Bước ngoặt trong việc khôi phục và bình thường hóa hợp tác ba bên

Hà Nội (TTXVN 25/5/2024) Ngày 27/5/2024, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cùng Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tham dự hội nghị thượng đỉnh ba bên tại Seoul (Hàn Quốc). Đây là hội nghị thượng đỉnh ba bên đầu tiên giữa các nước Đông Bắc Á kể từ tháng 12/2019, sau thời gian gián đoạn do đại dịch COVID-19 và quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản căng thẳng vì những tranh chấp lịch sử. Hội nghị được xem là cơ hội để lãnh đạo các nước trực tiếp đối thoại, từ đó giúp tháo gỡ vướng mắc và có thể tăng cường liên kết hơn nữa nhằm đối phó với các vấn đề lớn hiện nay, đặc biệt là vấn đề duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Bắc Á.

 

(Từ trái sang phải) Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol sẽ có cuộc hội đàm song phương với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida vào ngày 26/5/2024. Ảnh: EPA-EFE

* Khôi phục và bình thường hóa hợp tác ba bên

Hội nghị Trung-Nhật-Hàn vốn là hội nghị được tổ chức thường niên, trên cơ sở luân phiên giữa 3 nước và bắt đầu họp lần đầu tiên từ năm 1999. Khi đó lãnh đạo ba nước  Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đã gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh ASEAN+3 (gồm 10 nước Đông Nam Á và Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản).

Sau đó, vào năm 2004, bên lề hội nghị ASEAN+3, lãnh đạo ba nước Trung-Nhật-Hàn đã quyết định sẽ tổ chức hội nghị cấp cao thường niên, theo cơ chế luân phiên. Vì vậy, bắt đầu từ năm 2008, hội nghị cấp cao Trung-Nhật-Hàn đã được lãnh đạo ba nước tổ chức thường niên. Đây là một trong những cơ chế ngoại giao cấp cao quan trọng hàng đầu của khu vực, tạo ra những tác động to lớn đối với các chuyển động an ninh và thương mại của khu vực Đông Bắc Á. Mục tiêu của tiến trình ngoại giao cấp cao này là tăng cường hiểu biết, duy trì hợp tác thương mại, phát triển kinh tế trong khu vực...

Tuy nhiên, do những bất đồng nên 3 quốc gia láng giềng Đông Bắc Á này mới chỉ tổ chức được hội nghị thượng đỉnh 3 bên thêm vài lần. Hội nghị cấp cao ba bên đã bị gián đoạn trong các năm 2013 và 2014. Năm 2015, hội nghị được nối lại tại Seoul, Hàn Quốc, song lại tiếp tục bị gián đoạn trong năm 2016 và 2017 do căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc với Nhật Bản và các biến động chính trị tại Hàn Quốc. Hội nghị gần đây nhất là vào 12/2019 được tổ chức tại thành phố Thành Đô (Trung Quốc); trước đó các nước đã tiến hành hội nghị thượng đỉnh ba bên vào tháng 5/2018 tại Tokyo, Nhật Bản.

Những lý do khiến hội nghị cấp cao ba bên Trung-Nhật-Hàn bị gián đoạn là vì quan hệ liên tục xấu đi giữa Nhật Bản và hai nước láng giềng Hàn Quốc và Trung Quốc vì các vấn đề lịch sử, chính trị và lãnh thổ. Trong đó, giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn bắt nguồn từ những vấn đề tranh cãi trong thời chiến tranh và tranh chấp chủ quyền biển đảo. Tháng 7/2019, Nhật Bản còn ban hành các hạn chế xuất khẩu nguyên liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc để phản đối lập trường của Seoul về vấn đề bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng ép lao động trong các nhà máy và hầm mỏ của Nhật Bản thời chiến, khiến căng thẳng hai nước càng trầm trọng.

Trong khi đó, ngoài bất đồng liên quan tới quá khứ thời chiến, Nhật Bản cũng có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc đối với quần đảo mà Tokyo đặt tên là Senkaku còn Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư. Hơn nữa, hai cường quốc ở châu Á này cũng có khá nhiều mâu thuẫn lợi ích và cạnh tranh gay gắt với nhau cả về tầm ảnh hưởng trong khu vực lẫn vị thế trên trường quốc tế.

Còn quan hệ giữa Hàn Quốc và Trung Quốc thì cũng từng trải qua giai đoạn tồi tệ đi khi Bắc Kinh phản đối việc Seoul để Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc.

Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Trung-Nhật gần đây nhất được tổ chức tại thành phố Thành Đô (Trung Quốc) vào tháng 12/2019. Hội nghị này là cơ hội hiếm hoi để các bên trực tiếp đối thoại, từ đó tháo gỡ vướng mắc và có thể tăng cường liên kết hơn nữa nhằm đối phó với các vấn đề lớn hiện nay, đặc biệt là vấn đề duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Bắc Á. Hội nghị này đã đạt những kết quả khá tích cực, trong đó đáng chú ý có việc lãnh đạo 3 nước nhất trí cùng nỗ lực nối lại đối thoại Mỹ-Triều và cải thiện quan hệ trong nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên sau hội nghị thượng đỉnh năm 2019, hợp tác ba bên lại bị gián đoạn do sự bùng phát của đại dịch COVID-19 và quan hệ giữa Seoul và Tokyo xấu đi do mâu thuẫn về vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến.

Các cuộc thảo luận nhằm nối lại hội nghị ba bên chỉ được tổ chức nhiều hơn từ khi quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản nồng ấm trở lại sau khi vào tháng 3/2023, Hàn Quốc thông báo phương án bồi thường cho các nạn nhân lao động cưỡng bức trong Chiến tranh Thế giới thứ II mà không cần đóng góp từ phía các công ty Nhật Bản.

Nhờ những chuyển động tích cực đó, tháng 11/2023, Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Nhật Bản Yoko Kamikawa đã có cuộc gặp cấp Ngoại trưởng đầu tiên trong vòng 4 năm ở thành phố Busan (Hàn Quốc). Tại đây, ba nước đã đồng ý "khôi phục và bình thường hóa" hợp tác ba bên; đồng thời nhất trí thúc đẩy tổ chức hội nghị cấp cao giữa lãnh đạo ba nước vào thời gian sớm nhất và thuận tiện cho tất cả các bên.

* Thúc đẩy hợp tác vì sự ổn định ở Đông Bắc Á

Theo kế hoạch, ngày 27/5/2024, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh ba bên Hàn-Trung-Nhật với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Thủ tướng Nhật Bản Kishida. Đây là hội nghị thượng đỉnh ba bên đầu tiên giữa các nước Đông Bắc Á kể từ tháng 12/2019, sau thời gian gián đoạn do đại dịch COVID-19 và quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản căng thẳng vì những tranh chấp lịch sử. Trước đó, ngày 26/5/2024, Tổng thống Yoon Suk Yeol có các cuộc gặp song phương với hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản tại Văn phòng Tổng thống.

Trước thềm hội nghị lần này, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Hàn Quốc Kim Tae-hyo cho biết hội nghị thượng đỉnh ba bên lần này tập trung thảo luận 6 lĩnh vực hợp tác, gồm: kinh tế và thương mại, phát triển bền vững, các vấn đề y tế, khoa học và công nghệ, quản lý an toàn và thảm họa, giao lưu nhân dân, đồng thời đưa ra Tuyên bố chung.

Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo dự kiến còn trao đổi ý kiến về các vấn đề quốc tế và khu vực, cũng như gặp gỡ khoảng 80 doanh nhân và tham dự diễn đàn kinh doanh.

Ông Kim Tae-hyo cho rằng hội nghị thượng đỉnh sẽ góp phần khôi phục và bình thường hóa hoàn toàn hệ thống hợp tác ba bên giữa Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc, đồng thời tạo cơ hội để phục hồi động lực hợp tác thực chất và hướng tới tương lai của ba nước.

Ngoài ra, tại hội nghị, Hàn Quốc và Nhật Bản có thể sẽ yêu cầu Trung Quốc đóng vai trò kiềm chế các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng trong bối cảnh lo ngại về việc Triều Tiên cung cấp vũ khí cho Nga để phục vụ cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine...

Theo các nhà phân tích, mặc dù những khác biệt giữa Seoul, Bắc Kinh và Tokyo về các vấn đề an ninh khu vực khó có thể được giải quyết tại hội nghị thượng đỉnh lần này, nhưng nhìn chung đều có chung nhận định rằng hội nghị thượng đỉnh Hàn-Trung-Nhật lần này là một bước quan trọng trong việc khôi phục đối thoại ba bên nhằm tránh xung đột và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, công nghệ và y tế. Thực tế cho thấy hợp tác ba bên giữa Trung-Nhật-Hàn đã đạt những tiến bộ đáng kể kể từ khi ra mắt vào năm 1999. Thương mại giữa ba nước đã tăng từ 130 tỷ USD lên 780 tỷ USD vào năm 2022 và giao lưu nhân dân cũng ngày càng mở rộng…/.                                                      

Trọng Đức (tổng hợp)