Áo dài nam trong dòng chảy văn hóa Việt

Hà Nội (TTXVN 4/3/2023) Áo dài không chỉ là trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam mà còn là của nam giới. Như một dòng chảy, có lúc quanh co, chiếc áo dài nam từng có lúc chìm vào quên lãng. Nhưng hôm nay, chiếc áo dài nam đang trong quá trình phục hưng, với sự quan tâm của cộng đồng.

Đại diện thương hiệu áo dài Năm Tuyền giới thiệu bộ sưu tập áo dài ngũ thân qua câu chuyện "Vinh quy bái tổ". Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN

* Sơ lược áo dài nam qua các thời kỳ

 

Thời Nguyễn (1558-1945), đặc biệt là dưới triều Nguyễn (1802-1945), Nho giáo rất được coi trọng, là công cụ để cai trị và ổn định xã hội. Tam cương ngũ thường đối với nam giới; tam tòng, tứ đức với phụ nữ đã trở thành nền tảng đạo đức xã hội và luân lý để mọi thế hệ con cháu noi theo. Sự ra đời của chiếc áo dài ngũ thân nam cũng chịu ảnh hưởng chung của tư tưởng Nho giáo ấy.

Tiền thân áo dài ngày nay được gọi là “áo ngũ thân tay chẽn” (loại áo này nam và nữ khá giống nhau, chỉ khác nhau vài đặc điểm, như nữ cổ áo thấp hơn nam, ống tay nữ hẹp hơn ống tay nam, vạt áo nam dài hơn áo nữ...). Chúa Nguyễn Phúc Khoát (ở ngôi từ năm 1738-1765) là người có công định chế và phổ biến trang phục áo dài ngũ thân ở cả Đàng Trong. Sau khi đất nước thống nhất, triều Nguyễn đã kế thừa và tiếp tục công cuộc cải cách trang phục từ thời các Chúa Nguyễn. Trong những năm 1827-1837, hoàng đế Minh Mạng đã quyết liệt đẩy mạnh cải cách trang phục một cách triệt để, từ đó áo dài ngũ thân - áo dài Huế được phổ biến ra toàn quốc, trở thành trang phục chung của người Việt Nam.

Áo dài ngũ thân ra đời trong bối cảnh nhà Nguyễn lấy tư tưởng Nho giáo làm chuẩn mực đạo đức xã hội, cho nên kiểu dáng trang phục này của nam đã phần nào đáp ứng được quan niệm thẩm mỹ của xã hội đương thời. Đặc biệt, kiểu dáng, kết cấu áo có công năng sử dụng cao, khắc phục những nhược điểm của cơ thể người đàn ông Việt, tạo cho người đàn ông có phong thái đĩnh đạc, oai phong mà vẫn khiêm nhường, nho nhã.

Đối với áo ngũ thân của nam, những hình ảnh được ghi lại giai đoạn trước năm 1945, trong đời sống đa dạng thường nhật hay trong lễ hội, đàn ông Việt luôn mặc áo ngũ thân. Tuy nhiên, do ảnh hưởng văn minh phương tây, phong trào Âu hóa lan rộng trong giới trí thức, tư sản, quan lại đến dân thường, trang phục áo dài của đàn ông Việt dần dần bị mất chỗ đứng, trở nên mờ nhạt trong đời sống hàng ngày, chỉ còn sử dụng làm trang phục cho những người thực hành tôn giáo tín ngưỡng và các nghi lễ truyền thống.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, một số thành viên Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa như cụ Huỳnh Thúc Kháng (Bộ trưởng Bộ Nội vụ), cụ Nguyễn Văn Tố (Trưởng Ban Thường trực Quốc hội), cụ Ngô Tử Hạ (Chủ tịch Đại Hội đồng Phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa I ngày 2/3/1946) đều mặc áo dài trong những dịp lễ quan trọng hay xuất hiện trước quốc dân, đồng bào.

Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, áo dài ngũ thân giờ đây không chỉ là biểu trưng cho hình ảnh con người Việt Nam mà còn chứa đựng cả linh hồn dân tộc. Không chỉ là trang phục truyền thống, áo dài nam còn thể hiện những giá trị tốt đẹp về đạo đức, thẩm mỹ và là một di sản quý báu.

Các cán bộ trong trang phục áo dài nam truyền thống tại Tết Cộng đồng Xuân Kỷ Hợi. Ảnh: Huy Lê - PV TTXVN tại Ấn Độ

* Áo dài nam trong dòng chảy văn hóa Việt

 

Như một dòng chảy, có lúc quanh co, chiếc áo dài nam từng có lúc chìm vào quên lãng. Nhưng hôm nay, chiếc áo dài nam đang trong quá trình phục hưng.

Cách đây 6 năm, mùa hè năm 2018, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Vương quốc liên hiệp Anh và Bắc Ireland Trần Ngọc An đến trình quốc thư lên Nữ hoàng Anh Elizabeth II với bộ áo dài mầu xanh thẫm, in hình hoa văn truyền thống, đầu đội khăn đóng. Đó là một khoảnh khắc đẹp với chiếc áo dài nam. Sự xuất hiện của áo dài nam trong sự kiện ngoại giao đã khiến rất nhiều người bất ngờ. Bởi trước đó, chưa nhiều người nghĩ, chiếc áo dài đem lại sự lịch lãm, sang trọng và tôn vinh văn hóa dân tộc đến thế…

Thế nhưng, sự trở lại của áo dài nam không hề dễ dàng. Trước đó, chiếc áo dài nam thường chỉ xuất hiện trên sân khấu, hoặc những người thực hành nghi lễ ở các lễ hội. Nhưng rồi, áo dài nam ngày càng xuất hiện thường xuyên hơn trong đời sống thường nhật, trong các sự kiện, nghi lễ ngoại giao. Nhiều nam giới, nhất là thanh niên đã mặc áo dài trong các ngày lễ, trong ngày cưới đến dịp đầu Xuân năm mới, trình diễn nghệ thuật, giao lưu văn hóa… Đặc biệt, năm 2020, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế là địa phương đầu tiên trong cả nước khuyến khích công chức nam ngành văn hóa mặc áo dài vào ngày thứ hai mỗi đầu tháng và các ngày lễ truyền thống của ngành và các lễ hội... Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao Thừa Thiên Huế, việc nam mặc áo dài ban đầu cũng sẽ gặp khó khăn như khi phụ nữ mặc lại áo dài cách đây vài chục năm, nhưng tôi tin rằng dần dần cộng đồng sẽ chấp nhận và việc chọn chiếc áo dài ngũ thân làm trang phục truyền thống là phù hợp. Trang phục này ra đời tại Huế từ năm 1744, thời Nguyễn đã đưa lên làm quốc phục, nghĩa là nó đã hoàn chỉnh và có hàng trăm năm lịch sử. Nó là một di sản của người Việt Nam. Với anh Lê Hữu Hải, nhân viên văn phòng Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, việc mặc áo dài không có gì bất tiện, thậm chí còn cảm thấy tự hào khi mang chiếc ào dài truyền thống của ông cha đi làm.

Là người chứng kiến những thăng trầm của áo dài nam, nhà văn Hoàng Quốc Hải vui mừng khi chứng kiến một cuộc “phục hưng” của áo dài nam. Ông cho rằng, ông có niềm tin, bởi trong số những người nghiên cứu, những người mặc áo dài nam ngũ thân có rất nhiều bạn trẻ.

Có thể kể đến Câu lạc bộ Áo dài nam truyền thống của nhóm Đình Làng Việt được thành lập vào tháng 11/2017. Câu lạc bộ đã quy tụ nhiều người yêu và thể nghiệm áo dài nam truyền thống. Đây là hướng đi đúng đắn nhằm phục dựng áo dài nam truyền thống một cách khoa học, có kế thừa, có thích ứng. Những thành viên câu lạc bộ này chính là những sứ giả tích cực quảng bá thương hiệu quốc gia, văn hóa trang phục và vận động mọi người tự tin mặc áo dài nam trong các dịp lễ, Tết.

Cùng với nhóm Đình làng Việt, có một nhóm gồm toàn những bạn trẻ nhiều năm mày mò tìm lối trở về cho trang phục truyền thống - đó là Câu lạc bộ Ỷ Vân Hiên (nay trở thành một doanh nghiệp chuyên cung cấp trang phục truyền thống). Với phương châm “Cựu kiến tân – Nơi tương lai được kiến tạo từ quá khứ”, với những hoạt động ý nghĩa, Ỷ Vân Hiên mong muốn được lan tỏa tình yêu văn hóa truyền thống, phục hồi và chấn hưng những giá trị tốt đẹp của quá khứ, đồng thời góp phần quảng bá giới thiệu văn hóa Việt ra thế giới.

Chiếc áo truyền thống ẩn chứa phong vị văn hóa rất ý nhị của người Việt, phải hiểu mới thấy yêu. Theo họa sĩ Đức Hòa, khi mặc những bộ trang phục truyền thống chúng ta cảm tưởng như đang được sống lại với niềm khát khao về nguồn cội. Nói đến trang phục truyền thống là gợi nhắc đến tinh hoa văn hóa cả ngàn đời, là nền tảng tinh thần cần được quan tâm phát triển.

Giờ đây trong đời sống hiện đại, vấn đề trang phục truyền thống đang ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của các học giả, chuyên gia trong và ngoài nước. Nhưng làm sao để tìm ra một bộ trang phục vừa mang đậm hồn cốt, tinh hoa văn hóa dân tộc cả ngàn đời, lại vừa thích nghi được với nhịp sống đương đại là một bài toán khó. Đây vừa là thách thức, nhưng cũng chính là một tiêu chí đặt ra đối với giới thiết kế và những nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc./.

  Phương Dung