Đặng Nhật Minh: Người nghệ sĩ nặng tình với Hà Nội

Hà Nội (TTXVN 5/10/2023) Chiều 5/10/2023, tại Hà Nội, Ban tổ chức “Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” của Báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) đã trao “Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội” cho đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh vì đã cống hiến cho Hà Nội những tác phẩm văn học, điện ảnh xuất sắc. Tuy không sinh ra ở Hà Nội, nhưng tên tuổi và sự nghiệp của ông lại gắn liền với mảnh đất kinh kỳ nghìn năm văn hiến. Ông gửi sự trân quý Hà Nội qua nhiều bộ phim chạm đến trái tim khán giả với nhiều góc nhìn, khía cạnh.

Trao "Giải thưởng Lớn -Vì tình yêu Hà Nội" cho NSND- đạo diễn Đặng Nhật Minh.

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh đến với điện ảnh là tay ngang, như là số phận đã sắp đặt cho ông một sứ mệnh để làm nên những tác phẩm kinh điển của cho nền điện ảnh nước nhà và mang văn hóa, phong tục và câu chuyện của người Việt Nam đến với thế giới.

* Một tình yêu mãnh liệt với Hà Nội
Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh sinh năm 1938 tại Huế, là con trai của Giáo sư - bác sĩ Đặng Văn Ngữ - bác sĩ tài năng của nền y học Việt Nam, còn mẹ là bà Tôn Nữ Thị Cung - một người phụ nữ giỏi giang, xinh đẹp. Không như mong muốn của cha là thành một bác sĩ, Đặng Nhật Minh từ một phiên dịch viên tiếng Nga cho các đoàn chuyên gia về dạy tại trường điện ảnh, đã bước chân vào lĩnh vực này và đi đến tận cùng trong vai trò đạo diễn.

Tuy sinh ra ở Huế nhưng Hà Nội mới là nơi đạo diễn Đặng Nhật Minh gắn bó hơn cả, khi dành đến hơn ba phần tư cuộc đời để sống, làm việc và trải nghiệm. Với Hà Nội, đạo diễn Đặng Nhật Minh tự nhận ông quen thuộc với mọi ngóc ngách của thành phố, quen biết với những con người sống ở đây thuộc đủ mọi thành phần. Hà Nội cũng là nơi lần đầu tiên ông tiếp xúc với điện ảnh để rồi gắn bó cuộc đời với môn nghệ thuật thứ bảy cho mãi đến bây giờ. Vì vậy Đặng Nhật Minh có một tình yêu mãnh liệt với Hà Nội, đi đâu xa cũng nhớ về mảnh đất này.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh đã gửi sự trân quý Hà Nội qua nhiều bộ phim chạm đến trái tim khán giả với nhiều góc nhìn, khía cạnh. Có thể kể đến những bộ phim: “Hà Nội mùa đông năm 46" khắc họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng quân dân Thủ đô trong thời khắc lịch sử "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh"; phim "Mùa ổi" với những con người thuần khiết, thiện lương; phim "Đừng đốt" kể về liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, người con gái Hà Nội dịu dàng, vị tha, kiên cường, dũng cảm. Và đến “Hoa nhài” - một bộ phim giản dị, dịu dàng về những con người mộc mạc với trái tim nóng và tâm hồn đẹp đẽ, ngát hương, rất Hà Nội.

Ông từng tâm sự: “Hà Nội với chiều dài lịch sử ngàn năm là chất liệu đặc biệt và tạo cảm hứng cho rất nhiều loại hình nghệ thuật, trong đó có điện ảnh. Mỗi người nhìn Hà Nội một góc khác nhau, riêng tôi nhìn Hà Nội bằng cảm xúc của một người Việt luôn khát khao hòa bình và đó cũng là cảm hứng để tôi làm bộ phim “Hà Nội mùa Đông năm 46”.

Được sản xuất năm 1996, bộ phim “Hà Nội mùa đông năm 46” mang tính luận đề cao khi khắc họa một thời điểm khốc liệt của lịch sử đất nước diễn ra trên đất Thủ đô. Những thước phim lịch sử gắn liền với cuộc chiến đấu anh dũng, hào hùng của những chiến sĩ tự vệ thành được ông đưa vào phim “Hà Nội mùa đông năm 46”, tái hiện nên một trang sử bi tráng, hào hùng của dân tộc. Có thể nói, đây là một bộ phim về Bác Hồ, về Hà Nội hay và xúc động. Hình tượng Bác Hồ qua tài năng diễn xuất của nghệ sĩ Tiến Hợi lung linh, vĩ đại trong sự giản dị, gần gũi. Hà Nội và người Hà Nội hiện lên thật sinh động và thắm thiết tình người.

Ông cũng có biệt tài thể hiện một cách tinh tế những vấn đề nhạy cảm trong từng giai đoạn của đất nước. Bộ phim “Mùa ổi” (năm 2000) nói về một gia đình tiểu tư sản trí thức Hà Nội cũ trải qua những biến động của công cuộc cải tạo nhà đất những năm 60 thế kỷ trước nhưng vẫn giữ phẩm giá và nhân cách như những tính cách điển hình của người Hà Nội. Trước khi “Mùa ổi” được đưa lên màn ảnh, Đặng Nhật Minh đã kể chuyện này qua truyện ngắn “Ngôi nhà xưa”. Câu chuyện trong gia đình ông nhưng cũng là câu chuyện xã hội Hà Nội cuối những năm 50, đầu những năm 60 của thế kỷ trước. Sự chia sẻ với người thân những đau thương mất mát, sự nghiền ngẫm, suy nghĩ của người sáng tạo vào một thời điểm sung sức nhất đã kết tinh thành phim “Mùa ổi”.

Với Đặng Nhật Minh, Hà Nội cũng như những con người nơi đây rất nhân ái và sâu sắc. Trong phim “Đừng đốt” (năm 2009), nữ bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm không chỉ là một hình ảnh đẹp về một nữ bác sĩ dũng cảm, đầy tinh thần trách nhiệm trong việc cứu chữa, chăm sóc thương bệnh binh mà còn là một người con gái Hà Nội lãng mạn, khát khao yêu thương. Tác phẩm nhận về hàng loạt giải thưởng, những lời tán dương và công nhận từ quốc tế nhờ có góc nhìn đầy nhân văn, nhân bản về con người trong chiến tranh.

Trong hành trình sự nghiệp của mình, đạo diễn Đặng Nhật Minh luôn thao thức, đau đáu làm một tác phẩm sâu sắc về Hà Nội như một lời tri ân đến mảnh đất mà ông luôn nặng lòng. Trong những tháng ngày đi tìm tư liệu để viết kịch bản, làm phim về Hà Nội, ông đã nhận ra: “Người ta thường nói trong nền kinh tế thị trường hiện nay người Hà Nội không còn như xưa nữa. Họ trở nên thực dụng hơn, ích kỷ hơn… không còn vẻ thanh lịch vốn có. Nhưng đó chỉ là bề ngoài. Sâu thẳm bên  trong, trong từng con người, từng gia đình… những vẻ đẹp truyền thống của người Hà Nội vẫn còn được lưu giữ hết đời này qua đời khác. Từ xa xưa người Việt Nam thường ví những vẻ đẹp đó như mùi thơm của hoa Nhài (nhẹ nhàng, thoang thoảng, nhưng sâu lắng).
“Chẳng thơm cũng thể hoa Nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”

Từ tâm sự của người đạo diễn nặng lòng với Hà Nội, có thể thấy, khởi nguồn của bộ phim “Hoa Nhài” đến từ tình yêu sâu thẳm với Hà Nội, đến từ hai câu thơ mà đạo diễn tâm đắc. Đạo diễn Đặng Nhật Minh gọi đây là bộ phim "tâm huyết lúc cuối đời", tác phẩm cuối cùng trong sự nghiệp của mình. “Hoa Nhài” là bộ phim được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên do chính ông chắp bút và được bấm máy khi ông 81 tuổi. Sau 3 năm 5 tháng 21 ngày, tháng 8/2022 bộ phim đã hoàn thành dẫu phải thực hiện trong suốt những năm tháng đất nước gồng mình vì đại dịch COVID-19. “Hoa Nhài” được lựa chọn công chiếu mở màn cho Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2022 trong sự quan tâm của công chúng yêu điện ảnh cũng như truyền thông. Trung tâm chiếu phim Quốc gia lần đầu tiên đã phải mở thêm một phòng chiếu song song với 200 ghế nữa để phục vụ khán giả.

Phát biểu cảm xúc trước buổi công chiếu bộ phim, đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh bộc bạch: “Tôi xin cám ơn đông đảo anh em làm phim đã giúp đỡ. Tôi cũng xin cám ơn bạn bè trong nước, ngoài nước và cám ơn những người thân trong gia đình đã cổ vũ, động viên. Trên hết, tôi cám ơn Hà Nội và những người Hà Nội mà chúng tôi thường gặp hàng ngày trên đường phố. Những người đã truyền cho chúng tôi cảm hứng để làm ra bộ phim”.

“Hoa Nhài” lấy bối cảnh Hà Nội của những năm 2000, tái hiện nhiều mảnh đời, nhiều cuộc đời chảy trôi trong lòng thành phố. Phim nói về tình người, sự cưu mang đùm bọc lẫn nhau của những người lao động nghèo nơi thành thị. Tình tiết trong phim đều là những câu chuyện mà ông được chứng kiến ngoài đời thực, gần nơi ông sống. Phim đã khắc họa một Hà Nội mộc mạc, gần gũi nhưng giàu lòng trắc ẩn. Cho dù Hà Nội có nhiều biến động trong quá trình chuyển mình nhưng sau tất cả, sợi dây níu kéo và gắn kết tất cả các tuyến nhân vật là lòng tốt, sự tử tế, tình yêu thương, sẻ chia giữa người với người. “Hoa Nhài” gửi gắm thông điệp về tình yêu thương, về sự tin yêu vào giá trị cốt lõi, bền bỉ của Hà Nội, giống như lời khẳng định của đạo diễn Đặng Nhật Minh: “trong con người Hà Nội bây giờ vẫn còn cái chất "hoa nhài". 

Với “Hoa Nhài”, đạo diễn Đặng Nhật Minh xứng đáng được UBND TP Hà Nội trao tặng bằng khen dành cho đạo diễn có bộ phim đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của thành phố.

* Cây đại thụ của nền điện ảnh Việt Nam
Là một trong những tên tuổi quan trọng nhất trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, Đặng Nhật Minh như làn gió tươi mới “thổi” vào điện ảnh Việt với cách tư duy mới, đầy sáng tạo, vượt qua những khuôn khổ thẩm mỹ của điện ảnh cách mạng lúc bấy giờ để hướng đến những vấn đề con người, vấn đề nhân loại quan tâm và mang đậm hơi thở thời đại.

Dẫu chưa từng qua một trường lớp chính qui nào về điện ảnh, nhưng cái tên Đặng Nhật Minh dường như đã gắn liền với những tác phẩm điện ảnh mang tính nghệ thuật đích thực. Nhắc đến ông, người ta nhớ ngay đến những bộ phim đã đi vào lịch sử điện ảnh Việt Nam như: "Bao giờ cho đến tháng mười", "Cô gái trên sông", "Thương nhớ đồng quê", "Trở về", "Mùa ổi", "Đừng đốt"… Đặc biệt bộ phim "Bao giờ cho đến tháng 10" của ông sản xuất năm 1985 nhận được Giải Đặc biệt tại LHP Quốc tế Hawaii - Mỹ năm 1985 và năm 2008 được đài truyền hình CNN bình chọn là một trong 18 phim Châu Á hay nhất mọi thời đại… Ông đã góp phần không nhỏ vinh danh điện ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.

NSND Đặng Nhật Minh cho rằng, mỗi bộ phim là một thông điệp mang tính cá nhân của tác giả, đòi hỏi phải làm hết mình để chinh phục được khán giả, bằng xúc cảm và sự chân thành. Vì thế, đa số phim của ông, đều do ông tự viết kịch bản, để thể hiện được trọn vẹn ý tưởng của mình. Vừa là đạo diễn vừa là tác giả kịch bản, thậm chí nhiều bộ phim còn được chuyển thể từ chính truyện ngắn của mình - nét riêng ấy góp phần không nhỏ tạo sự thống nhất về mặt biểu đạt trong các tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Đặng Nhật Minh.

Phim của Đặng Nhật Minh thể hiện cá tính sáng tạo, chất riêng khó nhầm lẫn. Với đạo diễn Đặng Nhật Minh, ông làm phim là để khẳng định cái đẹp, tính nhân ái, cao thượng. Đa phần các phim của ông ít có nhân vật ác, số đông là nhân vật lương thiện, nhuần nhị, thuần khiết. Vị đạo diễn tài hoa quan niệm, tác phẩm điện ảnh phải mang tới cảm xúc, sự rung động. Bởi lẽ, những gì đi từ trái tim sẽ dễ dàng đến được với trái tim của người khác. Có lẽ vì thế mà phim của ông luôn ngập tràn cảm xúc, khiến người xem bị ám ảnh, day dứt về những vấn đề đặt ra trong phim. Tác phẩm của ông luôn hướng đến thân phận con người với những vấn đề khái quát mang tính số phận của dân tộc, của nhân loại. Đó cũng là lý do Thời báo Nihon Keizai (Nhật) chọn ông để trao giải Nikkei Asia Prize với lời trân trọng: "Đặng Nhật Minh - người nghệ sĩ đã bằng điện ảnh nói lên tâm tư, tình cảm của dân tộc mình và cũng là của các dân tộc châu Á, ra với thế giới".

Xuyên suốt sự nghiệp, đạo diễn Đặng Nhật Minh giành nhiều giải thưởng cá nhân lớn, như: Giải Thành tựu trọn đời vì những cống hiến xuất sắc cho điện ảnh châu Á tại Liên hoan phim quốc tế Gwangju 2005. Ông được phong tặng danh hiệu NSND năm 1993, nhận Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1998. Năm 2007, đạo diễn nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh cho bộ tác phẩm: “Thị xã trong tầm tay,” “Bao giờ cho đến tháng Mười,” “Hà Nội-mùa Đông năm 46” và “Mùa ổi”. Năm 2010, NSND Đặng Nhật Minh được Viện Hàn lâm Điện ảnh Hoa Kỳ vinh danh tại Hollywood là đạo diễn có đóng góp xuất sắc cho điện ảnh Việt Nam. Năm 2022, ông được Đại sứ Pháp Nicolas Warnery trao tặng Huân chương Hiệp sĩ Văn học Nghệ thuật cao quý của Pháp...

Cả cuộc đời làm nghệ thuật, đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh đã vượt qua nhiều rào cản, không ngừng rèn giũa tài năng và vốn sống, khát khao thực hiện những tác phẩm mang vẻ đẹp chân-thiện-mỹ, hướng về Tổ quốc và nhân dân. Nhưng khi nói về thành công của mình, NSND Đặng Nhật Minh chỉ giản dị: "Tôi không phải là người có những tìm tòi phát hiện mới mẻ về hình thức và ngôn ngữ điện ảnh. Tôi chỉ là người kể chuyện về đất nước mình, kể chuyện một cách chân thành".

Giờ đây, dù đã ở tuổi ngoài 80, sức khỏe đã yếu, bước chân đã run, song NSND Đặng Nhật Minh vẫn miệt mài lao động nghệ thuật. Ông thực sự là tấm gương sáng, biểu tượng của điện ảnh Việt về tài năng nghệ thuật và sự miệt mài trong lao động sáng tạo. Với đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh: “tình yêu và sự say mê với điện ảnh trong tôi không bao giờ vơi, thậm chí ngày càng đầy thêm cùng với tuổi tác. Nếu tổng kết về các phim tôi đã làm tôi có thể nói: đó là những phim làm từ những cảm xúc chân thành của tôi đối với con người, với đất nước, với Hà Nội. Đó là một thứ điện ảnh của cảm xúc…”./.

Diệp Ninh (tổng hợp)