6 tháng xung đột Israel-Hamas: Chưa có hồi kết

Hà Nội (TTXVN 6/4/2024) Cuộc xung đột đẫm máu giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas bùng phát từ ngày 7/10/2023 đã đánh dấu mốc tròn 6 tháng. 6 tháng qua, xung đột đã cướp đi mạng sống của hơn 33.000 người thuộc cả hai phía, hầu hết là dân thường, đồng thời đẩy khu vực Trung Đông vào một cục diện cực kỳ phức tạp, rối ren. Trong khi đó, hoạt động viện trợ cho Dải Gaza bị hạn chế đã đẩy người dân ở vùng đất này đối diện thảm họa nhân đạo nghiêm trọng.

* Chiến sự vẫn ác liệt; triển vọng ngừng bắn mờ mịt
Cảnh đổ nát sau vụ oanh tạc của Israel xuống miền Trung Gaza ngày 4/4/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Cuộc tấn công của Hamas nhằm vào các địa phương miền Nam của Israel khởi đầu vào ngày 7/10/2023 đã khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng, đa số là dân thường, và 240 người bị bắt đưa về Dải Gaza làm con tin. Ngay lập tức, Israel đã phát động chiến dịch tấn công trả đũa mang tên “Những thanh gươm sắt”, huy động gần như toàn bộ quân số và vũ khí khí tài, cộng thêm khoảng 300.000 quân dự bị. Đến ngày 27/10/2023, Israel bắt đầu đưa quân vào Dải Gaza, đánh dấu một giai đoạn mới với quyết tâm “xóa sổ” Hamas.

6 tháng sau khi giao tranh nổ ra, các trận không kích và pháo kích qua lại giữa hai bên đã khiến số lượng thương vong tại Dải Gaza tăng lên hàng trăm người mỗi ngày. Theo thống kê của cơ quan y tế tại Dải Gaza, ít nhất 33 nghìn người Palestine đã thiệt mạng, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em kể từ khi xung đột bùng phát tại Gaza vào tháng 10/2023. Trong khi đó, thống kê của Israel cho thấy xung đột đã khiến hơn 1.400 người thiệt mạng, chủ yếu là dân thường tại nước này. Ngay cả trong tháng lễ Ramadan linh thiêng nhất của người Hồi giáo, chiến sự vẫn diễn ra ác liệt. Ngày 11/3/2024, ngày đầu tiên của tháng lễ Ramadan, 67 người Palestine đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel ở Gaza.

Không chỉ dừng ở Dải Gaza, trong 6 tháng qua, giao tranh đã diễn ra gần như hàng ngày trên khắp Trung Đông. Đó là các vụ tấn công vào các cơ sở Mỹ ở Syria và Iraq; các vụ tấn công tàu thuyền ở Biển Đỏ do lực lượng Houthi ở Yemen thực hiện; hay các vụ tấn công của lực lượng Hezbollah ở Liban nhằm vào Israel; gần đây nhất là vụ quân đội Israel không kích vào tòa nhà lãnh sự Iran ở thủ đô Damascus của Syria ngày 1/4/2024 khiến nhiều người thương vong, đẩy khu vực Trung Đông thêm bất ổn…

Tổng thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) Antonio Guterres (trái) phát biểu họp báo tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ), ngày 5/4/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Trong bối cảnh trên, Liên hợp quốc liên tục kêu gọi một lệnh ngừng bắn ngay lập tức để có thể ngăn chặn thảm họa nhân đạo tồi tệ ở Gaza, đồng thời hối thúc Israel đảm bảo người dân Gaza có thể tiếp cận hàng viện trợ nhân đạo.

Thực tế từ khi xung đột Hamas-Israel bùng phát ngày 7/10/2023, cộng đồng quốc tế vẫn không ngừng thúc đẩy các nỗ lực nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn và chấm dứt xung đột. Trong một bước đi được đánh giá là mang tính đột phá, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 25/3/2024 đã thông qua Nghị quyết 2728 yêu cầu ngừng bắn tại Dải Gaza. Đây là lần đầu tiên kể từ khi cuộc xung đột giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel bùng nổ từ ngày 7/10/2023 và vượt qua nhiều bất đồng, Hội đồng Bảo an đã tìm được tiếng nói chung trong một nghị quyết yêu cầu lệnh ngừng bắn lâu dài. Nghị quyết này yêu cầu một lệnh ngừng bắn ngay lập tức cho tháng lễ Ramadan, tạo cơ sở cho một lệnh ngừng bắn lâu dài. Nghị quyết cũng yêu cầu trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho toàn bộ các con tin. Bên cạnh đó, nghị quyết cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng viện trợ nhân đạo và tái khẳng định yêu cầu dỡ bỏ mọi rào cản đối với việc cung cấp viện trợ nhân đạo ở quy mô lớn.

Mặc dù vậy, đến nay các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas thực tế vẫn bế tắc do quan điểm quá khác biệt, bất chấp nỗ lực của các bên trung gian chính, gồm Mỹ, Ai Cập và Qatar. Phía Hamas khẳng định vẫn giữ nguyên đề xuất ban đầu nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn toàn diện, bao gồm Israel rút quân hoàn toàn và toàn diện khỏi Dải Gaza; tạo điều kiện để mọi người dân đi lánh nạn được trở về nhà; cho phép thực hiện mọi hoạt động viện trợ cần thiết cho người dân ở Gaza; tái thiết vùng lãnh thổ này; dỡ bỏ phong tỏa và đạt thỏa thuận trao đổi tù nhân giữa hai bên.  Trong khi phía Israel đã phản đối những yêu cầu của Hamas, lập luận rằng đề xuất này vẫn dựa trên “những yêu cầu phi thực tế”, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục tấn công trên bộ cho đến khi tiêu diệt hoàn toàn Hamas. Israel tuyên bố chỉ quan tâm tới thỏa thuận ngừng bắn tạm thời để Hamas thả những con tin mà phong trào này bắt giữ sau cuộc đột kích Israel ngày 7/10/2023. Hamas cho biết họ sẽ chỉ thả những con tin này nếu nội dung thỏa thuận ngừng bắn đề cập việc vĩnh viễn chấm dứt cuộc xung đột hiện nay.

Có thể thấy rõ, vấn đề trao trả con tin đang là điểm mấu chốt trong đàm phán hòa bình giữa hai bên, vì Palestine cũng muốn đây là điều kiện để Israel thả tất cả các tù nhân Palestine mà nước này đang giam giữ. Hiện có khoảng 240 con tin Israel đã bị lực lượng Hamas bắt giữ trong cuộc tấn công xảy ra ngày 7/10/2023.

Nhưng theo giới quan sát, số lượng con tin Israel được giải thoát đến nay là quá ít trong khi chiến dịch quân sự thì kéo dài. Điều này khiến uy tín của chính phủ Israel đương nhiệm bị suy giảm. Trong bối cảnh đó, nhiều người dân Israel đã kêu gọi bầu cử sớm sau khi chiến tranh tại Gaza kết thúc. Thăm dò dư luận cho thấy với tỷ lệ ủng hộ ngày càng giảm, chính phủ cánh hữu ở Israel hiện nay nhiều khả năng sẽ sụp đổ nếu bầu cử diễn ra vào thời điểm này.

* Khủng hoảng lương thực và y tế trầm trọng

Người dân chờ nhận lương thực viện trợ ở thành phố Rafah, phía Nam Dải Gaza ngày 30/3/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Cuộc xung đột bùng phát ngày 7/10/2023 giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas cũng đã khiến cho tình hình lương thực tại Dải Gaza lún sâu vào thảm họa khi nguy cơ xảy ra nạn đói đang gia tăng từng ngày.  Xung đột khiến cho hoạt động viện trợ cho Gaza bị hạn chế, thậm chí đã có gần 200 nhân viên cứu trợ thiệt mạng ở Dải Gaza, trong đó 175 người làm việc cho các cơ quan của Liên hợp quốc. Gần đây nhất là vụ không kích của Israel nhằm vào đoàn xe của tổ chức viện trợ lương thực World Central Kitchen (Mỹ) tại miền Trung Gaza ngày 2/4 khiến 7 nhân viên cứu trợ thiệt mạng. Liên hợp quốc và nhiều nước như Mỹ, Pháp, Anh đã lên án mạnh mẽ vụ tấn công trên, dù Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã lên tiếng thừa nhận lực lượng vũ trang nước này "vô tình bắn vào những người vô tội". Sự việc này đã khiến tổ chức World Central Kitchen thông báo tạm dừng các hoạt động tại Dải Gaza, nơi đang có nguy cơ xảy ra nạn đói nghiêm trọng. Không chỉ World Central Kitchen, nhiều tổ chức cứu trợ nhân đạo khác cũng đã phải tạm dừng hoạt động viện trợ cho người dân ở Dải Gaza do Israel ngăn cản các chuyến hàng cứu trợ.

Theo báo cáo do Liên hợp quốc hỗ trợ thực hiện, khoảng 50% dân số tại Dải Gaza, tức 1,1 triệu người, đang đối mặt với nạn đói thảm khốc. Tình hình ở phía Bắc Gaza còn nghiêm trọng hơn. Nạn đói có thể xảy ra bất kỳ lúc nào trong giai đoạn từ giữa tháng 3 này đến tháng 5 tới, khi 300.000 người đang bị mắc kẹt trong giao tranh và không thể tiếp cận với viện trợ. Ảnh hưởng của nạn đói mỗi lúc một nặng nề, thể hiện ở tình trạng trẻ sơ sinh tử vong do có cân nặng quá thấp khi mới chào đời. Đã có khoảng 13.000 trẻ em thiệt mạng ở Gaza, và con số này còn có thể tăng cao hơn nữa do nạn đói rình rập. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, khoảng 10% trẻ em dưới 5 tuổi ở Gaza bị suy dinh dưỡng trầm trọng, trong khi cứ 6 trẻ dưới 2 tuổi thì có một em bị suy dinh dưỡng cấp tính.

Ngoài nạn đói, nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm ngày càng tăng. 9/10 trẻ em dưới 5 tuổi ở Gaza, tức khoảng 220.000 em, đã bị ốm trong những tuần gần đây. Lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm cần thiết khan hiếm, trong khi điều kiện y tế lại vô cùng hạn chế. Liên hợp quốc đánh giá hệ thống y tế tại Gaza về cơ bản đã sụp đổ khi chỉ còn một vài bệnh viện hoạt động cầm chừng.

Người dân chuyển nạn nhân bị thương sau cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza ngày 31/3/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Về cơ sở hạ tầng, theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB) và Liên hợp quốc, thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng quan trọng tại Dải Gaza trong 6 tháng qua kể từ khi bùng phát xung đột Israel-Hamas là khoảng 18,5 tỷ USD. Số tiền này tương đương với gần 97% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Bờ Tây và Dải Gaza trong năm 2022. Báo cáo cho biết thiệt hại ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế Palestine, trong đó khoảng 84% cơ sở y tế đã bị phá hủy, thiếu điện và nước. Người dân đang phải sống trong cảnh thiếu nước do hệ thống nước và vệ sinh gần như sụp đổ. Hệ thống giáo dục không hoạt động trong khi trẻ em không được đến trường. Báo cáo cũng chỉ ra tác động đối với mạng lưới điện cũng như hệ thống năng lượng mặt trời và tình trạng mất điện gần như thường xuyên kể từ tuần đầu tiên của cuộc xung đột.  Việc cung cấp viện trợ nhân đạo cơ bản cho người dân gần như không thể thực hiện được, với 92% đường giao thông chính bị phá hủy hoặc hư hỏng và cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng trầm trọng, Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Volker Turk đã khẳng định “những gì xảy ra ở Gaza đã vượt quá sức chịu đựng, không thể diễn tả bằng lời và cần phải chấm dứt ngay lập tức”. Theo ước tính của Liên hợp quốc, ngay cả khi sự ổn định trở lại thì quá trình tái thiết Gaza cũng phải cần nhiều thập kỷ để phục hồi với hàng chục tỷ USD.

* Gaza sẽ đi về đâu?

Tổng thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) Antonio Guterres phát biểu họp báo tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ), ngày 5/4/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Khi xung đột kéo dài 6 tháng và các bên tham chiến vẫn tỏ ra cứng rắn, chưa rõ khi nào bi kịch của người dân Gaza mới có thể chấm dứt. Trong thông điệp nhân tháng lễ Ramadan, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi thế giới chung tay hỗ trợ những người đang phải gánh chịu nỗi đau chồng chất ở Gaza, hy vọng tháng lễ linh thiêng này sẽ mang lại hòa bình. Trong chuyến thăm cửa khẩu biên giới Rafah giữa Ai Cập và Dải Gaza, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 23/3 tiếp tục kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức tại Dải Gaza theo tinh thần của tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo. Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh: “Hơn bao giờ hết, đã đến lúc phải ngừng bắn lập tức và phải ngừng tiếng súng”. Ông Guterres nêu rõ, tháng Ramadan là thời gian để truyền bá các giá trị của lòng nhân ái và hòa bình, song người dân ở Dải Gaza lại đang rơi vào hoàn cảnh đau khổ. Ông nói thêm người dân Palestine ở Dải Gaza đang phải hứng chịu các vụ ném bom liên tục và gặp nhiều trở ngại trong việc nhận viện trợ nhân đạo.

Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng kêu gọi Israel đưa ra “cam kết chắc chắn”, tạo điều kiện cho người dân Palestine tiếp cận viện trợ nhân đạo và trả tự do cho tất cả những người còn bị giam giữ.

Ramadan là hiện thân của các giá trị hòa bình, và khát vọng hòa bình, bắt đầu từ một lệnh ngừng bắn tạm thời, cũng là mong mỏi của người dân Gaza. Nếu các bên không nhượng bộ, cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza sẽ tiến tới điểm không thể vãn hồi.

Theo các nhà phân tích, để có được hòa bình bền vững ở Dải Gaza, giải pháp khả thi là phải bảo đảm được cả bốn khía cạnh chính gồm quản trị, an ninh, tái thiết và khuôn khổ chính trị. Thành công ở bất kỳ khía cạnh nào đều phụ thuộc lớn vào sự đồng thuận của cả Israel và Palestine cũng như các bên liên quan.  Thế nhưng đến nay, chưa có bất kỳ khía cạnh nào được bảo đảm, các bên mới dừng lại ở việc phản ứng và thỏa thuận có tính toán trước áp lực dư luận. Con đường đến hòa bình lâu dài và bền vững ở Dải Gaza vẫn còn nhiều chông gai./.

Trọng Đức (tổng hợp)