Lan tỏa tinh thần ''Thi đua ái quốc'' của Chủ tịch Hồ Chí Minh

    Nhân vật liên quan

    • Chủ tịch Đảng (2/1951 - 9/1969); Tổng Bí thư (10/1956 - 9/1960)Hồ Chí Minh

Hà Nội (TTXVN 6/6/2023) Trong kho tàng tư tưởng vô cùng quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho dân tộc ta, có tư tưởng thi đua yêu nước. Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước vừa chứa đựng những giá trị khoa học, nhân văn cao cả, vừa bao hàm những giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, nhất là trong phong trào thi đua yêu nước hiện nay.

* Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước là hệ thống quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, được hình thành trên cơ sở tiếp thu, vận dụng sáng tạo những quan điểm cơ bản chủ nghĩa Mác-Lênin về thi đua, về thi đua xã hội chủ nghĩa, về vai trò của quần chúng và truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm của dân tộc, cùng đường lối, thực tiễn đấu tranh cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.  

Từ nội dung của “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” (ngày 11/6/1948), qua những bài nói, viết và sự chỉ đạo thực tiễn của Người, có thể rút ra một số điểm cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước như sau:

- Về quan điểm về thi đua: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng thi đua lên tầm tư tưởng, đường lối chính trị và phương pháp cách mạng. Theo Người thi đua là một trong những biện pháp của quá trình vận động cách mạng, có ý nghĩa sâu sắc, rộng lớn, thi đua không chỉ khơi dậy tiềm năng sáng tạo của con người, mà quan trọng hơn là cải tạo bản thân con người, nêu cao tinh thần yêu nước, tinh thần quốc tế, làm cho già, trẻ, gái, trai và tất cả các tầng lớp nhân dân, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, địa vị xã hội đều hướng tới mục đích chung. Thi đua để mọi người đều làm việc tốt hơn, nhiều hơn và “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và, những người thi đua là những người yêu nước nhất” (1).

- Về mục đích thi đua yêu nước: Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mục đích thi đua yêu nước là để thực hiện tốt nhiệm vụ chủ yếu của mỗi thời kỳ cách mạng trong tình hình và điều kiện lịch sử cụ thể. Như trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ mục đích thi đua yêu nước là “Diệt giặc đói, Diệt giặc dốt, Diệt giặc ngoại xâm” (2), để đem lại kết quả đầu tiên là: “Toàn dân đủ ăn, đủ mặc/ Toàn dân biết đọc, biết viết/ Toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới để diệt ngoại xâm/ Toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn” (3).

- Về nội dung thi đua yêu nước: phải toàn diện, phải xuất phát và phục vụ nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng, phải thiết thực, ở tất cả các lĩnh vực hoạt động của đất nước, gắn với nhiệm vụ cụ thể của từng ngành, từng cấp, hướng vào cải tạo và xây dựng con người mới, hướng vào giải quyết những vấn đề cơ bản thiết thực của nhân dân; thi đua phải gắn với công việc hằng ngày của mỗi người. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hóa. Thực hiện khẩu hiệu: “Toàn dân kháng chiến, Toàn diện kháng chiến” (4).

- Về cách tổ chức phong trào thi đua yêu nước: theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “Phải dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây: hạnh phúc cho dân” (5); các phong trào thi đua yêu nước cần phải đa dạng, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự giác, sáng tạo và sức lực của các tầng lớp nhân dân trong từng giai đoạn cách mạng.

- Về phương châm thi đua yêu nước: Người chỉ rõ: “thi đua chứ không phải ganh đua” nên cần phải đoàn kết, thân ái giúp đỡ lẫn nhau để đạt thành tích cao. “giúp đỡ những người và những nhóm còn kém theo kịp mức cao hiện nay”; thi đua phải gắn liền với công tác khen thưởng; khen thưởng là kết quả của phong trào thi đua; khen thưởng đúng người, đúng việc, kịp thời sẽ động viên, giáo dục và thúc đẩy phong trào thi đua phát triển liên tục.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, những hành động, việc làm của mỗi người trong phong trào thi đua yêu nước không phải là những việc làm cao siêu, khác thường, mà đó chính là những công việc rất đỗi bình thường hằng ngày của mỗi người, nhưng được làm với tinh thần yêu nước, tinh thần trách nhiệm, tận tâm, tận lực, tạo nên năng suất, chất lượng và hiệu quả của hành động. Với ý nghĩa đó, thi đua ái quốc là phong trào hành động thiết thực của tất cả mọi người dân, không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt công việc sang hay hèn, không phân biệt lứa tuổi, giới tính, chỉ cần ai có tinh thần yêu nước thì đều là những người tham gia và xứng đáng được tôn vinh. Người quan tâm giáo dục nhân dân ta “thi đua lấy tinh thần yêu nước làm gốc”, lấy lòng yêu nước thúc đẩy thi đua, nâng cao hiệu quả thi đua. Đồng thời, thi đua là hành động thiết thực, làm động lực phát huy lòng yêu nước, qua phong trào thi đua bồi dưỡng nâng cao lòng yêu nước, làm cho lòng "yêu nước phải tỏ ra trong công việc thực tế”, trong công việc hằng ngày, bằng hành động cụ thể trong lao động, sản xuất và chiến đấu.

Không chỉ phát động phong trào thi đua ái quốc mà Người còn theo sát từng bước đi của phong trào. Người nhấn mạnh: muốn thực hiện tốt và hiệu quả phong trào thi đua yêu nước, thì phải có phương hướng đúng và vững, nghĩa là phải nâng cao lòng yêu nước và giác ngộ chính trị của mọi người. Phải có kế hoạch tỉ mỉ, do từng đơn vị nhỏ, từng gia đình, từng cá nhân bàn bạc kỹ, hiểu biết thấu, vui vẻ làm. Nội dung của kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực, phải hướng phong trào đi vào thực chất, tránh hình thức và bệnh thành tích, sao cho những cá nhân điển hình xuất sắc được tuyên dương không chỉ là những người đại diện xứng đáng, tiêu biểu, tiên phong trong sản xuất và chiến đấu, mà còn là tấm gương về đạo đức cách mạng. Đồng thời, Người cũng chỉ ra rằng: để phong trào thi đua đạt hiệu quả cao thì phải có sự đánh giá, tổng kết thực tiễn, trên cơ sở đó rút ra những kinh nghiệm và đề ra những nội dung phù hợp sát với thực tiễn của phong trào. Người còn chủ trương đa dạng các hình thức thi đua khen thưởng nhằm biểu dương và nhân rộng nhiều hơn nữa những tấm gương điển hình. Bên cạnh hình thức tuyên dương anh hùng, chiến sĩ thi đua, Người còn đề xuất hình thức tuyên dương gương người tốt việc tốt, để những việc bình thường nhưng ích nước lợi dân được trân trọng và nhân rộng trong xã hội.

* Lan tỏa tinh thần “Thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Ðảng và nhân dân ta vận dụng sáng tạo trong từng giai đoạn cách mạng. Lịch sử cách mạng Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến giành độc lập và thống nhất cho Tổ quốc, qua thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và trên cả nước sau Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã in đậm hình ảnh các phong trào thi đua trên khắp các mặt trận, từ tiền tuyến đến hậu phương, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi lên miền ngược; trên khắp các lĩnh vực; ở mọi tầng lớp nhân dân, các ngành, các cấp.

Cả dân tộc ta đã đoàn kết một lòng, mỗi người tự giác làm việc, tùy theo sức của mình với phương châm: "nhiều mạch nước hợp thành con suối, nhiều con suối đổ ra các dòng sông "cuốn phăng bè lũ bán nước và cướp nước". Sức mạnh to lớn ấy, đã tạo nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử 1954, kết liễu chủ nghĩa thực dân cũ ngự trị trên đất nước ta gần trăm năm. Với Đại thắng mùa Xuân 1975, miền nam được hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối; Việt Nam trở thành chiến sĩ tiên phong đánh sập chủ nghĩa thực dân mới, đưa cả nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội. Thành tựu vĩ đại ấy bắt nguồn từ các phong trào thi đua mang dấu ấn lịch sử qua từng giai đoạn cụ thể: "Gió Đại Phong", "Cờ Ba Nhất", "Trống Bắc Lý"... trong những năm 60, thế kỷ XX. Tiếp đến là các phong trào thi đua "Ba sẵn sàng", "Ba đảm đang", "Ba quyết tâm" ở miền Bắc; phong trào "Đồng khởi", "Ba mũi giáp công", "Bám thắt lưng địch mà đánh" ở miền Nam trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước dưới khẩu hiệu thiêng liêng: "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", "Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt, vì thống nhất Tổ quốc"!...

Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đạt được nhiều thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử; uy tín, vị thế của đất nước trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Trong thành tựu chung của đất nước có sự đóng góp quan trọng của các phong trào thi đua yêu nước. Mọi tầng lớp nhân dân trong cả nước sôi nổi hưởng ứng chủ đề thi đua bao trùm là "Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc"; trên cơ sở đó, nhiều ngành, nhiều địa phương đã cụ thể hóa bằng các nội dung thích hợp, như "Lao động giỏi, lao động sáng tạo" trong công nhân; "Thi đua quyết thắng" trong quân đội; "Vì An ninh Tổ quốc" trong công an; "Dạy tốt, học tốt" trong ngành giáo dục; "Dân vận khéo"; "Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới", "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển", "Cả nước chung tay vì người nghèo"… Các phong trào thi đua với hình thức phong phú, đa dạng, chủ đề, mục tiêu rõ ràng, tiêu chí cụ thể, nội dung thiết thực, triển khai có hiệu quả. Việc xây dựng các mô hình mới, nhân tố mới được quan tâm, chú trọng và đảm bảo thực hiện đồng bộ 4 khâu: phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến. Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình của tập thể, cá nhân trong lao động, sản xuất, chiến đấu, học tập.

Độ lùi lịch sử giúp chúng ta nhận thức rõ hơn giá trị cả về lý luận và thực tiễn của tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng của Người về thi đua yêu nước nói riêng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đó không chỉ là những chỉ dẫn, động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phát huy tinh thần yêu nước thông qua những công việc cụ thể hằng ngày trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, mà còn là sự cổ vũ, dẫn đường cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước giàu mạnh, văn minh hiện nay./.

Diệp Ninh (tổng hợp)

(1): Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 6, tr. 473
(2), (4), (5): Hồ Chí Minh Toàn tập, sđd, tập 5, tr. 444
(3): Hồ Chí Minh Toàn tập, sđd, tập 5, tr. 445