Bế tắc xung đột Hamas-Israel

Hà Nội (TTXVN 9/4/2024) Sáu tháng kể từ khi cuộc xung đột giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel bùng phát ngày 7/10/2023, người dân ở Dải Gaza vẫn đang hứng chịu những hậu quả thảm khốc. Trong những tháng qua, cộng đồng quốc tế đã gây áp lực buộc các bên phải thực hiện lệnh ngừng bắn ở Gaza, để cho phép cung cấp đủ viện trợ và ngăn chặn đổ máu ở dải đất ven Địa Trung Hải của Palestine. Tuy nhiên, xung đột vẫn diễn ra căng thẳng và các nỗ lực nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và lâu dài vẫn rơi vào bế tắc.

 

Cảnh đổ nát sau các cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza ngày 1/4/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Cộng đồng quốc tế hiện đặc biệt quan ngại về mức độ tàn khốc của cuộc xung đột giữa Hamas và Israel. Các tổ chức trên toàn cầu cảnh báo những thiệt hại về người và tài sản tại Dải Gaza đã “vượt mức thảm họa”.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hành động bạo lực ở Gaza gây thương vong lớn, nhất là đối với trẻ em, đẩy hàng trăm nghìn người dân vào nạn đói, đồng thời hủy hoại hệ thống y tế tại dải đất ven biển này. Việc người dân không được tiếp cận những nhu cầu thiết yếu về lương thực thực phẩm, nhiên liệu và các điều kiện khác như chăm sóc y tế và nơi ở an toàn là điều không thể chấp nhận được và đi ngược lại những quy định quốc tế về nhân quyền.

Trẻ em lấy nước tại vòi nước công cộng ở thành phố Rafah, Dải Gaza, ngày 30/3/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, Cơ quan cứu trợ của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) nhấn mạnh tình hình nhân đạo tại Dải Gaza đang ngày càng xấu đi khi “tất cả các ranh giới, bao gồm cả ranh giới đỏ, đều đã bị vượt qua”. Cùng chung quan điểm này, Hiệp hội Chữ thập đỏ - Trăng Lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) khẳng định “6 tháng là một dấu mốc nghiệt ngã”, đồng thời cảnh báo những hậu quả nhân đạo mà cuộc xung đột gây ra, nhất là liên quan đến tính mạng và cuộc sống của người dân ở Gaza khi hàng triệu người có nguy cơ lâm vào nạn đói.

Về phần mình, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cũng bày tỏ quan ngại về những tổn thương nặng nề đối với trẻ em ở Dải Gaza khi hơn 13.000 trẻ đã thiệt mạng kể từ khi xảy ra xung đột. Bên cạnh đó, khu vực này cũng rơi vào tình trạng cơ sở hạ tầng bị tàn phá và người dân bên bờ vực nạn đói.

Số liệu của giới chức y tế Dải Gaza chỉ rõ, tính đến ngày 8/4/2024, tổng cộng 33.207 người Palestine đã thiệt mạng và 75.933 người khác bị thương trong các vụ tấn công của Israel vào vùng lãnh thổ này kể từ ngày 7/10/2023. Trong khi đó, phía Israel thông báo khoảng 1.200 người ở nước này đã thiệt mạng trong cuộc xung đột và hơn 200 người bị bắt làm con tin. Bộ Tài chính Israel cho biết chi tiêu của nước này cho cuộc xung đột đã lên tới 14,2 tỷ USD tính đến cuối tháng 3/2024.

Binh sĩ Israel được triển khai tại miền Nam nước này, giáp giới với Dải Gaza, ngày 7/4/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Giữa bối cảnh Dải Gaza đang rơi vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 8/4/2024 cho biết đã ấn định ngày tiến hành chiến dịch quân sự tại thành phố Rafah ở phía Nam Dải Gaza. Tuy nhiên, ông Netanyahu không tiết lộ cụ thể thời điểm tiến hành chiến dịch. Rafah là nơi trú ẩn của khoảng 1,4 triệu người Palestine phải di dời và cũng là điểm tiếp nhận hàng viện trợ cho Gaza. Số phận của người dân ở Rafah là điều khiến các tổ chức nhân đạo và đồng minh của Israel quan ngại nhất. Họ cảnh báo việc Israel triển khai chiến dịch tấn công vào khu vực đông đúc này sẽ gây ra thảm họa.

Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi (phải) và Giám đốc CIA William Burns trong cuộc gặp ở Cairo, Ai Cập, ngày 7/4/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong diễn biến mới nhất ngày 9/4/2024, ba nước Ai Cập, Jordan và Pháp đã ra tuyên bố chung kêu gọi thực hiện ngay lập tức và vô điều kiện Nghị quyết 2728 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong đó yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza. Tuyên bố bày tỏ lo ngại về những hậu quả nguy hiểm nếu Israel mở chiến dịch quân sự ở Rafah. Nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường viện trợ nhân đạo ở Gaza, tuyên bố chung hối thúc Israel đảm bảo cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân Palestine. Các nhà lãnh đạo cũng yêu cầu thả ngay lập tức tất cả các con tin và tái khẳng định sự ủng hộ đối với các cuộc đàm phán do Ai Cập, Qatar và Mỹ làm trung gian nhằm hướng đến một thỏa thuận ngừng bắn, trao trả con tin và những người bị giam giữ.

Trước đó, ngày 8/4, Ai Cập và Australia cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải đạt được lệnh ngừng bắn ngay lập tức và lâu dài ở Dải Gaza, đồng thời đảm bảo cung cấp viện trợ đầy đủ, an toàn và nhanh chóng cho người dân Palestine. Hai nước bác bỏ hoàn toàn mọi hoạt động quân sự tiềm năng của Israel nhằm vào thành phố Rafah bởi hành động này sẽ làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo đang xấu đi ở Gaza và gây nhiều thiệt hại nặng nề hơn về sinh mạng./.

Minh Trà (tổng hợp)