Đông Kinh (1)… một vài đảo có dân cư không xa bờ biển và quần đảo Paracel do những đảo nhỏ, ghềnh và đá không có dân cư hợp thành…”
“Ghi chép về địa lý nước Cochinchine” xuất bản năm 1837, cũng mô tả “Pracel hay Paracels” là phần lãnh thổ nước Cochinchine và nói rõ người Cochinchine gọi Pracel hay Paracels là “Cát Vàng.”
Giám mục J.L.Taberd, trong “An Nam đại quốc họa đồ” xuất bản năm 1838, ông đã vẽ một phần của Paracel và ghi “Paracel hay Cát Vàng” (Paracel seu Cát Vàng) ở ngoài các đảo ven bờ miền trung Việt Nam, vào khu vực quần đảo Hoàng Sa hiện nay.
Trong bài “Địa lý vương quốc Cochinchina” của Gutzlaff xuất bản năm 1849, có đoạn nói rõ Paracels thuộc lãnh thổ Việt Nam và chú thích cả tên Việt Nam là “Kát Vàng.”
Như vậy, các sách lịch sử, địa lý cổ của Việt Nam cũng như chứng cứ của nhiều nhà hàng hải, giáo sỹ phương Tây kể trên đã cho thấy, từ lâu và liên tục trong hàng mấy trăm năm, từ triều đại này đến triều đại khác (từ thời chúa Nguyễn, nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn) đã thực thi chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa dưới các hình thức và biện pháp khác nhau như thành lập các đội Hoàng Sa, Bắc Hải để vãng thám, kiểm tra kiểm soát; khai thác các sản vật, cứu tàu bị nạn; khảo sát, đo vẽ bản đồ; dựng miếu thờ, lập bia chủ quyền, trồng cây để cho người qua lại dễ nhận biết…
Các thể lệ tuyển chọn người, chế độ khen thưởng, đãi ngộ đối với các đội đều được quy định rõ ràng. Ví dụ như Vua Tự Đức (1867) đã phong cho những chiến sỹ đội Trường Sa hy sinh danh hiệu “Hùng binh Trường Sa.”
Công việc ở Hoàng Sa và Trường Sa là vô cùng gian nan nguy hiểm, nhiều trường hợp có đi mà không có về. Ý thức được đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm với quê hương đất nước, nhiều người tự nguyện coi đó là trách nhiệm của chính mình.
Lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa được nhiều triều đình phong kiến trước đây xác lập, thực thi nhất quán và liên tục; cùng bao công sức, thậm chí cả tính mạng của nhiều thế hệ người dân đất Việt./.
(1) Tức Đàng ngoài
- Từ khóa:
- Biển đảo Việt Nam