Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII: Tiếp tục phát huy vai trò là người đại diện tin cậy của người lao động

Từ ngày 24 đến 26/9/2018, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII đã được tổ chức tại Hà Nội. Dự Đại hội có 947 đại biểu, đại diện cho hơn 10 triệu đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động cả nước và 7 đoàn đại biểu quốc tế.

Đại hội vinh dự được đón các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

* Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo đặc biệt tới giai cấp công nhân và người lao động

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt tới giai cấp công nhân và người lao động. Đồng thời, Tổng Bí thư chỉ rõ: “Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, chúng ta tiếp tục kiên định quan điểm giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sự lớn mạnh của giai cấp công nhân là một điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, việc xây dựng giai cấp công nhân nước ta lớn mạnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của Ðảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, của mỗi người công nhân và toàn xã hội, trong đó tổ chức công đoàn có vai trò, trách nhiệm to lớn”.

Tổng Bí thư đề nghị tổ chức Công đoàn các cấp cần thường xuyên quan tâm chăm lo lợi ích chính đáng của đoàn viên và thực hiện tốt hơn nữa vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động, coi đây là điểm then chốt để thu hút đông đảo người lao động tự nguyện tham gia công đoàn, luôn ủng hộ, gắn bó và tin tưởng vào tổ chức công đoàn. Các cấp Công đoàn tập trung các nguồn lực, đổi mới hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động theo hướng phát triển các chương trình xuyên suốt toàn hệ thống gắn với các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội của Công đoàn phục vụ trực tiếp và đúng đối tượng, thực hiện đồng bộ giữa trách nhiệm và thụ hưởng, lấy lợi ích là một trong những động lực quan trọng tập hợp, thu hút người lao động đến với tổ chức công đoàn. Chú trọng bảo vệ các chế độ, chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, an toàn vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe và môi trường lao động cho công nhân. Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể. Chủ động tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Đẩy mạnh chương trình phúc lợi đoàn viên Công đoàn để cụ thể hóa việc thực hiện lợi ích vật chất, lợi ích tinh thần, lợi ích chính trị mà tổ chức công đoàn mang lại cho người lao động, nhất là các vấn đề về việc làm, nhà ở, nhà trẻ, giá điện, nước, chăm sóc sức khỏe... Chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, cấp bách của giai cấp công nhân. Các cấp Công đoàn tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức, phương thức và hiệu quả hoạt động Công đoàn cho phù hợp với tình hình mới, yêu cầu mới, thích ứng với tình hình thực tế nước ta đã và đang tiến hành công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế nhiều thành phần, đẩy mạnh CNH, HĐH, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.

Tổng Bí thư đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp cần quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với việc chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục và phát huy vai trò, tiềm năng của giai cấp công nhân Việt Nam. Tập trung thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về giai cấp công nhân được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X. Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và sự nỗ lực vươn lên của bản thân mỗi công nhân, sự tham gia đóng góp tích cực của người sử dụng lao động; trong đó, sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước có vai trò quyết định, Công đoàn có vai trò quan trọng trực tiếp trong chăm lo xây dựng giai cấp công nhân. Nhà nước quan tâm sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... để bảo đảm quyền lợi, nâng cao đời sống của công nhân, người lao động. Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh phải gắn liền với xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng tổ chức công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong giai cấp công nhân vững mạnh.

* Chính phủ lắng nghe hiến kế của công đoàn viên và các tổ chức Công đoàn

Trong khuôn khổ Đại hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì “Diễn đàn Thủ tướng gặp gỡ với các đại biểu dự Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII”, với chủ đề “Công đoàn Việt Nam đồng hành cùng Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”.

Thủ tướng đã nêu một số câu hỏi và vấn đề để các đại biểu cùng suy nghĩ, trao đổi, thảo luận: Đó là nhìn nhận của đại biểu về thời cơ và thách thức đối với nước ta trong 5 đến 10 năm tới? nhận xét về công tác điều hành của Chính phủ trong thời gian qua và hiến kế cho Chính phủ để công tác điều hành đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới? Nhìn nhận của các đại biểu về năng suất lao động ở nước ta hiện nay và các giải pháp nâng cao năng suất lao động xét từ giác độ người lao động.

Tại buổi gặp gỡ, các cán bộ công đoàn đã trả lời những câu hỏi gợi ý của Thủ tướng, đồng thời đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất đối với Thủ tướng về vấn đề nhà ở cho công nhân lao động, các chính sách đào tạo nghề cho lao động nhằm hội nhập kinh tế quốc tế trong thời kỳ cách mạng 4.0…

Phát biểu kết thúc diễn đàn, Thủ tướng đánh giá cao những câu hỏi và nội dung trả lời của các đại biểu. Ghi nhận những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, trí tuệ, bám sát chủ đề, với nhiều hiến kế rất có ý nghĩa của các đại biểu. Những ý kiến này sẽ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trân trọng, tiếp thu tối đa để tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật và lưu ý trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ hết sức chia sẻ với những khó khăn của một bộ phận công nhân, viên chức, lao động. Chính phủ đã, đang và sẽ nỗ lực hết sức mình, quyết tâm vượt qua khó khăn, phát huy vai trò người đảng viên, đoàn viên công đoàn cách mạng, tinh thần, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, mang lại cuộc sống ngày càng no đủ, sung túc cho người dân, trong đó có anh chị em công nhân, viên chức.

"Tôi đề nghị các đồng chí đưa chủ đề Công đoàn Việt Nam đồng hành với chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển bền vững đất nước thành một chương trình hoạt động của công đoàn. Đây cũng là một yêu cầu, đòi hỏi, đặt hàng của Chính phủ đối với các đồng chí. Đề nghị các Bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương cần quan tâm để làm tốt hơn nữa trong việc chăm lo đời sống vật chất tinh thần và đảm bảo an toàn cho người lao động, công nhân Việt Nam", Thủ tướng nêu rõ.

* Thông qua Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII

Đại hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII. Trong đó, mục tiêu tổng quát nhiệm kỳ 2018-2023 là: Nâng cao hiệu quả đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên và người lao động, vì việc làm bền vững, đời sống ngày càng cao. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, tinh thần yêu nước, hiểu biết pháp luật, trách nhiệm cao, tay nghề giỏi, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh. Hoàn thiện mô hình tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn bản lĩnh, trí tuệ, chuyên nghiệp; tập hợp, thu hút đông đảo người lao động vào tổ chức Công đoàn Việt Nam; xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh. Tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nghị quyết đã đề ra chín chỉ tiêu phấn đấu. Trong đó, đáng chú ý là các chỉ tiêu: đến năm 2023, kết nạp hai triệu đoàn viên; thành lập tổ chức cơ sở công đoàn ở 100% doanh nghiệp có 25 công nhân lao động trở lên; phấn đấu các doanh nghiệp có 10 lao động trở lên có tổ chức công đoàn. Hằng năm, bình quân mỗi công đoàn cơ sở giới thiệu được ít nhất một đoàn viên công đoàn ưu tú cho Đảng xem xét, bồi dưỡng kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam; 80% trở lên công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đạt loại tốt; 80% trở lên công đoàn cơ sở khu vực nhà nước, 55% trở lên công đoàn cơ sở ngoài khu vực nhà nước đạt vững mạnh. Triển khai đầu tư xây dựng tối thiểu 50 thiết chế của tổ chức Công đoàn gồm nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, tư vấn pháp luật... tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Nghị quyết cũng chỉ rõ ba khâu đột phá: Đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động; chăm lo lợi ích đoàn viên, đại diện, bảo vệ người lao động; Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; Xây dựng nguồn lực công đoàn đủ mạnh, đẩy mạnh công tác truyền thông công đoàn đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.

* Đại hội đã thông qua Điều lệ Công đoàn Việt Nam sửa đổi, bổ sung

Điều lệ Công đoàn Việt Nam sửa đổi, bảo đảm nguyên tắc các nội dung, quy định đã ổn định, khắc phục được những bất cập, tồn tại và phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Nhiều điều, khoản được sắp xếp lại, bảo đảm tính chặt chẽ, khoa học. Trong đó, có một số điểm mới, như: bổ sung bài hát “Hãy hát lên bài ca Công đoàn” của nhạc sĩ Lê Tú Anh làm bài hát truyền thống của tổ chức Công đoàn Việt Nam; mở rộng đối tượng kết nạp đoàn viên công đoàn, khuyến khích người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, người lao động hợp pháp tại Việt Nam tham gia các hình thức tập hợp của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Đoàn viên được cấp thẻ và hưởng ưu đãi khi sử dụng dịch vụ từ các thiết chế công đoàn, các hình thức liên kết, hợp tác khác của Công đoàn.

Tại Đại hội, đã bầu 161 đồng chí vào Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam khóa XII (nhiệm kỳ 2018-2023).

Tại Hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành khóa XII (nhiệm kỳ 2018-2023) đã bầu 22 đồng chí vào Đoàn Chủ tịch. Đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng được bầu lại làm Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (nhiệm kỳ 2018-2023); các đồng chí: Trần Thanh Hải, Trần Văn Thuật, Ngọ Duy Hiểu, Phan Văn Anh được bầu làm Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Bầu 16 đồng chí vào Ủy ban Kiểm tra, đồng chí Tạ Văn Đồng được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (nhiệm kỳ 2018-2023).

Đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng được bầu lại làm Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (nhiệm kỳ 2018-2023)./.

Gia Khánh (tổng hợp)