Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào công giáo

    Nhân vật liên quan

    • Chủ tịch Đảng (2/1951 - 9/1969); Tổng Bí thư (10/1956 - 9/1960)Hồ Chí Minh

Hà Nội (TTXVN 11/10/2023) Đồng bào công giáo là một bộ phận trong cộng đồng dân tộc Việt Nam đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho những tình cảm, sự quan tâm sâu sắc và sự động viên kịp thời. Không chỉ thể hiện sự tôn trọng tự do tôn giáo, Người còn luôn nỗ lực thực hiện đoàn kết tôn giáo trong hành trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu dự Hội nghị Công giáo toàn quốc lẩn thứ nhất (9/3/1955)

* Luôn tôn trọng, quan tâm đến đồng bào công giáo

Chủ tịch Hồ Chí Minh với đôi mắt tinh tường của một nhà khoa học đã chỉ ra những tinh tuý nhất của các quan điểm tôn giáo khác nhau trên thế giới. Theo Bác, các tôn giáo dù có cách thức hoạt động khác nhau, nhưng họ đều có một mục đích chung là mưu tìm hạnh phúc cho con người và cho xã hội.

Người đã nhiều lần ca ngợi đức Giêsu trong các lá thư gửi đồng bào công giáo nhân dịp Giáng sinh. Người viết: “Cách một nghìn chín trăm bốn mươi nhăm năm trước, cũng ngày hôm nay, một vị thánh nhân là đức Chúa Giêsu ra đời. Suốt đời ngài chỉ hy sinh phấn đấu cho tự do, cho dân chủ. Từ ngày Ngài giáng sinh đến nay đã gần 2000 năm, nhưng tinh thần bác ái của Ngài chẳng những không phai nhạt mà tủa ra đã khắp, thấm vào đã sâu” (1). Hay “Chúa Cơ đốc hy sinh để cứu loài người khỏi ách nô lệ và đưa loài người về hạnh phúc, bình đẳng, bác ái, tự do” (2).

Giáng sinh là một ngày đại lễ trong năm của đồng bào công giáo. Vào những dịp lễ như vậy, Người thường viết thư, viết báo hoặc gặp gỡ, nói chuyện với đồng bào có đạo. Trong “Thư gửi đồng bào nhân Ngày lễ Thiên Chúa Giáng sinh” năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ “Nhân dịp này, tôi thay mặt Chính phủ và quốc dân trân trọng chúc phúc toàn thể đồng bào công giáo. Đồng thời tôi kính cẩn cầu Đức Thượng đế phù hộ dân tộc Việt Nam và giúp cho Việt Nam đi đến cuộc thắng lợi cuối cùng” (3).

Để tạo ra một hành lang pháp lý cho những người có đạo tự do thực hiện các hoat động tôn giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký nhiều Sắc lệnh có những điều khoản riêng về tôn giáo. Đặc biệt Sắc lệnh 234 /SL về tôn giáo ký ngày 14/6/1955 gồm 5 chương, 16 điều khoản qui định chi tiết về quyền: “Tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng của nhân dân, quyền của các Giáo hội tham gia vào hoạt động xã hội và các sinh hoạt tôn giáo riêng của mình”.

Không chỉ xây dựng pháp luật, Bác luôn tìm cách giáo dục thuyết phục mọi người nhằm xoá đi những định kiến sai lệch về người công giáo: “Một số cán bộ có định kiến không đúng rằng cứ nói đến đồng bào công giáo thì cho là phản động khó giáo dục thuyết phục. Nói vậy là sai... đồng bào công giáo cũng yêu nước. Nếu ta biết kiên nhẫn thuyết phục giác ngộ, thì nhất định tranh thủ được” (4).

Niềm tin đó của Bác đã được các giáo dân, các vị linh mục, giám mục trên khắp mọi miền đáp lại với những việc làm cụ thể, thiết thực bằng tấm lòng “kính chúa, yêu nước” của mình. Nhiều linh mục là con em đồng bào công giáo đã hăng hái tham gia đóng góp sức mình vào cuộc kháng chiến anh dũng của dân tộc, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi năm 1954. Trong đó, có những người đã được Bác nêu gương, khen thưởng.  Chẳng hạn như anh Vũ Hạnh, một thanh niên công giáo ở Hải Phòng đã mưu trí, dũng cảm lập được thành tích trong kháng chiến và sau đó được cử làm tỉnh đội Hải Kiến (Hải Phòng - Kiến An). Hay như Linh mục Lê Văn Yên ở Bắc Ninh đã nêu cao tinh thần gương mẫu, chăm lo xây dựng khối đại đòan kết dân tộc đã được Bác viết thư khen ngợi. Trong thư có đoạn: “Tôi rất vui là được Ủy ban kháng chiến khu III báo cáo rằng ngòai sự làm tròn nhiệm vụ một ủy viên trong Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Bắc Ninh, ngài đã luôn luôn ra sức củng cố tinh thần đại đòan kết giữa đồng bào lương và giáo. Ngài luôn luôn tận tâm săn sóc anh em thương binh. Ngài lại không nhận lương phụ cấp. Như thế là ngài đã nêu cao cái gương cần, kiệm, liêm, chính cho mọi người...

Bản thân Bác luôn theo sát mọi thành tích của người công giáo nhất là các giáo sĩ để động viên khích lệ kịp thời. Khi được tin Đức cha Hồ Ngọc Cẩn - Giám mục Bùi Chu ủng hộ cả dây chuyền vàng của mình cho Chính phủ trong “Tuần lễ vàng” đầu năm 1946, Người đã viết thư khen ngợi ngay; hay ngày 21/7/1968 máy bay Mỹ ném bom bắn phá Xã Đoài làm 2 Giám mục, 3 linh mục, một số tu sĩ giáo dân bị thương, Bác cũng gửi điện thăm hỏi, động viên… Những ngày tháng trước lúc “đi xa”, Bác vẫn dành thời gian đọc báo “Chính nghĩa” - một tờ báo của đồng bào công giáo để biết những việc làm và thành tích cũng như đời sống của giáo dân ở khắp mọi miền. Những bài viết về thành tích như chị Trần Thị Khoa ở Hưng Nhân (Thái Bình), gia đình cụ Vũ Thế Kỷ ở Hải Thịnh, Hà Nam, hay vợ chồng giáo dân Trần Văn Đức làm việc ở bệnh viện Phát Diệm (Ninh Bình)... đều đã được Bác đánh dấu đề nghị thưởng huy hiệu của Người.

 * Nỗ lực thực hiện đoàn kết tôn giáo

Lấy lợi ích quốc gia, dân tộc và quyền lợi cơ bản của con người làm mẫu số chung trong việc giải quyết vấn đề dân tộc - tôn giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân chỉ được thực hiện khi đất nước độc lập, bởi: “Nước không độc lập thì tôn giáo không được tự do nên chúng ta phải làm cho nước độc lập đã” (5).

Không để kẻ thù chia rẽ và phá hoại sức mạnh của khối đoàn kết, đặc biệt là đoàn kết giữa đồng bào các tôn giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã linh hoạt trong cách ứng xử với với các vị chức sắc tôn giáo, với các giáo dân.

Nôen năm 1947, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở vào giai đoạn gay go, quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi lời chúc đến Giám mục Lê Hữu Từ, “kính chúc cụ mọi sự lành để phụng sự Đức Chúa và để lãnh đạo đồng bào công giáo tham gia kháng chiến, đặng tranh lại thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”, đồng thời “nhờ cụ chuyển lời tôi chúc phúc cho toàn thể đồng bào công giáo”. Nôen năm 1949, Người đã gửi thư chia sẻ những mất mát của các giáo dân vì đất Thánh bị xâm phạm, và đồng bào “đang đau khổ dưới gót sắt của giặc Pháp dã man”.

Trong từng thời điểm, trường hợp cụ thể, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn linh hoạt giải quyết các mâu thuẫn, xung đột nảy sinh khi những giáo dân bị kích động nổi loạn. Người không chỉ mềm dẻo, khoan dung với những người nhẹ dạ, cả tin, bị lôi kéo vào con đường sai trái để giác ngộ họ; mà còn kiên quyết đấu tranh với những kẻ đầu sỏ chống đối cách mạng để củng cố và phát triển sự đoàn kết giữa Giáo và Lương.

Người cũng không quên bày tỏ sự tin tưởng, ca ngợi sự đóng góp của đồng bào công giáo đối với cách mạng. Tháng 9/1964, trong thư gửi Hội nghị đại biểu đồng bào theo đạo Thiên Chúa toàn miền Bắc, Người viết: “Trong cuộc kháng chiến cứu nước trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng đời sống mới ngày nay, đồng bào theo đạo Thiên Chúa đã có những thành tích vẻ vang đối với nhân dân, đối với Tổ quốc. Tôi rất vui lòng thấy đồng bào Công giáo các giới hăng hái tham gia mọi công việc xây dựng nước nhà... Các cháu Công giáo được học hành ngày càng đông và càng tiến bộ… Tôi mong các cụ phụ lão, các vị giám mục và linh mục hăng hái khuyến khích tín đồ trong mọi công việc ích nước, lợi dân” (6).

Từ đó Người khẳng định: “Lương giáo đoàn kết, toàn dân đoàn kết, cả nước một lòng, nhân dân ta nhất định sẽ thắng lợi trong công cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất Tổ quốc và xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” (7).

Với sự quan tâm chân thành đối với đồng bào công giáo và những nỗ lực thực hiện đoàn kết tôn giáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay từ buổi đầu của cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp được đồng bào các tôn giáo trong công cuộc giải phóng và bảo vệ đất nước. Người Công giáo đã cùng với đồng bào cả nước, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, giành được những thắng lợi vẻ vang trong lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 * Tiếp tục thực hiện đoàn kết tôn giáo theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương các chức sắc và đại diện các tổ chức tôn giáo. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo đã được thực tiễn cách mạng Việt Nam chứng minh là đúng đắn, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam. Nó không chỉ có ý nghĩa đương thời mà còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.

Quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo, trong suốt quá trình phát triển của cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Trong công tác tôn giáo thời kỳ đổi mới, Đảng ta xác định nhiệm vụ: Tăng cường đoàn kết lương giáo, đoàn kết toàn dân; Ra sức chăm lo đời sống vật chất, văn hóa, nâng cao trình độ mọi mặt của đồng bào có đạo; Thực hiện tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng trên cơ sở pháp luật.

Đảng ta nêu rõ: Đồng bào có đạo đa số là nhân dân lao động có lòng yêu nước, đã góp phần cùng toàn dân phấn đấu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều chức sắc tiến bộ trong các tôn giáo đã làm tốt việc đạo, việc đời, hướng dẫn tín đồ chấp hành đúng các chính sách của Nhà nước.

Thực hiện đoàn kết tôn giáo theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng cách “luôn luôn coi tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng..., thực hiện đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau và trong nội bộ từng tôn giáo, đoàn kết đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo”(8), để “tập hợp đông đảo các tín đồ trong khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng cuộc sống tốt đời, đẹp đạo, góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước”(9) theo những kinh nghiệm, những chỉ dẫn của Bác Hồ luôn có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới là: “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ “sống tốt đời đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo và hoạt động theo quy định pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết dân tộc” (10).

Có thể nói, tình cảm và sự quan tâm của Bác đối với những người có đạo nói chung, đồng bào công giáo nói riêng rất to lớn. Đó cũng là sự thể hiện cụ thể, nhất quán chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta từ trước đến nay./.

 

 Minh Duyên

(1): Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 4, tr.121.

(2): Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 7, tr.197.

(3): Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 4, tr.490.

(4): Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào công giáo, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004.

(5) Báo Cứu quốc, ngày 14/1/1946.

(6), (7): Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 11, tr.314

(8), (9) Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ 7-BCHTW khoá IX, Hà Nội 2003, tr89, tr46

(10) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, tập 1, tr.171