65 năm Ngày mở đường Hồ Chi Minh: Những đóng góp to lớn của Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn

    Nhân vật liên quan

    • Ủy viên Bộ Chính trị khóa VI; Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; (1982-1991)Đồng Sỹ Nguyên

Hà Nội (TTXVN 18/5/2024) Đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh là một kỳ tích vĩ đại của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đây là mạng lưới giao thông quân sự chiến lược để vận chuyển binh lực, lương thực và vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Trên tuyến lửa ấy, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã kiên cường bám rừng, bám đường làm nên những chiến công vang dội. Tạo nên những chiến công đó, có sự đóng góp to lớn, quan trọng của Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn.

 

Lễ tuyên thệ vượt cung đường lửa - Đường 20 Quyết Thắng, trọng điểm ATP. Thời gian Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đảm nhận vị trí Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn - Đoàn 559 (1967-1975) là giai đoạn ác liệt của cuộc chiến tranh. Từ những con đường mòn nhỏ, đường Hồ Chí Minh đã phát triển thành tuyến vận tải lớn để vận chuyển quân lương, vũ khí chi viện cho chiến trường lớn miền Nam. Ảnh: Hứa Kiểm-TTXVN

* Sự ra đời của Đoàn 559

Sau khi Hiệp định Giơnevơ 1954 được ký kết, đất nước ta bị chia cắt làm hai miền: miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam vẫn tạm thời nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Ngô Đình Diệm. Lúc này, giữa hai miền Nam-Bắc, ta chỉ có một tuyến liên lạc qua miền tây Quảng Trị. Tuy nhiên, con đường này không thể đáp ứng được yêu cầu vận tải người và vũ khí với số lượng lớn khi cách mạng miền Nam phát triển. Yêu cầu ngày càng cao của mặt trận miền Nam đặt ra nhu cầu bức thiết về một tuyến vận chuyển đảm bảo được nhân lực, vật lực cho tiền tuyến.

Trước tình hình mới, ngày 19/5/1959, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định thành lập “Đoàn công tác đặc biệt” (sau gọi là Đoàn 559), biên chế bước đầu là 500 cán bộ, chiến sĩ chịu trách nhiệm xây dựng tuyến chi viện chiến lược, chuyển nhân lực, vật lực từ miền Bắc vào phục vụ cách mạng miền Nam, cũng như cách mạng Lào và Campuchia.

Đầu tháng 6/1959, Đoàn tổ chức đội khảo sát mở tuyến vào Nam. Tuyến đường băng qua nhiều dãy núi cao hiểm trở, khí hậu vô cùng khắc nghiệt. Để bảo đảm tuyệt đối bí mật, khẩu hiệu hành động của Đoàn là: “Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”; phải chủ động tránh địch và bí mật.

Ngày 13/8/1959 chuyến hàng đầu tiên (gồm 40 khẩu súng và 10 thùng đạn đạn được gùi bộ) chính thức vượt Trường Sơn. Sau 8 ngày đêm vượt qua bao sông sâu, suối dữ, đèo cao và hệ thống đồn bốt chốt chặn của địch, ngày 20/8/1959, chuyến hàng đã được bàn giao cho Liên khu 5 tại Tà Riệp. Chuyến hàng đầu tiên tuy ít ỏi, song đã làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ Khu 5, thể hiện quyết tâm của Đảng và tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của quân, dân miền Bắc gửi tới đồng bào, chiến sĩ miền Nam.

Sau khi ổn định, bước đầu phát triển về tổ chức, lực lượng và vận chuyển những chuyến hàng đầu tiên thành công, ngày 12/9/1959, Bộ Quốc phòng ra quyết định chính thức thành lập Đoàn 559 trực thuộc Bộ Quốc phòng.

Ra đời tháng 5/1959, Đoàn được mang phiên hiệu Đoàn 559. Con đường được khai sinh đúng ngày sinh của Bác, nên được mang tên đường Hồ Chí Minh. Ngày 19/5/1959, cũng trở thành ngày truyền thống của Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh. Từ đây, đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh bắt đầu đi vào lịch sử như một huyền thoại sống về ý chí và trí tuệ, bản lĩnh của quân-dân Việt Nam.

Kết thúc năm 1959, Đoàn 559 đã chuyển được vào Khu 5 số hàng gồm 1.667 khẩu súng bộ binh, hàng trăm nghìn viên đạn và một số quân dụng thiết yếu khác, đưa 542 cán bộ, chiến sĩ vào làm nhiệm vụ ở miền Nam.

   * Sự phát triển nhanh chóng của Đoàn 559 và hệ thống đường Hồ Chí Minh

- Giai đoạn 1960-1964: Những năm đầu xây dựng tuyến chi viện chiến lược

Đến cuối năm 1960, ta đã thiết lập được tuyến giao liên vận tải từ Trung Bộ vào miền Đông Nam Bộ, tuyến giao liên quân sự Trường Sơn thật sự trở thành cầu nối giữa miền Bắc với các căn cứ miền Nam. Trong mùa khô 1960-1961, Đoàn 559 đã vận chuyển giao cho chiến trường được 30 tấn vũ khí, bảo đảm lương thực cho gần 2.000 cán bộ vào chiến trường, có chân hàng dự trữ cho các đợt vận chuyển tiếp theo.

Ngày 31/1/1961, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về nhiệm vụ quân sự 5 năm (1961-1965) và phương hướng, nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam. Trong đó có nhiệm vụ: Mở rộng đường hành lang vận chuyển Bắc-Nam, cả đường bộ và đường biển... nâng dần quy mô và khối lượng tiếp tế vận chuyển phương tiện vũ khí, cung cấp tài chính từ miền Bắc vào miền Nam.

Trước tình hình địch đánh phá ngày càng ác liệt, Trung ương Đảng Lào nhất trí với đề nghị của ta mở tuyến đường vận tải trên đất Lào, đồng thời cũng đề nghị dùng đường đó để vận chuyển một số nhu cầu thiết yếu tới Nam Lào, cùng Lào mở rộng vùng giải phóng ở khu vực này. Ngày 14/6/1961, Đoàn 559 chính thức bước vào hoạt động trên tuyến Tây Trường Sơn. Các chiến sĩ Trường Sơn vừa là người lính vận tải, vừa là chiến sĩ bộ binh, công binh, vừa công tác, vừa chiến đấu.

Đến cuối năm 1964, bộ đội tuyến 559 cùng các đơn vị vũ trang, thanh niên xung phong và giao thông Quân khu 4 đã xây dựng được tuyến hành lang vận tải gồm nhiều trục đường gùi thồ và một trục đường cơ giới ở Tây Trường Sơn, thực hiện được chiến dịch vận chuyển quy mô lớn mà Quân ủy Trung ương giao.

Kết thúc năm 1964, Đoàn 559 đã đưa đón quân vào Khu 5: 15.896 người, Nam Bộ: 1.571 người. Về lực lượng, sau hơn 5 năm hoạt động, quân số của Đoàn 559 lên đến 8.000 người.

- Giai đoạn 1965-1968: Tuyến vận tải cơ giới đường Hồ Chí Minh vươn sâu chi viện cho chiến trường miền Nam

Ngày 3/4/1965, Thường trực Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết tăng cường nhiệm vụ và tổ chức của Bộ Tư lệnh 559: Nhiệm vụ chủ yếu của Đoàn 559 là mở đường và tổ chức vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam và Hạ Lào; đồng thời có nhiệm vụ bảo đảm vật chất và an toàn cho các lực lượng hành quân, bảo vệ hành lang chống địch tập kích bằng đường bộ và đường không, phối hợp và giúp đỡ các địa phương củng cố vùng giải phóng ở dọc hành lang.

Đoàn xe vận tải quân đội 559 đưa hàng hóa vào chiến trường, vượt qua trọng điểm Ngã 3 Đồng Lộc, Nghệ Tĩnh. Thời gian Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đảm nhận vị trí Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn - Đoàn 559 (1967-1975) là giai đoạn ác liệt của cuộc chiến tranh. Từ những con đường mòn nhỏ, đường Hồ Chí Minh đã phát triển thành tuyến vận tải lớn để vận chuyển quân lương, vũ khí chi viện cho chiến trường lớn miền Nam. Ảnh: Văn Sắc - TTXVN

Bộ Tư lệnh 559 có ba lực lượng chính là: lực lượng mở đường mới, giữ gìn và sửa chữa đường cũ; lực lượng vận chuyển và giữ kho; lực lượng bảo vệ. Ngoài ra còn có các lực lượng bảo đảm khác như: thông tin, quân y, sửa chữa... Về tổ chức, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh của Đoàn tương đương cấp quân khu trực thuộc Quân ủy Trung ương.

Quyết định trên đánh dấu bước phát triển mới của Đoàn 559, từ vận tải thô sơ chuyển sang vận tải cơ giới; từ quy mô cấp sư đoàn lên quy mô cấp quân khu với những nhiệm vụ chiến lược to lớn, vô cùng khó khăn, phức tạp trên một địa bàn rộng.

Đầu năm 1967, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được Bộ Quốc phòng điều làm Tư lệnh Đoàn 559 kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần tiền phương. Với tác phong sâu sát, cụ thể, sau khi đã khảo sát nắm chắc tình hình trên toàn tuyến, đồng chí đã cùng Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh có nhiều quyết định sáng tạo nhằm đổi mới phương châm, phương thức hoạt động, xây dựng vững chắc thế trận Trường Sơn.

Bắt đầu từ mùa khô 1966-1967, đường giao liên tách khỏi đường ô tô; hệ thống cầu đường được đổi mới một cách cơ bản trong thế trận hiệp đồng chiến đấu giữa các quân, binh chủng trên toàn tuyến; nhờ đó công tác vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam tăng gấp 25 lần, giao cho bạn Lào tăng gấp 12 lần so với năm 1966, đưa bộ đội vào chiến trường tăng gấp 2,5 lần so với chỉ tiêu Bộ giao.

Cuối năm 1967, Đoàn 559 đã xây dựng được một mạng đường vững chắc với 2.959km đường ô tô bao gồm các trục dọc chính, trục dọc phụ, đường ngang, đường vòng tránh và đường vào kho lấy hàng. Đây là một thế trận cầu đường có thể hỗ trợ, bổ sung cho nhau. Sự phát triển của hệ thống đường Hồ Chí Minh đã phục vụ đắc lực cho công tác vận chuyển chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Năm 1968, Đoàn 559 đã có 25 binh trạm, 23 trung đoàn; quân số lên đến 80.000 người.

Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên thăm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn vận tải 101, Bộ đội Trường Sơn. Ảnh: TTXVN phát

- Giai đoạn 1969-1972: Mở rộng đường Hồ Chí Minh, góp phần đánh bại một bước quan trọng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ xâm lược.

Hệ thống đường vận chuyển chiến lược Trường Sơn không chỉ phát triển vào các chiến trường Nam Bộ và Tây Nguyên mà còn được phát triển mạnh ra phía Bắc, tiếp giáp với hậu phương lớn miền Bắc, đáp ứng với yêu cầu chi viện ngày càng lớn cho chiến trường miền Nam.

Tháng 7/1970, Bộ Tư lệnh 559 được đổi tên thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Đến tháng 7/1971, Bộ Tư lệnh Trường Sơn được tổ chức thành 5 Bộ Tư lệnh khu vực với tổng quân số lên đến 92.000 người.

Trước đó, từ ngày 5/5/1971, Bộ Tư lệnh Trường Sơn huy động toàn bộ lực lượng công binh và một số lực lượng khác đồng loạt ra quân mở “đường kín” (là các con đường chạy dưới các tán cây của rừng Trường Sơn). Đến cuối năm 1971, toàn tuyến đã mở được 1.190km đường kín. Vận chuyển trên đường kín đã trở thành xu thế chủ đạo trên đường Hồ Chí Minh, được Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Trường Sơn đánh giá rất cao, coi đó là một thành tựu có ý nghĩa chiến lược, tạo được thế bất ngờ đối với không quân địch. Hệ thống đường kín tiếp tục được phát triển trong những năm tiếp theo.

Cuối năm 1972, ta đã xây dựng được một mạng đường giao thông vận tải chiến lược gồm nhiều trục dọc, ngang và các đường vòng tránh, hình thành hệ thống đường cho các kiểu, loại xe cơ giới, với tổng chiều dài 11.000km. Giao thông vận tải phục vụ kháng chiến của toàn miền Nam trong năm 1972 đã góp phần quan trọng tạo nên chiến thắng to lớn của quân và dân ta trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, buộc đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn phải ký Hiệp định Pari, đồng thời cũng góp phần cho cuộc tiến công chiến lược của quân và dân Lào giành thắng lợi toàn diện, buộc địch phải ký Hiệp định Viêng Chăn.

- Giai đoạn 1973-1975: Hoàn thiện thế trận đường Hồ Chí Minh, cùng cả nước tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Đầu năm 1973, mạng đường chiến lược đã được xây dựng, mở rộng trên địa bàn Tây Trường Sơn, về cơ bản vẫn là tuyến đường đất, chỉ bảo đảm vận chuyển được trong mùa khô; còn trên địa bàn Đông Trường Sơn, ta chưa có điều kiện mở đường qua Tây Nguyên. Để đáp ứng yêu cầu tổ chức vận chuyển lớn, cần nhanh chóng xây dựng, phát triển, hoàn thiện mạng đường giao thông vận tải chiến lược cả phía Đông và Tây Trường Sơn.

Mùa khô 1973-1974, lực lượng công binh được triển khai trên toàn tuyến làm nhiệm vụ xây dựng, khôi phục và bảo đảm đường vận chuyển. Đến giữa năm 1974, Bộ Tư lệnh Trường Sơn có tất cả 8 sư đoàn binh chủng, 20 trung đoàn và tương đương trực thuộc; tổng quân số lên đến trên 100.000 người, trong đó có trên 13.000 sĩ quan.

Cuối năm 1974, tuyến vận tải quân sự chiến lược trên đường Hồ Chí Minh đã hoạt động cả mùa khô và mùa mưa, hình thành một hệ thống đường chiến lược nối liền từ hậu phương lớn miền Bắc với các chiến trường, bảo đảm cho tất cả loại binh khí kỹ thuật cơ động trong đội hình hành quân của các quân đoàn, binh chủng hợp thành ra trận.

Đến cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, đường Hồ Chí Minh đã mở rộng, vươn dài tới Lộc Ninh (Bình Phước) với tổng chiều dài gần 17.000km đường cho xe cơ giới (gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang); đường giao liên dài trên 3.000km; đường ống dẫn xăng dầu gần 1.400km; cùng với hệ thống đường vòng tránh, đường sông, đường thông tin liên lạc. Trên mọi nẻo đường, hệ thống cung trạm, binh trạm, kho tàng, bến bãi, trạm bảo dưỡng sửa chữa xe máy... được xây dựng trong một thế trận ngày càng hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của chiến trường./.

  Tùng Lâm
[Nguồn: Ban tuyên giáo Trung ương]