Chu Minh - người nhạc sĩ tài năng của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam
Nhân vật liên quan
Hà Nội (TTXVN 17/10/2023)

"… Hồ Chí Minh, Bác Hồ Chí Minh
Đẹp nhất tên Người rạng rỡ núi sông
… Hồ Chí Minh, Bác Hồ Chí Minh kính yêu,
Người là niềm tin tất thắng sáng ngời"
Những lời ca da diết trong nhạc phẩm “Người là niềm tin tất thắng sáng ngời” đã quen thuộc với người Việt Nam trong mấy chục năm qua. Đó là một trong những sáng tác xuất sắc của nhạc sĩ Chu Minh, người nhạc sĩ tài năng của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, người vừa qua đời sáng ngày 17/10/2023.
* Người nhạc sĩ của cách mạng
Nhạc sĩ Chu Minh tên thật là Triệu Đạt Hiền, sinh năm 1931, tại Hà Nội. Ông trưởng thành trong một gia đình công chức, từ nhỏ đã thể hiện niềm say mê đặc biệt với âm nhạc. Ông yêu thích các thanh âm, nhạc cụ và được cha mẹ ủng hộ, cho học đàn vĩ cầm từ năm 11 tuổi.
Dưới ngọn cờ Đảng và làn sóng cách mạng dâng cao, 16 tuổi, chàng trai trẻ Triệu Đạt Hiền hăng hái tham gia cách mạng. Từ năm 1947 đến 1950, ông công tác tại Đội võ trang tuyên truyền Ban Tuyên huấn Trung ương và bắt đầu sáng tác nhạc với bút danh Chu Minh, trong đó có ca khúc ca ngợi tình hữu nghị “Việt – Trung – Xô” và “Chiến thắng biên giới” của quân và dân ta năm 1950
Những năm 1950, Chu Minh là một những người đầu tiên đứng ra thành lập Đoàn văn công nhân dân Trung ương, tiền thân của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam ngày nay. Giữa những gian lao thử thách trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nơi đây là cái nôi rèn luyện thế hệ nghệ sỹ đầu tiên của đất nước, và nhiều thế hệ xuất sắc tiếp nối về sau. Ông cùng các nghệ sĩ đã cống hiến hết mình trên mặt trận văn hóa nghệ thuật cách mạng, góp sức cùng cả dân tộc đánh Pháp.
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, thực dân Pháp phải rút khỏi nước ta. Chính phủ kháng chiến từ Việt Bắc trở về thủ đô. Trong thời gian phụ trách Đoàn Ca múa nhạc Trung ương, tài năng của Chu Minh ngày càng được khẳng định. Ông thường xuyên được mời vào Phủ Chủ tịch biểu diễn trong các dịp tiếp khách quốc tế, hay các sự kiện quan trọng của Chính phủ.
Là một người xuất sắc trong vai trò nghệ sĩ, nhạc sĩ Chu Minh được cử đi học nước ngoài. Từ năm 1961 đến năm 1965, ông được cử đi học chương trình trung cấp ngắn hạn về âm nhạc tại Vũ Hán (Trung Quốc), tiếp đó là chuyên ngành Sáng tác bậc Đại học tại Nhạc viện Trung ương Bắc Kinh. Sau khi tốt nghiệp, ông trở lại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) để giảng dạy chuyên ngành sáng tác, đồng thời từng có thời gian làm Chủ nhiệm của khoa Lý luận – Sáng tác – Chỉ huy của trường.
Sau khi tốt nghiệp, ông trở về nước, giảng dạy chuyên ngành Sáng tác tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), từng có thời gian làm Chủ nhiệm khoa Lý luận – Sáng tác – Chỉ huy của trường. Ông tiếp tục sáng tác thanh nhạc và khí nhạc, qua đó dần tạo được phong cách sáng tác riêng cho mình.
* “Phong cách âm nhạc Chu Minh”
Cùng với các nhạc sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp và sau khi hòa bình lập lại (1954), nhạc sĩ Chu Minh đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền âm nhạc cách mạng – nền âm nhạc mới Việt Nam nửa sau thế kỷ XX và những thập niên đầu thế kỷ XXI.
Theo cách mạng, đi cùng cách mạng từ sớm, nhạc sĩ Chu Minh luôn được sống trong không khí, hơi thở của thời đại, của dân tộc. Cộng với tính cách sâu sắc, điềm đạm, âm nhạc của ông cũng trở nên điềm đạm, tĩnh tại, đầy tính suy tư lắng đọng, mà tạo ra một “phong cách âm nhạc Chu Minh” rất riêng biệt, độc đáo.
Số lượng tác phẩm mà nhạc sĩ Chu Minh sáng tác không nhiều, nhưng ông là người tiên phong và là "bậc thầy" trong nền âm nhạc mới Việt Nam với phong cách âm nhạc mang tính bác học, luôn đề cao tinh thần dân tộc để người nghe thêm tự hào về quê hương, đất nước. Ông là một trong số ít nhạc sĩ thế hệ của mình thành công trong cả hai loại hình: thanh nhạc và khí nhạc. Trong đó, hai ca khúc “Người là niềm tin tất thắng” và “Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam” được ông viết ở 2 giai đoạn lịch sử khác nhau của dân tộc đã trở thành các tác phẩm lớn trong nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.
Năm 1969, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, với sự kính trọng, mến phục từ chính con tim, khối óc, nhạc sỹ Chu Minh đã sáng tác các ca khúc bất hủ "Đất nước nghiêng mình"; "Người là niềm tin tất thắng"... Ca khúc “Người là niềm tin tất thắng” được chọn phát trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam trong lễ truy điệu Bác Hồ. Bài hát được đánh giá là một trong số những ca khúc có giá trị nhất viết về lãnh tụ Hồ Chí Minh trong nền âm nhạc hiện đại Việt Nam, trong đó có sự hòa quyện nhuần nhuyễn giữa tình cảm và lý trí, giữa cảm xúc tự nhiên của trái tim với trí tuệ tỉnh táo, dâng trào cảm xúc tiếc thương nhưng không hề bi lụy, ngược lại, vẫn hùng tráng, nghiêm trang và đầy lòng tự hào:
“…Bốn ngàn năm dồn lại hôm nay,
Người sống trong muôn triệu trái tim
… Thế giới nghiêng mình
Loài người tiếc thương
Đây người chiến sĩ đấu tranh cho tự do
Người là ước mơ của các dân tộc…”
(Người là niềm tin tất thắng – Chu Minh)
Năm 1972, ông tiếp tục ghi dấu ấn với tác phẩm "Đường Trường Sơn chiến công gọi chiến công". Năm 1973, nhạc sĩ Chu Minh viết "Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam" dựa theo thơ của nhà thơ Hoàng Trung Thông. Khi đất nước thống nhất, ca khúc đầy hào sảng này được Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam biểu diễn tại Thành phố mang tên Bác trong những ngày đầu sau chiến thắng 30/4/1975. Ca khúc được nhiều thế hệ khán giả yêu thích, coi là khúc tráng ca đầy kiêu hãnh và tự hào về dân tộc.
Ngoài ra, nhạc sĩ Chu Minh còn sáng tác nhiều ca khúc, như: "Hoa sen", "Ta yêu cụ Hồ", "Lớp người công nhân", "Đường đi trăm nẻo", "Lời ca mở tuyến", "Màu xanh ánh mắt quê hương", "Đừng buồn nghe em"….
Và nói đến nhạc sĩ Chu Minh không thể không nhắc đến mảng sáng tác khí nhạc. Ông là một trong những nhạc sĩ có các tác phẩm giao hưởng vào hàng mẫu mực của âm nhạc Việt Nam những năm 60 của thế kỷ trước, mà như nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhận xét: “Tính bác học, tính học thuật và tính dân tộc, cộng với tình yêu nước nồng nàn, tất cả đã tạo nên một nhạc sĩ Chu Minh, một con người tự hiến cho nền âm nhạc, nền văn hóa dân tộc”. Có thể nhắc đến những tác phẩm: "Sonate" số 1,2,3 và "Tổ khúc khăn quàng đỏ" viết cho piano. Tác phẩm lớn “Tổ quốc giao hưởng” (gồm 3 chương), trong đó, ông đã chọn 6 bài thơ trong tập thơ “Nhật ký trong tù” của Bác để viết thành 4 ca khúc. Giao hưởng Việt Nam "Tuyến đầu"; Giao hưởng thơ "Thành phố Hồ Chí Minh - dáng đứng Việt Nam"; nhạc kịch 4 màn Tiếng ru… Ông còn viết nhạc múa như "Trừ Văn Thố", "Lũy hoa", đảm nhiệm phần nhạc phim cho khoảng 20 bộ phim truyện và phim tài liệu.
Bên cạnh lĩnh vực sáng tác, nhạc sĩ Chu Minh còn có công lớn trong việc sự nghiệp giáo dục. Ông là thầy giáo dạy sáng tác âm nhạc chuyên nghiệp đầu tiên tại Trường Âm nhạc Việt Nam. Hơn nửa thế kỷ qua, thầy Chu Minh miệt mài truyền dạy cho các lớp nhạc sĩ, mà nhiều người trong số họ nay đã thành danh nổi tiếng như: Trần Tiến, Đức Trịnh, Trương Ngọc Ninh, Ngọc Đại, Tôn Thất Lập...
Với nhiều đóng góp trong lĩnh vực sáng tác và đào tạo, nhạc sĩ Chu Minh đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật ngay từ đợt đầu tiên, năm 2001 và Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017, cùng nhiều Huân, Huy chương, Giải thưởng âm nhạc khác./.
Thu Hạnh (tổng hợp)
- Từ khóa:
- nhạc sĩ Chu Minh