Bác Hồ với anh hùng Trần Đại Nghĩa
Hà Nội (TTXVN 10/06/2014)
Ngày 12/6/1952, trên báo Nhân Dân số 61, Bác Hồ đã viết báo biểu dương nhà trí thức yêu nước, anh hùng Trần Đại Nghĩa. Với những dòng súc tích, Bác khẳng định “Là một đại trí thức, đi học ở châu Âu đã nhiều năm, mang một lòng nhiệt tình về phụng sự Tổ quốc, phục vụ kháng chiến... Kỹ sư Nghĩa đã có công to trong việc xây dựng quân giới, luôn luôn gần gũi, giúp đỡ, dạy bảo và học hỏi anh em công nhân, đã thắt chặt lý luận với thực hành…”.
Cách đây 68 năm, tháng 6 năm 1946, Bác Hồ sang Pháp thương lượng với Chính phủ Pháp về nền độc lập, hòa bình ở Việt Nam, nhằm tranh thủ cơ hội hòa bình để chuẩn bị cho toàn dân bước vào cuộc kháng chiến. Trong thời gian ở Pháp, với sự hấp dẫn diệu kỳ và sự cảm hóa đặc biệt của mình, Bác Hồ đã thu hút được đông đảo kiều bào ta nói chung và trí thức Việt kiều nói riêng tình nguyện xin được về nước phục vụ kháng chiến. Trong đó có trí thức trẻ kỹ sư Phạm Quang Lễ (tức Trần Đại Nghĩa) được theo Bác Hồ về nước.
Trên đường về nước, Bác Hồ đã hỏi Phạm Quang Lễ hai câu:
Câu thứ nhất: "Bây giờ ở nhà cực khổ lắm, chú về có chịu được không?"
- Phạm Quang Lễ thưa: "Thưa Bác, tôi chịu nổi".
Câu thứ hai: "Bây giờ ở nhà kỹ sư, công nhân về vũ khí không có. Máy móc thiếu, liệu chú có làm được việc không?"
- Phạm Quang Lễ nói: "Thưa Bác, tôi đã chuẩn bị mười một năm rồi và tôi tin là làm được".
Ngày 5 tháng 12 năm 1946, trước Ngày Toàn quốc kháng chiến, tại Bắc Bộ Phủ, Bác nói: "Kháng chiến sắp đến nơi rồi. Hôm nay, Bác quyết định giao cho chú nhiệm vụ làm Cục trưởng Cục Quân giới. Chú sẽ chăm lo vũ khí cho quân đội. Đây là việc đại nghĩa. Vì thế, từ nay Bác đổi tên cho chú là Trần Đại Nghĩa...".
Đối với Trần Đại Nghĩa, những điều mà Bác dạy ông và các trí thức ở Pháp trong 2 tháng và 40 ngày lênh đênh trên biển đã tác động lớn, là sự cảm hóa tuyệt vời để khi về nước làm việc và cống hiến. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, những công trình khoa học kỹ thuật chế tạo vũ khí như Bazôka, súng đại bác không giật (SKZ)... là những kỳ tích của Trần Đại Nghĩa và các cộng sự của ông.
Tại Đại hội thi đua toàn quốc tổ chức tại Việt Bắc, năm 1952, Trần Đại Nghĩa trở thành trí thức Việt Nam đầu tiên được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Bác Hồ đã viết về ông: "Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa là một đại trí thức, mang một lòng nhiệt thành về phụng sự Tổ quốc, phục vụ kháng chiến".
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông đã góp phần to lớn trong việc tìm biện pháp chống nhiễu của máy bay B52 và nâng cấp độ bay cao của tên lửa SAM-2 để tổ chức phòng không hiệu quả nhất. Ông cũng có công rất lớn trong việc tìm biện pháp phá hệ thống thủy lôi của địch và chế tạo những trang thiết bị đặc biệt cho bộ đội đặc công.
Có thể nói, nhiều sáng chế quan trọng về vũ khí cho quân đội nhân dân Việt Nam có sự đóng góp của ông. Hay nói cách khác, ông chính là cha đẻ của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam. Năm 1996, ông đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh với công trình: "Nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật chế tạo súng Bazôka, súng SKZ, đạn bay trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954".
Sinh thời, Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ, anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa thường nói: "Tôi nhớ mãi mãi Bác Hồ kính yêu, vô cùng biết ơn Bác cho theo về nước, Bác Hồ luôn luôn chăm sóc và hướng dẫn tôi trong hai cuộc kháng chiến, Bác đã cho tôi cái cương vị để có thể hoàn thành nhiệm vụ một cách có hiệu quả nhất. Bác luôn là hình ảnh thiêng liêng rất gần gũi với tôi. Trong tâm khảm tôi, một bên là ba má và anh chị tôi, còn một bên là Bác Hồ".
Hầu hết các trí thức Việt Nam đều suy nghĩ: Nếu không phải Bác Hồ thì có lẽ khó có ai tập hợp được nhiều nhân tài của đất nước đến như vậy. Cả cuộc đời mình, ông đã sống và làm việc xứng đáng với ý nghĩa của cái tên Trần Đại Nghĩa mà Bác đã từng nói: “Một là họ Trần, là họ của danh tướng Trần Hưng Đạo. Hai là, Đại Nghĩa là nghĩa lớn để chú nhớ đến nhiệm vụ của mình với nhân dân, với đất nước. Đại Nghĩa còn là chữ của Nguyễn Trãi trong Bình Ngô đại cáo”./.
Thông tin tư liệu