74 năm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên Việt Nam: Viết tiếp những trang sử hào hùng của các thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam

Hà Nội (TTXVN 8/1/2024)Trong tiến trình lịch sử của dân tộc, lực lượng học sinh, sinh viên đóng vai trò quan trọng, là lực lượng tham gia trực tiếp vào cuộc trường chinh đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Và ngày nay, học sinh, sinh viên là nền móng quan trọng xây nên lớp trí thức mới, có nhiều đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

* Trang sử vàng
Ngay từ đầu thế kỷ XX, dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh, các tổ chức học sinh, sinh viên yêu nước, như: Học sinh Đoàn, Sinh hội đỏ, Tổng Hội Sinh viên… lần lượt ra đời đã tập hợp, đoàn kết, bồi dưỡng lý tưởng cộng sản chủ nghĩa cho học sinh, sinh viên; tổ chức và lãnh đạo phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên góp phần làm nên Tổng khởi nghĩa Tháng Tám - thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam.
Tự hào đối với các thế hệ học sinh, sinh viên là việc thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên, thành lập và hợp nhất các tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn và các chi bộ Đoàn, tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản mà hầu hết đảng viên, đoàn viên đều là những đồng chí xuất thân từ học sinh, sinh viên, như: Trần Phú, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Thị Minh Khai, Lý Tự Trọng…
Sau Cách mạng Tháng Tám, học sinh, sinh viên hăng hái học tập, rèn luyện và tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, xung kích thực hiện 3 nhiệm vụ lớn: diệt giặc dốt, diệt giặc đói, diệt giặc ngoại xâm do Bác và Chính phủ đề ra. Từ năm 1947 đến 1949, ở Sài Gòn, Huế, Hà Nội đã thành lập Hội Học sinh kháng chiến, Đoàn sinh viên kháng chiến sau đó phát triển ra nhiều trường ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam; số lượng học sinh, sinh viên được kết nạp vào Đoàn và Đảng khá đông. Các hoạt động của học sinh, sinh viên kháng chiến ngày càng phong phú và đang dạng hơn. Cuộc đấu tranh của học sinh đã lan ra cả Đông Dương.
Ngày 9/11/1949, học sinh Huế bãi khoá. Phan Văn Giáo, Tổng trấn bù nhìn Trung bộ đã thẳng tay khủng bố. Học sinh, sinh viên quyết định bãi khoá để phản đối. Ngày 22/11/1949, trong lúc tại Huế đang tranh đấu, học sinh Sài Gòn bí mật vận động kỷ niệm Ngày Nam Kỳ khởi nghĩa và đề xướng hưởng ứng phản đối việc các nữ sinh Huế bị bắt, đồng thời yêu sách cải tổ chính sách giáo dục. Các cuộc bãi khoá của học sinh, sinh viên Sài Gòn liên tiếp nổ ra, đưa ra các yêu sách: chấm dứt khủng bố, đàn áp bắt bớ học sinh; Bảo đảm an ninh và quyền lợi học tập của học sinh…
Tại Hà Nội, ngày 25/11/1949, học sinh Chu Văn An cũng quyết định bãi khoá. Toàn trường vang dậy những khẩu hiệu “học sinh bãi khoá", “trả lại tự do cho bạn chúng ta”...
Ngày 9/1/1950, Đoàn Thanh niên cứu quốc và Đoàn học sinh Sài Gòn-Chợ Lớn đã vận động và tổ chức cho hơn 2.000 học sinh, sinh viên các trường cùng nhiều giáo viên và 7.000 nhân dân Sài Gòn-Chợ Lớn biểu tình đòi đảm bảo an ninh cho học sinh, sinh viên học tập và trả tự do cho những học sinh, sinh viên bị bắt và mở lại trường học. Đoàn biểu tình đã bị đàn áp dã man. Cuộc đàn áp đẫm máu ngày 9/1/1950 và tinh thần chiến đấu hy sinh oanh liệt của anh Trần Văn Ơn làm dấy lên trong học sinh, sinh viên và nhân dân Sài Gòn-Chợ Lớn lòng căm thù giặc và ý chí đấu tranh kiên quyết chống thực dân Pháp xâm lược và bè lũ tay sai.
Với sự kiện lịch sử đó, noi gương và ghi nhận tinh thần đấu tranh bất khuất của anh Trần Văn Ơn và học sinh, sinh viên trong những ngày đầu kháng chiến, Đại hội toàn quốc Liên đoàn thanh niên Việt Nam lần thứ nhất tháng 2/1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 9/1 hàng năm làm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên. Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ V tháng 11/1993, tại thủ đô Hà Nội, đã quyết định đồng thời lấy ngày 9/1 làm Ngày truyền thống của Hội Sinh viên Việt Nam.
Ngọn lửa trong tim người học trò dũng cảm Trần Văn Ơn đã lan tỏa, bừng cháy thành những ánh đuốc soi đường cho học sinh, sinh viên dấn thân vào cuộc đấu tranh vĩ đại của dân tộc, làm nên một thời trui rèn trong lửa đỏ kiên cường.
Ở những nơi khó khăn, nguy hiểm nhất, từ nơi tiền tuyến ác liệt đến cả trong trung tâm đầu não của Mỹ Nguỵ, học sinh, sinh viên đã có mặt, chiến đấu gan dạ, lập nhiều thành tích. Các thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam không tiếc máu xương, son sắt với lý tưởng của Đảng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Những tấm gương như Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Ơn, Liệt sĩ Đỗ Ngọc Thạnh, Trần Bội Cơ, Nhất Chi Mai, Nguyễn Thái Bình, Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm… làm sáng ngời truyền thống học sinh, sinh viên Việt Nam.

* Viết tiếp trang sử vàng
Hơn 70 năm qua, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, giai đoạn lịch sử nào, thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam luôn phát huy sức mạnh, lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ và phát huy truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh đi trước để xây dựng lớp lớp học sinh, sinh viên sáng tạo, tình nguyện và hội nhập.
Phát biểu tại Chương trình kỷ niệm 74 năm Ngày Truyền thống Học sinh, Sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam ( tối 7/1, tại TP Hồ Chí Minh), Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: Nghị quyết 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khẳng định “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội”.
Bước vào thời kỳ xây dựng và đổi mới đất nước, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên Việt Nam tiếp tục phát động rộng rãi trong học sinh, sinh viên các phong trào “Học tập, rèn luyện vì ngày mai lập nghiệp,” “Thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt,” phong trào sinh viên tình nguyện, phong trào “Sinh viên 5 tốt…".
Các phong trào vận động một lực lượng đông đảo học sinh, sinh viên tham gia vào nhiều lĩnh vực mới, địa bàn khó khăn mà ở đó đòi hỏi sức trẻ, nhiệt huyết và trí tuệ. Hình ảnh những học sinh, sinh viên khoác trên mình màu áo xanh tình nguyện từ vùng đồng bằng, thành thị về đến các vùng sâu, vùng xa, vùng còn khó khăn của đất nước là những hình ảnh đẹp, khó phai trong lòng người dân, xã hội.
Những thành tích xuất sắc trong các kỳ thi học thuật quốc gia, quốc tế; các công trình, giải thưởng nghiên cứu khoa học; huy chương trên các đấu trường thể thao… là những quả ngọt của sự bền bỉ, kiên trì, say mê trong học tập, rèn luyện của học sinh, sinh viên Việt Nam.
Từ năm 2020, dịch COVID-19 xuất hiện đã làm ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng tới mọi mặt chính trị, kinh tế-xã hội của đất nước; ảnh hưởng, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống của nhân dân. Tại thời điểm đó, hình ảnh các sinh viên tình nguyện không ngần ngại, sẵn sàng, khẩn trương, gấp rút đi vào tâm dịch hỗ trợ các địa phương, người dân phòng, chống, thích nghi với điều kiện dịch bệnh trở nên quen thuộc và đẹp đẽ hơn bao giờ hết.
Những năm qua, để ghi nhận sự đóng góp của thế hệ trẻ, đồng thời tạo môi trường, động lực cho học sinh, sinh viên cả nước học tập, rèn luyện, phấn đấu hoàn thiện bản thân, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong nhà trường, Ban Bí thư Trung ương Đoàn triển khai phong trào “Học sinh 3 tốt” dành cho học sinh trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên; triển khai phong trào “Học sinh 3 rèn luyện” dành cho học sinh các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo hệ trung cấp; triển khai phong trào “Sinh viên 5 tốt” dành cho sinh viên các trường cao đẳng, đại học, học viện.
Bên cạnh đó, nhằm ghi nhận, cổ vũ đội ngũ cán bộ Hội Sinh viên, Đoàn Thanh niên là sinh viên có thành tích tốt trong học tập và rèn luyện, Ban Chấp hành Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam triển khai giải thưởng “Sao Tháng Giêng” từ năm 2000 nhằm tuyên dương, khen thưởng những sinh viên, là cán bộ Đoàn, Hội có thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện, trong công tác Hội Sinh viên, công tác Đoàn và phong trào sinh viên.
Sau nhiều năm triển khai, các phong trào, giải thưởng khẳng định được giá trị, thương hiệu của mình trong các nhà trường, tham gia tích cực vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước.
Từ thực tiễn phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương học sinh, sinh viên sống đẹp, đạt thành tích xuất sắc trong học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học; nhiều đồng chí được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng, góp phần hình thành một lớp học sinh, sinh viên Việt Nam thời đại mới giàu lòng yêu nước, bản lĩnh, tri thức, sức khỏe,có khát vọng vươn lên, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, chủ động và tự tin trong hội nhập quốc tế../.

Phương Anh (tổng hợp)