Vang danh làng nghề nước mắm Nam Ô
Hà Nội (TTXVN 28/6/2024) Không chỉ là một loại gia vị mang lại giá trị vật chất, nước mắm Nam Ô còn là một sản phẩm văn hóa tinh thần đặc sắc, hàm chứa những tri thức dân gian, thể hiện bản sắc của cộng đồng địa phương vùng biển Liên Chiểu. Tối 27/6/2024 tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra Lễ công bố quyết định, đón nhận văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Nam Ô" cho sản phẩm nước mắm của thành phố Đà Nẵng. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước mắm truyền thống Nam Ô nâng cao danh tiếng, phát triển thị trường, tạo điều kiện cho sản phẩm nước mắm truyền thống được tiêu thụ rộng rãi tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
* Vang danh gần xa
Nam Ô là tên một ngôi làng cổ, cửa ô phía Nam của nước Đại Việt xưa, hình thành cách ngày nay hàng trăm năm, nằm bên vịnh Đà Nẵng, dưới chân đèo Hải Vân, thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Đây là một làng nghề truyền thống chuyên khai thác, đánh bắt thủy hải sản và làm nước mắm.
Nghề làm mắm ở Nam Ô có từ rất sớm. Thời kỳ còn là một trong những địa phương của Đàng Trong, ngư dân nơi đây đã biết cách làm nước mắm cung cấp cho thị trường các vùng lân cận. Nhắc đến vùng đất Nam Ô, nhiều người nhớ ngay đến câu "Nước mắm Nam Ô/Cá rô Xuân Thiều". Điều này cho thấy mắm Nam Ô đã đi sâu vào tiềm thức của người dân.
Nước mắm Nam Ô vốn vang danh gần xa bởi vị mặn mòi của vùng biển miền Trung, với bí quyết làm nước mắm “3 cá 1 muối” riêng biệt. Một trong những nét đặc trưng của mắm Nam Ô là cách làm mắm hoàn toàn thủ công truyền thống, nước mắm làm ra được ủ ròng trong một năm để tinh chế ra loại mắm nhỉ ngon nhất có hương thơm, mùi vị đặc trưng, ngọt tự nhiên, màu đỏ thẫm như màu cánh gián.
Trải qua thời gian, đến nay, nghề làm nước mắm Nam Ô vẫn được gìn giữ, bảo tồn, phát huy và trao truyền những kinh nghiệm dân gian, những bí quyết về kỹ thuật làm nước mắm. Người dân làng nghề cho biết, “Chăm mắm như chăm con dại”. Theo kinh nghiệm lâu năm, người dân nhận biết mắm chín bằng cách đánh giá cảm quan về màu sắc, mùi vị, trạng thái. Đặc biệt, công đoạn lọc mắm rất kỳ công. Để cho ra những giọt nước mắm thơm ngon, đúng chất phải mất 12 tháng.
Trong quá khứ, nước mắm Nam Ô đã từng là sản vật tiến Vua. Nhiều năm qua, nghề làm nước mắm ở Nam Ô đã đem lại cho một bộ phận nhân dân của làng công ăn việc làm ổn định, thu nhập khá hơn so với nghề nông. Sản phẩm của làng nghề được tiêu thụ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và các địa phương lân cận, ngoài ra còn theo chân người dân, du khách đến các vùng miền trong nước và quốc tế.
Đối với người dân làng nghề, mắm Nam Ô không chỉ là một loại gia vị mang lại giá trị vật chất, mà còn là một là một phần của lịch sử, của văn hóa, hàm chứa những tri thức dân gian, thể hiện bản sắc của cộng đồng địa phương.
* Bảo tồn và phát triển bền vững làng nghề
Ngày nay, nghề làm nước mắm Nam Ô đang có những bước chuyển mình để phù hợp với bối cảnh của xã hội. Giá trị của nghề làm nước mắm mang lại không chỉ dừng lại ở việc sản xuất các sản phẩm nước mắm truyền thống bằng phương pháp thủ công mà còn có tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Với vị trí thuận lợi, lại gắn với các di chỉ văn hóa có lịch sử hình thành từ thời ông cha, như: đền thờ bà Liễu Hạnh, dấu tích Huyền Trân công chúa, mộ cổ tiền hiền làng Nam Ô, lăng thờ cá Ông và các di chỉ, dấu tích Chăm..., Nam Ô có điều kiện thuận lợi và phù hợp để liên kết phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch.
Để bảo tồn và định hướng phát triển lâu dài, bền vững cho làng nghề, UBND quận Liên Chiểu đã xây dựng Đề án “Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng”. Đề án được thực hiện trong giai đoạn 2020-2025, với tổng kinh phí gần 4,7 tỷ đồng. Đề án nêu rõ mục tiêu: xây dựng nước mắm Nam Ô trở thành sản phẩm du lịch. Qua đó, giới thiệu, mở ra thị trường tiêu thụ cho sản phẩm, khai thác tiềm năng của di tích, phong cảnh địa phương; tạo bước đệm cho kinh tế địa phương phát triển, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Để đạt được mục tiêu này, UBND quận Liên Chiểu đề xuất đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như hình thành khu trưng bày làng nghề với diện tích khoảng 5.000 m2 cuối đường Nguyễn Tất Thành. Trùng tu, cải tạo các di tích trên địa bàn quận nói chung và ưu tiên cho các di tích tại làng Nam Ô nói riêng, như dinh Âm Hồn, miếu Bà Liễu Hạnh. Vận động các cơ sở sản xuất và hộ dân sản xuất nước mắm tu bổ nhà ở, nhà xưởng/nơi sản xuất nước mắm phù hợp để có thể làm nơi trình diễn, tham quan phục vụ du khách. Cải tạo đường giao thông trong làng nghề và hệ thống giao thông đến các di tích, điểm du lịch trên địa bàn; tăng cường quảng bá du lịch làng nghề nước mắm Nam Ô.
Đặc biệt, làng nghề nước mắm Nam Ô sẽ được đưa vào các tour du lịch hiện có như tour Đà Nẵng - Bà Nà Hills; Đà Nẵng - Vịnh Lăng Cô - Huế, Đà Nẵng - Huế - Quảng Bình… Bên cạnh đó, Đề án chủ chương xây dựng tour du lịch bằng đường sông từ làng nghề nước mắm Nam Ô - dọc sông Cu Đê lên Trường Định - Khu du lịch sinh thái cộng đồng tại thôn Tà Lang - Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang)...
Điều đáng mừng là, chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” cho sản phẩm nước mắm của thành phố Đà Nẵng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ theo Quyết định số 437/QĐ-SHTT ngày 3/6/2024 của Cục Sở hữu trí tuệ. Phát biểu tại buổi Lễ công bố quyết định, đón nhận văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Nam Ô" cho sản phẩm nước mắm của thành phố (tối 27/6/2024), bà Nguyễn Thị Anh Thi, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho hay, chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” cho sản phẩm nước mắm được bảo hộ là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước mắm truyền thống Nam Ô nâng cao danh tiếng, phát triển thị trường, bảo vệ giá trị về chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm nước mắm truyền thống có lịch sử hàng trăm năm. Qua đó, nâng cao sức cạnh tranh, tạo điều kiện cho sản phẩm nước mắm truyền thống được tiêu thụ rộng rãi tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo bà Nguyễn Thị Anh Thi, đây là chỉ dẫn địa lý đầu tiên của thành phố Đà Nẵng và cũng là 1 trong 3 chỉ dẫn địa lý về sản phẩm nước mắm trên cả nước, gồm nước mắm Phú Quốc, nước mắm Phan Thiết và nước mắm Nam Ô.
Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí, Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Lê Hồng hy vọng, việc bảo hộ thành công chỉ dẫn địa lý nước mắm Nam Ô sẽ phát huy được giá trị, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, thị trường một cách hiệu quả và bền vững, góp phần ổn định và nâng cao đời sống của người dân tại khu vực địa lý. Đồng thời mong muốn quận Liên Chiểu (thành phố Đà Nẵng) sẽ xây dựng được những giải pháp đồng bộ, hiệu quả về tổ chức sản xuất, tổ chức kiểm soát chất lượng để phát triển các sản phẩm đặc sản của địa phương nói chung và chỉ dẫn địa lý nước mắm Nam Ô nói riêng.
Trước đó, nghề làm nước mắm Nam Ô đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia theo Quyết định số 2974/QĐ-BVHTTDL ngày 27/8/2019 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
* Bảo hộ chỉ dẫn địa lý - nâng cao chuỗi giá trị đặc sản địa phương
Theo Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý do điều kiện địa lý quyết định, được xác định bằng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm đó thông qua mức độ rộng rãi người tiêu dùng biết đến và chọn lựa sản phẩm đó.
Việc sử dụng địa danh/dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý để đăng ký cho sản phẩm đặc sản của địa phương đồng nghĩa với việc các sản phẩm này gắn với danh tiếng, chất lượng của một vùng, miền đó. Đây là hướng đi mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng nhằm hạn chế tình trạng bị lạm dụng danh tiếng, chống lại các hành vi xâm phạm và cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm.
Với sự đa dạng về điều kiện sinh thái, truyền thống và kinh nghiệm sản xuất của các dân tộc khác nhau, Việt Nam có lợi thế trong sản xuất và cung cấp nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương. Tuy vậy, công nghiệp chế biến sâu sau thu hoạch của Việt Nam chưa phát triển mạnh, do đó, chỉ dẫn địa lý đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng để giúp nâng cao chuỗi giá trị nông sản.
Trong những năm qua, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các vùng, miền phát triển các đặc sản của địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 về Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030; Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 về Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030; Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 về Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ, các Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh cũng đã phối hợp triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển tài sản trí tuệ.
Nhờ đó, số lượng sản phẩm được bảo hộ thương hiệu ngày càng tăng. Theo công bố của Cục sở hữu trí tuệ, đến nay đã có gần 140 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Việt Nam. Điển hình như: nước mắm Phú quốc, nước mắm Phan Thiết, chè San Tuyết Mộc Châu, cà phê nhân Buôn Ma Thuột, bưởi Đoan Hùng, bưởi Phúc Trạch, thanh long Bình Thuận, vải thiều Thanh Hà, vải thiều Lục Ngạn, cam Vinh, cam Cao Phong, gạo tám xoan Hải Hậu, xoài cát Hòa Lộc, cói Nga Sơn, nho Ninh Thuận, chả mực Hạ Long, hoa mai vàng Yên Tử, nhãn lồng Hưng Yên… Sau bảo hộ, nhiều sản phẩm đã được khai thác và phát triển thương mại để mang lại hiệu quả kinh tế cao./.
Minh Hiếu