Cử tri Hà Lan bắt đầu đi bỏ phiếu

Hà Nội (TTXVN 6/6/2024) Ngày 6/6, cuộc bỏ phiếu bầu Nghị viện châu Âu (EP) năm 2024 chính thức bắt đầu tại Hà Lan.

 

Cử tri bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu tại điểm bầu cử ở Baarle-Nassau, Hà Lan, ngày 6/6/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Hà Lan là quốc gia đầu tiên tiến hành bỏ phiếu trong cuộc bầu cử sẽ diễn ra 4 ngày trên toàn Liên minh châu Âu (EU). Trong cuộc bầu cử năm nay, các đảng theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu được dự đoán sẽ trỗi dậy mạnh mẽ trên toàn EU.

Khoảng 370 triệu cử tri từ 27 quốc gia thành viên EU dự kiến đi bỏ phiếu để bầu chọn 720 nghị sĩ cho nhiệm kỳ 5 năm mới của EP, vào thời điểm khối liên minh này đang đối mặt với tình trạng bất ổn địa chính trị sâu sắc. Phần lớn các quốc gia, trong đó có Pháp và Đức, sẽ tiến hành bỏ phiếu từ ngày 9/6. Tuy nhiên, cuộc chạy đua mở màn diễn ra ở Hà Lan sẽ mang lại cái nhìn thoáng qua về sức mạnh của các đảng cực hữu đang ngày càng chiếm ưu thế.

Đảng Tự do (PVV) cầm quyền theo đường lối cực hữu tại Hà Lan được dự đoán sẽ dẫn đầu các cuộc bỏ phiếu tại Hà Lan. Mặc dù đã từ bỏ cam kết tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về việc Hà Lan rời khỏi EU, nhưng PVV vẫn duy trì quan điểm hoài nghi đối với khối này.

Hà Lan chỉ là một trong danh sách dài các quốc gia mà các đảng theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu khác có quan điểm hoài nghi với EU được dự báo sẽ dẫn đầu trong cuộc bầu cử EP. Các cuộc thăm dò cho thấy phe cực hữu có thể giành được khoảng 25% trong số 720 ghế của EP mới - đủ để tác động đến một loạt chính sách của EU đối với các vấn đề “nóng” như biến đổi khí hậu, các mối quan hệ quốc tế, hỗ trợ cho Ukraine hay thích ứng với các đổi mới công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI).

Kết quả bầu cử EP cũng sẽ có khả năng có khả năng ảnh hưởng đến việc phân bổ các vị trí hàng đầu trong khối, chẳng hạn như vai trò lãnh đạo Ủy ban châu Âu (EC). Chủ tịch EC đương nhiệm Ursula von der Leyen - thành viên của đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Đức - đang tìm kiếm nhiệm kỳ thứ hai, dù điều này được đánh giá là khó khăn trong bối cảnh các đảng cực hữu ngày càng  trỗi dậy mạnh mẽ.

Ở một số quốc gia thuộc EU, bầu cử được coi là cơ hội để cử tri truyền tải thông điệp tới chính phủ của họ về nhiều vấn đề khác nhau, từ chi phí sinh hoạt đến các vấn đề về luật pháp và an ninh, trật tự. Mặc dù tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trước đây khá thấp, tuy nhiên các cuộc thăm dò gần đây cho thấy mức độ tham gia đã tăng lên 50,7% và chiều hướng này vẫn đang tiếp tục./.

Linh Tô