Tư tưởng Hồ Chí Minh về tiết kiệm và thực hành tiết kiệm

    Nhân vật liên quan

    • Chủ tịch Đảng (2/1951 - 9/1969); Tổng Bí thư (10/1956 - 9/1960)Hồ Chí Minh

Hà Nội (TTXVN 18/5/2024) Tiết kiệm là một trong những nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng. Tư tưởng Hồ Chí Minh về tiết kiệm có giá trị khoa học và nhân văn to lớn. Giá trị đó thể hiện rõ nét ở sự giải thích mới mẻ của Người về vai trò, nội dung của tiết kiệm, về đối tượng và giải pháp thực hành tiết kiệm. Trong bối cảnh hiện nay, tư tưởng Hồ Chí Minh về tiết kiệm càng trở nên giá trị và mang tính thời sự.

* Tư tưởng Hồ Chí Minh về tiết kiệm
Nói đến tư tưởng Hồ Chí Minh về tiết kiệm là nói đến tư tưởng của Người về khái niệm, vai trò, nội dung của tiết kiệm, cũng như đối tượng và giải pháp thực hành tiết kiệm.

- Khái niệm về tiết kiệm
Tiết kiệm (hay kiệm) được Chủ tịch Hồ Chí Minh định nghĩa ngắn gọn “là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi” (1). Theo định nghĩa đó, tiết kiệm là sử dụng hợp lý và hiệu quả các nguồn lực để gia tăng sức mạnh toàn diện của đất nước. Người tiết kiệm phải biết cân đối, tính toán các nguồn lực để chi phí bỏ ra nhỏ nhất mà lại đạt được mục tiêu cao nhất theo phương châm “1 giờ làm xong việc của 2, 3 giờ. 1 người làm bằng 2, 3 người. 1 đồng dùng bằng 2, 3 đồng” (2).

- Vai trò của tiết kiệm
Nếu văn hóa truyền thống của Việt Nam coi vai trò chủ yếu của tiết kiệm là sự tích lũy của cải vật chất mang tính cá nhân, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá vai trò của tiết kiệm ở nhiều khía cạnh và phạm vi khác nhau, không chỉ ở phạm vi cá nhân mà còn ở phạm vi quốc gia, dân tộc. Đối với cá nhân, kiệm là một trong chuỗi phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính” cần có và là phẩm chất trước hết phải có. Có kiệm thì mới có liêm, có liêm thì mới có chính. Kiệm là tiền đề, điều kiện để con người vươn tới liêm và chính. Đối với dân tộc, tiết kiệm tạo nên sự giàu có cho dân tộc: “một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh và tiến bộ” (3). Như vậy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, tiết kiệm là nhân tố đảm bảo sự phát triển bền vững, sự thành công, sự giàu mạnh về mọi mặt không chỉ cho từng cá nhân như trong quan niệm truyền thống, mà còn cho cả dân tộc.

- Về nội dung của tiết kiệm
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nội hàm chữ “kiệm” rất rộng, bao gồm tiết kiệm của cải vật chất, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm sức dân, tiết kiệm nhân tài...
Khi bàn về tiết kiệm của cải, tiền bạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn. Khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc lợi ích cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng” (4). Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra mục đích nhân văn của kiệm: “Chúng ta phải chặt chẽ hơn nữa trong việc dùng tiền dành dụm của chúng ta, để tiến nhanh tới cuộc sống no ấm, đầy đủ cho mọi người” (5). Như vậy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, tiết kiệm của dân để làm lợi cho dân. Đây là nét đặc sắc trong tư tưởng của Hồ Chí Minh về tiết kiệm.
Bên cạnh tiết kiệm của cải là tiết kiệm thời gian. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thời gian chính là tiền bạc, thậm chí thời gian còn quý hơn tiền bạc. Bởi thời gian và sự làm việc tích cực sẽ đẻ ra tiền bạc, nhưng ngược lại tiền bạc không thể mua được thời gian, không thể kéo thời gian quay trở lại. Do đó, Người nhấn mạnh: “Ai đưa vàng bạc vứt đi là người điên rồ. Thì ai đưa thời giờ vứt đi là người ngu dại” (6). Người căn dặn cán bộ, công chức: “Từ Chủ tịch, Chính phủ cho đến người chạy giấy, người quét dọn trong một cơ quan nhỏ, đều là những người ăn lương của dân, làm việc cho dân... Làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ, về sớm. Làm cho chóng, cho chu đáo. Phải nhớ rằng: Dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho ta trong những thì giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân” (7).
Tiết kiệm trong tư tưởng Hồ Chí Minh còn là tiết kiệm sức dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, trong xã hội vốn quý nhất là con người. Do đó, “Phải biết quý trọng sức người là vốn quý nhất của ta. Chúng ta cần hết lòng chăm sóc sức khỏe và sử dụng thật hợp lý sức lao động của nhân dân ta” (8). Tiết kiệm sức dân có nghĩa là phân công lao động hợp lý, tổ chức dây chuyền sản xuất khoa học để mang lại năng suất cao nhất. Tiết kiệm sức dân còn là tiết kiệm xương máu của bộ đội, chiến sỹ và nhân dân. Người từng nói về sự hy sinh của những người lính: “Trong công cuộc kháng chiến cứu nước, nhân dân hy sinh là hy sinh một phần của cải và thời giờ. Của cải hết có thể làm ra, thời gian qua, thời gian lại đến. Nhưng bộ đội hy sinh là hy sinh xương máu. Có khi hy sinh cả tính mệnh. Cụt chân gãy tay, chân tay không thể mọc lại; người chết không thể sống lại. Đó là sự hy sinh tuyệt đối” (9). Do đó, Người luôn nhấn mạnh việc “phải giữ gìn từng giọt máu của đồng bào để xây đắp tương lai của Tổ quốc” (10).
Cùng với tiết kiệm sức dân là tiết kiệm nhân tài. Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương tiết kiệm nhân tài bằng cách phân công công việc đúng sở trường của từng người và vận động mọi nhân tài ra gánh việc nước: “Tài to ta dùng việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì ta đặt ngay vào việc ấy” (11). Ngay sau Cách mạng tháng Tám, Hồ Chí Minh đã công bố “chiếu cầu hiền tài” khi viết bài Nhân tài và kiến quốc và bài Tìm người tài đức. Người nói: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết phải cần có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân” (12). Không chỉ tuyên bố chính sách cầu hiền, nhờ tầm cao trí tuệ, tấm gương đạo đức ngời sáng và nghệ thuật dùng người tinh tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quy tụ được nhiều nhân sỹ, trí thức tài giỏi và đưa họ một lòng đi theo cách mạng. Tư tưởng tiết kiệm nhân tài, trọng dụng nhân tài không chỉ là biểu hiện của sự khôn ngoan chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn là biểu hiện của chủ nghĩa nhân văn sâu sắc của Người.

- Về đối tượng thực hành tiết kiệm
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm một cuộc cách mạng về đối tượng cần phải thực hành tiết kiệm. Ngườiviết: “Bọn phong kiến ngày xưa nêu ra cần, kiệm, liêm, chính, nhưng không bao giờ làm mà lại bắt nhân dân phải tuân theo để phụng sự quyền lợi cho chúng. Ngày nay ta đề ra cần, kiệm, liêm, chính cho cán bộ thực hiện làm gương cho nhân dân theo để lợi cho nước cho dân” (13). Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ phải là lực lượng tiên phong trong cuộc thi đua thực hành tiết kiệm. Đây chính là điểm mới trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đối tượng thực hành tiết kiệm.
Từ việc cán bộ nêu gương thực hành tiết kiệm, quần chúng sẽ noi theo. Trong cuộc sống sinh hoạt đời thường cũng như trong công việc, cơ quan nào cũng cần và có thể tiết kiệm, người nào cũng có thể và cũng nên tiết kiệm. Tùy thuộc vào công việc cụ thể mà mỗi người, mỗi cơ quan, đơn vị có thể thực hiện tiết kiệm một cách khác nhau. Bộ đội tiết kiệm súng đạn; công nhân tiết kiệm máy móc, nguyên liệu sản xuất; cán bộ hành chính tiết kiệm thời gian, giấy mực; cán bộ và chiến sĩ quân nhu tiết kiệm thực phẩm; thầy thuốc tiết kiệm bông băng, thuốc men, đạo cụ; nông dân tiết kiệm con giống, phân bón, nước tưới; học sinh tiết kiệm giấy, bút... Ai cũng phải tiết kiệm thời gian, sức lực và tiền bạc của riêng mình.

- Về giải pháp thực hành tiết kiệm
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để thực hành tiết kiệm mỗi người cần phải thường xuyên tiến hành tự kiểm điểm công tác thực hành tiết kiệm của mình trên tinh thần tự giác; phải dựa vào quần chúng và phải phát động phong trào thi đua của quần chúng về tiết kiệm; phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, tổng kết kinh nghiệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của cá nhân và tập thể; phải khen thưởng những người làm tốt và khuyến khích những người đang cố gắng làm tốt, phải nghiêm khắc kỷ luật những người không thực hiện tiết kiệm…
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao nguyên tắc “xây đi đôi với chống” trong tu dưỡng đạo đức. Vì vậy theo Người muốn thực hành tiết kiệm thì toàn Đảng, toàn dân phải ra sức chống lãng phí. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô” (14).
Do nguy cơ lãng phí hiện hữu mọi nơi, mọi lúc nên cuộc đấu tranh chống lãng phí phải được tiến hành một cách thường xuyên, triệt để, rộng khắp, có kế hoạch, có tổ chức, có lãnh đạo, có phương pháp. Cần “biến hàng vạn, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp” (15).

* Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương ngời sáng về thực hành tiết kiệm
Không chỉ nêu lên tư tưởng toàn diện về tiết kiệm, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một tấm gương ngời sáng về thực hành tiết kiệm. Trong cuộc sống hàng ngày từ việc ăn, ở, mặc, sinh hoạt, ở mọi lúc, mọi nơi, Người luôn thể hiện tinh thần gương mẫu về thực hành tiết kiệm bằng chính những hành động, nếp sống của mình.
Dù trước kia là anh Văn Ba đang làm phụ bếp trên tàu Đô đốc La Tusơ Tơrêvin, là Nguyễn Ái Quốc trong những năm tháng đầy khó khăn ở thủ đô Paris của nước Pháp, hay sau này là một vị Chủ tịch nước sống kham khổ nơi chiến khu trong những năm kháng chiến, hay khi là một vị nguyên thủ quốc gia sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch ở Thủ đô Hà Nội, thì cũng vẫn là một Hồ Chí Minh yêu lao động và sống hết sức giản dị, tiết kiệm.
Đức tính giản dị, tiết kiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trước hết trong lối ăn, mặc, ở của Người. Mấy chục năm xa cách quê hương, trở về, Người vẫn yêu thích những món ăn mang đậm chất Việt Nam như: cá kho, dưa chua, cà muối… Kể cả khi hòa bình, về Hà Nội, Người ăn uống vẫn rất thanh đạm. Quần áo Người mặc thường ngày cũng chỉ là bộ bà ba màu nâu với đôi dép cao su, khi tiếp khách hay đến những sự kiện quan trọng cũng chỉ bộ ka ki màu vàng với đôi giày vải.
Nhiều câu chuyện về sự tiết kiệm của Hồ Chí Minh trong chuyện ăn, ở, mặc, đi lại, làm việc đã trở thành huyền thoại. Đặc biệt, về tiết kiệm điện thì Bác là một tấm gương lớn. Không biết bao nhiêu lần, Bác đã tự tay tắt những bóng đèn, cái quạt, và cả cái đài nữa, khi không có ai dùng…
Không chỉ là tấm gương sáng, mẫu mực trong thực hành tiết kiệm mà trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc tiết kiệm, chống lãng phí để tăng gia sản xuất, tích trữ thêm vốn cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Theo Giáo sư, Tiến sỹ Mạch Quang Thắng-Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trong quan niệm của Bác, mục đích của việc tiết kiệm là để phục vụ cho kháng chiến và kiến quốc, để tăng thêm tiền vốn xây dựng đất nước.
Có thể thấy, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có giá trị khoa học và nhân văn to lớn. Nước ta sau gần 40 năm đổi mới đã có sự phát triển vượt bậc về kinh tế-xã hội, đất nước đã có sự đổi thay to lớn. Tuy nhiên, cũng đã có không ít các cán bộ, Đảng viên lợi dụng chức quyền tham ô, tham nhũng, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế của đất nước, gây mất niềm tin đối với nhân dân.
Do đó, trong bối cảnh hiện nay, tư tưởng về tiết kiệm và thực hành tiết kiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng trở nên giá trị và mang tính thời sự. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở mỗi cơ quan, đơn vị là yêu cầu cần thiết hiện nay, giúp tiết kiệm tiền bạc của Nhà nước (cũng là tiết kiệm cho Nhân dân), đồng thời góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Để thực hiện rộng rãi việc thực hành tiết kiệm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong Đảng, Nhà nước ta hiện nay đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn tiên phong và gương mẫu trong việc thực hiện “thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí”, làm cho tư tưởng của Người ăn sâu vào ý thức của mỗi cán bộ, đảng viên, góp phần thực hiện thắng lợi trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Minh Duyên
(1) (2) (3) (4) (6): Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 6, tr.122, 124, 128, 123, 123
(5): Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 12, tr.467
(7): Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 5, tr.122
(8) (15): Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 13, tr.70, 419
(9) (13) (14): Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 7, tr.334-335, 220, 357
(10) (11) (12): Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 4, tr.229, 43, 504