Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Thiên tài quân sự
Hà Nội (TTXVN 21/8/2021)
Trong tất cả những bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và những chiến dịch quân sự trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; dưới ngọn cờ bách chiến, bách thắng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp phần làm nên những chiến thắng vĩ đại, tác động mạnh mẽ vào dòng chảy lịch sử dân tộc; trở thành vị tướng huyền thoại, thiên tài quân sự thời đại… và nhận được sự ngưỡng mộ, kính trọng của nhiều nguyên thủ quốc gia, chính khách, học giả, nhà sử học, nhà báo, nhà văn và đông đảo nhân dân thế giới.
Là một nhà trí thức lớn yêu nước, sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng cao đẹp, được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp giáo dục, dìu dắt, cùng với sự không ngừng tự học, tu dưỡng vươn cao ngang tầm nhiệm vụ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành vị Đại tướng của nhân dân, Nhà văn hóa lớn của Việt Nam với tài-đức tròn vẹn, văn-võ song toàn; nhạy bén, sáng tạo về thực tiễn; minh mẫn về chính trị; dũng cảm, trí tuệ về quân sự; uyên thâm về sử học, văn hóa nghệ thuật; tinh thông về khoa học công nghệ, giáo dục... Nhưng trên hết, công lao và cống hiến xuất sắc, nổi bật nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với cách mạng Việt Nam chính là trên lĩnh vực quân sự. Ông là một trong những danh tướng tài năng nhất của thế kỷ XX.
* Chuyên gia hàng đầu về đường lối chiến tranh nhân dân
Không chỉ kiên định và quán triệt sâu sắc, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã tiến hành đường lối chiến tranh nhân dân một cách hết sức sáng tạo, sinh động và đầy hiệu quả. Ông coi trọng trước hết việc xây dựng các lực lượng vũ trang phải có các tổ chức Đảng lãnh đạo thật vững mạnh, trong sạch, đảng viên tiên phong, gương mẫu. Quân đội có bản lĩnh chính trị, bản lĩnh chiến đấu cao cường, tinh thông kỹ chiến thuật quân sự, khả năng tác chiến đạt hiệu suất cao. Toàn thể cán bộ, chiến sĩ có lòng yêu nước nồng nàn, trung thành vô hạn với lý tưởng cách mạng cao đẹp, kiên trung bất khuất trước kẻ thù, lạc quan, tin tưởng sắt đá vào thắng lợi; nội bộ dân chủ, kỷ luật, yêu thương gắn bó với nhau như anh em một nhà; yêu thương, giúp đỡ đoàn kết quân dân như cá với nước. Tinh thần “vì nhân dân quên mình” luôn được truyền đạt và thấm sâu đến từng chiến sĩ. Nhờ đó, quân đội không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu, còn làm tốt công tác dân vận, tăng gia sản xuất cải thiện đời sống vật chất, hoạt động văn hóa văn nghệ sôi động, lành mạnh.
Đại tướng kết hợp rất chặt chẽ, khéo léo đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, ngoại giao, tư tưởng, văn hóa; quốc phòng với kinh tế, an ninh… đạt kết quả toàn diện trên cả hai lĩnh vực kháng chiến và kiến quốc. Ở tuyến trước, quân và dân tấn công địch mạnh mẽ với phương châm “hai chân, ba mũi (hai chân quân sự-chính trị song song, ba mũi giáp công đấu tranh vũ trang-đấu tranh chính trị của quần chúng-công tác binh địch vận), liên tục tấn công địch ở khắp ba vùng chiến lược: rừng núi, đồng bằng, đô thị; tiêu diệt địch ở trước mặt và đánh mạnh vào cả cơ quan đầu não, căn cứ trọng yếu nằm sâu tận hang ổ, sào huyệt cuối cùng của chúng. Còn ở tuyến sau, các căn cứ địa cách mạng, các cơ sở hậu phương quân đội luôn được xây dựng, củng cố vững chắc, làm chỗ dựa tin cậy và chi viện đắc lực cho tiền tuyến đánh thắng kẻ thù.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, đứng đầu là vị chỉ huy tối cao Hồ Chí Minh, cùng với quân và dân anh hùng của mình Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã điều hành cuộc chiến tranh toàn dân thần kỳ của dân tộc Việt Nam đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự. Đường lối chiến lược kháng chiến trường kỳ, toàn dân toàn diện đã đánh bại và làm phá sản hoàn toàn đường lối chiến lược tốc chiến tốc thắng và các chiến lược khác của những tên đế quốc hùng mạnh nhất thế kỷ XX. Đây là sự kiện có một không hai của lịch sử quân sự thế giới.
* Phát triển các lực lượng quân sự thích ứng với từng thời kỳ
Được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao trọng trách Tổng Tư lệnh kiêm Bí thư Quân ủy Trung ương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hiểu rõ hơn ai hết vai trò của tổ chức thực hiện có ý nghĩa hết sức quan trọng. Ông đặc biệt quan tâm nghiên cứu, xây dựng, phát triển các lực lượng quân sự thích ứng với tình thế từng thời kỳ của chiến tranh.
Từ 34 người vào tháng 12/1944, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng bước xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam thành một quân đội với hơn một triệu người năm 1975. Đại tướng có tất cả những đơn vị chiến đấu giỏi, những đơn vị phục vụ chiến đấu tinh thông nghiệp vụ trong hoàn cảnh đất nước còn nghèo, lạc hậu.
Theo đó, Bộ đội chủ lực đã có những trung đoàn, sư đoàn, quân đoàn, binh đoàn trở thành những “Quả đấm thép”, những đơn vị anh hùng có năng lực và hiệu suất chiến đấu rất cao. Bộ đội đặc công đặc biệt tinh nhuệ, từng giáng cho địch những đòn sấm sét kinh hoàng được xây dựng thành một binh chủng chính quy là một điều lạ và hiếm thấy trong quân đội các nước trên thế giới. Dân quân du kích, tự vệ chiến đấu, bộ đội địa phương phát triển lớn mạnh vượt bậc, có khả năng bắn rơi máy bay, bắn chìm tàu chiến, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực các đơn vị chính quy của địch. Ngành tình báo quân sự và tình báo chiến lược Việt Nam cực kỳ mưu trí, tài giỏi.
Các chiến sĩ ngành quân y, văn công, phóng viên ra tận tuyến lửa, trận địa phục vụ chiến đấu. Các “anh nuôi” với cái bếp mang tên người anh hùng Hoàng Cầm, đưa cơm ăn, nước uống đến tận chiến hào. Lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, các chiến sĩ bộ binh… mang vác nặng hành quân bộ hàng trăm, hàng ngàn cây số ra mặt trận, vượt qua biết bao sông suối, núi rừng, đói rét, bệnh tật, đạn bom mà lòng vẫn vui phơi phới, tràn đầy niềm tin tất thắng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng chính là người đã đề xuất và trực tiếp chỉ đạo, tổ chức mở sớm Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Đồng thời, còn phát triển thêm tuyến chi viện trên biển. Tác dụng của những con đường này vô cùng to lớn đối với công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.
* Nghệ thuật quân sự đỉnh cao
Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất cẩn trọng trong so sánh tương quan lực lượng đôi bên. Ông theo dõi sát, nắm rất chắc tình hình cả lâu dài và trước mắt ở chiến trường và tại chính quốc, phân tích sâu kỹ một cách hết sức khách quan, khoa học, nhờ đó, đã “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, hạn chế chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của địch, làm suy yếu lực lượng, suy kiệt tinh thần rồi tranh thủ thời cơ hạ gục đối phương.
Về chiến lược, Đại tướng Võ Nguyên Giáp biết chủ chương phòng ngự, cầm cự, tấn công tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, tránh tổn thất lớn cho ta và khi đã tạo được thế cân bằng hoặc vượt trội, thì lập tức chuyển sang phản công, tấn công mạnh mẽ làm cho địch tổn thất nặng nề.
Về chiến dịch, chiến thuật và trong chiến đấu, khi địch tập trung binh hỏa lực mở những cuộc hành quân quy mô lớn, các đơn vị vũ trang Việt Nam sẽ phân tán lực lượng, tránh đối đầu trực diện, khiến địch không tìm thấy đối phương, đánh vào chỗ trống, tốn rất nhiều sức lực. Đồng thời, quân chủ lực của ta tập trung lực lượng bất thần đánh vào chỗ yếu và hiểm yếu sơ hở, khiến địch bị thương vong.
Với nghệ thuật quân sự trên, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã buộc đế quốc Pháp từ tấn công ồ ạt bị thất bại, phải chuyển sang phòng ngự, cuối cùng là co cụm trong các cứ điểm kiên cố, để rồi nhận thất bại cay đắng ở Điện Biên Phủ. Còn đế quốc Mỹ phải bốn lần thay đổi chiến lược quân sự: “Lập ấp chiến lược dồn dân, bình định nông thôn”, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, chiến lược “Chiến tranh cục bộ” và cuối cùng là chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Cuối cùng, tất cả âm mưu xâm lược đều thất bại.
Trong một bài báo, nhà sử học người Pháp Gioóc giơ Buđarren từng viết: phải có một bản lĩnh lớn, Võ Nguyên Giáp mới thuyết phục được các cố vấn Trung Quốc từ bỏ ý định “Đánh nhanh, thắng nhanh với chiến thuật đầu nhọn, đuôi dài, nở hoa trong lòng địch”. Và mọi người đã chấp thuận cách đánh của ông - cách đánh của Việt Nam “Bao vây, đánh lấn, đánh chắc, tiến chắc” theo kiểu bóc vỏ, xẻ múi, nghiền hạt. Tướng Giáp đã bắt sống con nhím khổng lồ Điện Biên Phủ, không cho nó xổng chuồng”…
Bách khoa toàn thư quân sự Bộ Quốc phòng Mỹ xuất bản năm 1993 viết: “Tài thao lược của Tướng Giáp về chiến lược, chiến thuật và hậu cần được kết hợp nhuần nhuyễn với chính trị và ngoại giao… Sức mạnh hơn hẳn về kinh tế, tính ưu việt về công nghệ cùng với sức mạnh áp đảo về quân sự và hỏa lực khổng lồ của các quốc gia phương Tây đã phải khuất phục trước tài thao lược của một vị tướng từng một thời là thầy giáo dạy sử”.
Nhà sử học quân sự Mỹ Xêxi B.Curi trong tác phẩm “Chiến thắng bằng mọi giá”, đã nhận xét: “… Võ Nguyên Giáp, vị Đại tướng thiên tài của Việt Nam. Ông không chỉ trở thành huyền thoại mà có lẽ còn trở thành một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của các thời đại. Trong lịch sử, ít người có những thành tựu quân sự sánh kịp ông…” .
* Chiều sâu nhân văn trong tư tưởng quân sự
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng tài đức song toàn, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta luôn bày tỏ lòng yêu quý, kính trọng và tự hào về tài, đức của ông. Thế giới cũng rất nể phục nhân cách, đức độ của ông.
Không phải ngẫu nhiên mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp được ví như "một cây đại thụ rợp bóng nhân văn". Thông thường, một vị tướng cầm quân khi ra trận, cái đích bao giờ cũng phải là "quyết đánh, quyết thắng". Thế nhưng, bên cạnh tư tưởng ấy, ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp không phải là "thắng bằng mọi giá", mà là quyết chiến, quyết thắng trên cơ sở hạn chế thấp nhất sự hy sinh, mất mát của bộ đội. Ông đau trước từng vết thương, tiếc từng giọt máu của của tướng sĩ. Đại tướng luôn ghi nhớ câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có trận thắng nào gọi là đẹp cả”. Không ít lần Đại tướng đã rơi nước mắt trước những thương vong, tổn thất của đồng bào, chiến sĩ, trước sự hy sinh anh dũng của học sinh, sinh viên ở dòng sông Thạch Hãn, Thành cổ Quảng Trị. Trước những chiến dịch, những trận đánh, Đại tướng thức thâu đêm suy tính làm sao giành thắng lợi to lớn nhất với thương vong ít nhất.
Không những thế, trong các trận đánh, ông không có tư tưởng "tiêu diệt sạch sành sanh, đánh đến tên giặc cuối cùng". Đó chính là tư tưởng quân sự mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong con người Đại tướng. Là người Tổng Chỉ huy quân đội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hiểu rõ hơn ai hết cái giá phải trả của chiến tranh. Đại tướng xem việc quý trọng sinh mạng con người không chỉ là vấn đề đạo đức, trách nhiệm mà còn là thước đo trình độ và phẩm chất văn hóa của người cầm quân.
Dĩ công vi thượng, sống khiêm tốn, giản dị, thanh cao, quyết đoán nhưng dân chủ, kỷ luật, bao dung và nhân hậu, hết lòng yêu thương con người, đánh thắng kẻ thù nhưng ta thương vong thấp nhất… đó là nhân cách phi thường của thiên tài quân sự Võ Nguyên Giáp.
Trong tác phẩm “Võ Nguyên Giáp-Con người và huyền thoại”, nhà báo, nhà sử học Bernard Fall đã đánh giá: “Trong một tương lai có thể thấy trước, phương Tây chưa thể đào tạo được một vị tướng nào sánh kịp Võ Nguyên Giáp”./.
Minh Duyên