Xuất khẩu rau quả - điểm sáng của xuất khẩu nông sản năm 2023

Hà Nội (TTXVN 6/1/2024) Với kim ngạch đạt 5,69 tỷ USD, xuất khẩu rau quả đã trở thành điểm sáng nổi bật trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu năm 2023. Các doanh nghiệp cho rằng đây mới là năm khởi động với xuất khẩu rau quả Việt Nam và dự kiến xuất khẩu rau quả sẽ còn tăng trưởng mạnh trong những năm tới.

 

Công nhân tuyển lựa trái thanh long xuất khẩu. Ảnh: Thanh Bình-TTXVN

* Kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục

Việt Nam có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng khá thuận lợi cho việc trồng các loại rau củ quả phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Rau quả Việt Nam hiện cung cấp đồng thời cho thị trường nội địa và xuất khẩu ra nước ngoài.

Trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam tăng trưởng liên tục và đều đạt trên 3 tỷ USD/năm tính từ năm 2017 đến nay. Trong 3 năm diễn ra dịch COVID-19 (2020, 2021, 2022), dù chịu nhiều ảnh hưởng, kim ngạch xuất khẩu rau quả cũng không sụt giảm quá nhiều. Nếu như năm 2019 (trước dịch COVID-19) đạt 3,7 tỷ USD thì năm 2020 vẫn đạt 3,3 tỷ USD, năm 2021 đạt 3,5 tỷ USD và năm 2022 đạt 3,36 tỷ USD (1).

Năm 2023, là một năm thành công của ngành rau quả Việt với kim ngạch xuất khẩu đạt mức kỷ lục 5,69 tỷ USD, tăng 70% so với năm 2022 (2). Rau quả cũng là một trong hai mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao nhất trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam năm 2023.

Top các thị trường xuất khẩu rau quả hàng đầu của Việt Nam là: Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hà Lan, Australia…  Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam và chiếm tỷ trọng 65%. Ngoài ra, rau quả Việt Nam cũng đã từng bước có chỗ đứng tại các thị trường được đánh giá là “khó tính” như EU, Nhật Bản, Anh, Mỹ…

Trong các loại rau quả, thanh long, sầu riêng là 2 mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất với trên 2 tỷ USD. Riêng với mặt hàng sầu riêng, trong năm qua, Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc đã được ký kết và các doanh nghiệp đã nhanh chóng tận dụng cơ hội để xuất khẩu sang thị trường này, nhờ đó đã mang lại kết quả rất đáng ghi nhận.

Có được các kết quả trên, theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, là sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong ngành, những chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước và không thể thiếu sự đồng hành của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.

Phương tiện không hàng chờ điều tiết sang Trung Quốc qua luồng xuất nhập cảnh cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Ảnh: Quang Duy - TTXVN

 * Cơ hội rộng mở trong năm 2024

Với sự bùng nổ mạnh mẽ về giá trị xuất khẩu rau quả của năm 2023, các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả cho rằng, đây mới là năm khởi động của xuất khẩu rau quả Việt Nam. Bởi Việt Nam còn nhiều tiềm năng xuất khẩu với nhiều sản phẩm đang chờ đón được mở cửa trong thời gian tới.

Theo đó, cơ hội xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đang tiếp tục mở rộng khi mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả dưa hấu tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Nghị định thư là bước thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch sản phẩm nông nghiệp truyền thống này của Việt Nam.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chia sẻ, đơn vị đã trao đổi thông tin với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để hoàn thiện bản dự thảo Nghị định thư về yêu cầu nhập khẩu ớt, quả dừa tươi, sầu riêng đông lạnh. Đồng thời, tiếp tục quá trình đàm phán đối với sản phẩm trái cây có múi và dược liệu sang thị trường này. Khi đó, giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường này sẽ tăng lên.

Mặt khác, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, nếu các giải pháp về hạ tầng được giải quyết, như: cửa khẩu thông minh, đường sắt, đường bộ kết nối… đi kèm với đó là cắt giảm thủ tục hành chính và làm rõ mã vùng trồng, mã đóng gói thì sản lượng rau quả còn nhiều tiềm năng, lợi thế để tăng trưởng trong năm 2024

Xác định vai trò quan trọng trong phát triển các vùng trồng, cơ sở đóng gói các sản phẩm xuất khẩu, ông Huỳnh Tấn Đạt cho biết, Cục Bảo vệ thực vật đã tích cực phối hợp với các địa phương phát triển, mở rộng số lượng và diện tích mã số vùng trồng cũng như số lượng cơ sở đóng gói đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu. Đồng thời, không lơ là trong giám sát để vùng trồng và cơ sở đóng gói duy trì được các điều kiện đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Đến nay, Cục đã phối hợp với các nước nhập khẩu cấp 6.997 mã số vùng trồng và 1.613 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu cho các loại quả tươi như: thanh long, xoài, vú sữa, chuối, bưởi, chanh leo, chanh không hạt, nhãn, vải, ớt, thạch đen... được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục tháo gỡ hàng rào kỹ thuật, mở cửa thị trường cho các loại quả tươi; thực hiện kiểm tra, kiểm dịch thực vật xuất khẩu đối với các loại hàng hóa nông sản xuất khẩu; trong đó, chú trọng các loại quả chủ lực và thị trường trọng tâm như Trung Quốc, Mỹ, EU..., góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu cho nông sản của Việt Nam.

Cùng với sự nỗ lực của các cơ quan quản lý, cần có sự quyết tâm của doanh nghiệp. Tăng kim ngạch xuất khẩu rau quả đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ nhiều quy định chặt chẽ hơn từ phía nước nhập khẩu. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu nỗ lực đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn của nước nhập khẩu, đặc biệt tuân thủ quy định về quản lý an toàn thực phẩm.

Là doanh nghiệp đang tiến vào thị trường Nhật Bản và từng bước mở rộng thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ameii Việt Nam cho biết, để rau quả Việt tiếp tục tiến sâu, rộng sang các thị trường, cần hoàn thiện khâu quản lý doanh nghiệp, quy trình sản xuất, phối hợp trong chuỗi liên kết… Cùng với đó, nông dân phải thay đổi và tuân thủ quy trình sản xuất để đưa được sản phẩm sang thị trường chất lượng cao.

Với đà tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu năm 2023 và những cơ hội mở ra sắp tới, Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự kiến, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2024 có thể đạt khoảng 6 tỷ USD./.

Minh Duyên

(1): Theo số liệu của Tổng cục Hải quan

(2): Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn