Việt Nam trên "bản đồ" sản xuất vaccine của thế giới

Hà Nội (TTXVN 24/2/2024) Những năm qua, vị thế của y học Việt Nam đang ngày càng được khẳng định nhờ những tiến bộ vượt bậc trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ trong nhiều lĩnh vực của y tế. Bên cạnh các lĩnh vực như phẫu thuật nội soi, cấy ghép tạng đạt được nhiều thành tựu, Việt Nam cũng được biết đến là quốc gia đang dần vươn lên vị trí quan trọng trong danh sách các nước sản xuất vaccine trên thế giới.

* Chặng đường sản xuất vaccine “made in Vietnam”

Vaccine là vũ khí hữu hiệu bảo vệ con người trước các dịch bệnh nguy hiểm. Trung bình mỗi năm thế giới có khoảng 3 triệu người được cứu sống nhờ được tiêm chủng. Trong những năm qua, Việt Nam đã không ngừng triển khai hoàn thiện hệ thống tiêm chủng quốc gia, nhằm ngăn ngừa những bệnh dịch nguy hiểm. Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay đã có khoảng 30 bệnh truyền nhiễm có thể dự phòng được bằng vaccine.

Hơn 60 năm trước, trong điều kiện đất nước đang còn chiến tranh và rất khó khăn, Việt Nam đã bắt đầu sản xuất được vaccine đầu tiên - vaccine phòng bại liệt sống loại uống mà khởi nguồn là GS Hoàng Thuỷ Nguyên - nguyên Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Đến nay sự nghiệp sản xuất vaccine Việt Nam đã có bề dày lịch sử hơn nửa thế kỷ.

Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: những năm 1959-1960 bùng phát dịch bại liệt lớn ở các tỉnh phía Bắc, làm 17.000 người mắc bệnh và 500 người tử vong. Mỗi năm hàng ngàn trẻ em bị di chứng bại liệt suốt đời, tỷ lệ mắc lên đến trên 126/100.000 dân.

Trong khoảng thời gian khó khăn đó, năm 1961, nhờ vaccine do Liên Xô (cũ) hỗ trợ, tỷ lệ mắc bại liệt ở nước ta đã giảm xuống còn 3,09/100 nghìn dân. Tuy nhiên, để chủ động phòng chống bại liệt, Bộ trưởng Y tế khi đó là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã rất quyết tâm trong chỉ đạo để chủ động tự sản xuất vaccine. Năm 1962, những lô vaccine phòng bại liệt made in Việt Nam gắn với tên tuổi bác sĩ Hoàng Thủy Nguyên chính thức xuất xưởng. Những năm sau đó, tỷ lệ người dân mắc bại liệt giảm rõ rệt. Từ năm 1990, tỷ lệ trẻ dưới một tuổi được uống đủ ba liều vaccine phòng bại liệt được duy trì trên 90% và đây là tiền đề để Việt Nam thanh toán bệnh bại liệt năm 2000.

Tiếp sau vaccine phòng bại liệt, Việt Nam phát triển vaccine tả uống, từ công nghệ được Thụy Điển chuyển giao. Năm 2000-2001, Việt Nam tiếp tục chuyển giao miễn phí công nghệ này cho Viện vaccine Hàn Quốc và từ đó một công ty của Ấn Độ đã có bản quyền sản xuất vaccine tả uống xuất khẩu khắp thế giới.

Lần lượt, Việt Nam dần chủ động sản xuất được nhiều loại vaccine như: Vaccine viêm gan B từ huyết tương người, vaccine viêm não Nhật Bản, vaccine bạch hầu, ho gà, uốn ván… Bắt đầu từ năm 2005, Việt Nam xuất khẩu 1 triệu liều vaccine viêm não Nhật Bản đầu tiên sang Ấn Độ và nay vaccine Việt Nam đã xuất đi một số nước khác như: Đông Timor, Hàn Quốc, Myanmar…

* Mở ra cánh cửa xuất khẩu vaccine

Từ năm 2015, Việt Nam là một trong gần 40 nước nhận được Giấy chứng nhận Hệ thống quản lý quốc gia về vaccine (NRA) do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận đủ điều kiện xuất khẩu vaccine ra thế giới.

Chỉ một năm sau, năm 2016, Việt Nam đã đánh dấu mốc quan trọng trên bản đồ các quốc gia sản xuất vaccine - khi tự sản xuất được vaccine phối hợp phòng sởi-rubella (MR) chất lượng cao ứng dụng công nghệ Nhật Bản. Tại thời điểm này, Việt Nam là một trong 25 quốc gia sản xuất được vaccine trên thế giới và là nước thứ tư tại châu Á có thể sản xuất vaccine MR sau Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc. Việc đưa vaccine MR 2 trong 1 phòng sởi-rubella của Việt Nam sản xuất vào tiêm chủng mở rộng giúp giảm chi phí khi phải nhập ngoại thuốc MR. Từ tháng 4/2018, vaccine MR do Việt Nam sản xuất được sử dụng trên quy mô toàn quốc cho trẻ từ 18 tháng tuổi trong tiêm chủng mở rộng.

Tiếp đó, năm 2018 đánh dấu thành tựu lớn tiếp theo của ngành y tế Việt Nam - sản xuất thành công vaccine cúm mùa 3 trong 1 gồm cúm A/H1N1/09, A/H3N2, cúm B và vaccine cúm tiền đại dịch A/H5N1. Đây là loại vaccine cúm đầu tiên do Việt Nam sản xuất góp phần chủ động phòng chống dịch bệnh, giảm chi phí.

Một trong những thành tựu nổi bật của ngành y tế Việt Nam trong năm 2023, đó là Trung tâm Nghiên cứu sản xuất và sinh phẩm y tế (Polyvac), Bộ Y tế đã xuất khẩu thành công 1 triệu liều vaccine sởi MVVac đi Ấn Độ. Trước đó, vaccine được chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản và đưa vào sử dụng trong tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam từ năm 2009. MVVac đang được sử dụng cả trong chương trình tiêm chủng mở rộng lẫn chương trình dịch vụ, tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi.

Tháng 2/2024, Việt Nam lại có thêm vaccine thế hệ mới phòng viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu nhóm B (Neisseria meningitidis B) gây ra, được chỉ định tiêm cho trẻ em từ 2 tháng tuổi, tăng cao hiệu quả bảo vệ và độ an toàn khi sử dụng.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn tham gia sản xuất và xuất khẩu vaccine cho động vật. Năm 2022, Việt Nam là nước đầu tiên nghiên cứu, sản xuất thành công vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi. Năm 2023, Việt Nam chính thức xuất khẩu vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi AVAC ASF LIVE sang 5 nước: Indonesia, Philippines, Malaysia, Myanmar và Ấn Độ.

Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên thương mại hóa thành công vaccine này. Trong bối cảnh nhiều ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trong và ngoài nước, mũi tiêm ngừa tả lợn châu Phi được kỳ vọng giúp giảm thiệt hại cho ngành chăn nuôi.

Giới chuyên gia đánh giá, việc Việt Nam sản xuất và xuất khẩu vaccine đã mở ra thêm cơ hội phòng bệnh chủ động cho người dân, giảm nguy cơ mắc bệnh, biến chứng, giảm tỷ lệ tử vong do các bệnh truyền nhiễm. Bên cạnh đó, việc mở rộng các mô hình tiêm chủng dịch vụ tạo thành thế trận vững chắc, giúp người dân tiếp cận vaccine dễ dàng, tăng cao tỷ lệ bao phủ tiêm chủng.

* Phấn đấu làm chủ công nghệ sản xuất 15 loại vaccine

Trong lĩnh vực y tế dự phòng, y tế công cộng, hiện Việt Nam đã ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất vaccine phòng bệnh ở người, đảm bảo sản xuất 11/12 loại vaccine phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng.

Trong những năm qua, tỷ lệ tiêm chủng cao (trên 95%) đã góp phần thanh toán và đẩy lùi nhiều dịch bệnh nguy hiểm, bảo đảm an ninh, an toàn sức khỏe quốc gia. Nhờ có chương trình này, Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000 và bảo vệ thành quả này trong hơn 20 năm qua, đặc biệt trong bối cảnh vẫn còn một số quốc gia lưu hành bệnh bại liệt và mức độ giao lưu quốc tế lớn như hiện nay.  Việt Nam đã loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005 và đang thực hiện mục tiêu loại trừ bệnh sởi, giảm tỷ lệ nhiễm viêm gan B ở trẻ dưới 5 tuổi xuống 1% vào thời gian tới. Tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em như bạch hầu, ho gà, sởi, viêm não Nhật Bản B đã giảm hàng trăm lần so với trước khi triển khai chương trình này.

Phát biểu tại Hội nghị Khoa học toàn quốc năm 2023 do Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức với chủ đề "Nghiên cứu và ứng dụng trong y học", Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh các nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm vaccine nổi bật đã đưa Việt Nam là một nước có thế mạnh về sản xuất vaccine trên thế giới.

Tại Hội thảo phổ biến kết quả nghiên cứu vaccine và tham gia Chương trình chuyển giao công nghệ vaccine mRNA của Việt Nam (ngày 22/5/2023), đánh giá về thế mạnh trong sản xuất vaccine của Việt Nam, TS Nguyễn Khánh Phương, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế cho rằng: Việt Nam có bề dày kinh nghiệm sản xuất vaccine với 4 doanh nghiệp nhà nước và một số cơ sở tư nhân đều đạt chuẩn GMP (thực hành sản xuất tốt). Việt Nam cũng có khả năng làm chủ công nghệ sản xuất vaccine bởi trước đó đã làm chủ công nghệ như: Vaccine bất hoạt, vaccine giải độc tố, vaccine tiểu đơn vị... Việt Nam là một trong số ít nước gần như chủ động toàn bộ vaccine trong Tiêm chủng mở rộng (10/11 vaccine).

Để Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất vaccine khu vực, theo TS Nguyễn Khánh Phương, Việt Nam cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng cao cho sản xuất vaccine. Xây dựng cơ sở sản xuất đạt GMP (thực hành sản xuất tốt) có quy mô đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, Việt Nam cần nâng cao hệ thống quản lý chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, tiếp tục tăng cường hệ thống cơ quan quản lý quốc gia vaccine, đạt chứng nhận của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Xây dựng các chính sách liên quan để thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vaccine phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Chính phủ Việt Nam cũng đã phê duyệt Chương trình bảo đảm nguồn cung ứng vaccine cho tiêm chủng đến năm 2030, với mục tiêu đến năm 2030 làm chủ được công nghệ sản xuất 15 loại vaccine, sản xuất được ít nhất 5 loại vaccine; các vaccine sản xuất trong nước bảo đảm đạt tiêu chuẩn tương đương với tiêu chuẩn quốc tế.

Mục tiêu của Việt Nam là nghiên cứu làm chủ công nghệ sản xuất vaccine sử dụng cho người (vaccine); nâng cao trình độ, năng lực của các tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, sẵn sàng đối phó với dịch bệnh mới phát sinh, phấn đấu 100% vaccine trong nước đạt tiêu chuẩn tương đương với tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm cho chương trình Tiêm chủng mở rộng và một số vaccine khác; từng bước đưa vaccine Việt Nam tham gia thị trường quốc tế. Đến năm 2025, làm chủ công nghệ sản xuất 10 loại vaccine và sản xuất được tối thiểu 3 loại vaccine; đến năm 2030, làm chủ được công nghệ sản xuất 15 loại vaccine và sản xuất được tối thiểu 5 loại vaccine.

Để đạt được mục tiêu trên, Chương trình đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm như: Nghiên cứu ban hành cơ chế đặc thù, ưu tiên, ưu đãi cho việc nghiên cứu, sản xuất vaccine, nhất là đối với vaccine phòng các bệnh mới nổi, nguy hiểm, có khả năng lây nhiễm cao; các loại vaccine mới chưa có tại Việt Nam; các vaccine phối hợp; vaccine phòng các bệnh chưa được triển khai trong Chương trình tiêm chủng mở rộng… ./.

Diệp Ninh (tổng hợp)