Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968

Từ đêm ngày 30 và 31/1/1968, quân và dân miền Nam đồng loạt tiến công và nổi dậy trên toàn miền; đồng loạt tiến công địch ở 4/6 thành phố, 37/42 thị xã, hàng trăm thị trấn, quận lỵ; đánh vào hầu hết các cơ quan đầu não trung ương, địa phương của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn, bao vây cả 4 bộ tư lệnh quân khu - quân đoàn, 8 bộ tư lệnh sư đoàn, 2 bộ tư lệnh biệt khu ngụy, 2 bộ tư lệnh dã chiến Mỹ, 30 sân bay và nhiều tổng kho lớn. Trong đó, có những trận gây chấn động lớn, như: trận đánh Tòa đại sứ Mỹ, Dinh Độc lập, Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn và 25 ngày đêm làm chủ thành phố Huế... Đồng thời, nhân dân ở hầu khắp các vùng nông thôn được sự giúp sức của các lực lượng vũ trang đã nổi dậy, phá tan từng mảng hệ thống kìm kẹp của chính quyền Sài Gòn ở thôn xã, giành thắng lợi oanh liệt cả về tiêu diệt sinh lực địch và giành quyền làm chủ.

Với cuộc tổng tiến công chiến lược này, quân và dân Việt Nam đã giáng một đòn quyết định vào chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc đế quốc Mỹ dù rất ngoan cố nhưng đã bắt đầu quá trình xuống thang chiến tranh, phải chuyển hướng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, rút dần quân Mỹ về nước, chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc, cử người đàm phán với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở hội nghị Paris và chấp nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam là một bên đàm phán tại hội nghị. Quân và dân Việt Nam có điều kiện mở ra trận tiến công mới về ngoại giao, mở ra cục diện “vừa đánh vừa đàm” thật sự kết hợp chặt chẽ đấu tranh quân sự - chính trị - ngoại giao để đánh thắng kẻ địch có tiềm lực quân sự mạnh.

Quân Giải phóng truy kích địch tại Khe Sanh (1968)
Quân Giải phóng hành quân tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968
Quân Giải phóng tấn công căn cứ Đồng Dù (Đông Nam Bộ)
Quân Giải phóng tấn công Sài Gòn (1968)
Quân Giải phóng tấn công căn cứ Khe Sanh (1968)
Lính Mỹ bị thương trên chiến trường miền Nam
Lính Mỹ hoảng loạn rút chạy trên cầu Tràng Tiền, Huế (1968)