[Photo] Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
Hà Nội (TTXVN 27/2/2023) Dưới sự lãnh đạo của Đảng trong hơn 35 năm đổi mới, lĩnh vực văn hóa đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, quan trọng. Nhiều giá trị mới về văn hóa, chuẩn mực đạo đức được khẳng định và nhân rộng trong xã hội. Công cuộc bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá của dân tộc đã đạt được nhiều tiến bộ. Nhiều di sản văn hoá vật thể, phi vật thể được bảo vệ và phát huy giá trị. công tác xã hội hoá đã thu hút được đông đảo các tổ chức và cá nhân tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá, góp phần tích cực gìn giữ bản sắc văn hóa, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc.
54 dân tộc sống trên đất nước ta đều có những giá trị và sắc thái văn hóa riêng. Các giá trị và sắc thái đó bổ sung cho nhau, làm phong phú nền văn hóa Việt Nam và củng cố sự thống nhất dân tộc là cơ sở để giữ vững sự bình đẳng và phát huy tính đa dạng văn hóa của các dân tộc anh em. (Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN)
Ngày thơ Việt Nam trở thành một lễ hội, một nét văn hóa độc đáo thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng, góp phần quảng bá các giá trị thơ ca của dân tộc, nuôi dưỡng tình yêu văn chương, hướng con người đến với những chân-thiện-mỹ để tự hoàn thiện tâm hồn, nhân cách, từ đó sống đẹp và sống tốt hơn. (Ảnh: Minh Đức - TTXVN)
Múa khèn - nét văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Mông. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Nhảy sạp không chỉ mang đậm bản sắc đời sống sinh hoạt văn hóa người Tây Bắc mà còn thể hiện được cốt cách, tâm hồn và tình cảm của những người con nơi đây, là hoạt động tiêu biểu giúp gắn kết cộng đồng người Tây Bắc và cộng đồng các dân tộc khác nhau. (Ảnh: Nguyễn Thủy - TTXVN)
Đua ghe ngo là hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ, là dịp để cộng đồng các dân tộc giao lưu, củng cố, tăng cường mối đoàn kết, gắn bó, cùng phát triển. (Ảnh: Duy Khương - TTXVN)
Xin chữ, cho chữ là một phong tục truyền thống mỗi dịp Tết đến xuân về của người Việt Nam. Đây là một nét văn hóa thể hiện truyền thống hiếu học của dân tộc với mong muốn một năm mới vạn sự như ý. (Ảnh: TTXVN)
Cảnh hát Quan họ trên ao đình tại Hội liem thuộc thị trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh - Dân ca quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. (Ảnh: Minh Quyết - TTXVN)
Ngày 6/12/2012, UNESCO chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hằng năm, việc tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được đặc biệt chú trọng, nhằm giáo dục truyền thống, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn," tôn vinh công đức các Vua Hùng đã có công dựng nước và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. (Ảnh: Quý Trung - TTXVN)
Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể thế giới vào năm 2005, đến năm 2008 được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. (Ảnh: Sỹ Huynh -TTXVN)
Hội voi Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) là hoạt động văn hóa truyền thống của cư dân bản địa với mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn đàn voi nhà, đồng thời phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc, tạo sức lan tỏa để bảo tồn các giá trị văn hóa và quảng bá du lịch. (Nguồn: TTXVN)
Hội Gióng - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận, ngày 16/11/2010. (Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN)
Lễ hội Katê của đồng bào Chăm theo đạo Bà la môn tỉnh Bình Thuận không chỉ đáp ứng nhu cầu văn hoá tâm linh của đồng bào Chăm mà còn là dịp để thu hút du khách tham quan, tìm hiểu nét đặc trưng của cộng đồng người Chăm. (Ảnh: TTXVN)
Nghệ nhân dân tộc Pa Kô truyền dạy cách chơi đàn Ta lư cho thiếu nhi. (Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN)
Ngày 15/12/2021, UNESCO chính thức ghi danh Xòe Thái là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Nghệ thuật Xòe Thái là loại hình múa truyền thống đặc sắc gắn liền với đời sống của đồng bào Thái vùng Tây Bắc Việt Nam trong các lễ hội cộng đồng, nghi lễ tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa. (Nguồn: TTXVN)
Ngày 1/10/2009, ca trù của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Với tính chất là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, việc trao truyền thông qua hình thức truyền dạy ca trù được coi là giải pháp quan trọng hàng đầu. (Ảnh: TTXVN)
Nghệ thuật sân khấu chèo đã đi sâu vào đời sống xã hội Việt Nam, phản ánh đầy đủ mọi góc độ của bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam. Trước tác động của nền văn hóa hội nhập, nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật chèo truyền thống rất cần được tiếp tục trao truyền, gìn giữ. (Ảnh: TTXVN)
Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ngày 12/12/2019 cho thấy những giá trị to lớn của di sản này, đồng thời khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam, góp phần làm giàu thêm kho tàng văn hóa chung của nhân loại. (Ảnh: TTXVN)
Chợ nổi là trung tâm giao thương và trao đổi hàng hóa sầm uất nhất ở miền Tây Nam Bộ. Ngoài vai trò là nơi mua bán nông sản và giao lưu văn hóa của bà con các tỉnh thành miền Tây. Chợ nổi Cái Răng còn là di sản văn hóa phi vật thể với nhiều giá trị đặc sắc của Cần Thơ nói riêng và miền Tây nói chung. (Ảnh: An Hiếu - TTXVN)
Ngày 23/11 hằng năm được chọn là Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, nhằm phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; trở thành ngày hội lớn, thắp sáng ngọn lửa di sản văn hóa dân tộc trong trái tim của hơn 90 triệu người dân Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)
Lớp dệt thổ cẩm được duy trì thường xuyên như một sản phẩm văn hoá du lịch của cộng đồng người Pà Thẻn ở Lâm Bình, Tuyên Quang. (Ảnh: Nam Sương - TTXVN)
Nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, mỗi dân tộc có những giá trị và sắc thái văn hóa riêng, bổ sung cho nhau, làm phong phú nền văn hóa Việt Nam và củng cố sự thống nhất dân tộc là cơ sở để giữ vững sự bình đẳng và phát huy tính đa dạng văn hóa của các dân tộc anh em. (Ảnh: Đức Tưởng - TTXVN)
Đờn ca tài tử Nam Bộ là một dòng nhạc dân tộc của Việt Nam, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể và là một danh hiệu UNESCO ở Việt Nam, có vùng ảnh hưởng lớn với phạm vi 21 tỉnh, thành phía Nam. (Ảnh: TTXVN)
Hát Xoan từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa đặc sắc mang đậm dấu ấn của người dân đất Tổ; góp phần làm nên vẻ đẹp truyền thống mang giá trị hồn cốt của dân tộc. Cũng như Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, hát Xoan cũng mang giá trị lòng yêu nước, cố kết cộng đồng dân tộc và giá trị tâm linh sâu sắc. Ngày 8/12/2017, hát Xoan đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. (Ảnh: TTXVN)
Nghệ thuật hát bài chòi - Di sản văn hóa phi vật thể thế giới, được tổ chức hằng đêm ở Hội An để phục vụ du khách mùa cao điểm. Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa. (Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN)
Tiết mục biểu diễn của thiếu nhi ASEAN trong đêm khai mạc Liên hoan thiếu nhi ASEAN + 2017 với chủ đề Hành trình khám phá. (Ảnh: Minh Quyết - TTXVN)
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4) là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội, là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội, khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng. Việc lấy ngày 21/4 là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam thể hiện sự hội nhập của Việt Nam với thế giới trong lĩnh vực văn hóa, xuất bản. (Ảnh: TTXVN)
- Từ khóa:
- văn hóa Việt Nam
- Đề cương văn hóa