10 năm vụ máy bay MH370 mất tích - một trong những bí ẩn hàng không lớn nhất thế giới

Hà Nội (TTXVN 4/3/2024) Vào ngày 8/3/2014, chiếc máy bay Boeing 777 mang số hiệu MH370 của Hãng hàng không quốc gia Malaysia Airlines chở theo 239 hành khách đã biến mất khỏi màn hình radar khi đang trên đường từ thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) đến thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc). Dù các cơ quan chức năng đã mở cuộc tìm kiếm lớn nhất trong lịch sử ngành hàng không ngay sau vụ mất tích nhưng đến nay, số phận của chiếc máy bay và hàng trăm hành khách vẫn là bí ẩn.

 

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim ngày 4/3/2024 đã để ngỏ khả năng mở lại cuộc tìm kiếm chiếc máy bay MH370 mất tích suốt 10 năm qua. Ông Anwar Ibrahim khẳng định: “Nếu có bằng chứng thuyết phục cho thấy cần mở lại cuộc tìm kiếm, chắc chắn chúng tôi sẽ sẵn sàng mở lại”.

Bộ trưởng Giao thông Anthony Loke (đứng giữa hàng đầu tiên) cùng gia đình các nạn nhân thắp nến tưởng niệm. Ảnh: Hằng Linh - PV TTXVN tại Kuala Lumpur

Trước đó một ngày, khoảng 500 người là thân nhân của những hành khách trên chiếc máy bay mất tích đã tập trung tại một trung tâm mua sắm gần thủ đô Kuala Lumpur để tham dự “Ngày tưởng nhớ” người thân của họ. Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Malaysia Anthony Loke khẳng định chính phủ vẫn cam kết nỗ lực tìm kiếm chiếc máy bay mất tích. Ông Anthony Loke cho biết sẽ gặp các quan chức từ công ty thăm dò đáy biển Ocean Infinity có trụ sở tại Texas (Mỹ) để thảo luận về một chiến dịch mới.

Không một cuộc gọi khẩn cấp, không đường bay rõ ràng và không có cả xác máy bay, MH370 mất tích cho tới nay vẫn là bí ẩn lớn nhất của ngành hàng không hiện đại. Các nhà điều tra Malaysia ban đầu không loại trừ khả năng máy bay đã cố tình đi chệch hướng khi một số mảnh vỡ được cho là của chiếc máy bay này, đã tìm thấy trôi dạt dọc theo bờ biển châu Phi và trên các hòn đảo ở Ấn Độ Dương. Cuộc tìm kiếm máy bay MH370, do Australia dẫn đầu, đã kéo dài trong suốt gần 3 năm trên phạm vi trải rộng 120.000 km2 ở Ấn Độ Dương trước khi tạm ngừng từ tháng 1/2017, gần như không tìm thấy dấu vết nào của chiếc máy bay. Năm 2018, chính phủ Malaysia đã ký một thỏa thuận với công ty Ocean Infinity nối lại hoạt động tìm kiếm song vẫn không có kết quả.

Rất nhiều giả thuyết, từ hợp lý đến điên rồ, đã được đưa ra nhằm giải thích vụ chuyến bay MH370 mất tích đầy bí ẩn. Có người cho rằng Mỹ hoặc Nga đã bắn rơi máy bay MH370, nó bị không tặc chiếm và hạ cánh xuống Afghanistan, thậm chí có thể máy bay đã bị người ngoài hành tinh bắt cóc... Tuy nhiên có hai giả thuyết được giới chuyên gia và truyền thông đánh giá là hợp lý hơn cả.

Giả thuyết thứ nhất là lửa cháy trong buồng lái do chập điện buộc phi công ngắt các cần nối mạch điện. Khi đó, máy bay sẽ ngừng truyền dữ liệu về đài kiểm soát không lưu. Bánh lái hạ cánh có thể bị cháy, buộc máy bay phải bất ngờ đổi hướng do cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah quyết định tìm sân bay gần nhất để hạ cánh khẩn cấp. Phi công có thể đã tăng độ cao máy bay lên 13.000 m, nơi mật độ ôxy ngoài không khí thấp nhất, để dập ngọn lửa. Nhưng ở độ cao này rất khó giữ máy bay ổn định và khả năng máy bay bị khựng lại là có thể xảy ra. Trên thực tế dữ liệu rađa cho thấy máy bay giảm độ cao rất mạnh xuống 7.620 m trước khi lấy lại sự cân bằng. Cũng có thể phi công đã giảm độ cao đột ngột nhằm vô hiệu hóa ngọn lửa. Và khói trong buồng lái có thể khiến các phi công bị ngất đi, máy bay tiếp tục bay cho tới khi cạn nhiên liệu và rơi xuống khu vực phía nam Ấn Độ Dương.

Giả thuyết thứ hai là phi công tự sát khi chủ động lái máy bay đâm xuống phía nam Ấn Độ Dương. Chỉ có sự can thiệp cố ý của một người trong buồng lái thì mới khiến máy bay bất ngờ đổi hướng, tắt mọi liên lạc với đài kiểm soát không lưu, rồi bay liên tục sáu giờ cho đến khi máy bay hết nhiên liệu và rơi xuống đại dương. Các nhà điều tra Malaysia và nhiều chuyên gia quốc tế đồng ý rằng dựa trên các bằng chứng ít ỏi có được trong tay, nhiều khả năng cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah hoặc cơ phó Fariq Abdul Hamid là hung thủ lái máy bay đâm xuống biển./.

        Minh Trà (tổng hợp)