Việt Nam tham gia tích cực, hiệu quả trong APEC
Hà Nội (TTXVN 16/11/2022) Trong hơn 2 thập kỷ qua, Việt Nam đã đóng góp tích cực chủ động đối với Diễn đàn APEC, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, liên kết kinh tế khu vực, duy trì vai trò của APEC là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu tại châu Á-Thái Bình Dương. Nổi bật nhất phải kể đến việc Việt Nam là một trong số không nhiều thành viên đã hai lần đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà APEC, vào các năm 2006 và 2017.
* APEC - Diễn đàn đối thoại khu vực và cơ chế hợp tác hàng đầu
Vào những năm 80 của thế kỷ XX, châu Á mà trọng tâm là Đông Á nổi lên thành một trong những khu vực năng động trên thế giới khi tốc độ tăng trưởng bình quân lên tới 9-10% mỗi năm. Dù vậy, khu vực này lại thiếu đi hình thức hợp tác hiệu quả để thúc đẩy phát triển kinh tế, hội nhập với nhiều quốc gia.
Trước nhu cầu trên, diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (Asia-Pacific Economic Cooporation forum - gọi tắt là APEC) đã được thành lập vào ngày 6/11/1989 tại Canberra (Australia). Cùng với các cơ chế hợp tác khác như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương-TPP (nay là Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương-CPTPP), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), liên kết kinh tế Đông Bắc Á..., APEC đã và đang góp phần tích cực vào quá trình xây dựng một cấu trúc hợp tác khu vực theo hướng đa tầng nấc, duy trì vai trò đầu tàu của châu Á-Thái Bình Dương trong tiến trình tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu.
Từ 12 thành viên sáng lập năm 1989 là: Australia, Brunei, Canada, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore,Thái Lan, Mỹ, đến nay APEC đã có thêm các nền kinh tế thành viên khác như: 3 thành viên gia nhập năm 1991 là Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Bắc (Trung Hoa); 3 thành viên gia nhập năm 1993-1994 là Mexico, Papua New Guinea, Chile; 3 thành viên gia nhập năm 1998 là Peru, Nga, Việt Nam.
APEC tạm ngừng kết nạp thành viên mới từ năm 1998. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều nền kinh tế có nguyện vọng gia nhập APEC như: Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Sri Lanka, Macao (Trung Quốc), Mông Cổ, Lào, Campuchia, Costa Rica, Colombia, Panama, Ecuador.
Như vậy, với tổng cộng 21 nền kinh tế thành viên, APEC hiện nay hội tụ 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới (Mỹ, Nhật Bản và Canada); 9 thành viên Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) (Australia, Canada, Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico, Nga, Mỹ) và nhiều nền kinh tế mới nổi, phát triển năng động của châu Á-Thái Bình Dương.
APEC hiện cũng là nơi hội tụ các trung tâm kinh tế, thương mại và công nghệ lớn toàn cầu, chiếm khoảng 40% dân số, đóng góp 60% GDP, khoảng 50% thương mại của thế giới, khẳng định được vị thế và vai trò đầu tàu của khu vực. Đặc biệt, trong tiến trình tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu, APEC cũng đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng một cấu trúc hợp tác khu vực sâu rộng, toàn diện theo tinh thần của mục tiêu hướng tới tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư trong khu vực vào năm 2021.
* Việt Nam tham gia tích cực, hiệu quả trong APEC
Ngày 14/11/1998, tại Kuala Lumpur, Malaysia, Việt Nam đã chính thức gia nhập Diễn đàn hợp tác châu Á-Thái Bình Dương (APEC) nhân Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế APEC lần thứ 10. Việc gia nhập APEC là một quyết định có ý nghĩa lịch sử quan trọng, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đây cũng là dấu mốc quan trọng trong quá trình triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã đóng góp tích cực chủ động đối với Diễn đàn APEC, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, liên kết kinh tế khu vực, duy trì vai trò của APEC là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu tại châu Á-Thái Bình Dương. Nổi bật nhất phải kể đến việc Việt Nam là một trong số không nhiều thành viên đã hai lần đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà APEC, vào các năm 2006 và 2017.
Việt Nam cũng là một trong những thành viên tích cực nhất trong đề xuất các sáng kiến và dự án, với hơn 100 dự án trên nhiều lĩnh vực. Nhiều sáng kiến do Việt Nam đề xuất được đánh giá thiết thực, đáp ứng quan tâm chung, nhất là về phát triển bền vững, bao trùm, phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, thúc đẩy kinh tế số, thu hẹp khoảng cách số, tạo thuận lợi thương mại điện tử qua biên giới, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) xanh, bền vững và sáng tạo, an ninh lương thực, ứng phó biến đổi khí hậu, xử lý rác thải đại dương, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, phát triển nông thôn và đô thị…
Trong công tác điều hành hoạt động của APEC, Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể thông qua việc đảm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC (năm 2005-2006), Chủ tịch/Phó Chủ tịch nhiều Ủy ban và nhiều nhóm công tác chủ chốt như Ủy ban Thương mại và đầu tư, Ủy ban Quản lý ngân sách, các Nhóm công tác về doanh nghiệp vừa và nhỏ, y tế, đối phó với tình trạng khẩn cấp... Riêng trong giai đoạn 2016-2018, Việt Nam đã đảm nhiệm vai trò Chủ tịch, Phó Chủ tịch 18 Ủy ban, nhóm công tác của APEC và ABAC, được các thành viên đánh giá cao.
Vai trò của doanh nghiệp Việt Nam đối với hợp tác APEC cũng ngày càng được đề cao. Doanh nghiệp Việt đã tham gia, đóng góp tích cực, đề xuất nhiều khuyến nghị lên các nhà Lãnh đạo và các Bộ trưởng APEC. Đặc biệt, trong Năm APEC 2017, doanh nghiệp Việt Nam đã đóng góp trí tuệ, công sức, trực tiếp tham gia nhiều hoạt động, khẳng định sự trưởng thành, năng lực hội nhập, vai trò và trách nhiệm đối với hợp tác APEC, cũng như liên kết kinh tế khu vực.
Kể từ sau khi đảm nhiệm thành công vai trò Chủ nhà APEC 2017, Việt Nam tiếp tục tham gia, đóng góp tích cực trong hợp tác APEC; thúc đẩy triển khai các kết quả quan trọng của APEC 2017, nhất là sáng kiến về xây dựng Tầm nhìn APEC đến năm 2040. Với vai trò Phó Chủ tịch Nhóm xây dựng Tầm nhìn APEC, Việt Nam đã chủ động tham gia dẫn dắt, điều phối quá trình xây dựng Báo cáo khuyến nghị của Nhóm Tầm nhìn APEC với tiêu đề “Người dân và thịnh vượng: Tầm nhìn APEC đến 2040”./.
An Ngọc (tổng hợp)