Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò thanh niên với sự nghiệp cách mạng
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có niềm tin vững chắc vào thanh niên - một lực lượng to lớn, đội quân xung kích trên mọi mặt trận của cách mạng. Vì vậy, Bác luôn dành tình cảm, sự quan tâm chăm lo, bồi dưỡng, động viên đến các thế hệ thanh niên của nước nhà.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Vận mệnh của dân tộc, sự phát triển của đất nước tùy thuộc vào sự giác ngộ cách mạng và trách nhiệm của thanh niên. Thanh niên là một lực lượng to lớn, là đội quân xung kích trên mọi mặt trận của cách mạng. Do đó, ngay từ khi đất nước còn trong đêm trường nô lệ, Bác đã nêu tư tưởng: thức tỉnh thanh niên để đi đến thức tỉnh dân tộc.
Năm 1925, trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, Người kêu gọi: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám Thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh”. Lời nhắn gửi đó đã mang lại một luồng gió mới, thu hút nhiều thanh niên Việt Nam yêu nước đi theo con đường cách mạng.
Sau ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vừa mới ra đời phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách. Trong tình thế như "ngàn cân treo sợi tóc", Bác đã động viên và giao nhiệm vụ cho thanh niên cả nước hăng hái đi đầu trong việc tăng gia sản xuất, xóa nạn mù chữ, thực hành đời sống mới, khẳng định thanh niên là lực lượng chính trong cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược.
Trong quá trình lãnh đạo dân tộc tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, kháng chiến chống đế quốc Mỹ và công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, Bác thường xuyên theo dõi từng bước trưởng thành và cống hiến của tuổi trẻ Việt Nam, dành cho thế hệ trẻ niềm tin yêu và tình cảm đặc biệt.
Trong các thư gửi thanh niên và trong các dịp trực tiếp gặp gỡ với thế hệ trẻ, Bác đều nhấn mạnh vai trò to lớn của thanh niên và động viên kịp thời những thành tích thanh niên cả nước đạt được trong mọi lĩnh vực học tập, sản xuất, chiến đấu, tu dưỡng rèn luyện...
Ngày 10/2/1948: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Thanh niên phải làm gì?” đăng báo Sự thật, số 89, trong đó Bác yêu cầu: “Thanh niên cần phải có chí tự động, tự cường, tự lập. Phải có khí khái ham làm việc, chứ không ham địa vị. Phải có quyết tâm, đã làm việc gì thì làm cho đến nơi đến chốn, làm cho kỳ được. Phải có lòng ham tiến bộ, ham học hỏi, luôn học, học mãi. Học văn hóa, học chính trị, học nghề nghiệp. Phải có lòng kiên quyết tham gia kháng chiến để tranh cho kỳ được thống nhất và độc lập, dân chủ và tự do. Như thế, mới xứng đáng thanh niên là chủ nhân tương lai của nước nhà”.
Bác cũng luôn nhấn mạnh vai trò xung kích của thanh niên trong phong trào cách mạng. Vai trò xung kích trước hết phải được thể hiện ở: "Việc gì khó có thanh niên, ở đâu khó có thanh niên", nơi nào người khác làm ít kết quả thì thanh niên đến làm tốt hơn.
Theo Bác, sự nghiệp cách mạng càng phát triển thì càng đòi hỏi thanh niên thực hiện tốt hơn vai trò xung kích của mình. Bác nói: "Thời đại này là thời đại vẻ vang của thanh niên. Mà thanh niên phải là đội xung phong trên các mặt trận chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật".
Và với niềm tin mạnh mẽ vào thế hệ thanh niên, Bác luôn nhìn nhận thanh niên theo quan điểm phát triển và toàn diện: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ”. Cũng chính vì thế, Bác căn dặn cán bộ, đảng viên phải tránh thái độ thành kiến, hẹp hòi, bảo thủ đối với thanh niên. Bởi theo Bác, thanh niên sống trong điều kiện mới tất yếu có những nhu cầu, lợi ích khác với cha, anh họ, không nên xem xét thanh niên một cách cứng nhắc, trước sao nay vậy. Bác nói: cần phải đi sâu vào đời sống, hiểu rõ tâm lý của thanh niên và giúp đỡ họ giải quyết vấn đề một cách thiết thực. “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên".
* Người sáng lập và rèn luyện tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
Trên cơ sở nhìn nhận vai trò quan trọng của thanh niên đối với sự nghiệp cách mạng và tương lai của dân tộc, đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác thanh niên. Chính Người đã sáng lập ra Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Tháng 7/1924, khi tham gia Đại hội Quốc tế thanh niên cộng sản lần thứ IV tại Matxcơva (Liên Xô cũ), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì soạn thảo và trình bày tại Đại hội “Luận cương về thanh niên thuộc địa”, trong đó nêu lên yêu cầu cấp bách phải tổ chức, tập hợp lực lượng thanh niên cách mạng và hình thành các đoàn thể thanh niên, xây dựng các tổ chức thanh niên cộng sản ở thuộc địa.
Tháng 2/1925, Người tổ chức một nhóm thanh niên bí mật gồm 9 người (Lý Thụy, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong, Lê Quảng Đạt, Lâm Đức Thụ, Vương Thúc Oánh, Lưu Quốc Long và Lâm Văn Dĩnh). Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng mở đầu cho quá trình hình thành và phát triển các tổ chức thanh niên cách mạng theo xu hướng cộng sản, cũng như sự ra đời của Đoàn Thanh niên Cộng sản ở nước ta.
Tháng 6/1925, “Hội Việt Nam cách mạng thanh niên” với nòng cốt là Cộng sản Đoàn đã chính thức tuyên bố thành lập và bắt đầu mở rộng các hoạt động, tạo ra bước ngoặt quan trọng trong phong trào yêu nước của nhân dân ta, đặc biệt là của thanh niên. Cơ quan ngôn luận của Hội là báo “Thanh niên”, với mục đích truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam và chuẩn bị về tư tưởng, chính trị, tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã đặt nền tảng đầu tiên để chuẩn bị cho sự ra đời tổ chức thanh niên sau này.
Từ ngày 20 đến 26/3/1931, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 2 diễn ra tại Sài Gòn do Tổng Bí thư Trần Phú chủ trì đã đề ra nhiệm vụ cần kíp mà Đảng phải làm, trong đó có việc phải nhanh chóng thành lập tổ chức Đoàn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào thanh niên ngày càng lớn mạnh, đã xuất hiện nhiều tổ chức Đoàn cơ sở trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Qua cao trào cách mạng 1930-1931, với những đóng góp to lớn của đoàn viên, thanh niên cả nước, Ban Chấp hành Quốc tế thanh niên cộng sản đã công nhận Đoàn Thanh niên cộng sản Đông Dương là một bộ phận của Quốc tế thanh niên cộng sản.
Theo đề nghị của Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, được sự đồng ý của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 3 (tháng 3/1961) đã quyết định lấy ngày 26/3/1931 làm ngày kỷ niệm thành lập Đoàn hằng năm.
Sự ra đời của Đoàn Thanh niên cộng sản Đông Dương (nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của phong trào thanh niên nước ta lúc bấy giờ. Đây là sự vận động khách quan phù hợp với quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam; đồng thời thể hiện quan điểm sáng suốt, tầm nhìn chiến lược của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh về vị trí, tầm quan trọng của thanh niên và công tác thanh niên.
* Đào tạo những người vừa “hồng” vừa “chuyên”
Bồi dưỡng, đào tạo thế hệ trẻ cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết. Từ bức thư tâm huyết gửi thanh niên Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX đến lời "Di chúc” cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho đoàn viên, thanh niên những tình cảm thương yêu, trìu mến cùng sự chăm sóc ân cần.
Trong công tác xây dựng Đoàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn lưu ý về việc phải phát triển đoàn viên về số lượng đồng thời phải coi trọng việc nâng cao chất lượng. Người dạy: Tổ chức Đoàn phải rộng hơn Đảng… nhưng khi kết nạp đoàn viên cũng cần phải lựa chọn cẩn trọng những thanh niên tốt. Đoàn viên, thanh niên phải luôn có tinh thần cố gắng vươn lên, sống cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết, phải thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh để giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
Theo Bác, củng cố tổ chức đoàn là điều kiện tiên quyết để mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên. Nhưng muốn củng cố tổ chức đoàn thì trước hết phải “đoàn kết nội bộ thật chặt chẽ” để thống nhất ý chí và hành động trong nội bộ đoàn, làm cho tổ chức đoàn thật sự là tổ chức của những thanh niên tiên tiến, có lý tưởng cách mạng và phấn đấu kiên định vì lý tưởng đó.
Trong đó, vấn đề quan trọng là phải tổ chức thanh niên thành lực lượng chính trị hùng hậu chung quanh Đảng. Tổ chức tập hợp thanh niên là điều kiện để giáo dục và ngược lại phải tiến hành đào tạo, giáo dục thanh niên qua tổ chức. Phải kiên trì xây dựng một tổ chức thanh niên cộng sản làm cánh tay và đội hậu bị của Đảng. Bác dạy: “Đoàn là cánh tay đắc lực của Đảng” để “thực hiện những chủ trương, chính sách cách mạng” và để “tổ chức và giáo dục các thế hệ thanh niên, nhi đồng thành những chiến sĩ tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”.
Là người sáng lập và rèn luyện Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bác luôn chú trọng vấn đề tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên và công tác đoàn. Bác căn dặn: “Chi bộ phải chăm lo xây dựng Đoàn thanh niên cho thật tốt”, đồng thời: “Trung ương và các cấp đảng bộ địa phương phải chăm sóc hơn nữa đến công tác thanh niên” trong đó vấn đề quan trọng là chăm lo công tác xây dựng đoàn để “phát huy tác dụng tiên phong của Đoàn về mọi mặt”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn rất coi trọng vai trò của nhà nước trong công tác thanh niên. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, Người đã chỉ thị thành lập Bộ Thanh niên rồi Nha Thanh niên trong chính phủ để chăm lo công tác thanh niên. Người căn dặn công tác thanh niên “phải liên hệ với các lực lượng của chính phủ”. Điều này có nghĩa là muốn đưa công tác thanh niên đạt đến kết quả như mong muốn, trước hết Đảng cần tăng cường sự lãnh đạo và tổ chức sự phối hợp giữa nhiều lực lượng trong đó Chính phủ.
Trước lúc đi xa, trong Di chúc để lại cho Đảng và dân tộc, Bác còn căn dặn: bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là việc rất quan trọng và rất cần thiết. Nội dung bao quát của công tác thanh niên của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hình thành “lớp người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng vừa chuyên”. “Hồng” theo tư tưởng của Bác là “quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất”; còn “chuyên” là trình độ chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật và quân sự.
Thấm nhuần và thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt nhiều thập kỷ qua Đảng và Nhà nước ta luôn đặt thanh niên ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Coi đây là lực lượng xung kích, là đội dự bị tin cậy của Đảng và coi công tác thanh niên là vấn đề được đặc biệt quan tâm.
Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với tinh thần "Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên", tuổi trẻ cả nước đã phát huy truyền thống của thế hệ trước, hăng hái, sôi nổi hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào: "Xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc", "Đồng hành cùng thanh niên lập thân lập nghiệp", tích cực tham gia nhiều hoạt động khác như: "Tuổi trẻ Việt Nam sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại", "Tiếp lửa truyền thống - Mãi mãi tuổi hai mươi", "Thanh niên sống đẹp sống có ích"… ./.
Hoàng Yến (tổng hợp)