UKVFTA - Góp phần đẩy mạnh xuất khẩu, phục hồi kinh tế sau đại dịch
Hà Nội (TTXVN 30/12/2020) Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) đã được ký vào 9 giờ tối 29/12/2020 (giờ Việt Nam), tại London, Vương quốc Anh. Việc ký UKVFTA có ý nghĩa to lớn và thiết thực đối với cả 2 nước, nhất là trong bối cảnh cả hai nước đều đang mong muốn thúc đẩy sự phục hồi kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
* UKVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2021
Ngày 31/1/2020, Vương quốc Anh chính thức rời khỏi EU, bắt đầu quá trình chuyển tiếp kéo dài đến ngày 31/12/2020. Do vậy, sau ngày 31/12/2020, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) sẽ không còn được áp dụng đối với Vương quốc Anh. Nhằm duy trì quan hệ thương mại với quốc gia này, sau một thời gian đàm phán, đúng 21h tối ngày 29/12 theo giờ Việt Nam, UKVFTA đã được đại diện ủy quyền (đại sứ) của Chính phủ hai nước chính thức ký kết tại London, Vương quốc Anh. Trước đó, ngày 11/12/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Thương mại quốc tế Elizabeth Truss đã ký Biên bản kết thúc đàm phán UKVFTA tạo cơ sở để 2 nước tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để ký kết chính thức.
UKVFTA được đàm phán dựa trên nguyên tắc kế thừa các cam kết đã có trong EVFTA với những điều chỉnh cần thiết để đảm bảo phù hợp với khuôn khổ thương mại song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.
Theo đó, Hiệp định gồm 9 điều khoản; 1 Phụ lục sửa đổi một số điều của lời văn EVFTA; 1 Nghị định thư và 1 thư song phương trao đổi giữa Việt Nam và Vương quốc Anh. Về cơ bản, các nội dung thuộc diện điều chỉnh của UKVFTA cũng tương tự như EVFTA gồm: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, và pháp lý - thể chế.
UKVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2021.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, UKVFTA có vai trò đảm bảo thương mại song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh không bị gián đoạn sau khi giai đoạn chuyển tiếp của tiến trình Brexit kết thúc. Thêm vào đó, với nền tảng là những cam kết tiến bộ, tiêu chuẩn cao của EVFTA, UKVFTA được kỳ vọng sẽ tiếp nối động lực thúc đẩy quan hệ song phương của hai bên một cách toàn diện và sâu rộng hơn nữa trong những năm tới, là cơ sở vững chắc để duy trì và củng cố quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Vương quốc Anh. Đặc biệt, UKVFTA cũng là cơ sở để hai bên thúc đẩy khác khuôn khổ hợp tác khu vực và đa phương khác.
Ngoài ra, việc ký kết UKVFTA cũng khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, cũng như vai trò tích cực của Việt Nam trong việc tăng cường liên kết kinh tế khu vực và liên khu vực, ủng hộ tự do hóa thương mại mở, dựa trên luật lệ, minh bạch và gắn với tăng trưởng bền vững, bao trùm.
* Góp phần đẩy mạnh xuất khẩu, khôi phục kinh tế trong bối cảnh đại dịch
Việt Nam và Vương quốc Anh chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 11/9/1973. Từ năm 2010, mối quan hệ giữa hai nước đã bước sang một giai đoạn mới khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược.
Từ đó đến nay, quan hệ giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đã có những bước tiến lớn. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, dù không có các cuộc tiếp xúc trực tiếp, quan hệ Việt Nam-Anh vẫn liên tục được duy trì qua các cuộc điện đàm giữa Phó Thủ tướng Bộ trưởng Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Dominic Raab ngày 13/7/2020; cuộc hội đàm trực tuyến giữa Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng và Quốc vụ khanh Anh Nigel Adam ngày 16/7/2020; Hội thảo trực tuyến về “Thành công của Việt Nam trong đối phó với dịch bệnh Covid-19-Nền kinh tế Việt Nam và những cơ hội sau đại dịch” do Viện Scotland-châu Á tổ chức tại Anh ngày 18/6/2020, với diễn giả chính là Đại sứ Việt Nam tại Anh Trần Ngọc An; Tọa đàm “Việt Nam: cơ hội đầu tư, kinh doanh sau đại dịch COVVID-19” do Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Anh phối hợp với Tổ chức Asia House (Anh) tổ chức ngày 29/5/2020…
Trong thời gian qua, hợp tác kinh tế là một điểm nhấn trong quan hệ hai nước. Vương quốc Anh hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực châu Âu. Năm 2019, kim ngạch thương mại song phương đạt xấp xỉ 6,7 tỷ USD (tăng 9,5%), trong đó xuất khẩu Việt Nam sang Anh đạt 5,8 tỷ USD, nhập khẩu đạt 860 triệu USD.
Trong giai đoạn từ 2011-2019, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương tăng trung bình 12,1%/năm; đặc biệt, tăng trưởng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với thị trường này cũng đạt mức trên 10%. Các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam sang Vương quốc Anh là điện thoại - linh kiện, hàng dệt may, giày dép, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính - linh kiện, hạt điều, cà phê, hạt tiêu. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị, dược phẩm, sắt thép, hóa chất. Mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai quốc gia mang tính bổ sung thay vì cạnh tranh.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, dư địa tăng trưởng thị trường tại Anh cho sản phẩm Việt Nam còn rất lớn vì tất cả các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam chỉ chiếm không quá 1% thị phần trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm gần 700 tỷ USD (2019) của Vương quốc Anh. Bởi vậy, việc ký kết một FTA song phương sẽ tạo điều kiện cho hoạt động cải cách, mở cửa thị trường, thuận lợi hóa thương mại ở hai quốc gia.
Đối với Việt Nam, với những cam kết mở cửa thị trường hàng hóa tương đương Hiệp định EVFTA cộng với việc có thêm hạn ngạch đối với những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh cao như nông, thủy sản sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thêm cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Theo tính toán, giá trị thuế nhập khẩu mà hàng hóa Việt Nam tiết kiệm được khi vào Anh ước đạt 3,5 nghìn tỷ/năm. Trong bối cảnh đại dịch đang diễn ra gây khó khăn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, Hiệp định UKVFTA dự kiến giúp ổn định thị trường để các doanh nghiệp có thể phục hồi và phát triển.
Theo Bộ Công Thương, một số mặt hàng có tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu tại thị trường Anh gồm: hàng dệt may, giày dép, gạo, thủy sản, gỗ… Đặc biệt, trong giai đoạn đại dịch COVID-19, nhu cầu nông sản, thực phẩm, đồ vệ sinh, đồ bảo hộ cá nhân, thiết bị y tế (máy thở, máy lọc máu), dụng cụ xét nghiệm, đồ bảo hộ bệnh viện (găng tay, khẩu trang, quần áo cho nhân viên y tế và bệnh nhân) của thị trường Anh có xu hướng gia tăng. Do đó, dự kiến khi UKVFTA, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Anh sẽ tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ.
Tuy nhiên, những cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ cho Vương quốc Anh sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh nhất định cho nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ trong nước, nhất là trong những ngành nước Anh có thế mạnh như dịch vụ tài chính, dược phẩm, các mặt hàng hóa chất… Cùng với đó, tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu từ phía Vương quốc Anh là rất cao. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ để có phương án kinh doanh phù hợp để tận dụng tối đa cơ hội từ UKVFTA./.
Minh Duyên
- Từ khóa:
- Việt Nam-Anh
- UKVFTA