Chiến dịch Đắk Tô II (5/5-26/6/1969)

    Nhân vật liên quan

    • Ủy viên Trung ương Đảng: Khóa IV (dự khuyết), V; Viện trưởng Viện Chiến lược Quân sự (1990-1995)Hoàng Minh Thảo

Sau thắng lợi Xuân 1969, trên chiến trường Tây Nguyên ta đã phát huy được thế chủ động tiến công trên cả ba vùng chiến lược, giữ vững các địa bàn quan trọng và vùng trung gian. Lực lượng chủ lực Tây Nguyên đã được củng cố bổ sung. Về địch, sau thất bại ở Kleng, quân Mĩ lui về giữ thị xã Pleiku, đẩy các đơn vị quân đội Sài Gòn ra phía trước. Căn cứ vào tình hình chiến trường Tây Nguyên, thực hiện kế hoạch tiến công Hè 1969, Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết định mở Chiến dịch  Đắk Tô II. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm 4 trung đoàn bộ binh (66, 24, 28, 95), 8 tiểu đoàn bộ đội địa phương (304, 631, 67, 394, 301, 303, 407, 408) thuộc ba tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk, Gia Lai, 5 tiểu đoàn đặc công (20, 37, 401, 406, 408), Trung đoàn Pháo binh 40, 2 tiểu đoàn công binh (25 A, 25 B) cùng lực lượng vũ trang các huyện, xã vùng ven. Chiến dịch do Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên trực tiếp chỉ huy: Tư lệnh Hoàng Minh Thảo, Chính ủy Trần Thế Môn, Phó Tư lệnh Phạm Hồng Sơn, Cao Văn Khánh, Tham mưu trưởng Nguyễn Hữu An.

Địa bàn chiến dịch là khu vực tây Tân Cảnh thuộc huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum. Đây là khu vực rừng núi gần ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia, cách thị xã Kon Tum khoảng 40 km về phía bắc. Trong vùng có nhiều dãy núi cao từ 700 đến 1.300 m nối tiếp nhau như các dãy Ngọc Bơ Biêng (tây nam Đắk Tô 7 km), Ngọc Tang (bắc Ngọc Bơ Biêng), Ngọc Rinh Rua, Ngọc Dơ Lang, Ngọc Com Liệt... Xen kẽ giữa các dãy núi cao là hai con suối lớn Đắk Klong, Đắk Can và đường 18 chạy từ biên giới qua Plei Kần về Tân Cảnh, quận lị Đắk Tô. Lực lượng địch trên địa bàn có 6 tiểu đoàn bộ binh, 2 tiểu đoàn biệt kích, 1 liên đoàn biệt động quân, 3 chi đoàn thiết giáp.

Căn cứ vào tình hình địch và địa hình khu vực, Bộ chỉ huy Chiến dịch chủ trương tập trung lực lượng trên hướng Đắk Tô - Tân Cảnh, trong đó hướng chủ yếu là tây Tân Cảnh, hướng thứ yếu là đông Tân Cảnh, hướng phối hợp là đường 19 - An Khê và đường 14 Pleiku - Kon Tum. Cụ thể: trên hướng chủ yếu, 2 trung đoàn bộ binh (66, 28), Trung đoàn Pháo binh 40, 2 tiểu đoàn công binh (25A, 25B), bao vây Plei Kần, bắn phá sân bay Đắk Tô, Sở chỉ huy Trung đoàn 42 địch... để khêu ngòi, sau đó sẵn sàng đánh địch ở khu vực tác chiến chủ yếu là vùng tam giác Ngọc Dơ Lang - điểm cao 875 - điểm cao 824 và hai khu vực tác chiến phụ là đường 18 Pleiku và Ngọc Bơ Biêng. Trên hướng thứ yếu, Tiểu đoàn 5 (Trung đoàn 24), Tiểu đoàn Đặc công 20, Tiểu đoàn Bộ đội địa phương 304, Đại đội Công binh 7 và Đại đội 6 Kon Tum đánh vào sau lưng địch, đánh cắt giao thông... buộc địch phải phân tán đối phó. Trên các hướng phối hợp, Trung đoàn 95 và lực lượng vũ trang địa phương đánh phá giao thông, tiến công các thị trấn quận lị nhằm tiêu hao sinh lực, thu hút địch đến ứng cứu giải toả, tạo điều kiện cho hướng chủ yếu diệt địch. Theo kế hoạch, chiến dịch chia làm 3 đợt: đợt 1, tiến công địch ở Ngọc Bơ Biêng; đợt 2, tiêu diệt địch ở khu vực quyết chiến Ngọc Dơ Lang - điểm cao 702 - điểm cao 782; đợt 3, đánh phá căn cứ Đắk Tô và cài thế đánh địch giải toả. Những ngày cuối tháng 4.1969, Tây Nguyên đã bắt đầu vào mùa mưa nên việc vận chuyển vũ khí, lương thực, cơ động lực lượng gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, quân và dân Tây Nguyên đã vận chuyển được 324,6 tấn đạn, 1.997 tấn gạo, 180 tấn thực phẩm, đáp ứng các yêu cầu cơ bản của chiến dịch.

Phát hiện ta mở chiến dịch, từ ngày 3.5, địch mở cuộc hành quân “Dân quyền 35”, đưa 2 tiểu đoàn biệt kích ra điểm cao 731,Plei Phi Pháp, đổ Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 42) xuống bắc Plei Kần nhằm thăm dò, ngăn chặn sự chuẩn bị của ta; tiếp đó, tăng cường lực lượng lên Đắk Tô, đưa lực lượng ở đây lên tới 12 tiểu đoàn bộ binh, 3 chi đoàn thiết giáp, 2 tiểu đoàn pháo binh. Sư đoàn Bộ binh 4 Mĩ hành quân càn quét khu vực tây Pleiku, Trung đoàn 43 và 45 quân đội Sài Gòn tiến hành giải toả khu vực tây nam Buôn Ma Thuột. Mặc dù vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị chiến dịch song với tinh thần cảnh giác cao, các đơn vị của ta đã chủ động chuyển sang tiến công địch, đồng thời tiếp tục triển khai lực lượng trên các hướng. Chiến dịch diễn ra 3 đợt.

Đợt 1 (5-23.5), trên hướng chủ yếu, Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 66) mở màn chiến dịch bằng trận tập kích diệt 1 đại đội của Tiểu đoàn 4 (Trung đoàn 42) mới đổ xuống Ngọc Bơ Biêng. Tiếp đó, từ ngày 5 đến 9.5, Trung đoàn 28 liên tục đánh địch ở khu vực Plei Kần, diệt trên 100 quân địch, bắn rơi 8 máy bay trực thăng; Trung đoàn Pháo binh 40 dùng pháo 105 mm và ĐKB bắn phá các vị trí địch ở Plei Kần, điểm cao 824, căn cứ Đắk Tô, Tân Cảnh gây cho địch nhiều thiệt hại. Trước hoạt động mạnh của ta, ngày 10.5, Trung đoàn 42 phải chấm dứt cuộc hành quân “Dân quyền 35”. Trên hướng thứ yếu và các hướng phối hợp, bộ đội ta nhanh chóng triển khai chiến đấu. Ngày 8.5, Tiểu đoàn 4 (Trung đoàn 24) tập kích cụm tiểu đoàn hỗn hợp Mĩ ở điểm cao 600, tây nam Kon Tum 17 km, diệt 250 địch, 4 pháo, cối. Đêm 10.5, Tiểu đoàn 631 tập kích Sở chỉ huy Lữ đoàn 3 Mĩ ở Tân Lạc, diệt 300 địch, phá huỷ nhiều vũ khí. Cùng thời gian trên, Tiểu đoàn Đặc công 20 tập kích sân bay Đắk Tô; Tiểu đoàn Đặc công 406 tập kích sân bay Kon Tum, Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 24 tập kích đồn Diên Bình..., tạo áp lực căng kéo địch khắp nơi, hỗ trợ cho hướng chủ yếu của chiến dịch phát triển.

Bị uy hiếp cả tuyến trong lẫn vòng ngoài, ngày 12.5, địch vội huy động 8 tiểu đoàn bộ binh và Chiến đoàn thiết giáp 3, mở cuộc hành quân “Dân quyền 38” nhằm giải toả khu vực Đắk Tô. Trên hướng chủ yếu, từ 12 đến 18.5, quân địch lọt vào khu vực dự kiến của ta, nhưng các trung đoàn 28, 66 chỉ đánh được những trận nhỏ, hiệu quả diệt địch không cao. Kịp thời rút kinh nghiệm và tìm cách đánh mới, từ ngày 20.5 Trung đoàn 66, Tiểu đoàn 9 (Trung đoàn 66) liên tục vận động tập kích, đánh thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn biệt kích ở khu vực nam Plei Kần, loại khỏi vòng chiến đấu 327 địch; Tiểu đoàn 7 (Trung đoàn 66) bao vây và diệt 2 đại đội của Tiểu đoàn 22 biệt động quân ở điểm cao 835. Hướng Trung đoàn 28, 2 tiểu đoàn 2, 3 vây đánh Tiểu đoàn Biệt động 23, diệt 2 đại đội, buộc địch phải rút về Ngọc Dơ Lang. Trên các hướng phối hợp, từ ngày 17 đến 23.5, Tiểu đoàn Đặc công 20 và Tiểu đoàn 5 (Trung đoàn 24) tập kích Sở chỉ huy Trung đoàn 42 và sân bay Đắk Tô (lần 2); Trung đoàn 24 (thiếu) và Tiểu đoàn 631 đánh giao thông trên đường 19, đường 21, diệt 48 xe quân sự... Ngày 24.5, địch tập trung 5 tiểu đoàn chủ lực đối phó với ta ở khu tam giác Ngọc Dơ Lang, điểm cao 702 và tây nam điểm cao 782. Ta chủ trương tập trung 2 trung đoàn 28, 66 để tiêu diệt địch, đồng thời thiết lập Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch ở Ngọc Dơ Lang để trực tiếp chỉ huy các đơn vị.

Đợt 2 (25.5-1.6), Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 28) và Tiểu đoàn 7 (Trung đoàn 66) vây đánh địch ở các điểm cao 865, 785, 843, 782, buộc địch phải điều 2 tiểu đoàn 1, 2 của Trung đoàn 42 đến cứu viện. Từ ngày 29 đến 31.5, ta tập trung 5 tiểu đoàn (1, 2, 7, 8, 9) của 2 trung đoàn đánh trận then chốt trong khu vực tam giác Ngọc Dơ Lang - điểm cao 702 - điểm cao 782, tiêu diệt 2 tiểu đoàn biệt động quân 11,23, bắt 32 tù binh, thu nhiều vũ khí, bắn rơi 1 máy bay trực thăng. Tiếp đó, ngày 1.6, ta đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 42) mới ra tăng viện, buộc địch phái dùng máy bay trực thăng di chuyển toàn bộ quân còn lại trong khu vực về phía sau, chấm dứt cuộc hành quân "Dân quyền 38”. Trên các hướng phối hợp, đặc công và pháo binh ta tập kích sân bay, quận lị Đắk Tô, Plei Kần, Ngọc Rinh Rua, trung tâm thông tin Sư đoàn 4 Mĩ và Sở chỉ huy Sư đoàn 23 quân đội Sài Gòn, gây cho địch nhiều thiệt hại. Các trung đoàn 24, 95 đánh giao thông trên đường 14 Kon Tum - Pleiku và đường 19 - An Khê. Các lực lượng vũ trang địa phương Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk hoạt động có hiệu quả, loại khỏi vòng chiến đấu nhiều quân địch.

Đợt 3 (4-26.6), Trung đoàn 28 sử dụng Tiểu đoàn 2 cùng một bộ phận hoả lực vây hãm Plei Kần, lực lượng còn lại triển khai đánh địch ở nam đường 18. Trung đoàn 66 đứng chân ở Ngọc Rinh Rua, điểm cao 724, Trung đoàn Pháo binh 40 khống chế địch ở Đắk Tô, Tân Cảnh, Tiểu đoàn 5 (Trung đoàn 24) và Tiểu đoàn 304 Kon Tum đánh địch trên đường 14 đoạn Đắk Tô - Kon Hơ Rinh.

Trước sức ép của ta, ngày 5.6, Biệt khu 24, Trung đoàn 47 quân đội Sài Gòn huy động 5 tiểu đoàn bộ binh cùng một số đơn vị thiết giáp, pháo binh, mở cuộc hành quân “Dân quyền 40” tiến ra tây - tây nam Ngọc Rinh Rua, theo đường 18 lên giải toả Plei Kần. Các cánh quân của địch liên tiếp bị 2 trung đoàn 66, 28 chặn đánh ở khu vực Ngọc Rinh Rua và đường 18. Ngày 8.6, địch mở tiếp cuộc hành quân “Dân quyền 41” với lực lượng gồm 2 trung đoàn 42, 47, Liên đoàn Biệt động quân 2 và 2 chi đoàn thiết giáp nhằm đánh thông đường 18, giải toả Plei Kần. Trước âm mưu mới của địch, ngày 10.6, Bộ tư lệnh Chiến dịch quyết định đưa Trung đoàn 66 về hướng đường 18 - Đắk Mót cùng Trung đoàn 24 tiếp tục vây hãm Plei Kần và đánh địch giải toả. Hai trung đoàn của ta liên tục đánh bại các cuộc tiến công của địch, loại khỏi vòng chiến đấu gần 2 nghìn địch, đánh thiệt hại nặng 2 chi đoàn thiết giáp. Ngày 21.6, địch đổ 2 tiểu đoàn xuống Ngọc Rinh Rua rồi tiến lên hướng bắc, đánh vào sau lưng đội hình ta ở nam đường 18, hỗ trợ cho hướng chính từ Đắk Mót đánh về Plei Kần. Cánh quân chính từ Đắk Mót tiến theo đường 18 bị Trung đoàn 28 chặn đánh ở Đắk Rơ Leng diệt trên 200 địch và 31 xe (có 25 xe tăng), nhưng do 2 trung đoàn 28 và 66 hiệp đồng không chặt chẽ, xuất kích chậm nên một bộ phận lớn quân địch gồm 25 xe tăng và 10 xe chở quân vào được Plei Kần. Trước tình hình địch đã giải toả được Plei Kần, sức chiến đấu của bộ đội giảm sút do chiến đấu dài ngày và ta đã đạt được mục đích chiến dịch, ngày 26.6, Bộ tư lệnh Chiến dịch quyết định kết thúc chiến dịch. Kết quả toàn chiến dịch, ta loại khỏi vòng chiến đấu gần 13 nghìn quân (có trên 5 nghìn quân Mĩ), bắt 168 tù binh, phá huỷ 1.151 xe quân sự (có 506 xe tăng, thiết giáp), 74 pháo, cối, 6 rađa, bắn rơi và phá huỷ 472 máy bay.

Chiến dịch Đắk Tô II giành thắng lợi lớn, diệt nhiều sinh lực, phá huỷ nhiều phương tiện chiến tranh của địch, buộc quân đội Sài Gòn phải đưa toàn bộ lực lượng cơ động của Vùng 2 chiến thuật lên đối phó, quân Mĩ phải sử dụng 30 nghìn tấn bom đạn để chi viện nhưng vẫn không tránh khỏi thất bại. Thắng lợi của chiến dịch đã giáng đòn phủ đầu vào âm mưu “phi Mĩ hoá” chiến tranh, làm thất bại một bước chiến lược “quét và giữ” của Mĩ và quân đội Sài Gòn, buộc địch phải co vào thế phòng ngự bị động trên chiến trường Tây Nguyên. Nét nổi bật về nghệ thuật chiến dịch trong Chiến dịch Đắk Tô II là xác định đúng hướng và khu vực tác chiến chủ yếu, phối hợp chặt chẽ các hướng chiến dịch, từng bước đưa địch vào khu quyết chiến để tập trung lực lượng đánh trận then chốt giành thắng lợi quyết định. Về chiến thuật, chiến dịch đã vận dụng thành công chiến thuật vận động bao vây tiến công liên tục, bước đầu đánh bại chiến thuật đóng chốt điểm cao và thủ đoạn di tản, co cụm của quân đội Sài Gòn. Đây cũng là chiến dịch đạt hiệu suất chiến đấu cao, mở ra khả năng tổ chức và thực hành những chiến dịch lớn hơn, tiêu diệt từng trung đoàn, đánh thiệt hại sư đoàn địch trên chiến trường Tây Nguyên.

Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)