Việt Nam đóng góp tích cực, trách nhiệm và hiệu quả vào sứ mệnh gìn giữ hòa bình quốc tế

    Nhân vật liên quan

    • Chủ tịch Đảng (2/1951 - 9/1969); Tổng Bí thư (10/1956 - 9/1960)Hồ Chí Minh

Hà Nội (TTXVN 28/5/2024) Ngày 29/5 hàng năm được Liên hợp quốc chọn là Ngày quốc tế lực lượng gìn giữ hòa bình nhằm ca ngợi tính chuyên nghiệp, sự cống hiến và lòng dũng cảm của các binh lính gìn giữ hòa bình vốn phải hoạt động trong những điều kiện vô cùng khó khăn. Là một thành viên tích cực của Liên hợp quốc, Việt Nam đã có đóng góp đáng kể vào sứ mệnh gìn giữ hòa bình thế giới của Liên hợp quốc. Năm 2024 đánh dấu chặng đường tròn 10 năm Việt Nam triển khai lực lượng tham gia sứ mệnh đầy ý nghĩa nhân văn, cao cả: gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (27/5/2014 - 27/5/2024).

 

Các sĩ quan Đội Công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 lên đường thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: Trọng Đức – TTXVN

* Sứ mệnh cao cả của Liên hợp quốc

Khái niệm và mục tiêu về hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc được các nghị quyết của Hội đồng bảo an xác định: “Hoạt động gìn giữ hòa bình là sự phối hợp đa dạng các hoạt động từ lĩnh vực dân sự đến lĩnh vực quân sự của các nước, các tổ chức quốc tế (cao nhất là Liên hợp quốc), khu vực trên phạm vi toàn thế giới dưới sự chỉ huy của Liên hợp quốc nhằm kiến tạo hòa bình ở những nơi xung đột, giải quyết tranh chấp, bất đồng giữa các bên xung đột thông qua biện pháp hòa bình”.

Hiến chương Liên hợp quốc cũng ghi rõ, sứ mệnh gìn giữ hòa bình và ổn định trên Trái Đất là mục tiêu tối cao và xuyên suốt của Liên hợp quốc và người thực hiện mục tiêu này không ai khác ngoài 193 quốc gia thành viên của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này.

Trên cơ sở đó, ngày 29/5/1948, Liên hợp quốc chính thức triển khai Phái bộ Tổ chức giám sát hòa bình Liên hợp quốc (UNTSO) để duy trì thực hiện thỏa thuận đình chiến giữa Israel và các nước Arab. Từ đó, ngày 29/5 hằng năm trở thành Ngày quốc tế lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Kể từ đó đến nay, lực lượng gìn giữ hòa bình đã chứng tỏ vai trò quan trọng trong nhiệm vụ duy trì hòa bình, an ninh quốc tế. Hình ảnh những người lính “mũ nồi xanh” tại các vùng xung đột trên thế giới đã không còn quá xa lạ tại hầu hết các điểm nóng trên thế giới, trong đó chủ yếu là ở châu Phi và Trung Đông. Đó là những người lính, những cảnh sát dân sự, các bác sỹ, kỹ sư hoặc quan sát viên quân sự. Nhiệm vụ của họ là bảo vệ người dân, tuần tra, giám sát việc chấp hành lệnh ngừng bắn giữa các bên xung đột, rà phá bom mìn, chất nổ, huấn luyện cảnh sát quốc tế, hỗ trợ xây dựng hệ thống tư pháp.

Kể từ khi bắt đầu được thành lập năm 1948, các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã chứng minh là một trong những công cụ hiệu quả nhất để cộng đồng quốc tế xử lý các cuộc xung đột phức tạp đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế.

Trong 76 năm qua, hơn 2 triệu sĩ quan, nhân viên gìn giữ hoà bình của 125 quốc gia phái cử đã tham gia phục vụ tại 71 Phái bộ gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc, trong đó hơn 3.000 người đã hy sinh khi làm nhiệm vụ.

Tại những điểm nóng trên thế giới, sự hiện diện của các lực lượng “mũ nồi xanh” đa quốc gia (dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc), thực sự là nhân tố đảm bảo môi trường an ninh thuận lợi cho các quá trình chuyển giao chính trị và hỗ trợ cho các thể chế nhà nước còn non trẻ. Ghi nhận sự nỗ lực và những thành tích to lớn đó, năm 1988, Ủy ban Nobel Na Uy đã trao giải Nobel Hòa bình cho Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Lãnh đạo các ban, ngành của Bộ Quốc phòng tiễn các sĩ quan Đội Công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Abyei và Nam Sudan. Ảnh: Trọng Đức – TTXVN

* Dấu ấn Việt Nam trong hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, với truyền thống quật cường, bất khuất, nhân dân ta đã tiến hành nhiều cuộc chiến tranh để bảo vệ nền độc lập, tự do, sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Trải qua đau thương chiến tranh, hơn ai hết, nhân dân Việt Nam luôn quý trọng, yêu chuộng hòa bình và hết lòng ủng hộ cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư gửi Đại hội đồng Liên hợp quốc khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam đối với những mục tiêu của Liên hợp quốc và bày tỏ mong muốn được góp sức vào công việc chung. Từ sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn “… thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.”

Ngày 20/9/1977, Liên hợp quốc - tổ chức đóng vai trò trung tâm trong xây dựng luật pháp quốc tế, gìn giữ hòa bình, ngăn ngừa xung đột và ứng phó các thách thức toàn cầu - chính thức kết nạp Việt Nam trở thành quốc gia thành viên thứ 149.

Từ năm 1996, Việt Nam bắt đầu tham gia đóng góp kinh phí cho hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc theo tỷ lệ phần trăm GDP do Liên hợp quốc và Việt Nam thỏa thuận.

Suốt trong những năm từ 2005-2012, Đảng, Chính phủ, Bộ Ngoại giao... đã ban hành, phê duyệt chủ trương và tổ chức nhiều chuyến nghiên cứu, khảo sát thực tế, đến một số phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; tham quan, học hỏi mô hình, kinh nghiệm của một số quốc gia đối tác để chuẩn bị lực lượng tham gia hoạt động này.

Ngày 23/11/2012, Bộ Chính trị thông qua “Đề án tổng thể về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc”. Ngày 10/4/2013, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế, trong đó đề ra định hướng: “Chủ động và tích cực tham gia các thể chế đa phương”, “trong đó có việc tham gia các hoạt động ở mức cao hơn, như hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc…”.

Ngày 27/5/2014, Bộ Quốc phòng tổ chức lễ ra mắt Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Tháng 6/2014, hai sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đầu tiên đã lên đường làm nhiệm vụ sĩ quan liên lạc tại Phái bộ Nam Sudan, đánh dấu sự tham gia chính thức hoạt động giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam. Từ đó, số lượng sĩ quan được Việt Nam cử đi theo hình thức cá nhân tăng cả về số lượng và lĩnh vực, nhiệm vụ tham gia; và đã được Liên hợp quốc, chỉ huy phái bộ và sĩ quan các nước đánh giá cao cả về trình độ chuyên môn, khả năng tổ chức làm việc và ý thức kỷ luật...

Năm 2024 đánh dấu tròn 10 năm Việt Nam tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Trong 10 năm, dù còn gặp rất nhiều khó khăn cả chủ quan và khách quan, nhưng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam đã được thực hiện hiệu quả.

10 năm qua, Việt Nam đã cử trên 800 lượt chiến sĩ mũ nồi xanh của Quân đội Nhân dân và Công an Nhân dân Việt Nam lên đường đi làm nhiệm vụ gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc tại các Phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, khu vực Abyei và Cục Hoạt động Hòa bình tại Trụ sở Liên hợp quốc, cũng như tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên minh châu Âu tại Cộng hòa Trung Phi. Trong đó, có 5 thê đội của Bệnh viện dã chiến cấp 2 triển khai tại phái bộ Nam Sudan, 2 thê đội của Đội Công binh triển khai tại khu vực Abyei và 114 lượt sĩ quan triển khai theo hình thức cá nhân… Số lượng cán bộ, sĩ quan hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Việt Nam cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của Liên hợp quốc. Những con số đó đã nói lên chặng đường dài đầy nỗ lực của Việt Nam trong suốt thập kỷ qua khi tham gia vào một hoạt động mang đầy ý nghĩa nhân văn, cao cả - gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam khi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã giúp đỡ chính quyền và người dân địa phương rất nhiều, trong đó có các hoạt động như: tham gia xây dựng đường; giúp các nhà trường xây dựng, cải tạo lớp học; tổ chức dạy học tình nguyện; khoan giếng nước tặng khu dân cư địa phương và các trường học; tổ chức khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân...

Các bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam ở Nam Sudan đã chăm sóc sức khỏe, điều trị với chất lượng cao cho nhiều lượt bệnh nhân là nhân viên Liên hợp quốc và người dân địa phương; áp dụng nhiều kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân phù hợp với điều kiện dã chiến thực tế tại địa bàn; tiến hành thành công các ca phẫu thuật phức tạp, vận chuyển cấp cứu đường không nhiều ca bệnh nguy hiểm.

Với những đóng góp trong 10 năm qua, ngày 27/5/2024, tại Lễ kỷ niệm 10 năm ngày truyền thống (27/5/2014 - 27/5/2024) tổ chức tại Hà Nội, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam và Đội Công binh số 1 (Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam) đã vinh dự đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba. Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 (Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam) và Đại tá Mạc Đức Trọng, Đội trưởng Đội Công binh số 1 được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Đây là sự ghi nhận, phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ dành tặng cho các tập thể, cá nhân đã có nhiều đóng góp xuất sắc trong việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Tại buổi lễ, Đại tá Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cho biết, theo đánh giá của chỉ huy phái bộ và các cơ quan của Liên hợp quốc, lực lượng gìn giữ hòa bình của Quân đội nhân dân Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ được giao, thể hiện sự chuyên nghiệp, sáng tạo, kỷ luật cao; để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với chỉ huy các phái bộ cũng như bạn bè và đồng nghiệp quốc tế./.

Trọng Đức (tổng hợp)