Từ tháng 3.1965, trước nguy cơ phá sản của chiến lược “chiến tranh đặc biệt” trên chiến trường miền Nam cũng như ở chiến trường Khu 5, để cứu vãn sự sụp đổ của chính quyền và quân đội Sài Gòn, Mĩ quyết định đưa Sư đoàn Lính thủy đánh bộ 3 vào đóng giữ cảng Đà Nẵng và thiết lập căn cứ ở Chu Lai. Lực lượng quân đội Sài Gòn làm nhiệm vụ đóng giữ và bảo vệ các căn cứ quân sự và chi khu, quận lị tại khu vực bắc Quảng Ngãi có Trung đoàn Bộ binh 51 thuộc Sư đoàn 25, Tiểu đoàn Thủy quân lục chiến 3, các tiểu đoàn biệt động quân 37, 39, một chi đoàn thiết giáp, 6 khẩu đội pháo 105 mm, 1 tiểu đoàn và 15 đại đội bảo an.

Chiến dịch Ba Gia (28/5 - 20/7/1965)

Về phía ta, sau khi đánh bại cuộc càn quét lớn của quân đội Sài Gòn tại khu vực An Lão ở phía tây bắc tỉnh Bình Định (xem Chiến dịch An Lão, 30.11-8.12.1964), Khu ủy và Bộ tư lệnh Quân khu 5 chủ trương tập trung lực lượng chủ lực mở đợt hoạt động Xuân - Hè 1965 trên ba hướng: nam Tây Nguyên, tây Gia Lai - bắc Kon Tum và bắc Quảng Ngãi, trong đó hướng trọng điểm là vùng đồng bằng bắc Quảng Ngãi và thị xã Quảng Ngãi. Đây là khu vực lực lượng địch tương đối đông, cứ điểm dày đặc, nhưng cũng là nơi địch chủ quan, sơ hở do không có hoạt động của bộ đội chủ lực ta kể từ mùa thu 1964; mặt khác, đây là địa bàn dân cư giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, lực lượng du kích tương đối mạnh, đồng thời là nơi tiếp giáp với căn cứ rừng núi, có nhiều thuận lợi cho ta khi giấu quân, cơ động lực lượng, giữ bí mật và nghi binh lừa địch.
Thực hiện chủ trương trên, tháng 5.1965 Bộ tư lệnh, Quân khu 5 quyết định chọn khu vực Ba Gia - Sơn Tịnh (vùng đất kẹp giữa hai con sông Trà Bồng và Trà Khúc) ở phía bắc tỉnh Quảng Ngãi làm địa bàn chủ yếu để mở chiến dịch, nhằm mục đích: tiêu diệt một bộ phận chủ lực quân đội Sài Gòn, hỗ trợ phong trào địa phương nổi dậy phá ách kìm kẹp của địch, giành quyền làm chủ, mở rộng vùng giải phóng Sơn Tịnh - Bình Sơn, giữ vững giao thông nối liền các căn cứ ở vùng rừng núi Tây Nguyên với đồng bằng ven biển Trung Trung Bộ.
Lực lượng tham gia: Trung đoàn Bộ binh 1, Tiểu đoàn Bộ binh 45 (mới từ hậu phương vào), 2 đại đội sơn pháo 75 mm, 1 đại đội súng máy phòng không 12,7 mm và 1 đại đội trinh sát bộ đội chủ lực quân khu; 2 tiểu đoàn (83,48) bộ đội tỉnh và 2 đại đội bộ đội địa phương huyện cùng du kích các xã trên địa bàn. Chiến dịch do Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5 Chu Huy Mân làm Tư lệnh, cùng với Đảng ủy và Ban chỉ huy Trung đoàn Bộ binh 1 (Trung đoàn trưởng Lê Hữu Trữ, Chính ủy Nguyễn Đình Trọng) tổ chức và chỉ huy (không thành lập riêng Đảng ủy và Bộ chỉ huy Chiến dịch).
Theo kế hoạch, hướng chủ yếu củaa chiến dịch ở bắc sông Trà Khúc giao cho Trung đoàn 1 (gồm 3 tiểu đoàn bộ binh và 1 tiểu đoàn trợ chiến) được tăng cường Tiểu đoàn 45, 2 đại đội sơn pháo 75 mm và 1 đại đội súng máy phòng không 12,7 mm, thực hiện nhiệm vụ phá ấp chiến lược và tiêu diệt quân chủ lực địch tại khu vực trọng điểm từ phía tây đường sắt đến đường Ba Gia đi Sơn Hà; hướng thứ yếu ở nam sông Trà Khúc, do Tiểu đoàn 83 cùng 1 đại đội đặc công tỉnh, 2 đại đội bộ đội địa phương huyện và du kích đảm nhiệm, trong đó lấy khu vực phía tây các huyện Nghĩa Hành và Tư Nghĩa làm trọng điểm diệt lực lượng địa phương của địch, mở mảng giành dân; hướng phối hợp ở khu vực phía đông đường sắt và quốc lộ 1 kéo dài đến ven biển là khu mở mảng giành dân, mở rộng và củng cố vùng giải phóng, do Tiểu đoàn 48 và dân quân du kích địa phương đảm nhiệm.
Phương châm chỉ đạo tác chiến chiến dịch được xác định là lấy đánh vận động và đánh địch ngoài công sự làm chính, thực hiện đánh tiêu diệt từng tiểu đoàn địch; đánh chắc thắng, kết hợp đánh nhỏ, đánh vừa và đánh lớn, đánh dài ngày; dùng cách tập kích địch ở ngoài căn cứ để khơi ngòi, tạo thế, tạo thời cơ để đánh viện; thực hiện đánh viện nhỏ để câu viện lớn, buộc địch phải phản ứng dây chuyền; tập trung đánh viện binh đường bộ là chủ yếu, đồng thời sẵn sàng đánh địch cứu viện bằng đường không. Chiến dịch diễn ra 3 đợt.
Đợt 1 (28.5-7.6), ngày 28.5 chiến dịch mở màn trên hướng chủ yếu bằng trận tiến công vị trí Duyên Phước nhằm kéo lực lượng của Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 51) đóng ở đồn Ba Gia (Gò Cao) đến ứng cứu để tiêu diệt ngoài công sự, nhưng kế hoạch không thực hiện được do địch ở đồn Ba Gia đã đưa 1 đại đội cơ động ra đóng dã ngoại ở Núi Tròn. Trước tình huống trên, tư lệnh chiến dịch quyết định điều chỉnh kế hoạch: sử dụng 1 trung đội bộ đội địa phương huyện Sơn Tịnh tập kích vào 2 trung đội dân vệ đóng ở làng Phước Lộc để tiếp tục kéo quân chủ lực địch tới cứu viện, tạo điều kiện cho Trung đoàn 1 tiêu diệt.
Đúng như ý định của ta, rạng sáng 29.5 khi lực lượng dân vệ ở làng Phước Lộc bị tập kích, đại đội địch đóng dã ngoại ở Núi Tròn được lệnh quay về ứng cứu. Trung đoàn 1 sử dụng Đại đội 20 (Tiểu đoàn 90) nổ súng diệt trung đội đi đầu, sau đó cho một số rút lui để nghi binh thu hút viện binh địch. Quân địch huy động toàn bộ lực lượng còn lại của Tiểu đoàn 1 ở đồn Ba Gia (có cố vấn Mĩ chỉ huy) đến phối hợp truy đuổi. Trong thời gian từ 9 giờ 50 phút đến 10 giờ 45 phút ngày 29.5, khi toàn bộ đội hình địch đang triển khai về hướng Núi Khỉ, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1 trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 90 bí mật vận động áp sát, hình thành thế bao vây chia cắt, bất ngờ đánh tạt sườn, diệt và bắt phần lớn tiểu đoàn địch (217 quân, trong đó có Đại úy tiểu đoàn trưởng cùng 39 sĩ quan và hạ sĩ quan). Cùng thời gian, Trung đoàn 1 còn bố trí một bộ phận uy hiếp đồn Ba Gia và sử dụng hỏa lực khống chế pháo binh địch, không để địch có điều kiện chi viện cho Tiểu đoàn 1 đang bị tiêu diệt.
Trước đòn đánh bất ngờ và bị thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn, chiều 29.5 tướng Nguyễn Chánh Thi (Tư lệnh Quân đoàn 1 và Vùng 1 chiến thuật quân đội Sài Gòn) gấp rút điều thêm lực lượng về thị xã Quảng Ngãi thành lập Chiến đoàn 51, gồm Tiểu đoàn Bộ binh 2 (Trung đoàn 51), Tiểu đoàn Biệt động 39, Tiểu đoàn Thủy quân lục chiến 3 và 1 chi đoàn thiết giáp M113, thực hiện ý định đánh chiếm lại Ba Gia và giải tỏa đoạn đường Sơn Tịnh đi Ba Gia.
Sáng 30.5, quân địch được máy bay, pháo binh yểm trợ triển khai đội hình tiến quân. Sau khi đến Lâm Lộc, địch tổ chức lực lượng thành 2 hướng; hướng chủ yếu gồm Tiểu đoàn Bộ binh 2 và Tiểu đoàn Thủy quân lục chiến 3 theo đường 5 đánh lên Phước Lộc, điểm cao Mã Tổ, Núi Khỉ rồi phát triển lên Ba Gia; hướng vu hồi gồm Tiểu đoàn Biệt động 39 rẽ về hướng bắc, qua cánh đồng Vĩnh Khánh đánh chiếm điểm cao Chóp Nón, hình thành mũi tiến công vào phía sau trận địa ta.
Phát hiện ý định của địch, tư lệnh chiến dịch lệnh cho Tiểu đoàn 45 đang làm lực lượng dự bị ở phía sau làng Vĩnh Khánh xuất kích tiêu diệt cánh quân vu hồi của địch, đồng thời sử dụng 2 tiểu đoàn (40, 60) của Trung đoàn 1 chặn đánh hướng quân chủ yếu. Trận đánh bắt đầu từ 14 giờ ngày 30.5, bằng cách chia cắt quân địch ra từng tiểu đoàn để tiêu diệt, nhanh chóng cơ động hình thành thế bao vây chia cắt, không cho địch chi viện lẫn nhau, đến 17 giờ cùng ngày các tiểu đoàn 40 và 60 của Trung đoàn 1 đã tiêu diệt phần lớn Tiểu đoàn Thủy quân lục chiến 3 và đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn Bộ binh 2 ở hướng chủ yếu, buộc tàn quân địch phải rút chạy về cố thủ ở khu vực Mã Tổ, điểm cao 47 và làng Phước Lộc; riêng Tiểu đoàn Biệt động 39 ở hướng vu hồi sau khi bị Tiểu đoàn 45 chặn đánh và tiêu hao một bộ phận, đã co cụm và tổ chức phòng ngự trên núi Chóp Nón. Không để địch chạy thoát, đêm 30 rạng sáng 31.5, các đơn vị của ta bất ngờ đồng loạt tập kích diệt gọn cả 3 cụm quân còn lại của Chiến đoàn 51, hoàn thành thắng lợi trận then chốt chiến dịch. Trên hướng thứ yếu, đêm 30 và sáng 31.5, các tiểu đoàn 83 và 80 phối hợp tập kích, chặn đánh và kìm chân Tiểu đoàn biệt động 37 của địch càn quét khu vực Hành Đức, tạo điều kiện cho hướng chủ yếu hoàn thành nhiệm vụ. Phối hợp với đòn tiến công quân sự, Tỉnh ủy Quảng Ngãi phát động đợt tiến công chính trị trên toàn tỉnh, ngày 3.6 huy động nhân dân tiến vào các thị trấn Châu Ố, Sơn Tịnh, Chợ Chùa, Sông Vệ, Thạch Trụ, Đức Phổ và thị xã Quảng Ngãi để tiến hành công tác địch vận và vận động thân nhân các gia đình có binh sĩ tử trận đấu tranh đòi bồi thường tính mạng, tài sản..., khiến cho tinh thần binh lính địch càng thêm hoang mang, dao động.
Đợt 2 (10-25.6), mặc dù giành thắng lợi lớn trong đợt 1, nhưng do tương quan lực lượng chưa cho phép ta thực hiện mục tiêu giải phóng thị xã Quảng Ngãi, nên Bộ tư lệnh Quân khu 5 chủ trương phân tán các tiểu đoàn chủ lực phối hợp với bộ đội và du kích địa phương tiến hành các trận đánh nhỏ để tiêu hao địch, hỗ trợ nhân dân nổi dậy giành quyền làm chủ, phát triển chiến tranh du kích, xây dựng thế trận chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo.
Thực hiện chủ trương trên, Tiểu đoàn 40 về hoạt động ở khu vực Lâm Lộc, Hà Tây, Hà Nhai, thị xã Quảng Ngãi và quận lị Sơn Tịnh; Tiểu đoàn 60 hoạt động ở Bình Kì và khu vực phía đông Bình Sơn; Tiểu đoàn 90 hoạt động ở Châu Sa, Châu Thành; Tiểu đoàn 45 hoạt động ở An Điền, Tân Phước, Phước Thuận; Tiểu đoàn 83 hoạt động ở vùng ven các quận lị Tư Nghĩa và Nghĩa Hành. Với sự phối hợp hoạt động tích cực, hiệu quả của bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương, phong trào đấu tranh của nhân dân tại các địa phương được đẩy mạnh, góp phần phá vỡ hơn 100 ấp chiến lược của địch trên địa bàn, buộc quân Mĩ ở Chu Lai phải gấp rút triển khai lực lượng chiếm giữ khu vực Dốc Sỏi và Châu Ồ để tạo vành đai bảo vệ căn cứ.
Đợt 3 (4-20.7), trên kết quả đã đạt được, tư lệnh chiến dịch quyết định sử dụng 2 tiểu đoàn 40 và 45 tiến công tiêu diệt đồn Ba Gia nhằm xóa bỏ căn cứ chủ lực của địch, đồng thời đánh bồi một đòn quan trọng vào tinh thần sa sút của lực lượng bảo an dân vệ. Tại thời điểm này, lực lượng địch đóng giữ đồn Ba Gia là Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 51) tuy mới được bổ sung và củng cố sau khi bị tiêu diệt gần hết ở đợt 1, nhưng tinh thần vẫn rất hoang mang, mặc dù đóng trong căn cứ có công sự vững chắc.
Trận đánh bắt đầu lúc 1 giờ 45 phút ngày 5.7, bằng cách đánh bất ngờ và lực lượng áp đảo, sau 35 phút chiến đấu ta hoàn toàn làm chủ trận địa, diệt gọn tiểu đoàn địch (diệt và làm bị thương 280, bắt 130 quân), thu toàn bộ vũ khí, trang bị, trong đó có 2 pháo 105 mm, bắn rơi 4 máy bay trực thăng. Phát huy thắng lợi, từ ngày 6 đến 19.7, các đơn vị tiếp tục tổ chức những trận đánh nhỏ để mở mảng, mở vùng, hỗ trợ nhân dân đấu tranh giữ vững và mở rộng vùng giải phóng; ngày 20.7 ta chủ động kết thúc chiến dịch.
Kết quả, sau gần 2 tháng tiến hành chiến dịch, ta đã diệt gọn 4 tiểu đoàn và đánh thiệt hại 2 tiểu đoàn, loại khỏi vòng chiến đấu 2.200 địch, phá hủy 15 xe quân sự, bắn rơi 18 máy bay, thu gần 1 nghìn súng các loại, góp phần quan trọng hỗ trợ phong trào đấu tranh của quần chúng ở 29 xã thuộc 6 huyện của tỉnh Quảng Ngãi, trong đó giải phóng phần lớn vùng nông thôn đồng bằng của tỉnh, với 27 xã và hơn 167 nghìn dân.
Cùng với thắng lợi của các chiến dịch Bình Giã, Đồng Xoài trên chiến trường miền Đông Nam Bộ, Chiến dịch Ba Gia giành thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu bước phát triển mới của phong trào cách mạng miền Nam nói chung và Quân khu 5 nói riêng, góp phần đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mĩ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam. Lần đầu tiên trên chiến trường Khu 5, ta mở chiến dịch tiến công quy mô nhỏ mà đạt kết quả lớn (diệt 1 chiến đoàn, trong đó có 1 tiểu đoàn thuộc lực lượng tổng dự bị chiến lược quân đội Sài Gòn), thể hiện sự trưởng thành vượt bậc của bộ đội chủ lực Quân khu 5 về tài nghệ đánh tiêu diệt, khả năng thực hành và vận dụng hiệu quả nghệ thuật chiến dịch Việt Nam trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mĩ, để lại nhiều bài học kinh nghiệm thành công về nghệ thuật chọn địa bàn và khu vực tác chiến, đối tượng và mục tiêu tiến công, về cách đánh vận động và nghệ thuật tạo thế, khơi ngòi, cũng như nghệ thuật tổ chức chỉ huy và điều hành chiến dịch...

Quân đội Sài Gòn bị thiệt hại trong chiến dịch Ba Gia

Đây cũng là sự kiện đánh dấu sự hình thành nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ, với đầy đủ ba bộ phận chiến lược quân sự, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật. Tuy nhiên, bên cạnh những thắng lợi to lớn cả về quân sự và chính trị, Chiến dịch Ba Gia cũng phản ánh trình độ tổ chức chỉ huy cũng như lí luận về nghệ thuật chỉ đạo chiến dịch của ta trên chiến trường lúc đó còn chưa phát triển trong điều kiện cơ sở vật chất bảo đảm cho chiến dịch còn nhiều thiếu thốn, tất yếu dẫn đến những thiếu sót như chưa phát huy được cao độ phương thức đấu tranh “hai chân, ba mũi, ba vùng” trong chiến dịch có nhiều lực lượng tham gia, kết quả tiêu diệt sinh lực địch còn hạn chế.

Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)