Việt Nam - thành viên trách nhiệm, chủ động, tích cực trong ứng phó với biến đổi khí hậu
Hà Nội (TTXVN 30/10/2021) Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Anh Boris Johnson, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) từ ngày 31/10/2021. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là dịp để Việt Nam thể hiện mạnh mẽ thông điệp trách nhiệm, chủ động, tích cực trong tham gia xử lý thách thức chung toàn cầu về biến đổi khí hậu.
* COP26 - kỳ vọng lớn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của toàn cầu
Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu là một hiệp ước quốc tế về môi trường được đàm phán tại Hội nghị Liên hợp quốc về môi trường và phát triển, thường được gọi là Hội nghị thượng đỉnh Trái đất diễn ra tại Rio de Janeiro (Brazil) từ ngày 3 đến 14/6/1992. Mục tiêu của Hội nghị là ổn định các nồng độ khí nhà kính trong khí quyển ở mức có thể ngăn ngừa được sự can thiệp nguy hiểm của con người đối với hệ thống khí hậu. Công ước khung có hiệu lực từ ngày 21/3/1994, với số thành viên phê chuẩn là 197 nước. Việt Nam phê chuẩn Công ước từ ngày 16/11/1994. Cơ quan đầu mối thực thi Công ước là Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP) là hội nghị thường niên tổ chức trong khuôn khổ Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Hội nghị có quy mô lớn, có tầm quan trọng hàng đầu về lĩnh vực biến đổi khí hậu. Các kỳ Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đã giúp nhân loại nhận thức rõ mối nguy hiểm từ biến đổi khí hậu, giúp các nước xích lại gần nhau, đoàn kết để bảo vệ trái đất, bảo vệ chính mình.
Lần đầu tiên Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu được tổ chức vào năm 1995 tại Berlin (Đức). Những dấu mốc của Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu là COP3 diễn ra vào tháng 12/1997 tại Kyoto (Nhật Bản) với Nghị định thư Kyoto; COP11 diễn ra từ 28/11 tới 9/12/2005, tại Montreal (Canada) với chương trình hành động Montreal; hay thất bại của COP15 diễn ra vào tháng 12/2009 ở Copenhagen (Đan Mạch) với việc không đạt được thỏa thuận ràng buộc…
Đặc biệt, năm 2015, COP21 diễn ra tại Paris (Pháp) đã đạt được bước tiến lịch sử khi các quốc gia đã đạt được Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, theo đó đồng ý hợp tác cùng nhau để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và đặt mục tiêu mức này chỉ là 1,5 độ C, để thích ứng với tác động của biến đối khí hậu và sẵn sàng dành chi phí để thực hiện những mục tiêu này. Các quốc gia cam kết đưa ra các kế hoạch quốc gia và đề ra mức độ giảm lượng khí thải của mình - được gọi là Đóng góp Quốc gia tự quyết định.
Cũng theo Hiệp định Paris ký năm 2015, cứ 5 năm một lần, các nước tham gia hiệp định phải tăng mức cam kết giảm phát thải khí và năm 2020 là thời điểm mà các nước phải thực hiện quy định này. Tuy nhiên do tác động của đại dịch COVID-19, Hội nghị lần thứ 26 (COP26) đã hoãn sang năm 2021. COP26 vì vậy rất được trông đợi bởi đây là một cơ hội nữa của Hiệp định Paris, được kỳ vọng sẽ tạo bước tiến quan trọng trong việc đặt ra các mục tiêu về khí thải trên toàn thế giới nhằm làm chậm lại quá trình Trái đất ấm lên.
Dự kiến hội nghị COP26 (từ ngày 31/10 đến 12/11/2021) tại thành phố Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh, sẽ có sự tham gia của khoảng 30.000 đại biểu từ 196 nước thành viên Công ước, trong đó có hơn 120 Lãnh đạo cấp cao các nước. Ngoài ra có Tổng Thư ký Liên hợp quốc cùng Lãnh đạo của nhiều tổ chức quốc tế và thể chế tài chính quốc tế lớn, nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn và nhiều tổ chức phi chính phủ quốc tế lớn.
Tại Hội nghị COP26 lần này, các bên sẽ tập trung thảo luận nhiều nội dung quan trọng, đánh giá nỗ lực của các quốc gia trong việc thực hiện cam kết đến năm 2020; đưa ra cam kết cho giai đoạn đến năm 2030 và sau 2030 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, đóng góp tài chính, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực. Bên cạnh đó, các bên sẽ thảo luận về trình tự, thủ tục, thông tin cần thiết để đánh giá nội dung cam kết và việc thực hiện cam kết của một quốc gia...
Hội nghị COP26 được kỳ vọng sẽ tạo bước tiến quan trọng trong việc đặt ra các mục tiêu về khí thải trên toàn thế giới nhằm làm chậm lại quá trình Trái đất ấm lên; là cơ hội để giúp thế giới phục hồi sau đại dịch theo hướng thân thiện với biến đổi khí hậu.
* Việt Nam chủ động, tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu
Là một trong những nước chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn đặt vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu là ưu tiên trong phát triển kinh tế-xã hội, chủ động, tích cực trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam đã tham gia nhiều điều ước quốc tế quan trọng, đóng góp vào các quá trình đàm phán quốc tế về khí hậu.
Việt Nam luôn thể hiện là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Tại COP21, Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ góp phần cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời tuyên bố, Việt Nam sẽ đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu xanh giai đoạn 2016-2020. Về đóng góp giảm phát thải khí nhà kính, Việt Nam sẽ thực hiện giảm phát thải so với kịch bản cơ sở là 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế. Việt Nam cũng đã tích cực thực hiện các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, định hướng phát triển nền kinh tế theo hướng carbon thấp, tăng trưởng xanh và tăng cường thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính có tiềm năng trong các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, giao thông vận tải, nông nghiệp, chất thải cũng như tăng cường khả năng hấp thụ carbon trong lĩnh vực sử dụng đất…
Sự kiện Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự COP26 là dịp để Việt Nam thể hiện mạnh mẽ thông điệp trách nhiệm, chủ động, tích cực trong tham gia xử lý thách thức chung toàn cầu về biến đổi khí hậu; giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ chủ trương, quyết tâm và nỗ lực cũng như những khó khăn, thách thức của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, tham dự COP26 lần này, Việt Nam mong muốn truyền đi thông điệp về những thách thức và tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và sự chủ động, tích cực của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc ứng phó với biến đổi khí hậu cần dựa trên cơ sở hài hòa với quyền và lợi ích của các quốc gia; thúc đẩy hợp tác với các đối tác song phương, đa phương, các tổ chức quốc tế, tìm kiếm cơ hội tiếp nhận hỗ trợ tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Hội nghị COP26 là một trong những cơ hội hiếm hoi trong bối cảnh đại dịch COVID-19 để lãnh đạo cấp cao các nước tăng cường tiếp xúc song phương. Trong khuôn khổ COP26, Thủ tướng Chính phủ và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có hàng loạt các cuộc gặp với lãnh đạo một số nước, tổ chức quốc tê và các đối tác quan trọng./.
Trọng Đức (tổng hợp)
- Từ khóa:
- Vương quốc Anh
- Anh
- Việt Nam-Anh