Đại tướng Chu Huy Mân - Người Chính ủy mẫu mực
Thượng tướng, TRỊNH VĂN QUYẾT
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
Ủy viên Quân ủy Trung ương,
Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam
(Bài viết tháng 3/2023)
Đại tướng Chu Huy Mân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Phó Chủ tịch nước), nguyên Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, là nhà lãnh đạo xuất sắc, danh tướng văn, võ song toàn. Nói theo cách nói của người xưa, ông là “người văn hay, vũ dũng”, được cán bộ, chiến sĩ trìu mến gọi là vị tướng “Hai Mạnh”. Trải qua hơn 75 năm hoạt động cách mạng, dù ở cương vị nào, Đại tướng cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là người cộng sản kiên cường, bất khuất, một vị tướng mưu lược, quyết đoán luôn đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết; người Chính ủy mẫu mực của Quân đội nhân dân Việt Nam. Phẩm chất người chính ủy mẫu mực trong con người của Đại tướng được thể hiện trên một số nội dung chủ yếu sau:
Người cộng sản kiên cường, bất khuất, tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao
Đại tướng Chu Huy Mân, tên khai sinh là Chu Văn Điều, sinh ngày 17/3/1913 trong một gia đình nông dân yêu nước của vùng đất Xứ Nghệ - “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống cách mạng. Được ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường, đồng chí sớm giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng khi mới 16 tuổi, thuộc lớp cán bộ, đảng viên đầu tiên sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, đồng chí trải qua nhiều cương vị công tác, từ Đội phó Đội Tự vệ đỏ trong cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh, Tỉnh ủy viên Quảng Nam, rồi vào quân đội giữ chức Chính trị viên chi đội (tỉnh đội), Trung đoàn trưởng, Chính ủy Trung đoàn, Chính ủy Đại đoàn, Trưởng Đoàn Cố vấn quân sự Việt Nam tại Lào; Chính ủy Quân khu Tây Bắc, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 4, Mặt trận Tây Nguyên, Quân khu 5, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước… Ở bất cứ cương vị nào, đồng chí cũng luôn kiên định với mục tiêu lý, tưởng của Đảng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ và hiểm nguy, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Tham gia cách mạng khi còn rất trẻ, song đồng chí Chu Huy Mân sớm xác định tinh thần và quyết tâm sẵn sàng đối diện với những khó khăn, thử thách. Trong buổi Lễ kết nạp Đảng, đồng chí tuyên thệ: “Tôi, Chu Văn Điều[1] xin thề trước cờ Đảng nguyện chiến đấu trọn đời cho Đảng, cho cách mạng, nếu bị bắt bớ, cực hình tra tấn quyết không cung khai, dù phải chịu tù đày quyết không nản chí, vào sống ra chết quyết không sờn lòng”[2]. Trong những năm tháng hoạt động tại quê nhà và khoảng thời gian bị tù đày trong lao tù của đế quốc, thực hiện lời thề trước Đảng, bằng ý chí và niềm tin tất thắng vào sự nghiệp cách mạng, đồng chí đã nêu cao tấm gương của người cộng sản trước đòn roi tra tấn tàn bạo của kẻ thù. Tinh thần yêu nước, lòng tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và sức mạnh của quần chúng là động lực mạnh mẽ giúp đồng chí vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, được giao đảm nhiệm các nhiệm vụ Chính ủy, Trung đoàn trưởng, rồi Chính ủy Đại đoàn…, đồng chí đã lãnh đạo, chỉ huy đơn vị vượt qua mọi khó khăn, tham gia nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch, góp phần đưa kháng chiến đến thắng lợi. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí lần lượt đảm nhiệm các cương vị Phó Bí thư Khu ủy, Chính ủy Quân khu ủy Khu 5, Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Mặt trận Tây Nguyên, Phó Bí thư Quân khu ủy - Tư lệnh Quân khu 5… Với bản lĩnh, tài năng và những kiến thức được trang bị, đồng chí đã vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân, nghệ thuật quân sự của Đảng vào giải quyết những vấn đề thực tiễn chiến trường đặt ra, đề cao ý thức xây dựng bản lĩnh chính trị, củng cố niềm tin và ý chí quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược cho các lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân. Đồng chí đã cùng với tập thể Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân ta trên chiến trường Khu 5 và Mặt trận Tây Nguyên lập nhiều chiến công vang dội tại An Lão, Núi Thành, Vạn Tường, Plâyme, Sa Thầy, Đà Nẵng… góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Sau khi đất nước thống nhất, đồng chí được giao đảm nhiệm trọng trách cao trong Đảng, Nhà nước và Quân đội, với tư duy nhạy bén và sắc sảo của một vị tướng tài năng, cùng những kinh nghiệm được tích lũy trong những năm tháng đấu tranh ác liệt, gian khổ, đồng chí đã đề xuất với Đảng, Nhà nước nhiều giải pháp quan trọng về thực hiện nhiệm vụ chính trị, quân sự, quốc phòng mang tầm chiến lược, đặc biệt là vấn đề xây dựng Đảng, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ chính trị, cán bộ chỉ huy binh chủng hợp thành cấp chiến dịch, chiến lược. Đồng chí luôn quan tâm đến xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, “xứng đáng là lực lượng trụ cột của quốc phòng toàn dân, là nòng cốt của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc”[3]. Trên cương vị là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng chí đặc biệt quan tâm công tác giáo dục bộ đội, trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên, giúp họ thấu suốt đường lối cách mạng của Đảng, không ngừng phát huy truyền thống, bản chất của một Quân đội anh hùng, để Quân đội nhân dân Việt Nam mãi mãi là công cụ bạo lực sắc bén, vững chắc, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết từng nhận xét: Anh thực sự là một tướng quân hùng mạnh - mạnh về tinh thần và thể chất, mạnh về ý chí và nghị lực cách mạng, mạnh ở lòng trung thành và tận tâm, mạnh ở đức hy sinh và xả thân, mạnh ở khí phách bất khuất kiên cường trước những thử thách: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”[4].
Người chính ủy có tác phong lãnh đạo, chỉ huy mẫu mực, sâu sát thực tiễn, hết lòng yêu thương cán bộ, chiến sĩ
Trưởng thành từ trong phong trào cách mạng, trong suốt cuộc đời hoạt động, trải qua nhiều địa bàn, nhiều cơ quan, đơn vị, nhiều vị trí lãnh đạo, chỉ huy, ở bất kỳ thời điểm nào, cương vị nào, đồng chí cũng thể hiện là một người chính ủy có tác phong mẫu mực, kết hợp nhuần nhuyễn nhãn quan chính trị sâu rộng với kiến thức thực tiễn sâu sắc của một nhà chính trị, quân sự tài ba, sâu sát đơn vị, cơ sở; sâu sát chiến sĩ và nhân dân. Đặc biệt, đồng chí là một vị lãnh đạo, chỉ huy luôn hết lòng yêu thương cán bộ, chiến sĩ.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí đảm nhiệm các cương vị Trung đoàn trưởng, Bí thư Đảng ủy Trung đoàn 72; 74; Chính ủy Trung đoàn 174; Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Đại đoàn 316. Với tác phong của một người lãnh đạo, chỉ huy sâu sát thực tiễn, đồng chí Chu Huy Mân đã cùng với các đồng chí trong Đảng ủy, Chỉ huy các trung đoàn, Đại đoàn đề ra những chủ trương, biện pháp lãnh đạo các đơn vị vượt qua mọi khó khăn, góp phần xây dựng đơn vị ngày càng trưởng thành, đánh địch hiệu quả. Và cũng chính từ phong cách, tác phong ấy, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí Chu Huy Mân đã cùng với đồng chí Đại đoàn trưởng Lê Quảng Ba lãnh đạo, chỉ huy Đại đoàn 316 vượt qua mọi khó khăn, gian khổ của địa hình, thời tiết, nêu cao ý chí quyết tâm đánh địch, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Bộ Chỉ huy chiến dịch giao phó, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lững lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí được giao đảm nhiệm cương vị Đoàn trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Đoàn Cố vấn quân sự 100. Quán triệt sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Giúp nhân dân nước bạn là tự giúp mình”, cùng sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, với tài mưu lược, tính quyết đoán và tác phong sâu sát thực tiễn, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đồng chí cũng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, mang hết tâm sức, tài năng và trí tuệ của mình để lãnh đạo, chỉ đạo Đoàn Cố vấn quân sự 100 thực hiện xuất sắc nhiệm vụ quốc tế tại Lào, giúp quân đội Pathét Lào phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ mới của cách mạng Lào.
Là người chính ủy có tác phong lãnh đạo, chỉ huy mẫu mực, trong quan hệ nội bộ, trong cách làm việc, đồng chí là người rất tôn trọng tập thể và các nguyên tắc sinh hoạt tập thể. Trong ứng xử, đồng chí luôn tôn trọng mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới, giữa cấp trưởng và cấp phó. Đồng chí cho rằng, mỗi người khi làm việc thì đều có thể có sai, có thể đúng, miễn là góp ý cho nhau để cùng khắc phục khuyết điểm, cùng tiến bộ với tình yêu thương chân thành, không định kiến, cá nhân hẹp hòi.
Bằng tấm lòng yêu thương cán bộ, chiến sĩ, khi đảm nhiệm các cương vị lãnh đạo, chỉ huy trên khắp các chiến trường, đồng chí luôn nhắc nhở: Xương máu của chiến sĩ là vốn quý của dân tộc, của quân đội và của mỗi gia đình chiến sĩ, vì vậy để bộ đội tổn thất là một trách nhiệm lớn của người chỉ huy. Chúng ta đều có trách nhiệm, đều phải rút kinh nghiệm để không được khinh xuất, bảo đảm thắng lợi trong mọi trận đánh với mức thương vong thấp nhất. Đồng chí thường xuyên nhắc nhở cán bộ: Ta đánh để lấy miếng chứ tuyệt đối không đánh để lấy tiếng, đánh thắng mà bộ đội thương vong cao thì ta nghĩ gì về xương máu của bộ đội… Trong cuộc sống thường ngày, đồng chí luôn dành cho cán bộ, chiến sĩ những tình cảm thân thương, trìu mến, luôn đồng cam cộng khổ với cán bộ, chiến sĩ. Đồng chí hiểu tâm tư người lính, quan tâm đến họ như ruột thịt, chia sẻ, cảm thông với những điều kiện sinh hoạt, bảo đảm hậu cần ngay tại căn lều bạt căng dưới gốc cây. Ngay cả khi đảm nhiệm cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, đồng chí cũng luôn gần gũi, giản dị, khiến mọi người khó thấy khoảng cách giữa một vị Đại tướng với người chiến sĩ.
Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã đánh giá: “Trong Quân đội ta có nhiều tướng tài, nhưng người chính ủy mẫu mực và chỉ huy cấp chiến dịch, chiến lược toàn diện thì phải nói đồng chí Chu Huy Mân là một trong số ấy”[5].
Người chính ủy có tư duy nhạy bén, sắc sảo; nhà lý luận sâu sắc của Quân đội
Là một trong những vị tướng khá đặc biệt của Quân đội, bởi vì có nhiều thời điểm đồng chí được giao đảm trách cả hai cương vị, vừa là người lãnh đạo, vừa là người chỉ huy. Trên bất cứ cương vị nào, Đại tướng Chu Huy Mân cũng tỏ rõ khả năng vượt trội với tư duy sắc sảo, nhạy bén, giải quyết tốt những vấn đề của thực tiễn đặt ra, có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ huy đơn vị hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Trong thời gian đảm nhiệm các cương vị Chính ủy- Bí thư Quân khu ủy Tây Bắc, Bí thư Khu ủy Tây Bắc (1958 - 1959), với tư duy nhạy bén, sắc sảo của một người lãnh đạo có tầm chiến lược, đồng chí đã phân tích, chỉ rõ đặc thù của địa bàn Tây Bắc và đặt ra yêu cầu phải đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng ở vùng dân tộc thiểu số. Đồng chí đã cùng với Thường vụ Khu ủy Tây Bắc tổ chức kế hoạch giáo dục, bồi dưỡng, phát triển đảng viên mới; xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, bảo đảm nguyên tắc nhưng cũng rất sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế vùng Tây Bắc, góp phần xây dựng nơi đây thành căn cứ địa vững chắc của cách mạng Việt Nam và phối hợp chặt chẽ với hai tỉnh căn cứ địa cách mạng Lào.
Từ đầu năm 1964 đến kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí Chu Huy Mân tiếp tục được giao đảm nhiệm nhiều trọng trách, như Phó Bí thư Khu ủy, Bí thư Quân khu ủy, Chính ủy Quân khu 5, Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Mặt trận B3 - Tây Nguyên… Vào chiến trường ác liệt Khu 5, đồng chí Chu Huy Mân đã phân tích một cách khoa học đặc điểm nơi đây, khi phong trào cách mạng Khu 5 chưa theo kịp Nam Bộ, lực lượng chủ lực phát triển chưa phù hợp, chưa đủ sức tiêu diệt các đơn vị cơ động chủ lực của địch, chưa thể đánh bại được chiến thuật “thiết xa vận của địch”… Với tư duy sắc sảo, nhạy bén, đồng chí Chu Huy Mân đã đề xuất chủ trương chuyển hướng tổ chức, xây dựng, huấn luyện lực lượng chủ lực tập trung cấp trung đoàn, sư đoàn nhằm giúp quân ta đủ sức đánh tiêu diệt gọn từng đơn vị địch. Để kế hoạch được triển khai một cách hiệu quả, tích cực, đồng chí Chu Huy Mân đã trực tiếp đến Quảng Nam theo dõi, chỉ đạo và giúp đỡ Trung đoàn 1 quyết tâm đánh bại chiến thuật “thiết xa vận” của địch.
Khi đảm nhiệm Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên, đồng chí đã quyết định mở chiến dịch Plây me (19/10 - 26/11/1965) - Chiến dịch tiến công đầu tiên của bộ đội chủ lực Mặt trận Tây Nguyên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Với sự chỉ đạo mưu lược và quyết đoán của đồng chí Chu Huy Mân và Bộ Chỉ huy Chiến dịch, Chiến dịch Plâyme đã giành thắng lợi vẻ vang, tiêu diệt gọn 01 tiểu đoàn và đánh thiệt hại 01 tiểu đoàn quân Mỹ, chứng minh khả năng quân ta hoàn toàn có thể đánh tiêu diệt quân Mỹ khi chúng có ưu thế về lực lượng, trang bị, sức cơ động và để lại nhiều bài học về tác chiến chiến dịch. Chính những quyết định sáng suốt, quyết đoán của đồng chí Chu Huy Mân và tập thể lãnh đạo Khu ủy Khu 5 và Mặt trận Tây Nguyên đã góp phần quan trọng vào việc xác định cách đánh, xây dựng lòng tin, củng cố quyết tâm “dám đánh, biết đánh và biết thắng” cho quân và dân ta.
Sau khi đất nước được giải phóng, đồng chí có gần 10 năm đảm nhiệm cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (1977 - 1986), Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Trưởng ban Kiểm tra Đảng ủy Quân sự Trung ương. Là người phụ trách công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội, đồng chí đã góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu lý luận, nâng cao hiệu quả hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; lãnh đạo xây dựng Tổng cục Chính trị ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Chu Huy Mân là tác giả của nhiều cuốn sách như: “Nâng cao hiệu lực của công tác đảng, công tác chính trị trong các lực lượng vũ trang nhân dân”. “Người Chính ủy Quân đội nhân dân Việt Nam”... và nhiều bài viết quan trọng khác. Đặc biệt, sau một thời gian dài thực hiện chế độ “Phó Chỉ huy về chính trị” thay cho chế độ chính ủy, chính trị viên bộc lộ những bất cập, mặc dù đã được nghỉ theo chế độ, nhưng với trách nhiệm, Đại tướng Chu Huy Mân cùng những cán bộ lão thành cách mạng đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết với lãnh đạo Đảng, Nhà nước hướng tới ban hành Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 20/7/2005 “Về việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam”.
Tấm gương người chính ủy về đạo đức cách mạng, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
Trưởng thành từ một cán bộ ở cơ sở đến một vị Đại tướng dạn dày kinh nghiệm trận mạc, đồng chí Chu Huy Mân luôn thể hiện là một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, là một vị tướng hội tụ đầy đủ các phẩm chất “dũng, nghĩa, lễ, trí, tín”. Trong lần gặp Bác Hồ vào mùa hè năm 1967, được ăn cơm cùng Bác, được biết đồng chí đang là Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên, Bác trìu mến nói: “Chú Mân chịu khó gánh vác hai vai cho khỏe càng tốt” và cái tên “Hai Mạnh” của đồng chí được ra đời từ đó. Đại tướng Chu Huy Mân chưa bao giờ tự cho mình là tấm gương đạo đức, nhưng những phẩm chất cao đẹp, đạo đức, lối sống và phong cách làm việc của đồng chí được mọi người cảm phục, tự giác noi theo.
Trên mọi cương vị, Đại tướng luôn đặt ra yêu cầu muốn chiến thắng chủ nghĩa cá nhân, chiến thắng giặc nội xâm để mỗi cán bộ, đảng viên hướng lòng mình đến “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy thì toàn Đảng, toàn quân và toàn dân phải chung sức đồng lòng, đề cao sự gương mẫu. Đại tướng từng nhắn nhủ, trước hết phải tạo ra được phong trào tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên để đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Tiếp đó là phải xây dựng cho được một đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, luôn đặt mục tiêu phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân lên trên hết, chống quan liêu, độc đoán, chuyên quyền, tham ô, lãng phí…
Trong ký ức của nhiều người, Đại tướng không chỉ là một nhà quân sự, chính trị tài ba, mà còn toát lên tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, hết lòng vì nước, vì dân. Đồng chí sống giản dị, cần kiệm, cởi mở, chan hòa, trung thực, thẳng thắn và gần gũi với mọi ngýời; luôn giữ vững nếp sống cần cù, giản dị, dù đã là một nhà lãnh đạo hàng đầu. Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhận nhận xét: “Anh lớn hơn tôi gần ba con giáp. Xét về mặt tuổi đời, thâm niên tuổi Đảng và quá trình tham gia cách mạng, đối với tôi, anh thuộc vào hàng tiền bối. Thế nhưng những khi tiếp xúc, chẳng bao giờ tôi thấy anh có sự phân biệt về ranh giới tuổi tác và quá trình cống hiến”[6].
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Chu Huy Mân, chúng ta nhớ về người cộng sản kiên cường, bất khuất, trung thành tuyệt đối với lý tưởng cách mạng; hình ảnh người chính ủy mẫu mực với tác phong lãnh đạo, chỉ huy sâu sắc, sát thực tế, hết lòng yêu thương cán bộ, chiến sĩ; một tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với giai đoạn hiện nay, khi đất nước ta đang vững bước trên con đường đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, khi những hạn chế, tiêu cực đang từng bước được đẩy lùi, khi Quân đội ta đang tiến lên xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại[7], tiếp tục là công cụ sắc bén để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ Tổ quốc và nhân dân. Điều đó đặt ra một số yêu cầu, đòi hỏi đội ngũ chính ủy, chính trị viên, đội ngũ cán bộ chính trị trong Quân đội cần nghiêm túc quán triệt và tổ chức thực hiện.
Trước hết, người chính ủy, chính trị viên và mỗi cán bộ chính trị phải luôn nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của mình đối với công việc; phải thường xuyên rèn luyện bản lĩnh chính trị, nhân cách của người cán bộ, đảng viên, người chính ủy, chính trị viên trong Quân đội, tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, của cách mạng, có tinh thần trách nhiệm cao, gắn bó với đơn vị, hết lòng, hết sức phục vụ Quân đội, đơn vị trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Mỗi cán bộ chính trị cần tích cực học tập, nghiên cứu nắm chắc lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, nghị quyết của Đảng; không ngừng học tập, phấn đấu nâng cao trình độ về chính trị, chuyên môn nghiệp vụ ở mọi lúc, mọi nơi; nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý, tham mưu, giảng dạy theo chức trách, nhiệm vụ, đồng thời nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học, khoa học kỹ thuật hiện đại đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư.
Thứ hai, chính ủy, chính trị viên phải là người mẫu mực về đạo đức, lối sống, có tính kỷ luật cao; là trung tâm đoàn kết, có tín nhiệm trong cấp ủy, tổ chức đảng và đơn vị; thể hiện rõ tính đảng, tính nguyên tắc trong thực hiện nhiệm vụ; có tác phong dân chủ, sâu sát thực tế, nói đi đôi với làm... Chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy ở mỗi cấp phải tăng cường đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau, thực sự là chỗ dựa vững chắc, tin cậy và là hạt nhân đoàn kết trong đảng bộ và đơn vị. Cấp ủy các cấp và người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên cấp trên cần thường xuyên giúp đỡ, tạo điều kiện để chính ủy, chính trị viên cấp dưới hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện những biểu hiện mất đoàn kết để có biện pháp khắc phục kịp thời.
Thứ ba, chính ủy, chính trị viên các cấp phải phát huy tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì nhiệm vụ chung của cơ quan, đơn vị. Cùng với đó, chính uỷ, chính trị viên phải có kiến thức, năng lực toàn diện, phải giỏi tiến hành công tác đảng, công tác chính trị, phải có đủ năng lực để làm tròn nhiệm vụ là người chủ trì về chính trị, trực tiếp tổ chức tiến hành công tác đảng, công tác chính trị và tham gia thực hiện các kế hoạch công tác chung của đơn vị. Hơn nữa là năng lực quản lý đơn vị, quản lý bộ đội về mọi mặt. Đó là khả năng quản lý chỉ huy về các mặt hoạt động của đơn vị.
Thứ tư, chính ủy, chính trị viên phải luôn bám sát đơn vị, sâu sát bộ đội, phải có khả năng quan sát, phân tích, tổng hợp, đánh giá tình hình thực tiễn đặt ra; phải có khả năng tuyên truyền, vận động, đoàn kết và tổ chức phong trào hành động cách mạng của quần chúng thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của Quân đội, nhiệm vụ cụ thể của đơn vị. Người chính ủy, chính trị viên phải có năng lực tư duy lý luận, có khả năng tổng kết hoạt động thực tiễn, biết rút ra những kinh nghiệm có ý nghĩa chỉ đạo hoạt động thực tiễn, có khả năng vận dụng lý luận vào hoạt động thực tiễn, chủ động, sáng tạo giải quyết những vấn đề thực tiễn và cuộc sống đặt ra.
Tưởng nhớ công lao và những đóng góp của Đại tướng Chu Huy Mân, vị tướng văn võ song toàn, người Chính ủy mẫu mực của Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng thời quán triệt và thực hiện tốt các yêu cầu trên là việc làm thiết thực hiện nay giúp chính ủy, chính trị viên hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị, nâng cao năng lực sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới./.
[1] Tên khai sinh của Đại tướng Chu Huy Mân.
[2] Đại tướng Chu Huy Mân, Thời sôi động (Hồi ký), Nxb QĐND, H.2004, tr.18-19.
[3] Đại tướng Chu Huy Mân, Mấy vấn đề cơ bản trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, Nxb QĐND, H.1984, tr.165.
[4] Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Đại tướng Chu Huy Mân người con trung hiếu mẫu mực, trung hiếu của nhân dân, Bài viết in trong sách Đại tướng Chu Huy Mân nhà quân sự - chính trị song toàn người cộng sản kiên trung, mẫu mực, Nxb CTQG, H.2013, tr.28.
[5] Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, Đồng chí Chu Huy Mân đảng viên trung thực - Chính ủy mẫu mực chỉ huy toàn diện, Bài viết in trong sách Đại tướng Chu Huy Mân nhà quân sự - chính trị song toàn người cộng sản kiên trung, mẫu mực, Nxb CTQG, H.2013, tr.70.
[6] Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Đại tướng Chu Huy Mân người con trung hiếu mẫu mực, trung hiếu của nhân dân, Bài viết in trong sách Đại tướng Chu Huy Mân nhà quân sự - chính trị song toàn người cộng sản kiên trung, mẫu mực, Nxb CTQG, H.2013, tr.25.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQGST, H.2021, tr.48-49.
Nguồn: Sách "Đại tướng Chu Huy Mân - Nhà chính trị, quân sự xuất sắc của Cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Nghệ An", NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2023
- Từ khóa:
- Chu Huy Mân
- Đại tướng Chu Huy Mân