Bầu cử Hạ viện khóa 18: Định hình sự phát triển của Ấn Độ giai đoạn tới

Hà Nội (TTXVN 24/4/2024) Cử tri Ấn Độ đã hoàn thành cuộc bỏ phiếu giai đoạn một, mở đầu cho cuộc tổng tuyển cử kéo dài 7 giai đoạn, được đánh giá là một trong những sự kiện chính trị quy mô nhất và kéo dài nhất thế giới. Cuộc tổng tuyển cử lần này đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng sự phát triển của Ấn Độ, ít nhất là trong 5 năm tới.

 

* Cuộc bầu cử quy mô và kéo dài

Cử tri Ấn Độ chờ bỏ phiếu tổng tuyển cử tại làng Dugeli, gần thị trấn Dantewada ở bang Chhattisgarh ngày 19/4/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Hơn 970 triệu cử tri Ấn Độ đã tham gia bỏ phiếu bắt đầu vào ngày 19/4/2024 trong giai đoạn đầu tiên của cuộc bầu cử. Với tiến trình gồm 7 giai đoạn và kéo dài đến ngày 1/6, cuộc tổng tuyển cử tại Ấn Độ được đánh giá là một trong những sự kiện chính trị quy mô nhất và kéo dài nhất thế giới. Các cử tri sẽ bầu chọn ra 543 nghị sĩ Lok Sabha (Hạ viện) khóa XVIII. Một chính đảng hoặc một liên minh cần ít nhất 272 ghế để chiếm đa số nắm quyền.

Cuộc bầu cử Hạ viện khóa 18 ở Ấn Độ được tổ chức trong 7 giai đoạn, một phần là nhằm đảm bảo an ninh tại các điểm bỏ phiếu trên khắp đất nước rộng lớn này. Ở Ấn Độ chỉ có một hình thức bỏ phiếu là thông qua máy bỏ phiếu điện tử. Sau khi bỏ phiếu, cử tri được đánh dấu trên ngón tay bằng một loại mực đặc biệt không thể hòa tan và không thể xóa nhằm tránh tình trạng cử tri gian lận, bỏ phiếu nhiều lần.

Ở giai đoạn 1 của tiến trình bầu cử bắt đầu ngày 19/4, cử tri tại 17 bang và 4 vùng lãnh thổ liên bang của Ấn Độ đã tham gia bỏ phiếu để lựa chọn ra 102 nghị sĩ trong Hạ viện từ tổng số 1.625 ứng cử viên.

Toàn bộ phiếu bầu từ 28 bang và 8 vùng lãnh thổ liên bang của đất nước sẽ được kiểm và được công bố vào ngày 4/6 tới.

Tham gia cuộc tổng tuyển cử năm nay có hơn 2.700 đảng phái, bao gồm 6 đảng cấp quốc gia và hơn 70 đảng cấp bang. Mỗi đảng có một biểu tượng do Ủy ban Bầu cử quốc gia phân bổ và được in trên các lá phiếu, giúp cử tri dễ dàng lựa chọn hơn. Tuy số đảng phái là rất lớn nhưng cuộc tổng tuyển cử năm nay chủ yếu chứng kiến sự cạnh tranh giữa Liên minh Dân chủ quốc gia (NDA) do đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) của Thủ tướng Modi lãnh đạo và Liên minh Toàn diện phát triển quốc gia Ấn Độ (INDIA) do đảng Quốc đại dẫn đầu. Trong đó, liên minh NDA đặt mục tiêu giành được 400 ghế, trong đó riêng BJP kiểm soát 370 ghế. Còn liên minh INDIA đối lập bao gồm đảng Quốc đại cùng với 27 đảng khác không đưa ra mục tiêu số ghế giành được trong Hạ viện lần này.

Theo quy định, đảng nào giành được đa số ghế tại Hạ viện sẽ đứng ra thành lập chính phủ mới. Giới phân tích đánh giá cuộc bầu cử Hạ viện Ấn Độ lần này là tâm điểm thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế không chỉ bởi quy mô lớn, mà còn vì quốc gia Nam Á này có tiếng nói ngày càng quan trọng trên các diễn đàn quốc tế và là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới.

Kết quả cuộc bầu cử được nhận định có tác động sâu rộng tới cả tương lai của quốc gia hơn 1,4 tỷ dân và bối cảnh địa chính trị tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

* Thuận lợi và thách thức với Đảng Nhân dân Ấn Độ của đương kim Thủ tướng Narendra Modi

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu tại trụ sở của đảng Bharatiya Janata (BJP) ở New Delhi ngày 14/4/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Cuộc tổng tuyển cử năm nay diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ thời gian qua đã có những bước chuyển mình đầy ngoạn mục trên mọi phương diện, từ công nghệ khoa học, quân sự, kinh tế đến đối ngoại… Đây là những lợi thế giúp Đảng Nhân dân Ấn Độ của đương kim Thủ tướng Narendra Modi được dự báo sẽ giành chiến thắng, giúp ông Modi tiếp tục đảm nhiệm vị trí Thủ tướng nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp.

Theo công ty dịch vụ tài chính Jefferies, kể từ khi Thủ tướng Narendra Modi lên nắm quyền năm 2014, Ấn Độ đã đạt được tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm trên 7% tính theo đồng USD, vươn từ vị trí thứ 8 lên thứ 5 thế giới, với quy mô tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 3.600 tỷ USD. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đối mặt nhiều khó khăn, Ấn Độ đã đạt mức tăng trưởng kinh tế ngoạn mục khoảng 7,6% trong năm 2023. Trong 10 năm qua, khoảng 250 triệu người Ấn Độ thoát nghèo và thu nhập bình quân đầu người tăng gần gấp đôi.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, Ấn Độ sẽ là điểm sáng của kinh tế châu Á với mức tăng trưởng ổn định khoảng 6,5% trong các năm 2024 và 2025. Trong 4 năm tới, GDP của Ấn Độ có thể cán mốc 5.000 tỷ USD. Đến năm 2075, kinh tế Ấn Độ được dự đoán có thể vượt qua Mỹ và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc.

Sáng kiến “Ấn Độ tự cường” của Thủ tướng Modi và chương trình hành động của Bộ Quốc phòng đã đưa Ấn Độ trở thành cường quốc quân sự và trong tài khóa vừa qua, xuất khẩu quốc phòng của nước này đã lần đầu cán mốc 2,5 tỷ USD. Các mặt hàng quốc phòng của Ấn Độ hiện có mặt trên 84 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ấn Độ đã chuyển đổi cơ sở hạ tầng, xây dựng đường sá, cầu cống, bến cảng, sân bay và mạng lưới kỹ thuật số với tốc độ đáng kinh ngạc. Ấn Độ trở thành quốc gia thứ tư đưa tàu vũ trụ hạ cánh thành công xuống bề mặt Mặt Trăng, song là quốc gia đầu tiên viết nên lịch sử ngành vũ trụ thế giới khi tàu hạ cánh xuống cực Nam của Mặt Trăng - nơi vẫn chưa được khám phá. Sau thành công vang dội này, quốc gia Nam Á đang tiếp tục chuẩn bị cho những kế hoạch khám phá Sao Hỏa, Mặt Trời…

Không chỉ ghi điểm bằng những kết quả phát triển kinh tế-xã hội ấn tượng, Chính phủ Thủ tướng Modi cũng đạt nhiều thành tựu đối ngoại trong những năm qua. Mối quan hệ giữa Ấn Độ với các đối tác quan trọng như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), ASEAN, cũng như tiếng nói của Ấn Độ tại các diễn đàn quốc tế không ngừng được tăng cường. 2023 là năm sôi động của nền ngoại giao Ấn Độ. Việc đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) với nhiều dấu ấn quan trọng, như vận động để G20 kết nạp Liên minh châu Phi (AU) làm thành viên, tăng cường tiếng nói của các quốc gia ở nam bán cầu, cải cách các ngân hàng phát triển đa phương…, cho thấy tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của New Delhi trong nỗ lực giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Có thể nói những thành tích ấn tượng nêu trên là tiền đề thuận lợi để Thủ tướng Modi cùng chính đảng của ông và liên minh có được một chiến thắng tại Hạ viện.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được trong những năm qua, Ấn Độ cũng có những thách thức nhất định. Đó là giải quyết tình trạng thất nghiệp và bất bình đẳng trong thu nhập, giảm lạm phát và nghèo đói, phát triển cơ sở hạ tầng, mở rộng chương trình phúc lợi xã hội. Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ Ấn Độ cao hơn nhiều so mức trung bình toàn cầu. ILO cho rằng, nền kinh tế Ấn Độ chưa tạo ra đủ nhiều việc làm trong khu vực phi nông nghiệp, để theo kịp nguồn cung dồi dào về lao động trẻ có trình độ. Tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên tốt nghiệp vẫn cao, khoảng 29%.

Tham gia tranh cử lần này, đảng BJP của Thủ tướng Modi cam kết tạo thêm nhiều việc làm, hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng, mở rộng chương trình phúc lợi xã hội, cũng như phát triển Ấn Độ thành trung tâm của các ngành công nghiệp dược phẩm, năng lượng, linh kiện bán dẫn và du lịch. BJP đồng thời khẳng định nỗ lực đưa Ấn Độ đi đúng hướng để trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2047, khi nước này kỷ niệm 100 năm Ngày Độc lập./.

Trọng Đức (tổng hợp)