Công viên Địa chất Toàn cầu Non nước Cao Bằng - một miền đất hiếm có
Vào 13 giờ hôm nay 12/4/2018 tại Paris, Pháp (tức 18 giờ Hà Nội), trong kỳ họp lần thứ 204, Hội đồng Chấp hành UNESCO đã thông qua Nghị quyết công nhận Công viên Địa chất Non Nước Cao Bằng là Công viên Địa chất toàn cầu. Với danh hiệu này, Công viên Địa chất Non Nước Cao Bằng trở thành Công viên Địa chất toàn cầu thứ hai ở Việt Nam, sau Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang).
*Một miền đất hiếm có
Từ năm 2015, tỉnh Cao Bằng đã phối hợp cùng Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Tiểu ban Kỹ thuật về Công viên Địa chất toàn cầu của Ủy ban Quốc gia lên kế hoạc từng bước xây dựng Công viên Địa chất Non Nước Cao Bằng. Việc xây dựng và phát triển công viên địa chất góp phần vừa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững, vừa bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên; đồng thời, sử dụng hợp lý tổng thể mọi dạng tài nguyên, mọi giá trị di sản, giữ gìn và phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Trong thời gian qua, các cơ quan kể trên đã mời các chuyên gia trong nước và quốc tế xây dựng hồ sơ và kết nối với Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu của UNESCO (GGN) và nhanh chóng hoàn chỉnh hồ sơ đệ trình UNESCO vào cuối năm 2016. Sau đó, đã tiến hành các bước bảo vệ thành công hồ sơ trước các cơ quan uy tín quốc tế của UNESCO vào tháng 7 và tháng 9-2017.
Và tin vui đã đến vào ngày hôm nay 12-4 khi tại kỳ họp lần thứ 204, Hội đồng Chấp hành UNESCO đã thông qua Nghị quyết công nhận Công viên Địa chất Non Nước Cao Bằng là Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO.
Công viên Địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng nằm ở miền đất địa đầu phía bắc Việt Nam, cách Hà Nội khoảng 300 km. Diện tích Công viên lên đến hơn 3.000 km2, bao gồm 6 huyện: Hà Quảng, Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phục Hòa và một phần diện tích các huyện Hòa An, Nguyên Bình và Thạch An. Đây là nơi sinh sống của 9 dân tộc khác nhau, như: Tày, Nùng, H’Mông, Kinh, Dao, Sán Chay...
Đây là một miền đất hiếm có, nơi có thể tìm hiểu lịch sử trên 500 triệu năm của trái đất qua các dấu tích còn lại ở đây. Các hóa thạch, trầm tích biển, đá núi lửa, khoáng sản... đặc biệt là các cảnh quan đá vôi, là những minh chứng tuyệt vời cho sự tiến hóa và thay đổi của trái đất, xứng đáng là những di sản địa chất đặc sắc. Công viên Địa chất Non Nước Cao Bằng cũng nổi tiếng với các giá trị đa dạng sinh học cùng nhiều hệ sinh thái, giống loài động thực vật đặc hữu.
Ngoài ra, nơi đây còn có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, như: khu du lịch sinh thái Phia Oắc, Phia Đén, quần thể Hồ Thang Hen, động Ngườm Ngao… và đặc biệt là thác Bản Giốc, một trong những thác vùng biên giới lớn và đẹp nhất trên thế giới.
Bên cạnh các giá trị thiên nhiên như diện tích, đặc điểm địa chất và đa dạng sinh học, khu vực này cũng là vùng đất có bề dày văn hóa, lịch sử với hơn 200 di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng, trong đó có các di tích quốc gia đặc biệt như: Di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước năm 1941 lãnh đạo phong trào cách mạng sau hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước; Di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo - nơi năm 1944 Đại tướng Võ Nguyên Giáp thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay.
Ngoài ra, sự hồn nhiên của người dân địa phương và sự tự hào của họ về vùng đất quê hương cũng là một yếu tố "thuyết phục" đối với các chuyên gia thẩm định quốc tế.
* Việt Nam bước đầu xây dựng hệ thống Công viên Địa chất tại một số địa phương
Hình thành từ năm 1998, Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO là danh hiệu cao quý dành cho một khu vực tự nhiên có ranh giới địa lý-hành chính rõ ràng, chứa đựng một tập hợp các di sản địa chất tầm cỡ quốc tế có giá trị khoa học, giáo dục và thẩm mỹ, cùng các giá trị khác về đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử, văn hóa xã hội... tất cả cùng được bảo tồn và phát huy giá trị một cách tổng thể. Một Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO cần có diện tích đủ lớn để có tác động đáng kể vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội bền vững của địa phương.
Cho đến trước kỳ họp xét công nhận này, trên thế giới chỉ có 127 Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO ở 35 quốc gia. Trong đó, Việt Nam có một là Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, được công nhận năm 2010.
Công viên Địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn nằm trên địa bàn 4 huyện của tỉnh Hà Giang, bao gồm: Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn. Cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những vùng đá vôi đặc biệt của cả nước, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển của vỏ trái đất. Nơi đâycó sự đa dạng địa chất cao cùng với sự thay đổi của khí hậu nên quá trình tiến hóa karst đã tạo ra các “vườn đá”, “rừng đá” rất đa dạng và phong phú, như: vườn đá Khâu Vai (Mèo Vạc), vườn đá Lũng Pù (Mèo Vạc), vườn đá Vần Chải (Đồng Văn)... Cao nguyên đá Đồng Văn chứa đựng những giá trị văn hoá truyền thống của cộng đồng 17 dân tộc thiểu số, như: Mông, Dao, Lô Lô, Tày, Nùng… cùng với các phong tục tập quán, các lễ hội đặc sắc của đồng bào dân tộc đã làm say đắm lòng bao du khách.
Kể từ khi được công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu, Cao nguyên đá Đồng Văn đã có bước chuyển mới về du lịch khi lượng khách tìm đến đây tăng khoảng 20% mỗi năm, với lượng khách trung bình là 300.000 người/năm.
Bên cạnh 2 công viên địa chất đã được công nhận, hiện tại, Việt Nam đã bước đầu xây dựng hệ thống Công viên địa chất tại một số địa phương khác, bao gồm: Quảng Ngãi, Bắc Cạn, Phú Yên, Đắk Nông và Gia Lai./.
Minh Duyên (tổng hợp)