69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam: Xây dựng nền y học Việt Nam rạng rỡ

    Nhân vật liên quan

    • Chủ tịch Đảng (2/1951 - 9/1969); Tổng Bí thư (10/1956 - 9/1960)Hồ Chí Minh

Hà Nội (TTXVN 26/2/2024) Cách đây 69 năm, vào ngày 27/2/1955, nhân dịp Hội nghị Cán bộ y tế được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Hội nghị. Bức thư với những nội dung sâu sắc, khoa học, mang tính định hướng chiến lược đã trở thành tài sản vô giá của ngành y tế Việt Nam. Thực hiện lời dạy của Bác, các thế hệ thầy thuốc đã, đang nối tiếp truyền thống xây dựng nền y học Việt Nam ngày càng phát triển.

Bác sĩ thực hiện kỹ thuật triệt đốt bằng nhiệt lạnh để cô lập tĩnh mạch trong quá trình điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: Minh Quyết – TTXVN

* Hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe của nhân dân

Trong suốt 69 năm qua, thực hiện lời dạy của Bác, các thế hệ thầy thuốc đã, đang nối tiếp truyền thống, không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện tu dưỡng bản thân; không quản gian khổ, hy sinh, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, ngày càng trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt.

Nhiều thế hệ thầy thuốc Việt Nam đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh cả tính mạng của mình cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân cả trong thời chiến cũng như thời bình.

Rất nhiều thầy thuốc đã rời bỏ cuộc sống phồn hoa nơi xứ người, về nước tham gia cách mạng theo lời kêu gọi của Bác Hồ; những người nêu gương sáng về chuyên môn lẫn đức hạnh, như giáo sư Phạm Ngọc Thạch, Hồ Đắc Di, Đặng Văn Ngữ, Trần Hữu Tước, Tôn Thất Tùng, Tôn Thất Bách, Vũ Đình Tụng, Đặng Văn Chung, Đỗ Đức Vân, Đặng Thùy Trâm… và còn biết bao nhiêu thầy thuốc, lương y, y sỹ, y tá, hộ lý khác - những “Anh hùng áo trắng” đã nêu gương sáng cho đời.

Khi đất nước hòa bình, thống nhất, đội ngũ thầy thuốc lại có mặt trên mọi nẻo đường; tận tụy cống hiến, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho mọi người, đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Vì sức khỏe và tính mạng của nhân dân, người thầy thuốc từng giờ, từng phút, từng giây chiến đấu với tử thần giành giật sinh mạng con người... Hàng trăm nghìn cán bộ y tế đang ngày đêm thầm lặng làm việc, không một yêu cầu, đòi hỏi, không một tiếng than thở - bởi họ hiểu và tự nguyện theo nghề y - cứu người là lẽ sống của họ.

Nhiều thầy thuốc - điều kiện, hoàn cảnh sống còn hết sức khó khăn, nhưng với họ - chữa bệnh cứu người là nghĩa vụ thiêng liêng nên âm thầm cống hiến, âm thầm phục vụ mà không tính toán thiệt hơn. Có người bị tai nạn nghề nghiệp mắc bệnh hiểm nghèo vô tình liên lụy tới người thân nhưng trong nỗi đau đớn tận cùng thì phẩm chất của người thầy thuốc vẫn ngời sáng, như Đại úy, bác sĩ Nguyễn Quang Ánh bị lây nhiễm HIV từ bệnh nhân trong những lần anh chăm sóc mà không biết, chỉ đến khi người vợ sinh con gái đầu lòng mới phát hiện ra. Có người lại chấp nhận sống xa gia đình gần 20 năm trời, như bác sĩ Triệu Văn Dân một mình giữa núi rừng Việt Bắc để chăm sóc sức khỏe cho đồng bào… Và còn rất nhiều hình ảnh về tình yêu thương và lòng nhân ái của các thầy thuốc với người bệnh, điển hình như trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 vừa qua. Để chiến đấu với “giặc COVID-19”, những "chiến sĩ áo trắng" đã không ngại hy sinh gian khổ, gác lại hạnh phúc riêng tư, gác lại cuộc sống yên bình, để lại con thơ, bố mẹ già đang ngày đêm ngóng trông, đi vào tâm dịch nhiều tháng không về nhà, nhiều nhân viên y tế sẵn sàng nhận rủi ro về mình để phục vụ, chăm sóc người dân trong các khu cách ly, các bệnh viện dã chiến..., có người đã mãi mãi không trở về.

Họ thực sự là những “từ mẫu” của nhân dân, không chỉ có trái tim nhân ái, tấm lòng nhân hậu mà còn có nghị lực kiên cường, sự chịu đựng bền bỉ, dẻo dai thật phi thường, đáng ghi nhận, khâm phục. Họ xứng đáng được tôn vinh như những người anh hùng.

Tự hào thầy thuốc Việt Nam! Đó là cảm nhận chung của nhân dân đối với sự đóng góp, hy sinh thầm lặng của đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế, các trạm y tế thôn, bản, làng, xã, đến các trung tâm y tế, các bệnh viện, các tuyến huyện, tỉnh, trung ương – những người đã mang lại sự sống, sức khỏe, niềm vui, niềm hạnh phúc, tiếng cười cho người bệnh và gia đình. Họ chính là những người anh hùng thầm lặng, thực hiện nhiệm vụ cao cả chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Công ty cổ phần Dược và trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar) chuyên nghiên cứu, ứng dụng sản xuất và phân phối các sản phẩm thuốc, dược phẩm phòng bệnh và chữa bệnh. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN

* Xây dựng nền y học Việt Nam rạng rỡ

Suốt chặng đường phấn đấu trưởng thành cùng đất nước, ngành y tế đã có bước phát triển toàn diện, mạnh mẽ.

Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Đến nay, Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt, khống chế được bệnh uốn ván sơ sinh, ho gà, bạch hầu… Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân đã giảm từ 30,1% năm 2000 xuống còn 14,1% năm 2015 và năm 2016 tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi là 13,8%. Tỷ suất chết mẹ giảm xuống còn 58,3 trên 100.000 trẻ đẻ sống năm 2015; Tỷ suất chết trẻ em dưới một tuổi giảm khá nhanh, xuống còn 14,73 phần nghìn; Tỷ suất chết trẻ em dưới năm tuổi giảm xuống 22,12 phần nghìn, đưa Việt Nam thành một trong năm nước đang phát triển có mức tử vong bà mẹ, trẻ em giảm nhanh nhất trên thế giới. Tuổi thọ bình quân của người dân tăng lên, đạt 73,4 tuổi.

Không chỉ khống chế các dịch bệnh trong nước, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên khống chế thành công dịch SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1; ngăn chặn thành công không để một số dịch bệnh nguy hiểm mới nổi xâm nhập như cúm A/H7N9, Ebola, MERS-CoV... Đặc biệt, đại dịch COVID-19 được kiểm soát, điều chỉnh từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sáng nhóm B từ ngày 20/10/2023. Đây là dấu mốc quan trọng ghi nhận sự thành công của Việt Nam trong phòng, chống đại dịch Covid-19.

Việt Nam cũng được biết đến là quốc gia đang dần vươn lên vị trí quan trọng trong danh sách các nước sản xuất vaccine trên thế giới. Hiện Việt Nam đã đảm bảo sản xuất 11/12 loại vaccine phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng. Đến nay vaccine Việt Nam đã xuất đi một số nước khác như: Ấn Độ, Đông Timor, Hàn Quốc, Myanmar, Indonesia, Malaysia…

Bên cạnh đó, những thành tựu y học của ngành y tế Việt Nam về tim mạch can thiệp, phẫu thuật nội soi, vi phẫu, ghép tạng, ghép chi... đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đang phát triển có tốc độ ứng dụng và đổi mới kỹ thuật y học trong thực hành lâm sàng nhanh nhất trên thế giới. Mới đây, đúng ngày 30 Tết năm 2024 (ngày 9/2/2024), các y bác sỹ Bệnh viện Phổi Trung ương đã thực hiện ca ghép 2 phổi cho một bệnh nhân 21 tuổi. Đây là kỹ thuật khó nhất trong các kỹ thuật ghép tạng. Ca ghép thành công tốt đẹp ở mức cao nhất theo tiêu chuẩn quốc tế từ Trung tâm ghép phổi UCSF - 1 trong 9 Trung tâm ghép phổi lớn và có uy tín nhất tại Hoa Kỳ, cho thấy Việt Nam đã tiếp cận và làm chủ được những kỹ thuật đỉnh cao trong lĩnh vực ghép tạng.

Trước đó, năm 2017, Việt Nam thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên và ghép tim cho bệnh nhi. Năm 2018, tiến hành thành công ghép phổi và ghép thận từ người cho chết não. Năm 2019 thực hiện đồng thời một loạt ca mổ lấy-ghép đa tạng từ người hiến chết não. Năm 2020 phẫu thuật thành công ca ghép chi thể đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á và cấy ghép ruột từ người cho sống, giúp Việt Nam trở thành 1 trong số 22 nước trên thế giới thực hiện được kỹ thuật ghép ruột. Năm 2023, thực hiện ca ghép đa tạng tim và thận, phối hợp giữa các bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh với Hà Nội thực hiện thành công ghép đa tạng xuyên Việt…

Việt Nam cũng là một trong số ít các nước trên thế giới có mạng lưới y tế hoàn chỉnh tới tận thôn, bản, bảo đảm cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản cho mọi người dân. Các chỉ số sức khỏe của nhân dân đã được nâng lên rõ rệt và tốt hơn so với nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Chất lượng dân số từng bước được cải thiện. Những người yếu thế như người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật... đều được hỗ trợ tiếp cận dịch vụ y tế.

Nhân dân có khỏe mạnh thì đất nước mới cường thịnh, dân tộc mới trường tồn, giống nòi mới được duy trì và phát triển. Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Với đà phát triển hiện nay của đất nước, đến năm 2030, khoảng 50% người dân sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu, và chắc chắn rằng, bên cạnh nhu cầu cao hơn về chất lượng giáo dục, môi trường sinh thái và an ninh an toàn trong cuộc sống thì kỳ vọng của họ vào chất lượng dịch vụ y tế cũng sẽ cao hơn. Trong xu thế của cuộc cách mạng 4.0 và công nghệ y khoa thế giới, ngành Y tế Việt Nam đã triển khai một số hoạt động ứng dụng và phát triển y tế thông minh, góp phần hiện đại hóa các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Mục tiêu cao nhất của Đảng và Nhà nước ta là xây dựng một hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế, hướng tới bao phủ chính sách về chăm sóc sức khỏe toàn dân và bao phủ về y tế toàn dân./.

Phương Phương