Cấp bách giải quyết vấn đề di cư toàn cầu
Hà Nội (TTXVN 19/06/2023) Những ngày qua, thảm kịch lật thuyền khiến hàng trăm người thiệt mạng và mất tích ở ngoài khơi Hy Lạp một lần nữa khiến nỗi ám ảnh khủng hoảng di cư trở lại với châu Âu, đòi hỏi phải có những giải pháp bền vững cho vấn đề này.
* Từ vụ lật thuyền ngoài khơi Hy Lạp
Địa Trung Hải vốn được xem là vùng biển đẹp nổi tiếng, nơi thu hút khách nghỉ dưỡng trên thế giới nhưng giờ đây được ví với tên gọi đầy ám ảnh: “Vùng biển chết chóc”, nơi chứng kiến hàng vạn người di cư bất hợp pháp nhọc nhằn tìm lối vào “vùng đất hứa” châu Âu.
Vào tuần trước, một chiếc tàu khởi hành từ khu vực Tobruk ở miền Đông Libya trên hành trình hướng tới Italy đã bị lật ngày 14/6/2023 ở vùng biển quốc tế trên biển Ionia ngoài khơi tỉnh Peloponnese của Hy Lạp. Đã có ít nhất 79 người thiệt mạng và lực lượng cứu hộ đã cứu được hơn 100 người. Tổ chức Di cư Quốc tế và Cao uỷ Liên hợp quốc về người tị nạn là (UNHCR) cho biết có khoảng 400 đến 750 người được cho là ở trên tàu vào thời điểm gặp nạn.
Giới chức Hy Lạp cho biết sự thay đổi trọng lượng đột ngột khi hành khách nhồi nhét di chuyển xung quanh tàu có thể là nguyên nhân khiến tàu bị lật và chìm vài giờ sau đó.
Sau vụ lật tàu, cơ quan chức năng đã triển khai lực lượng tìm kiếm cứu nạn quy mô lớn tại vùng biển xảy ra tai nạn. Tham gia tìm kiếm cứu nạn có 6 tàu bảo vệ bờ biển, một tàu khu trục hải quân, một máy bay vận tải quân sự, một máy bay trực thăng của lực lượng không quân, một số tàu tư nhân và một máy bay không người lái của Cơ quan bảo vệ biên giới Liên minh châu Âu Frontex. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, hoạt động tìm kiếm đã không tìm thấy được thêm thi thể nào và thi thể của các nạn nhân đã được chuyển đến một nghĩa trang gần Athens để xét nghiệm ADN.
Một ngày sau vụ lật tàu ngoài khơi ở Hy Lạp, lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp ngày 15/6 đã bắt giữ 9 nghi can liên quan. 9 đối tượng bị bắt giữ này nằm trong số hơn 100 người được cứu trong thảm họa vừa qua và đều mang quốc tịch Ai Cập.
Cũng liên quan đến vụ chìm tàu trên, nhà chức trách Pakistan ngày 18/6 đã bắt giữ 10 người với cáo buộc buôn người. Thủ tướng Pakistan Shahbaz Sharif cũng đã chỉ thị thành lập một ủy ban cấp cao để điều tra vụ chìm tàu chở. Trước đó, Bộ Ngoại giao Pakistan thông báo có 12 công dân sống sót, nhưng không có thông tin về số người trên tàu.
* Vấn đề người di cư đến châu Âu lại “nóng” lên
Vụ lật thuyền ngày 14/6 vừa qua ở Hy Lạp khiến vấn đề người tị nạn đến châu Âu “nóng” trở lại. Các cuộc xung đột về tôn giáo, sắc tộc, chiến tranh biên giới, cùng tình trạng biến đổi khí hậu, dịch bệnh, đói nghèo đã làm cho số người di cư trên quy mô toàn cầu tiếp tục gia tăng một cách đáng lo ngại.
Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) ngày 14/6 đã công bố báo cáo cho thấy, số người buộc phải rời bỏ nhà cửa để đi lánh nạn tăng lên mức kỷ lục 110 triệu người, trong đó xung đột ở Ukraine và Sudan... khiến hàng triệu người phải sơ tán.
Đáng chú ý, người ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi (MENA) tiếp tục di cư vào châu Âu qua vùng biển Địa Trung Hải với số lượng rất lớn, gây sức ép lớn cho hàng loạt quốc gia Liên minh châu Âu (EU).
Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2023, số vụ bắt giữ người di cư dọc tuyến đường Trung Địa Trung Hải đã tăng 28% lên gần 42.200 vụ. Tính từ đầu năm nay, số người di cư qua Trung Địa Trung Hải chiếm hơn một nửa số lượt nhập cảnh bất hợp pháp vào EU. Trong số đó, đã có gần 1.000 người tị nạn đã chết đuối ở Địa Trung Hải, khiến nơi đây trở thành quãng thời gian chết chóc nhất trong 6 năm qua. Còn nếu tính từ năm 2014, ít nhất 25.000 người di cư đã chết đuối trên biển Địa Trung Hải, theo báo cáo của Tổ chức Di cư Quốc tế.
Còn theo Frontex - cơ quan bảo vệ biên giới và bờ biển của Liên minh châu Âu (EU) - cho biết trong 5 tháng đầu năm nay, số người di cư vượt biên qua Trung Địa Trung Hải đến châu Âu đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể là hơn 50.300 người di cư đã vượt biên qua tuyến đường Trung Địa Trung Hải để vào EU - là con số cao nhất kể từ năm 2017. Frontex cho biết Đông Địa Trung Hải vẫn là tuyến đường di cư chính vào EU, chiếm gần 50% số người nhập cảnh bất hợp pháp vào khu vực kể từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, tổng số người di cư tìm cách vào các quốc gia EU qua các tuyến đường là 102.000 lượt, tăng 12% so với một năm trước.
Để thực hiện chuyến vượt biển Địa Trung Hải vào châu Âu, mỗi người phải trả 2.000 USD cho nhóm buôn người trong hành trình, nếu thuận lợi chỉ mất khoảng 10 giờ để đến được bãi biển bất kỳ của Italy. Vì những món lợi nhuận khổng lồ, bất chấp hiểm nguy, các tổ chức buôn người đã nhồi nhét hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người trên những chiếc tàu, thuyền không đủ điều kiện an toàn để vượt biển Địa Trung Hải. Nếu gặp sóng gió bất thường hay tàu bị chết máy, số phận của những người di cư bị đe dọa nghiêm trọng.
* Cần có giải pháp toàn diện
Nhiều năm qua, các nước EU vẫn đổ lỗi cho nhau trong việc xử lý vấn đề người di cư. Trong nội khối, các quốc gia phía Nam như Italy và Hy Lạp từ lâu đã yêu cầu có được nhiều sự giúp đỡ hơn, trong khi các nước Đức và Thụy Điển đã từ chối tiếp nhận tất cả những người đến. Các tổ chức từ thiện cho rằng, các thảm kịch di cư lặp đi lặp lại này cho thấy những người tị nạn phải đối mặt với việc thiếu thốn các con đường hợp pháp khi tìm kiếm sự bảo vệ ở châu Âu.
Giám đốc Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) Antonio Vitorino nhận định, cuộc khủng hoảng nhân đạo tiếp diễn trong thời gian dài ở vùng biển Địa Trung Hải là điều không thể chấp nhận. Giám đốc IOM khu vực Trung Đông, Bắc Phi (MENA) Othman Belbeisi thì cho rằng, số người thiệt mạng đáng báo động trên các tuyến đường mà người di cư từ khu vực MENA vượt qua trên hành trình đến châu Âu đòi hỏi phải có sự quan tâm ngay lập tức và nỗ lực phối hợp để bảo đảm an toàn, tăng hợp tác quốc tế và khu vực, cũng như các nguồn lực để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo và ngăn chặn thêm thiệt hại về người.
Đối phó với cuộc khủng hoảng di cư, các nước EU gần đây còn đưa ra nhiều chính sách hạn chế tị nạn. Trong một nỗ lực để giải quyết bài toán di cư, mới đây EU ngày 8/6 đã đạt được thỏa thuận về phân bổ số người xin tị nạn, cho phép các quốc gia thành viên chia sẻ việc tiếp nhận số người xin tị nạn hoặc đóng góp cho một quỹ chung do EU quản lý để chăm sóc người di cư. Theo thỏa thuận, các quốc gia thành viên EU có thể chia sẻ việc tiếp nhận lượng người xin tị nạn hoặc đóng góp cho một quỹ chung do EU quản lý để chăm sóc người di cư. Nếu người nộp đơn không có cơ hội được tị nạn ở EU, họ sẽ bị trả về ngay lập tức và tất cả các đơn xin tị nạn đều được xử lý lâu nhất là trong vòng 6 tháng. Những quốc gia không sẵn sàng tiếp nhận người xin tị nạn sẽ đóng một khoản hỗ trợ tài chính lên tới 20.000 euro/người vào một quỹ do EU quản lý nhằm hỗ trợ người di cư.
Thỏa thuận phân bổ tị nạn trên đã giúp phá vỡ thế bế tắc trong vấn đề di cư, vốn gây nhiều bất đồng, tranh cãi giữa các nước EU thời gian qua. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, thỏa thuận trên là chưa đủ để đối phó với vấn đề di cư hóc búa, bởi mục tiêu cuối cùng của toàn khối là thiết lập một hệ thống kiểm soát dòng người di cư lâu dài, bền vững, hiệu quả. Theo Ủy viên phụ trách các vấn đề nội vụ của EU Ylva Johansson, vấn đề người xin tị nạn bị từ chối sẽ được gửi trả về đâu cũng là vướng mắc lớn mà EU phải tập trung giải quyết thời gian tới.
Thực tế đã chứng minh rằng, giải pháp bền vững cho cuộc khủng hoảng di cư phải đến từ các chính sách toàn diện, xử lý gốc rễ nguyên nhân của làn sóng di cư. Cuộc khủng hoảng di cư được dự báo trên sẽ còn kéo dài và cần nhiều nguồn lực cùng sự phối hợp, thống nhất hành động của cộng đồng quốc tế.
Theo Liên hợp quốc, những nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn một lượng lớn người dân di cư. Tuy nhiên, tình trạng thế giới đang thiếu hụt nghiêm trọng ngũ cốc, phân bón đang đẩy hàng trăm triệu người đối mặt với nguy cơ thiếu lương thực. Và điều này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng di cư toàn cầu. Liên hợp quốc cảnh báo nếu không sớm giải quyết vấn đề này, hậu quả sẽ vô cùng tồi tệ.
Chấm dứt bạo lực và hỗ trợ người dân xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn tại chính quê hương của mình chính là giải pháp cốt lõi để giải quyết tận gốc thực trạng đáng buồn này.
- Từ khóa:
- di cư