VII. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng, Hiệp định Giơnevơ được ký kết

    Nhân vật liên quan

    • Chủ tịch Đảng (2/1951 - 9/1969); Tổng Bí thư (10/1956 - 9/1960)Hồ Chí Minh

 

Từ cuối tháng 9/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết thông qua kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954, giữ vững quyền chủ động, đánh địch trên cả hai mặt trận chính diện và sau lưng địch, phối hợp trên phạm vi cả nước và phối hợp trên toàn Đông Dương. Đầu tháng 12/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng chủ trương mở chiến dịch đánh bại địch ở Điện Biên Phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”.

Đầu tháng 12/1953, công việc chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ được khẩn trương tiến hành.

Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận do ông Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tư lệnh quân đội Nhân dân Việt Nam trực tiếp làm Chỉ huy trưởng và Bí thư Đảng ủy Mặt trận. Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận, do ông Phạm Văn Đồng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng làm Chủ tịch.

Ngày 22/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cờ “Quyết chiến quyết thắng” cho quân đội, động viên các đơn vị thi đua giết giặc lập công, hoàn thành cho kỳ được chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu. Trải qua ba đợt chiến đấu gay go và gian khổ, liên tục trong 55 ngày đêm, ngày 7/5/1954, quân và dân Việt Nam đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, diệt và bắt sống trên 16.000 tên địch. Toàn thể bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm do tướng Đờ Cátxtơri cầm đầu đã bị bắt sống.

Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng, kết thúc oanh liệt cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 của quân và dân Việt Nam.

Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ “được ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”.[1]

Ngày 15/3/1954, Hội đồng Chính phủ đã thông qua Điều lệ tổ chức các Ủy ban cải cách ruộng đất, thông qua bản Mười chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp ở những xã chưa cải cách ruộng đất và bản Chính sách đối với những ngụy binh, nhân viên ngụy quyền bỏ hàng ngũ địch trở về với Tổ quốc.

Ngày 8/5/1954, Hội nghị Giơnevơ khai mạc. Phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bước vào bàn hội nghị với tư thế của một dân tộc chiến thắng. Trong phiên họp toàn thể lần thứ 2 (10/5/1954), ông Phạm Văn Đồng, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam trình bày lập trường Tám điểm với nội dung chủ yếu là: đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, vấn đề Lào và vấn đề Campuchia, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước Đông Dương.

Trải qua 8 phiên họp toàn thể và 23 phiên họp hẹp rất căng thẳng và phức tạp, với tinh thần chủ động và cố gắng của phái đoàn Việt Nam, ngày 21/7/1954, các bản Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Campuchia và Lào đã được ký kết. Các nước tham gia hội nghị thông qua Bản tuyên bố chung thừa nhận: tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam, Campuchia và Lào, quy định quân đội Pháp phải rút khỏi các nước Đông Dương và ở mỗi nước Đông Dương sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do để thống nhất đất nước. Bản Tuyên bố chung ghi rõ ở Việt Nam: “Đường ranh giới về quân sự chỉ có tính chất tạm thời, không thể coi như là một biên giới về chính trị hoặc lãnh thổ” và quy định thời hạn dứt khoát về tổ chức Tổng tuyển cử, thống nhất đất nước Việt Nam vào tháng 7/1956. Bản “Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam” bao gồm 6 chương, 47 điều. Ngoài ra còn có phụ bản kèm theo nói rõ thêm về “giới tuyến quân sự tạm thời, khu phi quân sự và các khu đóng quân tạm thời”.

Ngày 22/7/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi nhân Hội nghị Giơnevơ thành công. Chủ tịch nêu rõ thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Người khẳng định công lao to lớn của đồng bào miền Nam anh hùng đi trước về sau trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc và kêu gọi nhân dân cả nước đoàn kết phấn đấu vì sự nghiệp thống nhất đất nước.

Trung tuần tháng 8/1954, Hội đồng Chính phủ đã họp dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng báo cáo về Hội nghị Giơnevơ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo về việc quân và dân Việt Nam đã thi hành đúng đắn mệnh lệnh ngừng bắn như Hiệp định Giơnevơ quy định. Hội đồng Chính phủ đã thông qua đề án tổ chức Ban tiếp đón bộ đội, cán bộ và đồng bào miền Nam tập kết.

Ngày 17/9/1954, Hội đồng Chính phủ ban hành Tám chính sách đối với các thành phố mới giải phóng nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của toàn thể nhân dân, bảo vệ công thương nghiệp tư doanh, bảo hộ tính mạng tài sản của mọi ngoại kiều, thực hiện tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng của nhân dân.

Ngày 10/10/1954, Thủ đô Hà Nội được giải phóng.

Ngày 15/10/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh về đến Hà Nội.

Ngày 16/10/1954, trong buổi tiếp đoàn đại biểu nhân dân Thủ đô tại Bắc Bộ phủ (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi đồng bào đã cố gắng và hăng hái giúp đỡ bộ đội trong việc tiếp quản Thủ đô, động viên mọi người phát huy sáng kiến và nghị lực để giải quyết những khó khăn trong công cuộc khôi phục đời sống hòa bình. Người căn dặn: “Nhân dân Thủ đô ta có truyền thống cách mạng vẻ vang và lòng nồng nàn yêu nước, tôi chắc rằng đồng bào Thủ đô sẽ hăng hái phấn đấu làm cho mọi ngành hoạt động của Thủ đô ngày thêm phát triển, để làm gương mẫu, để dẫn đầu cho nhân dân cả nước ta trong công cuộc củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong khắp nước ta; để xây dựng một đời sống sung sướng, tươi đẹp, thái bình mãi mãi cho con cháu chúng ta”.[2]

Trong hai ngày 17 và 18/10/1954, Thủ tướng Chính phủ Ấn Độ J.Nêru sang thăm Việt Nam. Đây là lần đầu tiên một vị Nguyên thủ của một quốc gia nước ngoài đến thăm Việt Nam sau Cách mạng thành công.

 

[1] Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội tiến lên, giành những thắng lợi mới, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1970, tr.90

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, t7, tr. 368/369.