Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quân chủng Phòng không-Không quân

Hà Nội (TTXVN 22/10/2023) Là người trực tiếp sáng lập và rèn luyện Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có sự quan tâm, sát sao, tin tưởng vào các lực lượng quân đội. Trong đó, Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) vinh dự được Bác dành cho sự quan tâm chăm sóc đặc biệt. Đó là nguồn sức mạnh tinh thần vô cùng to lớn, giúp Bộ đội PK-KQ vượt qua muôn ngàn khó khăn, thử thách, gian khổ, từng bước trưởng thành, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

 

Anh hùng quân đội Nguyễn Văn Cốc được mệnh danh là phi công “át chủ bài” của Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh. Ông là người duy nhất trên thế giới dùng máy bay tiêm kích phản lực MiG-21 bắn rơi 9 máy bay Mỹ tại miền Bắc Việt Nam. Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ, khen ngợi phi công Nguyễn Văn Cốc tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua Quân chủng Phòng không - Không quân năm 1969. Tại đây, Bác có câu nói nổi tiếng “Bác chúc không quân có thêm nhiều Cốc nữa”. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

* Chỉ đạo thành lập Quân chủng PK-KQ

Với tầm nhìn xa trông rộng, sau khi ngày thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có kế hoạch về việc xây dựng lực lượng PK-KQ. Thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 9/3/1949, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp ra quyết định thành lập Ban Nghiên cứu Không quân thuộc Bộ Tổng Tham mưu với nhiệm vụ nghiên cứu các phương pháp chống trả không quân địch. Sau đó các lực lượng phòng không (gồm bộ đội pháo cao xạ, bộ đội rađa) và không quân lần lượt ra đời.

Đến ngày 22/10/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh và Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 50/QÐ thành lập Quân chủng PK-KQ, trên cơ sở hợp nhất Bộ Tư lệnh Phòng không và Cục Không quân, gồm 3 binh chủng: không quân, pháo phòng không và rađa. Đại tá Phùng Thế Tài - nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh Phòng không được bổ nhiệm làm Tư lệnh và Đại tá Đặng Tính - nguyên Cục trưởng Cục Không quân được bổ nhiệm làm Chính ủy Quân chủng PK-KQ.

Việc thành lập quân chủng đánh dấu một bước phát triển, trưởng thành của quân đội ta trước yêu cầu của tình hình mới; tạo nên một nguồn sức mạnh mới trong cuộc chiến bảo vệ “vùng trời” của Tổ quốc, cũng như trong việc bảo vệ vững chắc miền Bắc XHCN, làm hậu thuẫn vững chắc cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Tiếp đến, dưới sự quan tâm chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 7/1/1965, Trung đoàn tên lửa 236 phòng không đầu tiên được thành lập và ngày 24/7/1965 đã ra quân đánh thắng trận đầu tiêu diệt gọn một tốp máy bay Mỹ. Ngày 24/7, trở thành ngày truyền thống của Binh chủng tên lửa. Cũng từ đây, Quân chủng PK-KQ đã có đủ bốn binh chủng: Cao xạ, rađa, không quân và tên lửa.

* Luôn quan tâm chăm sóc bộ đội PK-KQ

Trong suốt quá trình xây dựng lực lượng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm cụ thể đến những vấn đề thuộc về tổ chức lực lượng, về nâng cao trình độ tác chiến, về ý chí và quyết tâm sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc… của Quân chủng PK-KQ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn đồng chí Phùng Thế Tài và đồng chí Đặng Tính rằng: “phải phát huy được sức mạnh sau khi hợp nhất, sẵn sàng cùng các lự lượng vũ trang nhân dân đập tan mọi âm mưu đên tối của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc xã hội chủ nghĩa…” (1). Theo lời Người, mỗi cán bộ chiến sĩ của Quân chủng, từ vị Tư lệnh cho đến người phi công, người chiến sĩ ngồi trên mâm pháo, tất cả “đều phải tôi luyện ý chí, quyết tâm, nắm vững nghệ thuật đánh địch trên không, bảo vệ bầu trời Tổ quốc” (2). Thực hiện chỉ thị của Người, và các Nghị quyết của Đảng, những công việc liên quan đến công tác tổ chức, chính trị, tư tưởng; đến ý chí và quyết tâm chiến đấu của bộ đội PK-KQ được tiến hành rất khẩn trương, hiệu quả.

Mùa xuân Giáp Thìn - năm 1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Đại đội pháo 130, Quân chủng PK-KQ. Người đi thăm nơi ăn, chốn ở của đơn vị; hỏi thăm cán bộ, chiến sĩ ăn Tết có đầy đủ không. Rồi hẹn: nếu các chú lập công, Tết năm sau Bác lại đến…; Các chú cứ bắn rơi thật nhiều máy bay Mỹ là Bác khoẻ, Bác vui.

Tháng 7/1967, sau khi nghe đồng chí Vũ Kỳ báo cáo tình hình về “các chú bộ đội trực phòng không trên nóc Hội trường Ba Đình” phải trực rất vất vả giữa tiết trời nắng nóng, nước không đủ uống, Bác đã quyết định rút sổ tiết kiệm “tặng cho các chú bộ đội phòng không Hà Nội để có thêm nước giải khát… trong những ngày nắng nôi”.

Nhận được quà tặng của Người, ngày 23/9/1967, đồng chí Đặng Tính đã thay mặt toàn thể cán bộ và chiến sĩ bộ đội Phòng không viết thư gửi đến Bác Hồ kính yêu. Trong bức thư, đồng chí nhấn mạnh toàn thể cán bộ và chiến sĩ thuộc bộ đội phòng không rất vui mừng và cảm động trước tấm lòng yêu thương vô bờ bến và sự ân cần chăm sóc của Bác. Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết thương yêu nhau, số tiền Bác gửi cho đã được Quân chủng chuyển cho anh em ở các đơn vị chiến đấu vất vả hơn dùng để ăn uống bồi dưỡng thêm sức khoẻ. Nhân dịp này, bộ đội Phòng không đã phát động một tuần lễ thi đua lập thành tích dâng lên Bác, ra sức nâng cao sức mạnh chiến đấu về mọi mặt để biết đánh giỏi, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, bắt sống và tiêu diệt nhiều giặc Mỹ lái máy bay hơn nữa, thực hiện kỳ được mong ước của Bác là: đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược để bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Thực hiện lời hứa với Người, cán bộ và chiến sĩ quân chủng PK-KQ đã đạt nhiều thành tích trong chiến đấu. Những chiến công vang dội của cán bộ chiến sĩ Quân chủng PK-KQ trong những năm sau đó đã không chỉ thực hiện lời hứa với người cha già dân tộc, mà còn làm nức lòng đồng bào và chiến sĩ cả nước, góp phần vào chiến thắng chung của dân tộc. Với nguồn sức mạnh của sự hợp lực, Quân chủng PK-KQ đã cùng quân dân miền Bắc, đánh bại chiến tranh phá hoại (lần thứ nhất 1965-1968) bằng không quân của địch, qua đó khẳng định ý chí kiên quyết đánh thắng kẻ thù và giữ vững niềm tin tất thắng.

Không chỉ chiến đấu bảo vệ hậu phương lớn miền Bắc, bảo vệ thông suốt tuyến đường vận chuyển chiến lược, bộ đội PK-KQ còn tham gia nhiều chiến dịch lớn và đều lập công xuất sắc như: Chiến dịch Khe Sanh (năm 1968), Chiến dịch Đường 9-Nam Lào (năm 1971), Chiến dịch giải phóng Quảng Trị (năm 1972)… Có thể nói, từ Bắc đến Nam, các mục tiêu trọng điểm, các mục tiêu địch đánh phá bằng không quân ác liệt nhất đều gắn bó với những đơn vị và những chiến công oanh liệt của bộ đội PK-KQ.

Mỗi khi nghe đồng chí Vũ Kỳ - Thư ký của Người báo cáo, hoặc khi xem báo, nghe đài về những chiến công đó, Người thường gửi tặng lẵng hoa cho bộ đội PK-KQ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 921-Đoàn Không quân Sao Đỏ nhân dịp Tết nguyên đán Đinh Mùi (9/2/1967). (Ảnh: TTXVN)

 * Truyền đến cán bộ, chiến sĩ lòng tin vững chắc vào một ngày mai thắng lợi

Trước nguy cơ đế quốc Mỹ sẽ dùng pháo đài bay B.52 đánh phá miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chỉ thị về việc phải nghiên cứu về máy bay B.52, quyết tâm bắn rơi B.52.

Đầu năm 1964, đến thăm bộ đội phòng không, Người căn dặn: “Các chú phải luôn luôn cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu. Phải quyết bắn rơi máy bay địch nếu chúng liều lĩnh xâm phạm vùng trời miền Bắc nước ta”. (3)

Trước một kẻ thù tàn bạo và quỷ quyệt, có tiềm lực vật chất, kỹ thuật mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ tin tưởng vào chiến thắng, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; mà Người còn truyền đến cán bộ, chiến sĩ lòng tin vững chắc vào một ngày mai thắng lợi.

Ngày 19/7/1965, Bác đến thăm đơn vị súng máy tự hành thuộc Trung đoàn Pháo PK 234 tại Sân bay Bạch Mai trước ngày lên đường chiến đấu bảo vệ các đơn vị tên lửa phòng không lần đầu xuất trận. Tại đây Người nói: “dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B-57, B-52, hay “bê” gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”. (4)

Cuối năm 1967, sau khi nghe báo cáo của đồng chí Phùng Thế Tài (lúc này là Phó Tổng Tham mưu trưởng phụ trách PK-KQ), Người đã khẳng định: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua... Phải dự kiến trước mọi tình huống càng sớm càng tốt, để có thời gian suy nghĩ chuẩn bị. Mỹ sẽ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội” (5). Sự tiên đoán này của Người không chỉ đã đặt ra trách nhiệm to lớn cho cán bộ, chiến sĩ Quân chủng PK-KQ, mà còn là sự cổ vũ, động viên họ hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô Hà Nội.

Không phụ lòng tin tưởng của Người, Quân chủng PK-KQ đã đánh bại những “thần sấm”, “con ma”, những pháo đài bay B-52 “bất khả chiến bại” trên vùng trời miền Bắc, trong đó có rất nhiều B-52 đã rơi trên bầu trời Hà Nội, làm nên chiến thắng lịch sử "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không"(tháng 12/1972). Chiến thắng này đã đập tan cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B-52 của Mỹ, buộc chính quyền Mỹ phải ký Hiệp định Pari vào ngày 27/1/1973; tạo thế và lực mới cho cách mạng miền Nam, đẩy nhanh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của dân tộc đi đến thắng lợi hoàn toàn năm 1975./.

Minh Duyên

(1) Đặng Tính, Nguồn sức mạnh, trong sách Khắc sâu lời Bác, Nxb. QĐND, H, 2001, tr.129

(2) Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh về dựng nước và giữ nước, Nxb. QĐND, H, 2000, tr.389

(3): Hồ Chủ tịch với bộ đội Phòng không-Không quân, xuất bản 1975, tr.15

(4): Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, tập 11, tr.476

(5): Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Sự nghiệp tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, Nxb Quân đội nhân dân, 2002, Hà Nội, tr.506,507