Bối cảnh Hội nghị Paris
Những năm 60 của thế kỷ XX, tình hình quốc tế có những diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã thực hiện một cách linh hoạt, mềm dẻo chính sách đối ngoại độc lập tự chủ và đoàn kết quốc tế, nhằm tranh thủ sự ủng hộ quốc tế đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở miền Nam.
Ở Việt Nam, sau khi hoàn thành Kế hoạch ba năm phát triển kinh tế, từ năm 1961, miền Bắc đi vào thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965). Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 và Đại hội Đảng lần thứ III, nhân dân miền Nam đẩy mạnh cao trào Đồng khởi, cuộc đấu tranh chính trị kết hợp vũ trang giành quyền làm chủ nhanh chóng phát triển thành cuộc chiến tranh cách mạng. Nhân dân miền Nam, được sự chi viện kịp thời của miền Bắc, không ngừng xây dựng và phát triển các lực lượng, từng bước mở rộng vùng giải phóng, làm suy yếu chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Từ giữa năm 1961, đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược “chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam Việt Nam với nội dung chủ yếu là xây dựng quân đội Sài Gòn mạnh với cố vấn và trang bị vũ khí của đế quốc Mỹ. Quân và dân miền Nam đã đẩy mạnh cuộc đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, đấu tranh chống địch trên cả ba vùng chiến lược và giành những thắng lợi to lớn làm thay đổi tương quan lực lượng. Chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ ở Việt Nam có nguy cơ bị phá sản. Chính quyền do đế quốc Mỹ dựng lên ở miền Nam suy yếu, khủng hoảng trầm trọng, đứng trước nguy cơ tan rã. Trong thời gian từ tháng 11/1963 đến tháng 6/1965, xảy ra 14 vụ đảo chính và phản đảo chính trong nội bộ chính quyền Sài Gòn. Thấy rõ nguy cơ sụp đổ của chính quyền Sài Gòn và sự thất bại hoàn toàn của “chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam, đế quốc Mỹ thay đổi chiến lược, đưa lực lượng chiến đấu của đế quốc Mỹ trực tiếp tham chiến, tiến hành “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam, đồng thời mở cuộc chiến tranh phá hoại, chủ yếu bằng không quân đối với miền Bắc hòng cứu vãn tình thế.
Ngày 8/3/1965, những đơn vị lính thủy đánh bộ đầu tiên của đế quốc Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng và Chu Lai, bắt đầu cuộc “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam Việt Nam. Trước đó, ngày 5/8/1964, máy bay của đế quốc Mỹ đánh phá một số địa điểm ở miền Bắc Việt Nam. Tháng 2/1965, Tổng thống Johnson ra lệnh thực hiện chiến dịch “Sấm rền” ném bom bắn phá một số điểm ở Quảng Bình, Vĩnh Linh, Nghệ An, mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân chống Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mặc dù đế quốc Mỹ đưa vào miền Nam hàng chục vạn quân đội viễn chinh (557.774 quân tính đến tháng 12/1967) song lực lượng so sánh giữa ta và địch vẫn không thay đổi lớn. Đường lối chống “chiến tranh cục bộ” và “chiến tranh phá hoại” của đế quốc Mỹ được xác định tại Hội nghị Trung ương lần thứ 11 (3/1965) và lần thứ 12 (12/1965) khẳng định quyết tâm đánh đế quốc Mỹ và thắng đế quốc Mỹ.
Đến cuối năm 1966, sau hai năm chiến đấu trực tiếp chống quân viễn chinh của đế quốc Mỹ, quân dân miền Nam đã đánh thắng được hai cuộc phản công mùa khô thứ nhất (Đông Xuân 1965-1966), mùa khô thứ hai (Đông Xuân 1966-1967). Chiến lược “tìm và diệt” của đế quốc Mỹ thất bại một bước. Quân và dân miền Bắc đã làm thất bại một bước cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của đế quốc Mỹ. Đến cuối năm 1966, miền Bắc đã bắn rơi 1.620 máy bay Mỹ. Trên mặt trận ngoại giao, chúng ta cũng giành được thắng lợi quan trọng: tranh thủ được sự đồng tình của nhân dân thế giới đối với cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam, tăng cường đoàn kết với nhân dân Đông Dương và các nước xã hội chủ nghĩa, phối hợp chống đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh, đặc biệt đấu tranh chống các “chiến dịch hòa bình” và “đàm phán không điều kiện” của đế quốc Mỹ...
Trong bối cảnh trên, nhất là thắng lợi phản công hai mùa khô và trong chống chiến tranh phá hoại miền Bắc, Trung ương Đảng quyết định chuyển sang chiến lược “vừa đánh vừa đàm”. Hội nghị Trung ương 13 (27/01/1967) phân tích: “Đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam là nhân tố chủ yếu quyết định thắng lợi trên chiến trường, làm cơ sở cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. Chúng ta chỉ có thể giành được trên bàn hội nghị những cái mà chúng ta đã giành được trên chiến trường. Tuy nhiên, đấu tranh ngoại giao không chỉ đơn thuần phản ánh cuộc đấu tranh trên chiến trường, mà trong tình hình quốc tế hiện nay với tính chất cuộc chiến tranh giữa ta và địch, đấu tranh ngoại giao giữ một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động”. Triển khai Nghị quyết Trung ương 13, ngày 28/1/1967, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh tuyên bố: Chỉ sau khi Hoa Kỳ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh chống lại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Hoa Kỳ có thể nói chuyện được. Ngày 29/12/1967, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại tuyên bố: Sau khi Hoa Kỳ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ nói chuyện với Hoa Kỳ về những vấn đề có liên quan.
Cuối năm 1967, ở miền Nam, hai cuộc phản công chiến lược mùa khô bằng lực lượng quân sự của đế quốc Mỹ đều thất bại. Trên thế giới, phong trào đoàn kết với Việt Nam ngày càng mở rộng, chính quyền Hoa Kỳ ở thế tiến thoái lưỡng nan về chiến lược. Tháng 12/1967, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về tổng công kích và tổng khởi nghĩa. Nghị quyết đó được Hội nghị Trung ương 14 (1/1968) thông qua. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã giáng một đòn mạnh làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Ngày 31/3/1968, Tổng thống Lyndon B. Jonson buộc phải quyết định chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20, sẵn sàng cử đại diện đối thoại với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và không ra ứng cử tổng thống nhiệm kỳ hai. Đây là sự thừa nhận đầu tiên nhưng đầy đủ nhất về sự phá sản của chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, chiến lược chiến tranh quan trọng nhất được đế quốc Mỹ chuẩn bị công phu và đánh giá cao trong chiến lược toàn cầu “phản ứng linh hoạt” của đế quốc Mỹ những năm 1960.
Ngày 3/4/1968, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố: “Rõ ràng Chính phủ đế quốc Mỹ chưa đáp ứng nghiêm chỉnh và đầy đủ đòi hỏi của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, của dư luận tiến bộ Mỹ và dư luận thế giới. Tuy nhiên, về phía mình, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố sẵn sàng cử đại diện của mình tiếp xúc với đại diện Mỹ nhằm xác định với phía Mỹ việc đế quốc Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để có thể bắt đầu cuộc nói chuyện”. Với các tuyên bố trên, cuộc thương lượng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được mở ra tại Paris, thủ đô nước Pháp, từ ngày 13/5/1968 kéo dài đến ngày 27/1/1973.
Nguồn: Sách "Hiệp định Paris 1973 - Bước ngoặt tiến tới hòa bình" (Nhà xuất bản Thông tấn, Hà Nội, 2022)