“Yêu nước, tôn trọng Nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc”

    Nhân vật liên quan

    • Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, XII, XIII Nguyễn Phú Trọng

Hà Nội (TTXVN 23/5/2024) Ngày 9/5/2024, Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới (Quy định số 144). Quy định số 144 gồm 6 điều với rất nhiều nội dung cụ thể, trong đó, điều đầu tiên quy định: “Yêu nước, tôn trọng Nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc”.

 

* Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương sáng ngời về “Yêu nước, tôn trọng Nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc”

Cha ông ta trong hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước đã trao truyền cho các thế hệ tiếp nối tình yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất cả trong đấu tranh bảo vệ nền độc lập cũng như trong xây dựng và phát triển đất nước. Do đó, truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam mang đậm những nét đặc sắc riêng của mình. Không chỉ là tình yêu quê hương, yêu đất nước, truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam luôn gắn với thương dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc; gắn với khát vọng về tự do, khát vọng hoà bình. Tất cả những giá trị đó luôn thống nhất, không tách rời nhau.

Và Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một tấm gương sáng ngời về “Yêu nước, tôn trọng Nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc”.

Bến Nhà Rồng nơi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước năm 1911. Ảnh: TTXVN

Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước và lớn lên trong bối cảnh nước mất nhà tan, nhân dân phải chịu cảnh lầm than, cực khổ, cậu bé Nguyễn Tất Thành đã sớm nuôi trong mình một khát vọng lớn lao là giải phóng dân tộc, đem lại tự do cho Nhân dân. Xuất phát từ lòng yêu nước nồng nàn và thương dân vô bờ bến, ngày 5/6/1911, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành, khi ấy vừa tròn 21 tuổi, đã quyết chí lên đường đi tìm đường cứu nước. Và suốt mấy chục năm sau đó, cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay, con người vĩ đại ấy đã dành cả cuộc đời mình để đấu tranh giải phóng cho dân tộc, đem lại tự do và hạnh phúc cho nhân dân: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo là vì mục đích đó” (1)

Ba mươi năm bôn ba nước ngoài với biết bao phong ba, bão táp cũng không ngăn nổi, không làm chùn ý chí của Người. Trong những năm tháng đó, Người đã học hỏi được nhiều “tinh hoa và tiến bộ” từ các nước phương tây, góp phần to lớn, quan trọng trong việc chỉ đạo thực hiện công cuộc giải phóng Việt Nam, thống nhất đất nước sau này. Đặc biệt, Người đã tham gia hoạt động trong Ðảng Xã hội Pháp, là một trong những người sáng lập Ðảng Cộng sản Pháp và trở thành người cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Chính cuộc hành trình này đã giúp Người hiểu rõ cội nguồn những khổ đau của nhân dân lao động là ở sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản đế quốc và hình thành nên ý thức giai cấp rõ rệt. Vì thế, Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin một cách tự nhiên, như một tất yếu lịch sử, và đã tìm thấy ở đó những vấn đề cơ bản của đường lối giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng con người; độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Sau khi trở về Tổ quốc, rồi trở thành lãnh tụ tối cao của dân tộc, của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có những quyết sách đúng đắn trong những vấn đề then chốt liên quan đến sự an nguy của Tổ quốc. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ðảng Cộng sản Việt Nam, cách mạng nước ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ðó là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước do dân làm chủ đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Ðó là thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng Ðiện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"; là thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội…

Động lực to lớn, thôi thúc hoạt động không mệt mỏi vì nước, vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là nền gốc để quy tụ, đoàn kết hết thảy mọi tầng lớp Nhân dân chính là lòng thương dân, tôn trọng Nhân dân của Bác. Tình yêu thương và sự tôn trọng đó đã vượt qua mọi giới hạn để trở thành phẩm chất đạo đức cao đẹp nhất của Người. Đó không đơn thuần là do truyền thống “yêu nước, thương dân” được thừa hưởng từ dân tộc, nó còn là sự lắng đọng sâu sắc của tất cả những gì Người đã trải qua, chứng kiến và cảm nhận trong những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước cũng như trong cả sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một gia đình nông dân ở thôn Lâm Xuyên, xã Trung Nghĩa, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) vừa hoàn thành cải cách ruộng đất (8/2/1955). Ảnh: TTXVN

Đúng như những vần thơ của Nhà thơ Tố Hữu: “Bác ơi! Tim Bác mênh mông thế. Ôm cả non sông mọi kiếp người”, tình thương yêu của Bác là vô cùng rộng lớn và dành cho tất cả mọi tầng lớp Nhân dân. Bác thương từ cụ già để “xuân về gửi biếu lụa” cho đến các em nhỏ “trung thu gửi cho quà”. Từ các “đoàn dân công đêm nay ngủ ngoài rừng” đến “người chiến sĩ đứng gác ngoài biên cương”. Không chỉ “Sữa để em thơ, lụa tặng già”, Bác còn quan tâm đến chỗ ở, việc làm, đến từng bát cơm, manh áo hàng ngày cho Nhân dân.

Trong thời kì cả miền Bắc ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống Mĩ cứu nước, Bác luôn luôn có mặt ở hầu hết những nơi mũi nhọn. Bác chân thành thăm hỏi, động viên từ công nhân khu mỏ Quảng Ninh, đồng bào dân tộc miền núi, quê hương “năm tấn” Thái Bình, đến các đơn vị không quân tuổi trẻ anh hùng, các trường học... Bác cũng dành tình cảm đặc biệt đối với miền Nam và đồng bào miền Nam. Bác từng nói: “Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi”. Bởi vậy, mỗi khi có đại biểu, các chiến sĩ miền Nam ra thăm, Bác đều tiếp đón, thăm hỏi, tặng quà, cùng chụp ảnh kỉ niệm... Bác vô cùng đau xót khi thấy đồng bào bị áp bức, kìm kẹp và vui mừng khi được tin thắng lợi.

Tình yêu thương con người ở Bác còn thể hiện qua sự trân trọng, đề cao con người. Bác đánh giá cao vai trò của Nhân dân: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân (2). Bác tôn trọng từ các bậc hiền tài, các nhà khoa học, cho tới những người lao công quét rác, bởi theo Bác, từ Chủ tịch nước tới người lao động bình thường, nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ, đều được coi trọng, đều vẻ vang như nhau.

Cho tới trước lúc đi xa, Bác cũng không quên “để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng” (3).

Có thể khẳng định, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, tinh thần yêu nước, thương dân đã chi phối mọi suy nghĩ, hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trở thành động lực để Người vượt qua mọi gian khổ, cùng với Đảng lãnh đạo Nhân dân làm nên những thắng lợi vẻ vang.

Bác Hồ nói chuyện với nhân dân thị xã Hòn Gai (nay là thành phố Hạ Long) trong lần thứ hai về thăm Quảng Ninh, ngày 4/10/1957. Tại đây, Bác nói: “Cán bộ Đảng, cán bộ chính quyền không phải làm quan cách mạng ăn trên ngồi trốc. Cán bộ Đảng cũng như cán bộ chính quyền, ngay cả Bác là cán bộ cao nhất đều là đầy tớ của nhân dân, phải hết sức phục vụ nhân dân, phải cần, kiệm, liêm, chính. Muốn thế phải gần gũi nhân dân, khuyến khích nhân dân, lãnh đạo nhân dân”. Ảnh: Tư liệu TTXVN

* Tăng cường rèn luyện đạo đức cách mạng, nắm vững đường lối của Đảng, hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân

Thấm nhuần truyền thống yêu nước của dân tộc, noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, trong nhiều thập kỷ qua, các cán bộ, Đảng viên ta hầu hết đều nắm vững đường lối của Đảng, nêu cao tinh thần trung với nước, hiếu với dân, cùng Nhân dân làm nên những thắng lợi vĩ đại cho dân tộc, mang lại những thành tựu to lớn cho đất nước. Cho đến nay, tinh thần yêu nước vẫn là giá trị cốt lõi của dân tộc Việt Nam; là một trong những động lực quan trọng nhất góp phần gắn kết cộng đồng, phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

Tuy nhiên, bên cạnh những cán bộ, đảng viên gương mẫu, vẫn có không ít cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất về chính trị, tư tưởng, về đạo đức, lối sống, thiếu trách nhiệm trước công việc, chức trách được giao; lười học tập, ngại rèn luyện, sợ khó khăn, gian khổ, hy sinh; quan liêu, tham nhũng, lãng phí… làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, làm giảm hiệu lực quản lý của Nhà nước.

Trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có nhiều biến động, tác động nhiều chiều đến tâm tư, tình cảm của một số cán bộ, đảng viên thì việc nắm vững đường lối của Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải có niềm tin tuyệt đối vào lý tưởng của Đảng và phấn đấu cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Niềm tin đó phải được thể hiện qua khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, như Đại hội XIII của Đảng đã xác định. Và Niềm tin đó phải được bồi dưỡng thường xuyên và trở thành cơ sở cho sự tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Cán bộ, đảng viên phải luôn quan tâm, bảo vệ lợi ích của đất nước, của tổ chức mình tham gia. Bởi lợi ích chung được bảo đảm thì lợi ích riêng mới được bảo đảm. Phải luôn đặt việc công lên trên việc tư, luôn quy chiếu lời dạy của Hồ Chí Minh: “Việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm. Việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh” (4). Giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể, phải bảo đảm lợi ích chung và xem xét những lợi ích cá nhân có chính đáng hay không; tránh vì cảm tình riêng, lợi ích riêng mà gây ra bất bình đẳng, bất công trong cơ quan, đơn vị.

Cán bộ, đảng viên phải luôn tôn trọng Nhân dân, chăm lo lợi ích cho Nhân dân, đặc biệt là không ngừng mở rộng dân chủ nhằm phát huy sức mạnh của Nhân dân. Bởi Nhân dân là nguồn lực chính trong xã hội. Cán bộ, đảng viên muốn hoàn thành nhiệm vụ thì phải dựa vào dân. Do đó, phải gần dân, hiểu dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân; coi mục tiêu chăm lo lợi ích cho Nhân dân, làm lợi cho Nhân dân là mục tiêu lớn nhất trong công việc của mình. Là những người có kiến thức khoa học, hiểu biết pháp luật, cán bộ, đảng viên cần chủ động hướng dẫn Nhân dân học tập, lao động, sản xuất, xây dựng đời sống hạnh phúc, giàu mạnh và phát triển. Bên cạnh đó, cán bộ, đảng viên cũng cần đi đầu trong hoạt động đền ơn, đáp nghĩa đối với những người có công với cách mạng, với đất nước, quê hương, thể hiện sự tiếp nối truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam tình nghĩa, anh hùng…/. 

Điều 1. Yêu nước, tôn trọng Nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc

1. Suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng cách mạng của Đảng; nêu cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với sự nghiệp cách mạng của Đảng; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

2. Tôn trọng, tin tưởng, gần gũi và gắn bó mật thiết với Nhân dân. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân; tạo điều kiện để Nhân dân phát huy quyền làm chủ, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại đến dân phải hết sức tránh.

3. Đặt lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích chung của Đảng, Nhà nước và của Nhân dân lên trên hết, trước hết; kiên quyết, kiên trì đấu tranh với mọi hành vi gây phương hại đến lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích của Đảng, Nhà nước và của Nhân dân.

(Điều 1, Quy định 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới)

Minh Duyên

(1): Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội - 2011, t.4, tr. 272
(2): Sđd, t.10, tr. 453
(3): Sđd, t.15, tr.624
(4) Sđd, t.6, tr.131