Việt Nam khống chế thành công được nhiều dịch bệnh nguy hiểm

Hà Nội (TTXVN 24/2/2024) Trong những năm qua, thế giới liên tục phải đối phó với nhiều dịch bệnh nguy hiểm, lây lan nhanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, gần đây nhất là đại dịch COVID-19; trước đó là dịch SARS, MERS-CoV... Với những biện pháp hiệu quả, kịp thời, Việt Nam được thế giới ghi nhận là một trong những quốc gia đi đầu, đã và đang thực hiện rất tốt công tác phòng, chống các dịch bệnh, nhất là các dịch bệnh mới nổi.

 * Khống chế thành công nhiều dịch bệnh nguy hiểm

Là một nước nhiệt đới gió mùa ẩm, trước kia, dịch bệnh ở Việt Nam thường diễn ra theo mùa, xuất hiện đều đặn và liên tục hằng năm. Nhiều bệnh dịch như dịch tả, thương hàn, sốt rét, sốt xuất huyết… đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống người dân cũng như gây thiệt hại to lớn đến kinh tế quốc gia.

Nhận rõ các nguy cơ, Nhà nước cũng như ngành y tế quốc gia sớm xác định phải xây dựng hệ thống phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả, từ trung ương đến địa phương, cũng như các công cụ hỗ trợ hữu hiệu trong tuyên truyền và xử lý dịch bệnh.

Trong hơn 30 năm thực hiện công tác phòng chống dịch, Việt Nam hiện đã xây dựng được năng lực giám sát, phát hiện, chẩn đoán xác định dịch bệnh và ứng phó giải quyết dịch bệnh một cách nhanh chóng, hiệu quả. Năng lực phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi được nâng cao. Công tác tổ chức thu dung, điều trị cho người bệnh đạt hiệu quả rõ rệt. Công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với các dịch bệnh nguy hiểm cũng được tích cực chủ động, cho dù điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức.

Kết quả là nhiều dịch bệnh nguy hiểm đã được khống chế, đẩy lùi và thanh toán, cụ thể như: thanh toán bệnh đậu mùa vào năm 1978, thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005, từ năm 2002 không có bệnh dịch hạch; một số bệnh dịch khác đã giảm số người nhiễm hàng trăm đến hàng nghìn lần so với những năm trước khi có Chương trình tiêm chủng mở rộng như bạch hầu, ho gà, sởi... Nhiều bệnh dịch lưu hành khác có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn như sốt xuất huyết, viêm não virus, lao, thương hàn, tả đã được khống chế; không gây thành các dịch lớn, hạn chế tỷ lệ mắc và tử vong.

Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đầu tiên khống chế thành công dịch SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1; ngăn chặn thành công không để một số dịch bệnh nguy hiểm mới nổi xâm nhập như cúm A/H7N9, Ebola, MERS-CoV... góp phần rất lớn vào việc ổn định an sinh xã hội.

Đặc biệt, đại dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát với quy mô toàn cầu, chưa từng có trong lịch sử. Sau hơn 3 năm, dịch bệnh đã được ngăn chặn, đẩy lùi và kiểm soát hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Việt Nam cũng triển khai được năng lực giám sát xét nghiệm rất tốt. Tất cả bệnh truyền nhiễm mới nổi đến nay, Việt Nam đều có khả năng xét nghiệm và phát hiện, từ MERS-CoV, Ebola, hay cúm A/H7N9 và cả COVID-19... Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm hoạt động hiệu quả từ giám sát cộng đồng, giám sát tại cửa khẩu, tại phòng xét nghiệm; giám sát tại vùng bất thường liên quan đến yếu tố dịch tễ đều được báo cáo, sàng lọc.

Những thành quả của Việt Nam đã được thế giới ghi nhận và Việt Nam tự hào là một trong những quốc gia đi đầu, đã và đang thực hiện rất tốt công tác phòng, chống các dịch bệnh mới nổi, tạo niềm tin trong nhân dân và sự cảm phục của cộng đồng quốc tế.

 * Nâng cao ý thức phòng bệnh, tăng cường sức khỏe

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn luôn diễn biến phức tạp, khó lường; có xu hướng tăng dần tần suất và xuất hiện nguy cơ lây nhiễm các biến thể mới, các dịch bệnh mới. Các bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi… cũng gia tăng đáng kể. Năm 2023, thế giới tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc, tử vong do các bệnh lây truyền từ động vật sang người, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi tại nhiều quốc gia.

Việt Nam nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều cùng với nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng cao, nên nguy cơ đối mặt với sự lây lan của nhiều loại dịch bệnh khác nhau là rất lớn.

Để phòng bệnh từ sớm, từ xa, hạn chế dịch bệnh bùng phát và chủ động, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong tương lai, thời gian tới Bộ Y tế sẽ tập trung tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, tiếp tục chủ động đẩy mạnh tiếp cận an ninh y tế toàn cầu trong phòng, chống dịch để thông tin, chia sẻ kinh nghiệm thông qua các cơ chế hợp tác song phương, đa phương trên cơ sở phối hợp liên ngành, đa lĩnh vực, thể hiện tinh thần trách nhiệm của Việt Nam, cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với dịch bệnh.

Tại Lễ mít tinh hưởng ứng ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh (ngày 27/12/2023), Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo chính quyền các cấp nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh.

Đặc biệt, cần củng cố, nâng cao năng lực của hệ thống phòng, chống dịch các tuyến, nhất là tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, khu vực tập trung đồng bào dân tộc thiểu số và huy động sự tham gia của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội trong phòng, chống dịch.

Bộ Y tế kêu gọi toàn dân và cộng đồng nâng cao ý thức phòng bệnh, tăng cường sức khỏe; thường xuyên, tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch và đề nghị các ngành, các địa phương phối hợp, chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp và huy động toàn xã hội, các tổ chức chính trị, đoàn thể tham gia trong công tác phòng, chống dịch.

Mới đây, Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định số 266/QĐ-BYT ngày 02/02/2024 về kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024 với mục tiêu nhằm giảm tối đa tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, đảm bảo kiểm soát kịp thời, hiệu quả, bền vững các dịch bệnh truyền nhiễm, hạn chế nguy cơ bùng phát và chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong tương lai để bảo vệ sức khỏe nhân dân và tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội.

* Việt Nam đã ngăn chặn và khống chế thành công một số dịch bệnh lớn

- SARS

Hội chứng hô hấp cấp tính nặng SARS là một trong những dịch bệnh nguy hiểm xảy ra trong những năm đầu thế kỷ 21. SARS xuất hiện tại châu Á vào năm 2002 với ổ dịch đầu tiên là Trung Quốc, sau đó đã lây lan đến 32 quốc gia và vùng lãnh thổ, làm trên 8.400 người mắc, trong đó có 916 người chết.

Dịch SARS đến Việt Nam qua một thương nhân gốc Hoa. Trong số 63 người nhiễm bệnh ở Việt Nam, 6 người tử vong đều là những y bác sỹ ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống SARS.

Tuy nhiên, tính từ thời điểm người đầu tiên phát bệnh, chỉ sau 45 ngày, Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận là quốc gia đầu tiên khống chế thành công dịch SARS.

Đó là kết quả xứng đáng với những nỗ lực vượt bậc và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cũng là thành tựu đầy tự hào của Việt Nam đối với cộng đồng thế giới.

- MERS-CoV

Thành công trong việc khống chế dịch SARS cho Việt Nam những kinh nghiệm quý trong việc ứng phó với bệnh lạ mới phát sinh, có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng. Từ đó, hệ thống phòng ngừa dịch bệnh của Việt Nam ngày càng hoàn thiện, hoàn chỉnh, sẵn sàng ứng phó và có biện pháp xử lý kịp thời với những tình huống bệnh dịch khẩn cấp.

Vì vậy, năm 2012, khi Hội chứng hô hấp Trung Đông MERS-CoV xuất hiện rồi lan ra 26 quốc gia, khiến hơn 2.500 người mắc bệnh và 850 ca tử vong, Việt Nam đã triển khai những biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Bộ Y tế Việt Nam đã xây dựng kế hoạch phòng, chống MERS-CoV với 3 tình huống giả định: chưa có ca xâm nhập, có ca xâm nhập nhưng chưa lây lan ra cộng đồng và dịch lan rộng tại cộng đồng, từ đó xây dựng phương án xử lý cụ thể từ trung ương tới địa phương. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng tăng cường truyền thông, cung cấp thông tin cho người dân hiểu và chủ động phòng bệnh, tăng cường giám sát tại cộng đồng. Nhờ đó, đã ngăn chặn được MERS-CoV xâm nhập vào Việt Nam.

- COVID-19

Trải qua những lần phòng và chống các dịch bệnh trước đó, Việt Nam đã xây dựng được nền tảng hệ thống xử lý, phòng dịch chặt chẽ với nhiều phân tuyến. Điều này đã tiếp tục phát huy hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Khởi phát từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) hồi đầu tháng 12/2019, dịch bệnh COVID-19 do virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra đã làm thế giới "chao đảo" bởi tính chất nguy hiểm và tốc độ lây lan "thần tốc" của nó. Virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện ở hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có Việt Nam) với hơn 686 triệu ca nhiễm và 6,9 triệu trường hợp tử vong (tính đến tháng 4/2023, theo thống kê của trang worldometers).

Tại Việt Nam, từ khi ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên (ngày 23/1/2020), đến cuối năm 2023, cả nước ghi nhận hơn 11 triệu trường hợp mắc, trên 43.000 trường hợp tử vong.

Với các quyết sách đúng đắn, kịp thời, phù hợp với diễn biến từng giai đoạn dịch bệnh của Đảng và Nhà nước, sự tin tưởng, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, Việt Nam đã từng bước kiểm soát được dịch bệnh. Năm 2023 số ca mắc trung bình tháng giảm 14 lần so với năm 2021 và giảm 82 lần so với năm 2022. Tỷ lệ tử vong do COVID-19 giảm từ 1,86% năm 2021 xuống 0,11% năm 2022 và còn 0,02% trong năm 2023. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên thế giới.

Ngày 19/10/2023, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3896/QĐ-BYT điều chỉnh bệnh COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B.

Tại hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác phòng, chống dịch COVID-19 (sáng 29/10/2023), bà Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đã đánh giá cao kết quả phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam và chỉ rõ 6 bài học, yếu tố mà Việt Nam đã thực hiện hiệu quả để thành công trong phòng, chống đại dịch COVID-19. Đó là, Việt Nam có năng lực tốt trong phát hiện, truy vết, khoanh vùng, dập dịch; thực hiện đóng cửa biên giới, phong tỏa các điểm dịch phù hợp; có hệ thống và đội ngũ y tế tận tâm; sáng suốt thực hiện chiến lược vaccine thần tốc; có sự tham gia tích cực của cả cộng đồng; đặc biệt có sự quyết đoán, tận tâm của lãnh đạo Chính phủ trong phòng, chống dịch.

Minh Duyên