Bầu cử Nghị viện châu Âu (EP): Những thách thức trước thềm bầu cử

Hà Nội (TTXVN 4/6/2024) Từ ngày 6 đến 9/6/2024, khoảng 400 triệu cử tri từ 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ tham gia bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) để chọn ra hơn 700 thành viên nghị viện nhiệm kỳ mới 2024-2029, những người sẽ quyết định mọi chính sách của khối. Đây là một cuộc bầu cử rất quan trọng vì kết quả lựa chọn của cử tri sẽ định hình chính sách của EU những năm tới, trong bối cảnh EU đang đối mặt với những thách thức lớn, nhất là việc các lực lượng cực hữu theo xu hướng hoài nghi châu Âu đang trỗi dậy. Đây cũng là cuộc bầu cử bầu cử đầu tiên của EU mà không có các ứng cử viên của Anh, do nước này đã rời EU năm 2020.

 

Toàn cảnh phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu (EP) ở Strasbourg, Pháp ngày 13/3/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

* Cuộc bầu cử “siêu quốc gia”

Nghị viện châu Âu (Europarl, viết tắt là EP) là một trong những thể chế chính trị quan trọng của Liên minh châu Âu (EU). Đây là một trong những nghị viện đa quốc gia lớn nhất thế giới, được công dân của các nước thành viên EU bầu cử trực tiếp 5 năm một lần. Do được bầu cử theo chế độ phổ thông đầu phiếu, Nghị viện châu Âu trở thành Nghị viện “siêu quốc gia” duy nhất trên thế giới được bầu cử trực tiếp bởi người dân.

Cùng với Hội đồng Bộ trưởng và Ủy ban châu Âu, Nghị viện là một trong ba cơ quan tham gia vào quá trình lập pháp của EU. Kể từ sau Hiệp ước Maastricht năm 1992, Hiệp ước Amsterdam năm 1997, quyền hạn và ảnh hưởng của EP trở nên lớn hơn. EP phối hợp cùng Hội đồng Bộ trưởng thông qua Hiến pháp EU; tham gia soạn thảo một cách bình đẳng ba phần tư số văn bản pháp lý của EU.

EP có ba nhiệm vụ chính: soạn thảo ban hành chính sách, phát triển hệ thống EU và quan hệ với cử tri. Ngoài ra, EP thông qua ngân sách hàng năm, có quyền quyết định các vấn đề thị trường nội địa, giá cả tiêu dùng, giáo dục nhưng không có quyền hạn về chính sách thuế và nông nghiệp.

Các đạo luật được EP thông qua có giá trị tại tất cả 27 nước thành viên, mỗi nước có quyền siết thêm nhưng không được nới lỏng hơn những gì đã được quyết tại EP. Những quy định này tạo ra sự nhất quán và là nền tảng tạo dựng nên sức mạnh chung của Liên minh châu Âu.

Và mặc dù Nghị viện châu Âu không phải là cơ quan quan trọng nhất của EU về vấn đề chính sách đối ngoại, nhưng cách các nhóm chính trị liên kết với nhau sau cuộc bầu cử và tác động của cuộc bầu cử đối với các cuộc tranh luận ở các quốc gia thành viên có ý nghĩa đáng kể trong việc giúp Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu đưa ra các lựa chọn trong lĩnh vực đối ngoại.

Hiện nay, trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều biến động đã khiến cho người dân châu Âu nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2024. Theo một khảo sát của Eurobarometer được công bố vào tháng 4/2024, 60% người được hỏi thể hiện sự quan tâm về cuộc bỏ phiếu, cao hơn hẳn 49% của cuộc khảo sát tương tự trước thềm cuộc bầu cử diễn ra cách đây 5 năm.

Cuộc bầu cử nghị viện châu Âu (EP) lần này sẽ diễn ra từ ngày 6 đến 9/6/2024 với hơn 400 triệu cử tri đủ điều kiện từ 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) để chọn ra hơn 700 thành viên Nghị viện châu Âu. Đây là cuộc bầu cử Nghị viện lần thứ 10 kể từ cuộc bầu cử trực tiếp đầu tiên vào năm 1979 và là cuộc bầu cử Nghị viện đầu tiên kể từ sau khi Anh rời khỏi EU năm 2020 (Brexit). Chủ tịch Nghị viện châu Âu sẽ được bầu sau đó bởi các nghị sỹ, với nhiệm kỳ 2,5 năm.

Cuộc bầu cử EP năm nay diễn ra trong bối cảnh các đảng theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu đang có xu hướng trỗi dậy mạnh mẽ. Xu hướng này đã xuất hiện từ những năm gần đây khi các đảng cực hữu lên nắm quyền tại Hungary và Italy; tham gia vào chính phủ ở Phần Lan và Slovakia; giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội tại Hà Lan (11/2023); và thiết lập được chương trình nghị sự từ phe đối lập khi đảng National Rally cực hữu là một trong các bên ủng hộ dự luật nhập cư mới của Pháp (12/2023)…

Thủ tướng Pháp Gabriel Attal (phải) và lãnh đạo đảng Tập hợp quốc gia cực hữu (RN) Jordan Bardella (trái) tại cuộc tranh luận trên truyền hình ở Aubervilliers, Pháp, ngày 23/5/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

* Những thách thức chưa từng có

Thực tế, khi các cuộc thăm dò ý kiến cử tri cho thấy phe cực hữu đang trỗi dậy, cũng đã xuất hiện nhiều hơn những lời kêu gọi từ phe chính thống trong Nghị viện châu Âu (bao gồm ba nhóm: EPP trung hữu, S&D trung tả, và Phục hưng châu Âu (Renew Europe) - theo chủ nghĩa tự do và trung dung). Những nhóm này được nhận định là vẫn có nhiều cơ hội để dẫn đầu trong cuộc bầu cử EP lần này. Ba nhóm này thường thỏa hiệp với nhau để đạt được đa số ghế cần thiết để luật được thông qua. Do đó, các nhà phân tích cho rằng, hiện vẫn chưa có một yếu tố nào có thể bảo đảm chiến thắng chắc chắn cho phe cánh hữu trong cuộc bầu cử EP sắp tới.

Mặc dù vậy, các nhà phân tích cho rằng, xu hướng lớn mạnh của cánh hữu cũng đã cho thấy những biến đổi cơ bản trong đời sống chính trị ở châu Âu. Đó là phe cánh tả ở châu Âu đang dần thoái trào và chưa biết đến khi nào mới có thể phục hưng trở lại. Nguyên nhân là tình hình châu Âu đối mặt với nhiều thách thức trên nhiều phương diện, tác động trực tiếp đến đời sống của người dân. Nó cũng cho thấy các chính sách của nhà lãnh đạo hiện nay chưa đáp ứng thoả đáng những mong mỏi của người dân.

Theo các nhà phân tích, hiện nay, EU đang đối mặt ngày càng nhiều thách thức hơn đến từ bối cảnh địa chính trị thay đổi và sự chênh lệch về kinh tế, trình độ phát triển giữa các thành viên cũ và mới. Cùng với đó là những thách thức về đoàn kết và chia rẽ.

Thực tế, Liên minh châu Âu vận hành theo nguyên tắc đồng thuận tuyệt đối. Một phiếu của một nước nhỏ như Malta có 500.000 dân cũng có giá trị như một phiếu của nước Đức với 85 triệu dân. Nguyên tắc đồng thuận tuyệt đối sẽ làm mất nhiều thời gian thảo luận, đàm phán, đặc biệt là khi có khủng hoảng. Vấn đề sẽ phức tạp hơn trong bối cảnh xu hướng dân tộc biệt lập đi lên, khi có những nước đề cao thái quá quyền lợi riêng của nước mình. Thách thức đặt ra là phải thuyết phục được tất cả, chứ không dùng đa số áp đảo thiểu số. Giữa hai bên đã khó thỏa thuận mà EU có tới 27 bên nên nhiều chính sách có mục tiêu tham vọng, khi đến được thỏa thuận đã bị pha loãng khá nhiều.

Hơn nữa, hiện nay trong nội bộ EU, chủ nghĩa dân tộc, dân túy gia tăng ở nhiều quốc gia thành viên, không chỉ đe dọa các giá trị cốt lõi của khối, mà còn đặt ra câu hỏi về sự đoàn kết. Trong những năm gần đây, một số đảng và phong trào dân tộc chủ nghĩa đã trỗi dậy tại một số nước EU như Hungary, Ba Lan..., ủng hộ chính sách ưu tiên các lợi ích quốc gia hơn sự hội nhập và hợp tác châu Âu. Một số quốc gia thành viên EU phản đối việc di cư, dẫn đến các chính sách hạn chế nhập cư và gia tăng căng thẳng giữa các nước. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ người dân có tâm lý hoài nghi về lợi ích của EU và ủng hộ việc tăng cường quyền lực cho chính phủ quốc gia. Những điều này làm suy yếu tinh thần đoàn kết và hợp tác giữa các quốc gia thành viên EU; cản trở quá trình ra quyết định chung khi một số nước theo đuổi lợi ích riêng. Trong một số trường hợp, chủ nghĩa dân tộc gia tăng có thể dẫn đến sự chia tay, như việc Vương quốc Anh rời khỏi EU (Brexit).

Ngoài các vấn đề nội khối, EU còn đang đối mặt với bài toán nhập cư, khi biến đổi khí hậu, xung đột và bất ổn chính trị đang thúc đẩy người dân di cư đến các quốc gia EU, gây áp lực lên hệ thống tị nạn và biên giới chung. Trong khi đó, các cuộc tấn công mạng đang trở nên tinh vi hơn, gây thiệt hại lớn về kinh tế và xã hội. Những thách thức này đặt ra vấn đề đồng thuận về chính sách giải pháp và sự phối hợp hành động giữa các nước thành viên vốn không hoàn toàn có sự tương đồng về điều kiện kinh tế và quan điểm.

Trước những bộn bề thách thức đó, nhiều người cho rằng sự cân bằng chính trị là điều mà châu Âu đang cần hướng tới vào lúc này, do các cuộc bầu cử ở EU sẽ giúp xác định ai sẽ nắm giữ các vị trí đứng đầu toàn khối, dẫn dắt Ủy ban châu Âu, Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu; từ đó, tạo ra ảnh hưởng đối với các quyết sách của EU trong vòng 5 năm tới./.

Trọng Đức (tổng hợp)