Vụ tấn công tại Moskva: Thế giới cần chung tay ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố

Hà Nội (TTXVN 26/3/2024) Vụ nổ súng khủng bố tại nhà hát Crocus City Hall ở ngoại ô thủ đô Moskva của Nga chiều tối ngày 22/3/2024 vẫn đang khiến cả thế giới phẫn nộ và lên án. Những hình ảnh của vụ tấn công cho thấy sự tàn bạo của những kẻ khủng bố và đòi hỏi các nước cần phải chung tay ngăn chặn.

Lực lượng cứu hộ được triển khai tới hiện trường vụ tấn công trung tâm thương mại Crocus ở Moskva, Nga ngày 22/3/2024. Ảnh: THX/TTXVN

* Ngày đau thương của người dân Nga

Tối ngày 22/3/2024, thời điểm mà người dân Moskva đang chuẩn bị bước vào những ngày nghỉ cuối tuần như thường lệ thì những loạt đạn đã vang lên ở nhà hát Crocus City Hall nằm trong quần thể trung tâm thương mại, triển lãm và biểu diễn Crocus City bên cạnh đường vành đai ôtô MKAD giữa thủ đô Moskva và tỉnh Moskva. Những kẻ mặc đồ ngụy trang đã nổ súng và gây ra vụ nổ ở nhà hát này ngay trước buổi biểu diễn của nhóm nhạc Picnic, dẫn tới một thảm kịch khủng khiếp chưa từng có ở nước Nga trong nhiều năm.

Đến nay, Ủy ban Điều tra Nga (IC) ghi nhận ít nhất 137 người, trong đó có 3 trẻ em, và hơn 180 người bị thương. IC đã xác định được danh tính của 62 thi thể, trong khi với những nạn nhân còn lại, công tác xét nghiệm ADN đang được khẩn trương tiến hành.

Cuộc điều tra hiện trường vụ án vẫn đang tiếp tục.  Không có dấu vết của thủ đoạn gài mìn hoặc các thi thể bị gài mìn. Trong quá trình tìm kiếm, các cơ quan chức năng của Nga đã phát hiện 4 bộ quân phục, hơn 500 viên đạn và 28 băng đạn cũng như 2 khẩu súng trường Kalashnikov của các đối tượng tấn công.

Chủ sở hữu nhà hát Crocus City Hall, ông Araz Agalarov ngày 24/3 cho biết những kẻ khủng bố đã tìm cách hủy hoại các đoạn ghi hình qua camera giám sát. Những kẻ khủng bố muốn dùng dầu hỏa và xăng thiêu rụi phòng hòa nhạc và khán giả, trong đó có phòng giám sát và lưu trữ hình ảnh camera giám sát. Tuy nhiên, ban quản lý khu phức hợp đã kịp thời thông báo cho lực lượng cứu hộ nơi lưu giữ cơ sở dữ liệu, nhờ đó ngăn chặn được đám cháy ở khu vực này.

Theo một nguồn tin, thiệt hại từ vụ cháy nhà hát ước tính khoảng 10 tỷ ruble (khoảng 109 triệu USD). Một nguồn tin khác lưu ý số tiền bảo hiểm theo hợp đồng có thể thấp hơn đáng kể so với mức thiệt hại mà các chuyên gia ước tính. Trước đó, Phó chủ tịch Liên minh các trung tâm mua sắm, Pavel Lyulin, ước tính thiệt hại do vụ cháy nhà hát này khoảng từ 6 - 12 tỷ ruble.

Sau vụ khủng bố, ISIS-K (ISKP), chi nhánh của tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, đã lên tiếng nhận trách nhiệm. Cơ quan An ninh LB Nga (FSB) đã bắt giữ 11 đối tượng tình nghi liên quan, trong đó có 4 nghi can trực tiếp thực hiện. Bộ Nội vụ Nga cho biết 4 nghi phạm xả súng này đều là công dân nước ngoài và đã bị đưa ra trình diện tại tòa án ngày 24/3. Các đối tượng này đối mặt các cáo buộc liên quan đến khủng bố và sẽ lĩnh án chung thân nếu bị kết tội. Tòa ra đã lệnh tạm giam 4 nghi phạm đến ngày 22/5 và có thể gia hạn tùy thuộc vào thời gian bắt đầu xét xử.

Trong một diễn biến mới, tòa án Basmanny của thành phố Moskva ngày 25/3 đã ban hành lệnh bắt thêm 3 bị cáo trong vụ tấn công khủng bố ở nhà hát Crocus City Hall. Các bị cáo này là Isroil, Ainchon và Dilovar Islomov (cha và hai con trai) sẽ bị bắt giam cho đến ngày 22/5. Theo điều tra, Dilovar Ismailov sinh ra ở Dushanbe (Tajikistan), sau đó chuyển đến Nga, nhập quốc tịch và làm nghề lái xe taxi. Người này được Shamsidin Fariduni, một trong những thủ phạm của vụ tấn công khủng bố, chiêu mộ trước ngày 11/3/2024.

Sau vụ khủng bố trên,  Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo ngày 24/3 là ngày quốc tang, tưởng niệm các nạn nhân trong vụ khủng bố đẫm máu này. Trên toàn nước Nga đã treo cờ rủ, các sự kiện vui chơi giải trí bị hủy bỏ. Và ở khắp mọi nơi của thủ đô Moskva có thể thấy biểu tượng cây nến cháy cùng dòng chữ “Chúng tôi đau buồn 22.03.2024". Tại khu vực Crocus City, cạnh nơi xảy ra thảm họa khủng bố thương tâm vừa qua, hàng đoàn người không dứt, không chỉ ở Moskva mà từ nhiều địa phương khác đã đến đây để đặt hoa tưởng nhớ các nạn nhân. Rất nhiều người đến địa điểm tưởng niệm ở Crocus City đã không thể cầm được nước mắt. Nhiều người dân thủ đô Moskva trong đó có cả người Việt Nam đã đến các trung tâm hiến máu để giúp đỡ các nạn nhân.

Hình ảnh cây nến tưởng niệm các nạn nhân vụ tấn công khủng bố tại nhà hát Crocus City Hall ở Moskva, Nga ngày 23/3/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

* Các nước nâng cao cảnh giác với khủng bố

Sau vụ tấn công khủng bố tại ngoại ô thủ đô Moskva (Nga) vào tối 22/3, nhiều quốc gia đã đồng loạt lên án mạnh mẽ vụ tấn công, gửi lời chia buồn sâu sắc và bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Nga. Các nước cũng đã nâng cao cảnh giác đối với khủng bố.

Pháp đã nâng mức cảnh báo an ninh lên mức “báo động khủng bố khẩn cấp”, mức cao nhất trong hệ thống cảnh báo Vigipirate. Hệ thống cảnh báo khủng bố của Pháp được chia làm 3 cấp độ, trong đó mức cao nhất được kích hoạt sau khi xảy ra một cuộc tấn công ở Pháp hoặc ở nước ngoài, hay mối đe dọa xảy ra một cuộc tấn công được đánh giá là hiện hữu. Cấp độ cảnh báo cao nhất cho phép chính quyền Pháp áp dụng các biện pháp an ninh đặc biệt, như tăng cường hoạt động tuần tra của các lực lượng vũ trang tại những nơi công cộng như nhà ga, sân bay và các địa điểm tôn giáo.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tối ngày 24/3 đã triệu tập Hội đồng an ninh quốc gia để thảo luận về vụ khủng bố diễn ra tại ngoại ô thủ đô Moskva của Nga tối ngày 22/3 và các hệ lụy đối với nước Pháp trong bối cảnh chỉ còn khoảng 4 tháng nữa sẽ diễn ra Thế vận hội Olympic mùa hè 2024 Paris.

Thủ tướng Pháp Gabriel Attal nhấn mạnh nhiều âm mưu khủng bố của IS nhắm vào một số quốc gia châu Âu, trong đó có Đức và Pháp, đã bị thất bại nhưng các mối đe dọa an ninh từ tổ chức này vẫn luôn hiện hữu.

Hội đồng quốc phòng và an ninh của chính phủ Pháp nhóm họp trong ngày 25/3 để triển khai các biện pháp và phối hợp các lực lượng an ninh cho kế hoạch Vigipirate.

Tại Italy, Bộ trưởng Quốc phòng Guido Crosetto ngày 24/3 đã bày tỏ lo ngại một cuộc tấn công khủng bố tương tự như vụ xả súng tại nhà hát Crocus City Hall ở ngoại ô thủ đô Moskva của Nga có thể xảy ra ở những quốc gia có "chân rết" hay các thành viên của tổ chức khủng bố IS. Bộ trưởng Quốc phòng Italy nhận định những cuộc tấn công kiểu này có nguy cơ xảy ra ở nhiều quốc gia khác, nơi IS hiện diện và hoạt động. Vụ khủng bố cho thấy mức độ nguy hiểm và các nước châu Âu không nên lơ là.

Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Iraq Alina Romanowski cho biết IS vẫn gây ra mối đe dọa ở Iraq và liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu hợp tác với Iraq để đánh bại hoàn toàn nhóm này vẫn chưa xong nhiệm vụ. Đại sứ Mỹ tại Iraq nhấn mạnh mối đe dọa do IS gây ra ở đây dù đã giảm đi rất nhiều nhưng công việc của họ về cơ bản vẫn chưa hoàn thành và Mỹ muốn đảm bảo rằng các lực lượng Iraq có thể tiếp tục đánh bại IS.

Người dân đặt hoa bên ngoài Đại sứ quán Nga ở Rome, Italy để tưởng niệm các nạn nhân vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại nhà hát Crocus City Hall ở Moskva, ngày 23/3/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

* Chống khủng bố là cuộc chiến của toàn cầu

Có thể thấy, vụ tấn công khủng bố nghiêm trọng nhất trong vòng 13 năm qua ở Moskva (tối ngày 22/3) đã được chuẩn bị và lên kế hoạch kỹ lưỡng kể từ địa điểm, thời điểm tấn công cũng như kịch bản thực hiện. Cuộc tấn công diễn không chỉ vào một ngày thứ Sáu an bình cuối tuần mà còn ngay sau cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 8 được xem là thành công của nước Nga, vốn đem lại một niềm lạc quan nhất định trong cả nước, cũng khiến cho người dân phần nào chủ quan, lơ là trên góc độ an ninh, an toàn.

Vụ tấn công khủng bố ở Moskva một lần nữa cho thấy mối đe dọa dai dẳng của chủ nghĩa khủng bố toàn cầu. Mặc dù, thế giới đạt được một số thành tựu đáng kể trong những năm qua, song khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực “vẫn bén rễ và phát triển”. Các “chân rết” của mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda và IS ở châu Phi đang nhanh chóng chiếm ưu thế ở những khu vực như Sahel và đang có xu hướng mở rộng về phía Nam tới Vịnh Guinea. Trong khi đó, chủ nghĩa phát xít mới (Neo-Nazi) và phong trào “da trắng thượng đẳng” đang nhanh chóng trở thành mối đe dọa an ninh chính ở bên trong một số quốc gia.

Thực tế đó cho thấy, thế giới chưa an toàn và sẽ không thể an toàn chừng nào chủ nghĩa khủng bố còn tồn tại. Chống khủng bố vẫn là cuộc chiến không ngừng nghỉ và lâu dài. Là mối đe dọa mang tính toàn cầu, khủng bố chỉ có thể được ngăn chặn bằng nỗ lực chung của cả thế giới, với sự chung tay của cả cộng đồng.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trong phát biểu đưa ra ngày 25/3 cũng cho rằng hợp tác quốc tế là điều cần thiết trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố nhưng tiến trình đối thoại về vấn đề này đang bị gián đoạn vì các căng thẳng ngày càng leo thang trên toàn cầu. Ông Peskov nêu rõ cuộc chiến chống khủng bố là tiến trình liên tục cần hợp tác quốc tế toàn diện nhưng hiện nay hợp tác không được thực hiện đầy đủ hoặc không được thực hiện.

Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, do chủ nghĩa cực đoan được sinh ra từ nhiều cuộc khủng hoảng đang tác động đến thế giới, từ khủng hoảng lương thực và năng lượng đến biến đổi khí hậu và cũng như làn sóng lan truyền hận thù trên Internet nên thế giới cần tập trung phòng ngừa. Theo ông, đây là cách thức tiếp cận hiệu quả nhất nhằm chấm dứt mối đe dọa từ khủng bố.

Năm 2023, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết về Chiến lược chống khủng bố toàn cầu. Nghị quyết kêu gọi các quốc gia thành viên, Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế, khu vực, tiểu khu vực đẩy mạnh nỗ lực thực hiện một cách công bằng trên cả 4 trụ cột của Chiến lược, bao gồm biện pháp giải quyết các nhân tố dẫn tới khủng bố; phòng chống khủng bố; xây dựng năng lực của các nước trong phòng chống khủng bố và tăng cường vai trò của Liên hợp quốc trong lĩnh vực này; bảo đảm tôn trọng quyền con người và luật pháp./.

Trọng Đức (tổng hợp)