Viết tiếp trang sử vàng trong thời đại mới
Hà Nội (TTXVN 25/04/2023) “Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay! Rộn ràng bao mê say những bước chân dồn về đây Sài Gòn ơi! Vững tin đã bao năm rồi một ngày vui giải phóng”... (“Đất nước trọn niềm vui”, Hoàng Hà) Lịch sử đất nước mãi mãi ghi đậm khoảnh khắc huy hoàng của chiến thắng khi lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập - sào huyệt cuối cùng của chính quyền Sài Gòn - vào lúc 11 giờ 45 phút ngày 30/4/1975. Ngày đất nước trọn niềm vui, non sông thống nhất về một dải nối liền từ ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau. 48 năm sau, bản anh hùng ca quyết chiến quyết thắng đã từng vang lên trên chiến hào đánh đuổi quân xâm lược lại vang lên trên trận tuyến mới: trận tuyến đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa nước ta vững bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
* Đất nước khải hoàn ca
Những bước tiến công thần tốc, từng cánh quân bộ đội giải phóng tiến về sào huyệt cuối cùng của chính quyền Sài Gòn. Trưa ngày 30/4/1975, cổng Dinh Độc Lập đã bị húc đổ. Lá cờ của Quân Giải phóng đã tung bay ngay tại tổng hành dinh của chính quyền Sài Gòn lúc 11h30 phút trong niềm hân hoan, chờ đón của cả dân tộc. Từ đây, miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, non sông Việt Nam thống nhất một dải.
Chiến thắng 30/4/1975 không chỉ chứng minh trí tuệ và tài thao lược của Đảng ta trong lãnh đạo và chỉ đạo chiến tranh cách mạng, mà còn chứng minh tinh thần quật khởi của người dân Việt Nam trong đấu tranh chống ngoại xâm. Chiến thắng đã chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta, mở ra một kỷ nguyên mới của dân tộc - kỷ nguyên của hòa bình, độc lập dân tộc, cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Tại Hội nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tháng 9/1975 đề ra nhiệm vụ hoàn thành thống nhất đất nước về mặt Nhà nước. Ngày 25/4/1976 cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung đã được tổ chức trên toàn quốc với hơn 23 triệu cử tri (98,8% tổng số cử tri) đi bầu. Quốc hội quyết định lấy tên nước là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (từ 2/7/1976). Quốc kỳ là lá cờ đỏ Sao vàng, Quốc ca là bài Tiến quân ca, Quốc huy là “Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Thủ đô là Hà Nội. Thành phố Sài Gòn đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh.
Việc hoàn thành thống nhất đất nước về mặt Nhà nước đã tạo nên những điều kiện chính trị cơ bản để phát huy toàn diện sức mạnh phát triển đất nước, tạo điều kiện thuận lợi để cả nước đi lên CNXH, có những khả năng to lớn để bảo vệ Tổ quốc và mở rộng quan hệ với các nước trên thế giới.
Từ điểm xuất phát thấp về kinh tế, lại chịu hậu quả nặng nề của những năm tháng chiến tranh khốc liệt, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân tộc đã đồng lòng khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, đạt được những thành tựu quan trọng.
Trong giai đoạn 1976-1985, ta đã khôi phục phần lớn những cơ sở công nghiệp, nông nghiệp, giao thông ở miền Bắc và xây dựng lại các vùng nông thôn ở miền Nam; củng cố kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể ở miền Bắc, cải tạo và sắp xếp công thương nghiệp tư doanh ở miền Nam, đưa nông dân Nam Bộ, Nam Trung Bộ vào con đường làm ăn tập thể; phân bố lại lực lượng lao động xã hội; tăng cường một bước cơ sở vật chất-kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân. Cùng với đó, nhiều nghị quyết và quyết định quan trọng của Đảng và Chính phủ được ban hành nhằm từng bước sửa đổi cơ chế quản lý đối với kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, kinh tế tư nhân và xóa bỏ quan liêu bao cấp.
Với những bước đi đổi mới từng phần theo những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, những sáng kiến, sự năng động, sáng tạo của nhân dân các địa phương, cơ sở sản xuất kinh doanh, đã làm cho nền kinh tế Việt Nam giai đoạn này có bước phát triển. Tổng sản phẩm bình quân mỗi năm tăng 4,6%. Các ngành sản xuất và dịch vụ trên phạm vi cả nước trong quá trình hoà nhập 2 miền, có bước phát triển mới.
Đầu năm 1978, tất cả các tỉnh và thành phố miền Nam đã căn bản xóa nạn mù chữ. Đến năm 1985, số trường trung học chuyên nghiệp là 314 trường, với quy mô 128,5 nghìn sinh viên. Số giường bệnh thuộc các cơ sở y tế tăng từ 89,4 nghìn giường năm 1976 lên 114,7 nghìn giường năm 1985. Số nhân viên y tế tăng từ 110,9 nghìn người năm 1976 lên 160,2 nghìn người năm 1985.
* Viết tiếp trang sử vàng trong thời đại mới
Trải qua bao thăng trầm, bằng ý chí quật cường, khát vọng mãnh liệt và những hành động cụ thể, Việt Nam đã và đang gặt hái được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Qua hơn 35 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Trong mắt cộng đồng quốc tế, Việt Nam là câu chuyện thành công của thế giới về phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Việt Nam từ một quốc gia nghèo trở thành nước có thu nhập trung bình, tỷ lệ người nghèo đã giảm mạnh từ 57% vào đầu những năm 90 xuống còn 5,2% vào năm 2020. Đáng chú ý, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm liên tục và đáng kể từ 18,1% năm 2012 xuống 10,9% năm 2016 và 4,4% năm 2020. Theo chuẩn nghèo đa chiều mới nhất (giai đoạn 2022-2025), tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo năm 2022 là 7,52%.
Nền kinh tế liên tục có mức tăng trưởng cao trong khu vực. Liên tiếp trong 4 năm, từ năm 2016-2019, Việt Nam đứng trong top 10 nước tăng trưởng cao nhất thế giới, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất. Đặc biệt, GDP năm 2022 tăng 8,02% và đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Quy mô nền kinh tế năm 2022 ước đạt gần 409 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 4.000 USD/ năm. Xuất khẩu hàng hóa cũng là một điểm sáng ấn tượng của Việt Nam trong nhiều năm qua. Đặc biệt, năm 2022, xuất khẩu đạt khoảng 372 tỷ USD, tăng 10,6%, Đây cũng là năm thứ 7 xuất siêu liên tiếp với thặng dư gần 11,2 tỷ USD, gấp hơn 3,3 lần năm 2021.
Sự thay da, đổi thịt của đất nước còn được thể hiện rõ từ nông thôn đến thành thị, từ hạ tầng giao thông đến các loại hình dịch vụ giải trí… Việt Nam đã trở thành quốc gia hàng đầu thế giới có tốc độ gia tăng nhanh nhất về số thuê bao điện thoại di động và lượng người sử dụng internet cũng như các thiết bị thông minh như smatphone…
Về văn hóa, xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân được cải thiện rõ rệt, an sinh xã hội được bảo đảm. Chú trọng xây dựng văn hóa và phát triển con người Việt Nam phát triển toàn diện. Công tác giải quyết việc làm và xóa đói, giảm nghèo đạt được những kết quả tốt. Cùng với đó, dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên.
Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 191/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với trên 30 nước, trong đó có tất cả các nước lớn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trên bình diện đa phương, Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO... Việt Nam cũng tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn và hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế quan trọng với tư cách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch luân phiên ASEAN, chủ nhà Hội nghị cấp cao ASEM, Hội nghị thượng đỉnh APEC, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN…
Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng như các nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ, của các cấp uỷ Đảng đều xác định những phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể đưa nước ta tiến lên xây dựng một Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc; một Việt Nam hùng cường, một nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã luôn là khát vọng mãnh liệt của bao thế hệ lãnh đạo và người dân Việt Nam. Để biến khát vọng thành hiện thực, chúng ta phải thấm sâu ý chí, khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhận rõ con đường phía trước, thấy được những khó khăn, thách thức, thuận lợi, thời cơ để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chiến lược trong từng giai đoạn 5 năm, 10 năm, 20 năm, 30 năm tiến tới tầm nhìn năm 2045.
48 năm đã trôi qua, nhưng tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vẫn luôn ngời sáng, là nguồn cổ vũ toàn thể nhân dân ta trên chặng đường thực hiện sự nghiệp đổi mới đất nước./.
Diệp Ninh (tổng hợp)
- Từ khóa:
- giải phóng miền Nam