20 năm Nhã nhạc - âm nhạc Cung đình Việt Nam được vinh danh là Di sản thế giới: 20 năm nỗ lực bảo tồn và lan tỏa

Hà Nội (TTXVN 17/6/2023) Ngày 7/11/2003, tại kỳ họp toàn thể, Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO), tổ chức ở Pari (Pháp), đã công nhận Nhã nhạc - âm nhạc cung đình Việt Nam là Kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại (năm 2008 đổi tên là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại). Đây là di sản phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được công nhận vào danh mục này.

* Nhã nhạc - minh chứng độc đáo về sự sáng tạo văn hóa của dân tộc Việt Nam

Mang ý nghĩa ''âm nhạc tao nhã'', Nhã nhạc đề cập đến âm nhạc cung đình Việt Nam được trình diễn tại các lễ thường niên, bao gồm các lễ kỷ niệm và những ngày lễ tôn giáo cũng như các sự kiện đặc biệt như: lễ đăng quang, lễ tang hay những dịp đón tiếp chính thức. Trong các thể loại âm nhạc phong phú đã từng được phát triển ở Việt Nam, chỉ có Nhã Nhạc mang tầm quốc gia.

Các triều đại quân chủ Việt Nam hết sức coi trọng, phát triển Nhã nhạc, và loại hình âm nhạc này trở thành một biểu tượng cho vương quyền về sự trường tồn, hưng thịnh của triều đại. Các quy định về quy mô dàn nhạc, cách thức diễn xướng, nội dung bài bản... của Nhã nhạc đều rất chặt chẽ, phản ánh tính quy củ qua các định chế thẩm mỹ rất cao, có khả năng phản ánh tư tưởng, quan niệm triết lý của chế độ quân chủ đương thời.

Theo sử sách, Nhã nhạc Việt Nam bắt đầu manh nha từ thời Lý (1010-1225) định hình ở đời Trần, phát triển ở thời Lê, nhưng phát triển mạnh và bài bản nhất là vào thời nhà Nguyễn (1802-1945). Nhã nhạc thời Nguyễn được gọi là Nhã nhạc cung đình Huế vì triều đại này đóng đô ở Huế.

Về tổ chức Nhã nhạc cung đình Huế, theo sách Khâm định Đại Thanh hội điển sử lệ xuất bản năm 1908, biên chế dàn nhạc cung đình Việt Nam vào cuối thế kỷ XVIII gồm có: 1 cái trống bản, 1 cái phách (sinh tiền), 2 cái sáo, 1 đàn huyền tử (tức tam huyền tử, đàn tam), 1 đàn hồ cầm (đàn nhị), 1 đàn song vận (nguyệt cầm), 1 đàn tì bà, 1 tam âm la (chùm thanh la bằng đồng 3 chiếc). Nhạc khí được chế tác công phu, chạm cần khéo hơn nhạc khí dùng trong dân gian. Dàn nhạc được kết cấu thành hai dàn. Đại nhạc gồm kèn, trống và bộ gõ, có thể có đàn nhị. Tiểu nhạc gồm những nhạc khí dùng dây tơ, sáo trúc. Các nhạc khí có đầy đủ các âm sắc: tiếng kim, tiếng thổ, tiếng trong, tiếng đục, tiếng bổng, tiếng trầm, tiếng da, tiếng khánh, tiếng đồng…

Trong hệ thống Nhã nhạc cung đình Huế có tiết mục hoà tấu các nhạc khí thuộc bộ dây (đàn nguyệt, đàn tam, đàn tì bà, đàn nhị cùng với sáo trúc) với bộ gõ (trống, não, sênh tiền) tạo nên những âm thanh trong sáng, thanh khiết có sức gợi cảm sâu xa. Nhã nhạc cung đình Huế thường đi đôi với múa cung đình và thường được dùng để biểu diễn trong các ngày lễ trọng của Hoàng cung như: Tế Nam Giao, Tế Xã Tắc, mừng đăng quang, mừng thọ vua, tiếp đón các sứ thần…

Cũng cần phải kể đến công lao và tài năng của các nhạc công, nhạc sỹ. Triều đình có đủ điều kiện để quy tụ nhân tài từ khắp nơi trong đất nước. Khi được vời vào cung, họ có thời giờ và phương tiện để trau dồi nghệ thuật, trở thành những nhạc sĩ chuyên nghiệp, với khả năng sáng tác dồi dào, biểu diễn tinh vi… 

 * Nỗ lực trong bảo tồn và lan tỏa

Sau khi được tôn vinh, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều nỗ lực để góp phần làm cho loại hình âm nhạc đặc biệt này tiếp tục khẳng định giá trị và lan toả. Thành công lớn nhất của công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị Nhã nhạc Huế là đưa Nhã nhạc Huế, từ loại hình âm nhạc chỉ phục vụ trong cung vua xưa đến rộng rãi với công chúng, phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển.

Đặc điểm của Nhã nhạc là truyền nghề, trong khi những "Báu vật nhân văn sống" đều đã lớn tuổi. Năm 2010, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã mời anh em cụ Lữ Hữu Thi và Lữ Hữu Cử (thời điểm đó cụ Thi 92 tuổi và cụ Cử 86 tuổi - nay cả hai cụ đã mất) là hai người cuối cùng tham gia trong đội nhạc Hòa Thanh của triều Nguyễn cùng phục dựng lại vốn âm nhạc cung đình. Trước khi mất, trong nhiều năm liền, những nhạc công cuối cùng trong đội nhạc triều Nguyễn đã nỗ lực giúp Nhà hát Duyệt Thị Đường phục dựng, bảo tồn các giá trị truyền thống của loại âm nhạc cung đình. Cụ Lữ Hữu Thi còn nhớ và biểu diễn thành thạo tới 20 bài nhạc lễ cung đình.

Duyệt Thị Đường - nhà hát cổ ở Đại nội (được xây dựng năm 1826 dưới triều vua Minh Mạng), thường xuyên mở cửa phục vụ du khách. Đây từng là nơi biểu diễn những bộ môn nghệ thuật sân khấu phục vụ vua, hoàng gia, các đình thần và thượng khách nước ngoài có quan hệ với triều đình nhà Nguyễn… Nhiều tiết mục đã được Nhà hát Duyệt Thị Đường dàn dựng và biểu diễn như trống Thái Bình, Tam luân cửu chuyển (đại nhạc); Phú lục dịch, Kim tiền (tiểu nhạc); Vũ phiến, Lục cúng hoa đăng (múa) và nhiều trích đoạn tuồng cổ như Kỷ Lan Anh, Ôn Đình chém Tá. Di tích Duyệt Thị Đường còn được Nhà nước chọn làm nơi nghênh tiếp nhiều đoàn quốc khách đến tham quan và thưởng thức Nhã nhạc.

Một điểm nhấn khá đặc biệt trong việc thu hút du khách thưởng thức Nhã nhạc Huế, đó là việc trình diễn Nhã nhạc Huế diễn ra khá đa dạng, ở ngoài trời, trong các cung điện, đền miếu và trong Nhà hát hoàng cung Duyệt Thị Đường.

Như vậy, mọi người có thể tiếp cận với Nhã nhạc ở những cấp độ nông sâu khác nhau. Trong quá trình tham quan hoàng cung, họ có thể dừng lại vài ba phút ở Ngọ Môn hay Thế Miếu để xem cho biết Nhã nhạc là gì. Còn nếu muốn biết sâu hơn về Nhã nhạc, du khách có thể vào xem phần biểu diễn kéo dài khoảng 30 phút trong Nhà hát hoàng cung Duyệt Thị Đường. Ở đây, du khách có thời gian, điều kiện để được giới thiệu sâu hơn, kỹ hơn về giá trị nghệ thuật của Nhã nhạc Huế. Ngoài ra, du khách cũng có thể mua vé lên thuyền rồng, dạo quanh sông Hương thơ mộng và thưởng thức Nhã nhạc cùng các thể loại âm nhạc khác. Trong các kỳ Festival Huế, Nhã nhạc đã được đưa vào chương trình chính thức, trình diễn tại các lễ tế đàn Nam Giao, lễ tế đàn Xã Tắc, lễ Truyền Lô... 

Trong nỗ lực bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại đối với Nhã nhạc Huế có một phần đóng góp đáng ghi nhận của các tổ chức quốc tế như UNESCO, các nước Hàn Quốc, Nhật Bản... UNESCO thông qua Quỹ ủy thác Nhật Bản đã tài trợ kinh phí 154.900 USD cùng với nguồn đối ứng từ Chính phủ Việt Nam là 190.000 USD để bảo tồn và phát huy những giá trị của Nhã nhạc như: Tổ chức tập huấn nhằm nâng cao phương pháp luận về nghiên cứu, lưu trữ cho 10 cán bộ; tuyển sinh và truyền dạy nghề theo kiểu truyền thống cho 20 nhạc công Nhã nhạc (trong đó có 18 nhạc công được tuyển vào làm việc tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế).

Những người thực hiện Dự án còn tập trung nghiên cứu, sưu tầm, lưu trữ và phục hồi bài bản nhã nhạc tiêu biểu, như Thái Bình cổ nhạc, các bản ca Thài trong lễ tế Nam Giao; chuyển biên các bài bản Nhã nhạc; lập hồ sơ các nghệ nhân tiêu biểu là những "báu vật nhân văn sống". Đặc biệt, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế còn phối hợp với nhà nghiên cứu Trịnh Bách phục chế trang phục Nhã nhạc Huế gồm: 15 áo mão Đại nhạc, 15 áo mão Tiểu nhạc, 64 áo Giao lĩnh Bát dật Văn, 64 Trấn thủ Bát dật Võ...

Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã sưu tầm, nghiên cứu và bảo tồn được 10 nhạc chương trong lễ Tế Giao, 9 nhạc chương trong lễ Tế Miếu, 5 nhạc khúc trong lễ Đoan Dương, Vạn Thọ và Tết Nguyên đán, 40 nhạc khúc trong diễn tấu với đội Tiểu nhạc, 14 nhạc khúc kèn dùng trong Đại nhạc, 10 nhạc khúc diễn tấu khi có Vua ngự. Nhiều tiết mục đã được Nhà hát Duyệt Thị Đường dàn dựng và biểu diễn như: Trống Thái Bình, Tam luân cửu chuyển (đại nhạc); Phú lục dịch, Kim tiền (tiểu nhạc); Vũ phiến, Lục cúng hoa đăng (múa) và nhiều trích đoạn tuồng cổ như Kỷ Lan Anh, Ôn Đình chém Tá. Ông Trương Tuấn Hải cho biết, có 15 điệu múa cung đình đã được biên soạn; đồng thời, phục hồi được một số điệu múa khác như: Trình tường tập khánh, Nữ tướng xuất quân, Lân mẫu xuất lân nhi, Song phụng, Long hổ hội. Nhà hát còn dàn dựng được 13 điệu múa nâng cao như: Huyện Trân, Lộng Điệp, Xẩm Huế, Phách nhịp du xuân.

Những thành công bước đầu của công cuộc bảo tồn các giá trị di sản Huế đã mở ra tiền đề thúc đẩy công cuộc phục hưng di sản Huế bước sang một tầm cao mới đi vào chiều sâu và mang tính toàn diện hơn./.

Phương Phương