Chiến dịch Cao - Bắc - Lạng (Chiến dịch đường 4, 15/3 - 30/4/1949)
Nhân vật liên quan
Sau thất bại ở Việt Bắc trong Thu - Đông 1947, Pháp phải rút khỏi phần lớn khu Việt Bắc, nhưng vẫn chiếm đóng tuyến Bắc Kạn - Cao Bằng - Lạng Sơn để phong tỏa biên giới, bao vây căn cứ địa Việt Bắc. Quân Pháp tăng cường lực lượng tổ chức khu biên thùy (Cao - Lạng và Đông Bắc), gồm hai phân khu: Phân khu Bắc và Phân khu Đông Bắc. Phân khu Bắc có các tiểu khu: Nguyên Bình, Bắc Kạn, Cao Bằng, An Lai, Đông Khê, Thất Khê; Phân khu Đông Bắc có các tiểu khu Lạng Sơn, Lộc Bình, Tiên Yên - Móng Cái, An Châu. Địch đóng hơn 80 vị trí dọc đường 4 và xây dựng các cứ điểm vừng chắc ở những vị trí quan trọng.
Về phía ta, trong kế hoạch quân sự xuân - hè 1949 của Bộ Tống tư lệnh, Mặt trận Cao - Bắc - Lạng và Đông Bắc được xác định là hướng hoạt động chính. Ngày 11.1.1949, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kí mệnh lệnh số 261-ML/VP mở chiến dịch Cao - Bắc - Lạng và chiến dịch phối hợp Đông Bắc với nhiệm vụ: giải phóng một vùng rộng lớn trên chiến trường bắc Đông Bắc, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, buộc chúng rút khỏi khu căn cứ của ta, mở đường giao thông với Hoa Nam (Trung Quốc), giành thắng lợi cơ bản tạo đà cho tong phản công. Chấp hành mệnh lệnh tác chiến của Bộ Tống tư lệnh, Liên khu 1 mở chiến dịch Cao- Bắc- Lạng nhằm làm tê liệt đường 4, triệt tiếp tế của quân Pháp trên toàn bộ khu vực bắc Đông Bắc, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, làm tan rã khối ngụy binh, buộc địch phải rút khỏi Bắc Kạn; đồng thời mở chiến dịch phối hợp Đông Bắc với nhiệm vụ kiềm chế và đánh quân tiếp viện, phá giao thông, nghi binh đánh lạc hướng phán đoán của địch; mở rộng cơ sớ ớ vùng duyên hải.
Lực lượng tham gia chiến dịch có các trưng đoàn bộ binh 28, 74, 72, Tiếu đoàn địa phương 517 của Liên khu 1, các tiểu đoàn bộ binh 29, 35, 23, 18, Tiểu đoàn Pháo binh 410,2 đại đội trợ chiến, 1 đại đội công binh của Bộ Tống tư lệnh cùng dân quân du kích địa phương. Chi huy chiến dịch: Tư lệnh Đào Văn Trường, Chính ủy Hà Kế Tấn. Để tiến hành công tác chuẩn bị và chi huy chung cả hai chiến dịch, Bộ Tổng tư lệnh thành lập Ban chỉ huy Mặt trận 7 do Lê Quảng Ba, phái viên của Bộ Tổng tư lệnh làm Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy. Do địa bàn chiến dịch là chiến trường rừng núi và có phạm vi rộng, Mặt trận 7 được chia làm nhiều mặt trận nhỏ đảm nhiệm các địa bàn khác nhau: Mặt trận 1 ở Cao Bằng, Mặt trận 1 bis ở Bắc Kạn, Mặt trận 4 ở khu vực đường 4, Mặt trận 2 ở Đông Bắc. Để đánh lạc hướng địch, tạo thế bất ngờ cho hướng chính Cao - Bắc - Lạng, trên hướng phối hợp Đông Bắc, Mặt trận 2 phục kích nổ súng diệt 1 đoàn xe địch tại Điền Xá (4.3.1949), đánh chiếm vị trí Ba Sơn (6.3), uy hiếp thị xã Lạng Sơn từ hướng đông bắc, tổ chức nghi binh phía Đông Triều, Phả Lại, Lục Nam... Chiến dịch diễn ra 2 đợt.
Đợt 1 (15.3-14.4.1949), 16 giờ ngày 15.3, ta chặn đánh một đoàn xe 96 chiếc của địch từ Cao Bằng xuống, ở khu vực cách Đông Khê 12 km. Đêm 15 rạng sáng 16.3, ở cả hướng chủ yếu Thất Khê và hướng thứ yếu Na Sầm ta đồng loạt nổ súng, bắn pháo vào thị trấn Thất Khê, Na Sầm, công kích vị trí Bông Lau, kiềm chế địch, tạo điều kiện cho mũi chủ yếu tiến công tiêu diệt đồn Bản Trại, một vị trí phòng thủ kiên cố của địch trên đường 4, cách Thất Khê 3 km về phía bắc. Đồn được xây dựng trên một quả đồi, có nhiều lô cốt và ụ súng, xung quanh có 3 lớp rào và bãi mìn. Cách đồn 300 m là cầu Bản Trại bắc qua sông Kì Cùng, hai đầu cầu có hai lô cốt bào vệ. Lực lượng chiếm giữ đồn là Đại đội 8 (Trung đoàn Bộ binh 3 Lê dương; 3e REI) của Pháp.
Lực lượng đánh đồn Bản Trại là Tiểu đoàn 29 (tiểu đoàn độc lập của Bộ) được tăng cường trung đội địa phương Tràng Định, 2 trung đội công binh, 2 khẩu đội sơn pháo 75 mm và 1 tiểu đội phóng bom, do Tiểu đoàn trưởng Thái Dũng chỉ huy. Rút kinh nghiệm từ các trận công kiên trước, các chiến sĩ lấy khăn tẩm dầu đốt, soi rõ vị trí cho pháo binh và hỏa lực ngắm bắn tiêu diệt các lô cốt, ụ súng, chi viện địch trong cứ điểm. Phía cầu Bản Trại, ta diệt 2 lô cốt đầu cầu rồi dùng mìn đánh sập cầu; sau hơn 30 phút chiến đấu, ta hoàn toàn làm chủ cứ điểm, diệt và bất 100 địch. Các cầu Na Miên và Đồng Mộc (cách Thất Khê 4 km) cũng bị phá sập trong đêm, đường 4 bị cắt đứt một đoạn dài phía bắc Thất Khê. Cũng trong đêm 15.3, Tiểu đoàn 18 tiến công đồn Đèo Khách (giữa Thất Khê và Na sầm). Sau khi dùng pháo bắn sập nhiều lô cốt, tháp canh, tiểu đoàn tổ chức xung phong nhiều đợt, chiếm được một số vị trí; địch tiếp tục chống cự, chờ viện binh tới. Đến sáng, nghe tin đồn Bản Trại bị diệt, địch trong đồn sợ hãi ra hàng, ta làm chủ đồn, thu toàn bộ vũ khí. Trong hai trận Bản Trại và Đèo Khách, ta thu trên 100 súng các loại (5 đại liên, 8 trung liên), nhiều lương thực, thực phẩm, phá hủy 5 kho và 2 xe vận tải.
Phán đoán quân Pháp sẽ phản kích chiếm lại các vị trí đã mất, ngày 16.3, ta phục kích đánh thiệt hại nặng cánh quân tiếp viện cho Bản Trại; ngày 17.3, bộ đội cùng du kích Thoát Lãng chặn đánh một đoàn xe từ Đồng Đăng lên Na Sầm, phá 8 xe, diệt 16 địch. Ngày 18.3, Pháp chiếm lại được Bản Trại; đến ngày 31.3, sửa xong cầu Bản Trại. Trong các ngày 20-21.3, các đơn vị chủ lực chuyến sang đánh đồn Bản Ne, Nà Lèng, uy hiếp mạnh các vị trí Pò Mã, Pò Piao (đông bắc Thất Khê). Từ ngày 30.3 đến 3.4, bộ đội Lạng Sơn liên tiếp đánh quấy rối thị xã Lạng Sơn, sân bay Mai Pha; du kích đột nhập thị xã, dùng lựu đạn, địa lôi phá một xe tuần tiễu, treo cờ và rải truyền đơn. Ngày 10.4, Tiểu đoàn 73 (Trung đoàn 74), phối hợp Đại đội 670 huyện Thạch An phục kích ở Nà Đanh diệt một đoàn xe vận chuyến trên đường Đông Khê - Phục Hòa, thu nhiều vũ khí. Ngày 14.4, bộ đội Cao Bằng tập kích quân Pháp ở thị xã Cao Bằng. Trước sức ép của ta, quân Pháp buộc phải rút khỏi hai vị trí quan trọng là Bình Nhi và Nà Mân giáp biên giới Việt - Trung. Ở mặt trận phối họp (Đông Bắc), ngày 27.3 ta tập kích Móng Cái, làm chủ thị trấn gần 1 ngày đêm, diệt và bắt 200 địch.
Trong đợt 1 chiến dịch, phối hợp với hoạt động của bộ đội chủ lực, phong trào chiến tranh du kích phát triển mạnh ở các địa phương. Đêm 15.3, khi bộ đội nổ súng tiến công các vị trí Bản Trại, Đèo Khách, nhân dân và dân quân du kích Lạng Sơn đã phá đường, cắt dây điện thoại của địch; quyên góp lương thực, thực phẩm và tham gia vận chuyển, tiếp tế cho bộ đội. Các huyện Bắc Sơn, Bình Ca, Điềm He, Bằng Mạc đóng góp, vận chuyển 270 t gạo và hàng chục tấn lương thực, thực phẩm. Dân quân du kích từ Na Sầm đến Thất Khê đã phá hoại trên 15 km đường, cắt 3 nghìn mét dây điện thoại, liên tiếp phục kích, đánh mìn, bắn tỉa, phá hoại giao thông vận chuyển của Pháp trên đường 4. Ngày 14.4, đợt 1 kết thúc thắng lợi, nhưng do chưa tập trung lực lượng đầy đủ, chuẩn bị chiến trường còn sơ sài, tập trung vào đánh điểm nên ta đã bỏ lỡ nhiều cơ hội đánh địch vận động trên đường 4, chưa thực hiện được đầy đủ nhiệm vụ đề ra.
Đợt 2 (25-30.4), mở đầu bằng trận phục kích Bông Lau - Lũng Phầy trên đường 4 của Tiểu đoàn 23 (tiểu đoàn độc lập trực thuộc Bộ Tổng tư lệnh) và 3 tiểu đoàn của Liên khu 1 cùng một phân đội pháo binh. Nắm vững quy luật vận chuyển của địch, cứ 5 ngày lại có 1 đoàn xe hơn 100 chiếc từ Lạng Sơn lên Cao Bằng, ta bố trí trận địa phục kích trên đoạn đường dài 6 km giữa đồn Bông Lau và đồn Lũng Phầy. 6 giờ ngày 25.4, đoàn xe địch gồm 114 chiếc có máy bay yểm trợ, đi vào khu vực trận địa. Khi những xe đi đầu bị xịt lốp do đâm phải đinh ba chạc ta rải trên đường phải dừng lại gây ùn tắc, ta dùng pháo binh bắn vào đội hình địch, tạo điều kiện cho bộ binh vận động, chia cắt, lần lượt tiêu diệt từng bộ phận địch. Kết quả ta diệt và bắt trên 500 địch, phá hủy 53 xe quân sự, 500 thùng xăng, bắn bị thương 2 máy bay, thu hàng trăm súng (xem Trận Bông Lau - Lũng Phầy, 25.4.1949). Tiếp đó, ngày 27.4, ta tiến công diệt đồn Bán Pát trên đường Cao Bằng đi Trà Lĩnh; bộ đội địa phương, dân quân du kích các huyện Thoát Lãng, Tràng Định, Văn Uyên, Cao Lộc... phục kích, đánh địa lôi, quấy rối, gây cho địch nhiều thiệt hại. Ngày 30.4, địch phải rút khỏi các vị trí Pò Mã, đồn Pò Piao. Ta chủ động kết thúc chiến dịch.
Kết quả, ta loại khỏi vòng chiến đấu gần 1.400 địch; tiêu diệt 3 cứ điểm (Bàn Trại, Đèo Khách, Bản Pát), bức rút 6 đồn (Lũng Phầy, Bình Nhi, Pò Mã, Pò Piao, Phiềng Mân, Nà Mân), đánh thiệt hại nhiều vị trí (Dốc Na, Bông Lau, Nà Lèng, Na sầm, Thất Khê, Bản Ne, Lũng Vài, Chấp Chiu, Chè Cáy); phá hủy trên 80 xe quân sự, 5 kho đạn dược và quàn trang, quân dụng, 500 thùng xăng, 12 cầu; cắt trên 43 nghìn mét dây điện thoại, đào 1.324 hố ở 24 đoạn đường đê phá giao thông địch; thu nhiều lương thực, quân trang, quân dụng và trên 1 nghìn súng các loại (4 trọng liên 12,7 mm, 15 đại liên, 18 trung liên, 11 cối). Mặc dù ta chưa làm tê liệt hoàn toàn đường 4, song các trận phục kích lớn của ta đã làm đường 4 trở thành con đường máu đối với địch. Quân Pháp phải luôn thay đổi quy luật vận chuyển, tăng cường tuần tra, lùng sục, tổ chức lực lượng chốt giữ dọc đường và sử dụng Trung đoàn Bộ binh thuộc địa Marôc (R.ICM) chuyên lo ứng cứu trên con đường này.
Chiến dịch Cao- Bắc - Lạng đánh dấu bước tiến rõ rệt của lực lượng vũ trang ta về đánh cứ điểm có công sự vững chắc và phục kích, vận động phục kích, đánh giao thông, về nghệ thuật chiến dịch, đã có những bước tiến về tổ chức nghi binh đánh lạc hướng địch, chọn đúng khu vực tiến công chủ yếu (Thất Khê - Na Sầm)... Tuy nhiên, chiến dịch còn chưa thực hiện đầy đủ nhiệm vụ cắt đường 4, chưa chọn cách đánh phù hợp với điều kiện của ta lúc đó là “phục kích có lợi hơn tập kích”, còn ham đánh điểm mà chưa chú trọng phá cầu, đường, đánh giao thông..., đánh điểm chưa gắn liền với diệt viện; Mặt trận Bắc Kạn (1 bis) và Mặt trận bắc Cao Bằng hoạt động chưa mạnh và chưa phối hợp chặt chẽ với mặt trận chính nên kết quả chung còn hạn chế.
Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)