Chiến dịch Plei Me (19/10-26/11/1965)

Hè 1965, trước những thất bại nặng nề của Quân đội Sài Gòn ở Ba Gia, Đồng Xoài cũng như trên chiến trường toàn miền Nam, đánh dấu sự phá sản của chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, Mĩ quyết định chuyển sang thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ”, đưa quân Mĩ trực tiếp vào tham chiến ở miền Nam Việt Nam, nhằm cứu vãn sự sụp đổ của Chính quyền và quân đội Sài Gòn, tiếp tục đẩy mạnh các cuộc hành quân tìm diệt chủ lực quân giải  phóng, triển khai kế hoạch bình định, chống phá chiến tranh du kích, tiến tới ổn định tình hình có lợi cho Mĩ. Trên chiến trường Tây Nguyên, đồng thời với việc Chính quyền Sài Gòn thành lập Biệt khu 24 (gồm hai tỉnh Kon Tum, Gia Lai) và chuyển giao nhiệm vụ tác chiến chủ yếu ở Tây Nguyên cho quân Mĩ, tháng 9/1965 Bộ chỉ huy quân Mĩ quyết định điều Sư đoàn Kị binh bay 1 và 1 lữ đoàn dù (Sư đoàn 101) lên chiếm đóng An Khê, thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn hoạt động của chủ lực quân giải phóng, chia cắt Tây Nguyên với vùng đồng bằng ven biển miền Trung, cắt đứt sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho cách mạng miền Nam qua hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh và từ Lào sang.

Chiến dịch Plei Me

Đối phó với âm mưu của địch, bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết định thay đổi chủ trương giải phóng bắc Tây Nguyên để tập trung lực lượng mở Chiến dịch Plei me, chủ động thử sức với quân chiến đấu Mĩ. Địa bàn tác chiến chủ yếu của chiến dịch được xác định là khu vực từ Bàu Cạn - Plei Me đến Đức Cơ - Ia Đrăng (tây nam thị xã Pleiku 30 km) thuộc tỉnh Gia Lai, diện tích 1.600 km2; hướng phối hợp là Kon Tum. Lực lượng tham gia chiến dịch có 3 trung đoàn bộ binh (320,33, 66, trong đó các trung đoàn 33 và 66 mới được Bộ Tổng tư lệnh tăng cường cho Mặt trận Tây Nguyên), Tiểu đoàn Đặc công 952, Tiểu đoàn Pháo binh 200, Tiểu đoàn Súng máy phòng không 32; lực lượng vũ trang địa phương tỉnh Gia Lai cùng tham gia phối hợp gồm 1 tiểu đoàn bộ binh, 1 đại đội đặc công, 1 đại đội súng cối và lực lượng du kích Huyện 5... Tại thời điểm này, lực lượng quân Mĩ trên địa bàn chiến dịch có Lữ đoàn Kị binh bay 3; quân đội Sài Gòn có 1 chiến đoàn (gồm Trung đoàn 42 và 2 tiểu đoàn biệt động quân 21, 22), 2 tiểu đoàn thuộc lực lượng đặc biệt do cố vấn Mĩ chỉ huy (đóng đồn ở Plei Me và Đức Cơ), Chiến đoàn Thiết giáp 3 thuộc Biệt khu 24 sẵn sàng ứng cứu cho lực lượng ở Plei Me. Ngoài ra, địch còn có thể điều từ 2 đến 3 lữ đoàn dù và thủy quân lục chiến thuộc lực lượng tổng dự bị chiến lược của quân đội Sài Gòn tăng viện khi ta mở chiến dịch. Chỉ huy chiến dịch: Tư lệnh kiêm Chính ủy, Thiếu tướng Chu Huy Mân; Phó Tư lệnh, Đại tá Nguyễn Chánh và Thượng tá Nguyễn Hữu An; Phó Chính ủy, Đại tá Huỳnh Đắc Hương; Tham mưu trưởng, Thượng tá Nam Hà và Phó Chủ nhiệm chính trị, Thượng tá Đặng Vũ Hiệp. Kế hoạch, nhiệm vụ chiến dịch: đầu tháng 10.1965, sau thời gian nghiên cứu hoạt động của địch và tình hình chiến trường, bộ tư lệnh Chiến dịch xác định tư tưởng chỉ đạo và cách đánh chiến dịch là “vây điểm để diệt viện, lấy tiêu diệt địch ngoài công sự là chính”. Trên cơ sở đó, Bộ tư lệnh Chiến dịch giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị như sau: Trung đoàn 33 (thiếu Tiểu đoàn 2) được tăng cường 1 đại đội súng máy phòng không 12,7 mm làm nhiệm vụ bao vây đồn Plei Me; Trung đoàn 320 phục kích đánh viện trên đường 21; Trung đoàn 66 và Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 33) bố trí đánh địch phản kích ở khu vực Chư Pông; Tiểu đoàn Pháo binh 200 đánh nghi binh ở Đức Cơ; Tiểu đoàn Đặc công 952 và bộ đội địa phương Huyện 5 đánh nghi binh ở Tân Lạc; lực lượng vũ trang các tỉnh Gia Lai, Kon Tum phối hợp hoạt động đánh phá giao thông trên quốc lộ 19 và quốc lộ 14. Để chuẩn bị cho chiến dịch, cùng với việc quán triệt mục đích, nhiệm vụ, xây dựng ý chí quyết tâm dám đánh và quyết thắng quân Mĩ, công tác trinh sát nắm địch, làm đường chiến dịch, chiến đấu để cơ động lực lượng, bảo đảm hậu cần được tiến hành khẩn trương và bí mật, trong đó tỉnh Gia Lai đã vận động nhân dân đóng góp cho chiến dịch 1.200 tấn lương thực, thực phẩm; thành lập các trạm xá để cứu chữa thương bệnh binh, đồng thời huy động 2.500 dân công hỏa tuyến làm nhiệm vụ vận chuyển đạn, gạo, khiêng cáng thương binh, tử sĩ, dẫn đường cho bộ đội đánh các mục tiêu trên địa bàn. Chiến dịch diễn ra 3 đợt.

Đợt 1 (19-29.10), vây ép đồn Plei Me để nhử viện, thực hiện trận then chốt thứ nhất, tiêu diệt chiến đoàn thiết giáp quân đội Sài Gòn. 19 giờ ngày 19.10, Tiểu đoàn Pháo binh 200 pháo kích căn cứ Đức Cơ, đồng thời, Tiểu đoàn Đặc công 952, Tiểu đoàn dùng 1 đại đội đánh đồn Tân Lạc, thực hiện đòn nghi binh nhằm thu hút sự chú ý của địch, tạo thuận lợi cho các đơn vị trên hướng chính chiếm lĩnh trận địa bí mật, an toàn. 22 giờ 54 phút cùng ngày, Trung đoàn 33 nổ súng tiến công tiêu diệt vị trí tiền tiêu của địch ở Chư Ho, đồng thời triển khai trận địa bao vây đồn Plei Me. Đối phó với hoạt động của ta, từ 20.10, địch sử dụng lực lượng lớn máy bay, pháo binh đánh phá ác liệt, kết hợp đưa quân phản kích, nhưng không phá vỡ được vòng vây ngày càng siết chặt của Trung đoàn 33. Trên hướng đường 21, mặc dù địch tung nhiều toán thám báo, biệt kích xuống để thăm dò lực lượng, nhưng cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 320 vẫn kiên trì phục kích giữ bí mật, chờ đánh viện binh địch. Đúng như dự kiến của ta, trưa 23.10, địch tập trung lực lượng cơ động của Biệt khu 24 gồm Tiểu đoàn Biệt động quân 21, Tiểu đoàn Bộ binh 1 (Trung đoàn 42) và Chiến đoàn Thiết giáp 3 (tổng cộng hơn 1 nghìn quân, hơn 40 xe tăng, thiết giáp và 2 pháo 105 mm), xuất phát từ ngã ba Phú Mĩ theo đường 21 mở cuộc hành quân giải toả đồn Plei Me. Sau khi được hoả lực không quân, pháo binh đánh phá dọn đường, 16 giờ 30 phút ngày 23.10, lực lượng hành quân giải toả của địch thận trọng tiến vào khu vực trận địa phục kích của Trung đoàn 320. Tại đây đã diễn ra trận đánh quyết liệt trên đoạn đường dài khoảng 4 km, từ điểm cao 538 (bắc Plei Me 12 km) đến đồi Blu (bắc điểm cao 601). Bằng cách đánh bất ngờ, cùng lúc tiến công bao vây, chia cắt từ nhiều hướng mũi, khoảng 2 giờ ngày 24.10, Trung đoàn 320 giành thắng lợi trận then chốt thứ nhất của chiến dịch; tiêu diệt phần lớn Chiến đoàn Thiết giáp 3 và Tiểu đoàn Biệt động quân 21 của địch, trong đó diệt và làm bị thương khoảng 800 quân, phá hủy, phá hỏng 89 xe quân sự (có 6 xe tăng, 15 xe M113), thu 2 pháo 105 mm, 6 xe đạn, bắn rơi 2 máy bay... Ngay sau khi lực lượng cơ động hỗn hợp thuộc Biệt khu 24 quân đội Sài Gòn bị đánh thiệt hại nặng, tướng Oetmolen (Tư lệnh quân viễn chinh Mĩ ở miền Nam) trực tiếp lên Tây Nguyên thị sát và lệnh cho tướng Hari Kinna (Harry Kinnard, Tư lệnh Sư đoàn Kị binh bay 1) bằng mọi cách phải tìm diệt chủ lực quân giải phóng, giành lại quyền chủ động trên chiến trường. Ngày 28.10, máy bay trực thăng đổ bộ 2 tiểu đoàn (Lữ đoàn Kị binh bay 1) xuống tây nam Phú Mĩ và đông bắc Plei Me, đồng thời tăng cường hoả lực mạnh yểm trợ cho quân đội Sài Gòn tiếp tục giải vây. Trước tình hình quân Mĩ bắt đầu tham chiến, bộ tư lệnh Chiến dịch quyết định kết thúc đợt 1, chủ động mở vây ở Plei Me, đồng thời điều chỉnh lại lực lượng chuẩn bị đối phó với quân Mĩ.

Đợt 2 (30.10-10.11), ta tiếp tục chặn đánh tiêu diệt từng bộ phận quân Mĩ, đồng thời tìm cách thu hút địch vào sâu hậu phương chiến dịch, chuẩn bị tạo thế cho trận then chốt thứ hai. Ngày 31.10, phát hiện khu vực hậu cứ của chủ lực ta, Lữ đoàn Kị binh bay 1 Mĩ bất ngờ đổ quân xuống các khu vực Làng Mùi, Plei Ia Briêng, Quynh Khả và đông nam suối Ia Mơ, nhằm tập kích vào bộ phận thông tin và trinh sát của Trung đoàn 33 nhưng không đạt kết quả. Ngày 2-4.11, 1 tiểu đoàn và 2 đại đội quân Mĩ liên tiếp đổ quân xuống khu vực Đức Nghiệp, Plei Thê, bị lực lượng các tiểu đoàn 2 và 3 (Trung đoàn 33) chặn đánh và diệt 1 trung đội, số còn lại rút về Pleiku. Ngày 6.11,1 đại đội quân Mĩ tập kích vào nơi trú quân của Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 33), nhưng cũng bị các đơn vị của Trung đoàn 33 kịp thời phối hợp chặn đánh diệt gần 1 đại đội ở khu vực đông nam la Mơ. Sau đó, Mĩ tiếp tục đổ 1 đại đội xuống khu vực la Mơ, nhưng cũng bị đánh thiệt hại nặng buộc phải rút lui. Từ 31.10 đến 9.11, địch liên tiếp tiến hành các hoạt động thăm dò, tập kích vào hậu phương chiến dịch và một số khu vực trận địa ta, nhưng đều bị ta kịp thời chặn đánh, đẩy lui. Ngày 10.11, tướng Hari Kinna quyết định rút Lữ đoàn Kị binh bay 1 về Pleiku, đồng thời điều Lữ đoàn Kị binh bay 3 lên khu vực Bàu Cạn, chuẩn bị cho đợt phản công lớn, đánh đòn bất ngờ vào sau lưng đội hình chiến dịch của ta. Nắm chắc âm mưu của địch, bộ tư lệnh Chiến dịch nhanh chóng điều chỉnh đội hình, đồng thời lựa chọn khu vực thung lũng Ia Đrăng dưới chân núi Chư Pông làm điểm quyết chiến đánh trận then chốt thứ hai của chiến dịch. Theo đó, Bộ tư lệnh Chiến dịch điều 2 trung đoàn 33 và 320 về phía tây sông la Đrăng, đồng thời chuyển Trung đoàn 66 về phía bắc thung lũng la Đrăng triển khai trận địa sẵn sàng đón đánh quân Mĩ với phương châm: gặp Mĩ là đánh, đánh cả đơn vị nhỏ, vừa và lớn; đánh địch trên đường bộ và đổ bộ đường không, đánh địch phía trước, bên sườn và phía sau; đánh địch cơ động cũng như trong căn cứ, tích cực bắn máy bay, nếu quân Mĩ và quân đội Sài Gòn cùng hành quân thì chọn tiêu diệt quân Mĩ trước.

Đợt 3 (11-26.11), thực hiện trận then chốt thứ hai, tiêu diệt quân Mĩ ở thung lũng la Đrăng. Mở đầu đợt 3, đêm 11.11, Tiểu đoàn Đặc công 952 cùng 1 đại đội súng cối của Tiểu đoàn 200 tập kích sở chỉ huy hành quân Lữ đoàn Kị binh bay 3 ở Bàu Cạn, diệt một đại đội và phá huỷ nhiều máy bay trực thăng; đồng thời bộ đội địa phương tỉnh Gia Lai phối hợp tập kích sở chỉ huy Sư đoàn Kị binh bay 1 của Mĩ ở An Khê, gây cho địch một số thiệt hại. Khoảng 10 giờ ngày 14.11, sau khi phát hiện vị trí đóng quân của Tiểu đoàn 9 (Trung đoàn 66), quân Mĩ dùng máy bay trực thăng đổ Tiêu đoàn 1 (Trung đoàn 7, Lữ đoàn 3) do Trung tá Harôt Mo (Harold Moore) chỉ huy xuống khu vực phía bắc núi Chư Pông 3 km (mật danh “bãi tia X”), đồng thời đổ 2 đại đội lựu pháo (12 khẩu) thuộc Tiểu đoàn 2 xuống các khu vực tây nam Quynh Khả và đông nam la Đrăng (phía đông “bãi tia X”) phối hợp tiến công. Mặc dù bị tiến công bất ngờ khi đang củng cố vị trí đóng quân, nhưng các đơn vị của Tiểu đoàn 9 đã kịp thời tổ chức chống trả, diệt và đánh tiêu hao 2 đại đội, buộc quân Mĩ phải lùi về co cụm tại khu vực thung lũng la Đrăng. Tại đây, quân Mĩ áp dụng chiến thuật di chuyển liên tục để tránh bị tiến công, nhưng trong thời gian từ đêm 14 đến sáng 16.11, tiếp tục bị các đơn vị thuộc Trung đoàn 66 bám sát tập kích, gây một số thiệt hại.

Lính Mĩ rút chạy

Trước nguy cơ bị bao vây tiêu diệt, Mĩ tăng cường thêm lực lượng và huy động tối đa hoả lực không quân (có B-52), pháo binh đánh phá ác liệt nhằm ngăn chặn các cuộc tiến công của quân giải  phóng. Sau khi bị đánh thiệt hại lớn ở khu vực “bãi tia X”, sáng 17.11, tư lệnh Lữ đoàn Kị binh bay 3 Mĩ tăng cường 2 tiểu đoàn xuống khu vực Anbani với ý định chặn đánh các đơn vị quân giải  phóng di chuyển về phía sau, trong đó điều Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 7) cùng với lực lượng còn lại của Tiểu đoàn 1 về hướng khu vực “bãi tia X”. Chớp thời cơ, bộ tư lệnh Chiến dịch lệnh cho Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 33) và Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 66) phối hợp tiến công. Mặc dù quân Mĩ được hoả lực máy bay, pháo binh chi viện tổ chức chống trả quyết liệt, nhưng bằng cách đánh chủ động áp sát từ nhiều hướng, mũi, thực hiện bao vây chia cắt tiêu diệt từng cụm quân địch, đến chiều 17.11, các tiểu đoàn 1 và 8 đã tiêu diệt phần lớn tiểu đoàn địch, hoàn thành xuất sắc trận then chốt thứ hai của chiến dịch (xt Trận la Đrăng, 14-17.11.1965). Phát huy thắng lợi đã giành được, ngày 18.11, Trung đoàn 33 tập kích trận địa pháo binh của quân Mĩ ở tây bắc suối la Mơ, phá hủy 3 pháo, 7 máy bay trực thăng, loại khỏi vòng chiến đấu 200 quân địch. Bị thất bại nặng nề, ngày 19.11 tướng Hari Kinna buộc phải cho rút Lữ đoàn Kị binh bay 3 khỏi la Đrăng. Ngày 26.11, chiến dịch kết thúc, ta loại khỏi vòng chiến đấu gần 3 nghìn quân địch (có 1.700 quân Mĩ), tiêu diệt 1 chiến đoàn bộ binh cơ giới hỗn hợp quân đội Sài Gòn, diệt và đánh thiệt hại 2 tiểu đoàn quân Mĩ, phá hủy 89 xe quân sự, bắn rơi 59 máy bay; phía ta có hơn 1.200 cán bộ, chiến sĩ thương vong. Với chiến thắng này, các đơn vị tham gia chiến dịch được Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh tặng thưởng hai Huân chương Quân công hạng Nhất.

Chiến dịch Plei Me là chiến dịch đánh Mĩ đầu tiên của lực lượng vũ trang mặt trận Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mĩ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tiêu diệt một bộ phận quân Mĩ ngay trong trận đầu, góp phần khẳng định quyết tâm dám đánh và biết cách đánh thắng Mĩ của nhân dân Việt Nam trong giai đoạn đầu đối phó với chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mĩ. Thắng lợi của Chiến dịch Plei Me có ý nghĩa lịch sử to lớn cả về chính trị, quân sự, là thắng lợi của nghệ thuật tổ chức và thực hành chiến dịch tiến công đầu tiên thời kì đánh Mĩ trên chiến trường rừng núi, mang tầm vóc ý nghĩa chiến lược, đánh dấu sự thất bại đầu tiên của quân Mĩ trên chiến trường miền Nam Việt nam.

Chiến dịch Plei Me để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý về nghệ thuật quân sự. Trước hết là nghệ thuật dự báo đúng đối tượng tác chiến, khoét sâu chỗ yếu, chỗ sơ hở của địch, lựa chọn cách đánh phù hợp, giành thắng lợi trong từng trận chiến đấu, thực hiện tác chiến hiệp đồng, phát huy sở trường đánh gần nhằm hạn chế điểm mạnh về hoả lực và khả năng cơ động của địch, buộc quân Mĩ phải bị động theo cách đánh của ta. Đặc biệt, trong quá trình tổ chức và chỉ đạo chiến dịch, bộ tư lệnh Chiến dịch đã vận dụng thành công nghệ thuật nghi binh lừa địch, từng bước dụ quân Mĩ vào đúng điểm quyết chiến đã chuẩn bị sẵn.

Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)