Dai dẳng xung đột Israel-Hamas

Hà Nội (TTXVN 25/1/2024) Cuộc xung đột bùng phát hôm 7/10/2023 giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas đã khiến cho tình hình lương thực tại Dải Gaza lún sâu vào thảm họa khi nguy cơ xảy ra nạn đói đang gia tăng từng ngày. Trong khi đó, cộng đồng quốc tế vẫn đang “đau đầu” tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng dai dẳng này.

Các xe tải chở hàng viện trợ tiến vào Dải Gaza qua cửa khẩu Rafah ngày 17/1/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) ngày 23/1/2024 công bố kết quả nghiên cứu từ ngày 24/11 - 7/12/2023 cho thấy, toàn bộ 2,2 triệu người sống tại Dải Gaza đang rơi vào khủng hoảng, mất an ninh lương thực trầm trọng hoặc tồi tệ hơn. Theo WFP, tình hình tại Gaza ngày càng “thảm khốc” với nguy cơ nạn đói “đang rình rập”. Hơn 500.000 người tại Gaza đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng và nguy cơ xảy ra nạn đói gia tăng từng ngày, trong bối cảnh hoạt động viện trợ thực phẩm cho những người đang có nhu cầu bị hạn chế do xung đột giữa Israel và Hamas.

Hoạt động viện trợ cho Gaza bị hạn chế kể từ khi xung đột giữa Hamas-Israel nổ ra ngày 7/10/2023. WFP cho biết từ đầu năm đến nay, hơn 730 xe tải chở hơn 13.000 tấn thực phẩm đã đi vào Gaza. Chuyến hàng viện trợ gần đây tới khu vực này được thực hiện vào khoảng thời gian ngày 11 - 13/1/2024 vừa qua, mang theo 200 tấn thực phẩm dành cho 15.000 người nhưng lượng thực phẩm này rất ít so với nhu cầu thực tế. Theo WFP, chính quyền Israel từ chối đề nghị của cơ quan này được tiếp cận miền Bắc Gaza để phân phát hàng viện trợ và điều này gây cản trở không nhỏ đến hoạt động nhân đạo tại đây. Trước đó, Israel phủ nhận việc ngăn cản hàng viện trợ cho Gaza.

Giữa bối cảnh Israel tiếp tục chiến dịch quân sự quy mô lớn ở Gaza, số người thương vong tăng lên mỗi ngày, bất ổn đang lan rộng và cộng đồng quốc tế khẩn thiết kêu gọi các bên liên quan đạt được một lệnh ngừng bắn ngay lập tức.

Cũng trong ngày 23/1, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã nhóm họp để thảo luận về cuộc khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng ở Dải Gaza cũng như toàn bộ khu vực Trung Đông. Tại cuộc họp, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres tái khẳng định giải pháp hai nhà nước là lối thoát duy nhất cho khủng hoảng, đồng thời kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức và trả tự do vô điều kiện cho các con tin. Ông Guterres hối thúc cộng đồng quốc tế đoàn kết để thúc đẩy một tiến trình hòa bình có ý nghĩa ở khu vực này.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) khẳng định Israel không được phép đơn phương ngăn chặn việc thành lập một nhà nước Palestine sau xung đột tại Gaza. EU hôm 21/1 đã soạn thảo một kế hoạch 10 điểm cho một giải pháp toàn diện, đáng tin cậy về cuộc xung đột Hamas-Israel. Kế hoạch của EU vạch ra một loạt bước đi mà cuối cùng có thể mang lại hòa bình cho Dải Gaza, thành lập một nhà nước Palestine độc lập, bình thường hóa quan hệ giữa Israel và thế giới Arab, đồng thời đảm bảo an ninh lâu dài trong khu vực. Một yếu tố quan trọng trong lộ trình hòa bình mới của EU là “hội nghị hòa bình trù bị” có sự tham gia của EU, Mỹ, Ai Cập, Jordan, Saudi Arabia, Liên đoàn Arab và LHQ.

Về phía Israel, người phát ngôn của chính phủ nước này Eylon Levy ngày 23/1 khẳng định, Israel sẽ không chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn với phong trào Hồi giáo Hamas, trong đó để các con tin ở lại Gaza hoặc Hamas nắm quyền ở dải đất này. Ông Levy xác nhận những nỗ lực đang được tiến hành để giải thoát các con tin. Trước đó, tờ Axios hôm 22/1 đưa tin Israel đề xuất tạm dừng chiến dịch quân sự của nước này ở Dải Gaza trong 2 tháng để đổi lấy việc Hamas trả tự do cho những con tin hiện vẫn bị giam giữ tại đây. Israel đã gửi đề xuất thông qua hai nước trung gian hòa giải là Qatar và Ai Cập.

Binh sĩ Israel được triển khai tại khu vực biên giới với Dải Gaza, ngày 21/1/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Theo các nội dung trong đề xuất, Israel đồng ý tạm dừng chiến dịch quân sự trong 60 ngày để đổi lấy việc Hamas trả tự do cho 136 con tin còn lại. Quá trình này sẽ được tiến hành theo từng giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu tiên sẽ thả các con tin là trẻ em, phụ nữ và nam giới trên 60 tuổi cùng những người trong tình trạng sức khỏe nguy kịch. Các giai đoạn tiếp theo sẽ bao gồm thả các binh sĩ nữ và dân thường nam giới dưới 60 tuổi, tiếp đến là binh sĩ nam và trao trả thi thể của các con tin đã thiệt mạng. Ngoài ra, đề xuất của Israel cũng bao gồm việc rút các lực lượng của nước này ra khỏi các khu vực dân cư chính ở Dải Gaza và dần đưa người Palestine trở lại khu vực phía Bắc của vùng lãnh thổ này, nơi họ đã buộc phải di dời theo yêu cầu trước đó của Israel. Tuy nhiên, Israel sẽ không chấm dứt hoàn toàn cuộc xung đột hiện nay cũng như không trả tự do cho toàn bộ 6.000 tù nhân người Palestine. Mặc dù vậy, theo Axios, giới chức Israel nói rằng họ sẵn sàng trả tự do một số lượng đáng kể trong số tù nhân nói trên. Nếu đề xuất này được thực hiện, quy mô các hoạt động quân sự của Israel ở Gaza sẽ thu hẹp đáng kể.

Tuy nhiên, báo Times of Israel ngày 23/1 đưa tin lực lượng Hamas đã bác bỏ đề xuất của Israel về lệnh ngừng bắn kéo dài 2 tháng để trao đổi con tin Israel lấy các tù nhân Palestine. Tờ báo cũng dẫn lời một quan chức cấp cao của Ai Cập cho biết các thủ lĩnh Hamas cũng đã từ chối rời Gaza và đang yêu cầu Israel rút hoàn toàn khỏi khu vực này để người Palestine được trở về nhà./.

Minh Trà (tổng hợp)