Việt Nam - thành viên tích cực, chủ động, trách nhiệm trong AIPA

Kể từ năm 1995 khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của AIPO (nay là AIPA) đến nay, Quốc hội Việt Nam luôn tích cực đề xuất nhiều sáng kiến để cơ chế hợp tác liên nghị viện khu vực ngày càng hiệu quả hơn. Những đóng góp của Việt Nam trong AIPA đã khẳng định vai trò của Việt Nam tại các diễn đàn liên nghị viện, đồng thời góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh và uy tín của đất nước.

Việt Nam chính thức trở thành thành viên của AIPO vào ngày 19/9/1995. Kể từ khi trở thành thành viên chính thức của AIPA (tháng 9/1995), Quốc hội Việt Nam đã tham gia chủ động, tích cực, đóng góp trách nhiệm cùng nghị viện các nước thành viên củng cố vai trò trung tâm, sự đoàn kết và thống nhất trong AIPA, đẩy mạnh sự hợp tác nội khối, mở rộng quan hệ nhiều mặt với nghị viện các nước trong và ngoài khu vực.

Quốc hội Việt Nam đã đóng góp nhiều sáng kiến tại các kỳ họp Ðại hội đồng cũng như tại các hoạt động trong khuôn khổ của AIPA. Việt Nam cũng đưa ra sáng kiến thành lập Nhóm tư vấn AIPA tại nghị viện các nước thành viên để tư vấn về vấn đề hài hòa pháp luật, giám sát thực hiện nghị quyết của AIPA và tăng cường quan hệ giữa AIPA và ASEAN; sáng kiến mở rộng thành phần tham dự hội nghị có cả một số nước không phải là thành viên AIPA…

Quốc hội Việt Nam đã ghi dấu ấn sâu đậm bằng việc ba lần tổ chức thành công kỳ họp Đại hội đồng AIPO-23 (ngày 8 đến 13/9/2002), Đại hội đồng AIPA-31 (ngày 19 đến 25/9/2010) và Đại hội đồng AIPA-41 (ngày 8 đến 10/9/2020).

Trong đó, đáng chú ý năm 2020, dù ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch AIPA 2020. Xuyên suốt Năm Chủ tịch AIPA 2020, Quốc hội Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động quan trọng. Trong đó, điểm nhấn quan trọng nhất của nhiệm kỳ Chủ tịch AIPA 2020 chính là kỳ họp Đại hội đồng AIPA-41 (diễn ra từ ngày 18 đến 20/9/2020). Tại Đại hội đồng AIPA 41, Quốc hội Việt Nam đề xuất hai sáng kiến quan trọng. Một là, tổ chức Hội nghị không chính thức Nghị sỹ trẻ AIPA, với mong muốn tạo diễn đàn để các nghị sỹ trẻ có tiếng nói mạnh mẽ và đóng góp hiệu quả hơn vào việc giải quyết các vấn đề chung của khu vực. Hai là, kết nối, gắn kết hoạt động của AIPA với hoạt động của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), gắn với việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững. Với sáng kiến này, Việt Nam mong muốn tạo diễn đàn mang tính thường niên của AIPA để cùng trao đổi, tìm ra các biện pháp thúc đẩy thực hiện có hiệu quả các Mục tiêu phát triển bền vững trong khu vực ASEAN.

Ở chiều ngược lại, tham gia tích cực vào các hoạt động của AIPA, Việt Nam cũng thu nhận được nhiều kinh nghiệm bổ ích và lợi ích thiết thực, góp phần thực hiện thành công chính sách đối ngoại rộng mở của đất nước trong thời kỳ hội nhập, tạo môi trường chính trị thuận lợi cho việc triển khai thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới của đất nước.

Cơ chế hợp tác liên nghị viện của AIPA cũng góp phần tăng cường hữu nghị, sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa các đại biểu Quốc hội Việt Nam với các nghị sĩ của các nước, cũng như giữa Việt Nam với các nước trong khu vực nói chung. Sự tham gia của Quốc hội Việt Nam trong AIPA đã tạo ra cơ hội và có thêm điều kiện để Việt Nam chia sẻ, vận động và giải thích về những vấn đề có liên quan đến Việt Nam, vượt qua những thành kiến, khác biệt về thể chế chính trị giữa các nước để tạo ra thái độ thân thiện, cởi mở, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau.

Cũng từ việc tham gia trực tiếp vào các hoạt động của AIPA mà các đại biểu Quốc hội Việt Nam có thêm cơ hội trao đổi thông tin, kinh nghiệm xây dựng pháp luật, công tác giám sát và hoạt động nghị viện, nâng cao kiến thức, kỹ năng tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế để hỗ trợ cho việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình. Thông qua các hoạt động của AIPA, Việt Nam còn có điều kiện góp phần quảng bá hình ảnh của Việt Nam, giới thiệu những nét đặc sắc về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam với bạn bè các nước trong khu vực và trên thế giới./.