Củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống Việt Nam-Mông Cổ

Hà Nội (TTXVN 19/11/2013)

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng thống Mông Cổ Tsakhiagin Elbegdorja (Sa-khia-ghin Ên-bếc-đóc-giơ) sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 21-24/11/2013. 

Mông Cổ thuộc vùng Trung Á, phần lớn lãnh thổ là thảo nguyên, đồng cỏ và đồi núi. Kinh tế của Mông Cổ chủ yếu dựa vào ngành khai khoáng và chăn nuôi. Mông Cổ là một trong 10 quốc gia có nguồn khoáng sản giàu nhất thế giới và ngành công nghiệp chính là khai thác khoáng sản. Từ năm 1990, Mông Cổ chuyển sang kinh tế thị trường, thành phần kinh tế tư nhân chiếm trên 70% GDP. Tốc độ tăng trưởng kinh tế những năm gần đây luôn duy trì ở 2 con số, thu nhập bình quân đầu người năm 2012 là 3.575 USD. Hiện tại, Mông Cổ có quan hệ thương mại với 120 nước và vùng lãnh thổ.

Trong những năm Việt Nam kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Mông Cổ là một trong những nước có phong trào ủng hộ Việt Nam mạnh mẽ và sâu rộng nhất. Tháng 7/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ nước ta lần đầu tiên thăm Mông Cổ. Tiếp đó là chuyến thăm của đồng chí Phạm Văn Đồng vào năm 1973; đồng chí Trường Chinh vào năm 1984 dẫn đầu các đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước và Chính phủ ta thăm Mông Cổ. Năm 1959 và năm 1979, các đồng chí Iu.Xê-đen-ban và Gi.Bat-mơn-khơ với tư cách là người đứng đầu Đảng và Nhà nước Mông Cổ đã lần lượt dẫn đầu các đoàn Mông Cổ sang thăm Việt Nam.

Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Mông Cổ Tsakhiagin Elbegdorja diễn ra trong bối cảnh hai nước đang chuẩn bị kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (17/11/1954-17/11/2014). Mông Cổ khẳng định coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam, coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Trong thời gian qua, các chuyến thăm và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước tiếp tục được duy trì; giao lưu giữa các bộ, ngành diễn ra thường xuyên; hợp tác trong lĩnh vực an ninh-quốc phòng có một số tiến triển mới.

Hiệp định thương mại đầu tiên giữa hai nước được ký vào năm 1958. Tháng 12/2012, Việt Nam và Mông Cổ đã chính thức công nhận lẫn nhau có Quy chế kinh tế thị trường đầy đủ. Hai bên duy trì cơ chế Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Mông Cổ, phiên thứ 15 vừa được tổ chức tháng 3/2013 tại Hà Nội. Hợp tác thương mại song phương duy trì ở mức thấp, kim ngạch hai chiều năm 2012 đạt 16,3 triệu USD (giảm 2,5 triệu USD so với năm 2011). 

Hợp tác giáo dục, văn hóa và khoa học được thực hiện từ những năm 1960. Hai bên hợp tác theo Hiệp định ký giữa hai Chính phủ. Tính đến năm 1990, Mông Cổ đã đào tạo cho Việt Nam trên 100 cán bộ khoa học kỹ thuật bậc đại học và trên đại học. Hai bên đã ký Hiệp định về hợp tác giáo dục giai đoạn 2013 -2016, theo đó hàng năm Việt Nam nhận đào tạo 15 sinh viên Mông Cổ và Mông Cổ đào tạo 5 sinh viên Việt Nam. Hiện tại, có khoảng 20 sinh viên Việt Nam học tập tại Mông Cổ và trên 50 sinh viên Mông Cổ đang học tập tại Việt Nam. Hai nước cũng đã có sự hợp tác tốt tại các diễn đàn của Liên hợp quốc.

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mông Cổ Tsakhiagin Elbegdorja là nhằm củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa hai nước; thúc đẩy hợp tác quốc phòng-an ninh, kinh tế, thương mại, nông nghiệp, môi trường, văn hóa, giáo dục; đồng thời triển khai chính sách đối ngoại của Mông Cổ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mở rộng quan hệ với các nước ASEAN./.

Nguyễn Hồng Điệp