Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của Đảng ta và nhân dân ta
Hà Nội (TTXVN 18/5/2023) Ngày 18/5/2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 01-KL/TƯ về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của Đảng ta và nhân dân ta, soi sáng sự nghiệp cách mạng, dẫn dắt mỗi bước đi lên và thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc làm cần thiết, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân ta.
* Từ khẩu hiệu “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”
Chủ trương học tập gắn liền với làm theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có từ rất sớm và đã góp phần làm nên những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử. Ngay sau khi Bác mất (ngày 2/9/1969), Đảng và Nhà nước ta đã đề ra khẩu hiệu hành động rất sát thực là “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Khẩu hiệu đó đã lôi cuốn sự tham gia của tất cả các tầng lớp trong xã hội, trong các phong trào “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Thi đua hai tốt”… góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Hội nghị Trung ương lần thứ 12 khóa IX có Kết luận số 39-KL/TW ngày 30/8/2005 về “Triển khai chỉ đạo điểm cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đúc rút kinh nghiệm để Bộ Chính trị ra chỉ thị tiến hành cuộc vận động lớn trong toàn Đảng về chủ đề này ngay sau Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng”. Đầu năm 2006, Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương tổ chức làm điểm Cuộc vận động tại các tỉnh: Hải Dương, Khánh Hòa, Bình Dương và các đảng ủy ở Trung ương là Đảng ủy Ban Dân vận Trung ương, Đảng ủy Khối Kinh tế Trung ương và Đảng bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trên cơ sở kết quả việc làm điểm, ngày 7/11/2006, Bộ Chính trị khóa X ban hành Chỉ thị 06-CT/TW về tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Tiếp đó, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã yêu cầu đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cán bộ, đảng viên, của các chi bộ, tổ chức đảng và các tầng lớp nhân dân. Ngày 14/5/2011, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Chỉ thị 03-CT/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Kết quả thực hiện Chỉ thị số 03 đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI và Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Lần đầu tiên trong Văn kiện Đại hội XII, Đảng ta đã khẳng định xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh không chỉ về chính trị, tư tưởng, tổ chức, mà còn nhấn mạnh xây dựng Đảng về đạo đức. Đây cũng là lần đầu tiên “phong cách Hồ Chí Minh” được nhấn mạnh chính thức trong Văn kiện Đại hội Đảng. Ngày 15/5/2016, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Chỉ thị 05-CT/TW về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Điểm mới chính là gắn trọng tâm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW với công tác xây dựng Đảng, thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TW khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.
Nghị quyết Đại hội XIII xác định nhiệm vụ “đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, thực hiện thường xuyên, sâu rộng, có hiệu quả việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị”. Ngày 18/5/2021, Bộ Chính trị khóa XIII có Kết luận số 01-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Kết luận 01-KL/TW nhấn mạnh yêu cầu: Học tập và làm theo Bác để Đảng ta và mỗi đảng viên xứng đáng với vai trò, sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam và sự tin cậy của nhân dân. Xây dựng mối quan hệ gắn bó chặt chẽ hơn nữa giữa Đảng với dân, thực hiện có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, “trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân”, “xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”. Kết hợp chặt chẽ giữa học tập với làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, đơn vị và công tác xây dựng Đảng; giải quyết hiệu quả các khâu đột phá và các vấn đề trọng tâm, bức xúc trong thực tiễn.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành ý thức tự giác, trách nhiệm, niềm tự hào của đội ngũ cán bộ, đảng viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân Việt Nam.
* Đến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Từ Chỉ thị 06-CT/TW, Chỉ thị 03-CT/TW đến Chỉ thị 05-CT/TW và Kết luận 01-KL/TW, việc học và làm theo Bác đã được các cấp ủy, chính quyền, đơn vị, tổ chức cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, chương trình cụ thể, phát huy được sức lan tỏa sâu rộng trên mọi mặt của đời sống xã hội, ngày càng đi vào thực chất, dần trở thành việc làm thường xuyên, nền nếp, lối sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Theo kết quả điều tra dư luận xã hội tháng 3/2021 của Ban Tuyên giáo Trung ương, 71% số người được hỏi đánh giá việc thực hiện học tập và làm theo Bác đã khôi phục, củng cố lòng tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.
Học và làm theo Bác, nhiều phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả góp phần phát triển kinh tế-xã hội, chăm lo đời sống nhân dân như “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc”; “Thi đua quyết thắng”; “Vì an ninh Tổ quốc”...
Từ những phong trào này, có nhiều tập thể, cá nhân xuất sắc, các tấm gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu; nhiều sáng kiến, kinh nghiệm của tập thể, cá nhân đã được áp dụng trong thực tiễn lao động, sản xuất, khởi dậy tình cảm, động lực, tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc và mong muốn cống hiến, phụng sự đất nước của mọi tầng lớp xã hội.
Những câu chuyện về các tấm gương điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác, bằng những việc làm thiết thực đã và đang cổ vũ mọi người dân Việt Nam bước tiếp hành trình đầy vẻ vang, khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hình ảnh người giáo viên cao tuổi vẫn không một ngày ngơi nghỉ với công tác khuyến học, khuyến tài; hay cô giáo băng mình giữa dòng lũ đưa học trò tới lớp; người bác sĩ dành trọn cuộc đời vì sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, mang hạnh phúc đến với những gia đình thiếu vắng tiếng cười trẻ thơ, những trẻ em chịu ảnh hưởng của chất độc da cam; những cán bộ, chiến sĩ, doanh nhân, công nhân, nông dân, cựu chiến binh… sẵn sàng đến với miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, không quản khó khăn, nguy hiểm vì sự bình an và hạnh phúc của nhân dân… khiến chúng ta thực sự xúc động và trân trọng. Những tấm gương điển hình trong học tập và làm theo Bác đến từ nhiều ngành, nghề, địa phương khác nhau, song đều có một điểm chung, đó chính là mẫu mực nêu gương trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, luôn thể hiện bản lĩnh, khí phách kiên cường, sẵn sàng hy sinh vì nước, vì dân.
* Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - di sản tinh thần vô giá của dân tộc
Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc Việt Nam, Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Người chiến sĩ Cộng sản quốc tế mẫu mực, Danh nhân văn hoá thế giới. Những di sản Người để lại cho Đảng và nhân dân Việt Nam là vô cùng đồ sộ và quý giá, đó là Thời đại Hồ Chí Minh; Sự nghiệp Hồ Chí Minh và Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó, Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là di sản tinh thần vô giá để cán bộ, đảng viên và người dân thường xuyên học tập và noi theo.
- Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống các quan điểm, nhận thức, tư tưởng chỉ đạo rất cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cách mạng và con đường đi lên của cách mạng Việt Nam trong thời đại ngày nay. Đó là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định: "Nước Việt Nam là một, Dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi". "Thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ"; "Không có gì quý hơn độc lập, tự do"; "Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập". "Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành, nước ta có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế". "Nước độc lập mà Dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì". Vì vậy, độc lập phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội; giải phóng dân tộc phải gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người, tức là phải tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, Dân tộc Việt Nam có vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, điều quan trọng là phải phát huy được sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc, tập hợp được mọi lực lượng, dân tộc, tôn giáo, mọi người dân Việt Nam yêu nước.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản: "Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin, chủ nghĩa Mác - Lênin". Người khẳng định: Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân dưới sự lãnh đạo đúng đắn của một đảng cách mạng chân chính. Đảng có mạnh thì Dân tộc mới mạnh, vì Đảng là đội tiên phong, là người lãnh đạo của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của toàn dân tộc.
- Đạo đức Hồ Chí Minh: là đạo đức cách mạng, là những phẩm chất cao quý của một người cách mạng. Đó là: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Cần: Là cần cù, chăm chỉ, tận tuỵ, hết lòng hết sức vì công việc chung, vì nước, vì dân. Kiệm: Là tiết kiệm, không xa hoa, lãng phí, nhất là đối với của công. Liêm: Là thanh liêm, giữ liêm sỉ, danh dự, trong sạch, trong sáng. Chính: Là chính trực, ngay thẳng, khẳng khái, không quỵ luỵ, cúi luồn, giữ sĩ khí của một người quân tử, chính khách. Chí công vô tư: Là làm việc vì sự nghiệp chung, đặt lợi ích công lên trên hết, trước hết; không tư lợi, vụ lợi, không vì lợi ích riêng. Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, "quét sạch chủ nghĩa cá nhân". Vì "chủ nghĩa cá nhân là giặc nội xâm", "là kẻ thù hung ác"; "nó rất gian giảo, xảo quyệt, nó kéo người ta xuống dốc không phanh"... Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng. Người thường nói: "Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân".
- Phong cách Hồ Chí Minh: Là lối sống, tác phong khiêm tốn, giản dị, cầu thị, gần dân, trọng dân, tin dân, học dân, làm việc gì cũng vì lợi ích của nhân dân; là đầy tớ của dân chứ không phải "làm quan nhân dân", không được lên mặt "làm quan cách mạng". Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác học tập, ra sức tu dưỡng, rèn luyện để không ngừng nâng cao nhận thức, trình độ, trở thành những con người có văn hóa, có liêm sỉ, "tận trung với Đảng, tận hiếu với Dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng".
Trong bối cảnh hiện nay, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đã và đang tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, quyết tâm thực hiện cho được mục tiêu cao cả “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, như Người từng mong muốn./.
Phương Dung (tổng hợp)